"Chết vì cái thái độ": Muốn không phải lo 'chìm' trong thất bại, người trẻ hãy sắm cho mình những chiếc 'phao' thành công này trước tuổi 30

04/05/2018 14:24 PM | Sống

Từng có kinh nghiệm làm việc với lớp trẻ hơn 20 năm, đây là những bài học mà tôi nghĩ thời thanh xuân nông nổi ai cũng đã từng trải qua. Bạn trẻ nào tiếp thu được thì sớm thành đạt, còn không thì mãi chìm trong thất bại.

Trước hết, tôi xin phép được chia sẻ một câu chuyện ngắn:

Một ông bố bợm rượu có hai người con sinh đôi. Sau 20 năm, một người gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp; người còn lại thì nghèo khổ, ngày ngày bươn chải ngược xuôi vì miếng cơm manh áo.

Một người phóng viên tò mò quyết định phỏng vấn cặp sinh đôi này để tìm ra nguyên nhân đằng sau sự khác biệt. Kết quả thật bất ngờ, họ đồng thanh trả lời: "Tôi được như thế này ngày hôm nay là nhờ bố tôi đấy!"

Tuy đều xuất thân trong cùng một gia đình, họ trải qua những cuộc đời rất khác nhau. Sự khác biệt này phần lớn tới từ sự khác nhau trong quá trình nhận thức của mỗi người.

Người thành công thường nghĩ: "Tôi muốn mình hạnh phúc. Tôi là người chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của mình. Muốn thành công, không thể quá trông mong vào sự giúp đỡ của người khác. Muốn thành công, tôi phải nỗ lực, phải cố gắng nhiều hơn nữa."

Ngược lại, người thất bại thường tự nhủ: "Hạnh phúc của tôi được dựng xây, vun vén bởi bố mẹ. Bố mẹ mà không ổn, hạnh phúc của tôi đương nhiên cũng sẽ không ổn". Họ là những người luôn dựa dẫm vào người khác – đặc biệt là bố mẹ, để có được hạnh phúc.

Chết vì cái thái độ: Muốn không phải lo chìm trong thất bại, người trẻ hãy sắm cho mình những chiếc phao thành công này trước tuổi 30 - Ảnh 1.

Aristotle – Triết gia Hy Lạp cổ đại từng nói rằng: "Sự ưu việt không phải là một hành động, mà là một thói quen."

Thật vậy, chúng ta có được sự ưu việt bằng việc thực hiện những hành động lặp đi lặp lại với mô thức tư duy đúng đắn. Mô thức tư duy khác nhau sẽ dẫn chúng ta tới những bến đỗ khác nhau trong cuộc đời.

Jack Hodge đã từng viết trong "Sức mạnh của thói quen": "Suy nghĩ quyết định hành động. Hành động tạo ra thói quen. Thói quen định hình nên tính cách. Tính cách tác động lên vận mệnh".

Cách chúng ta suy nghĩ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời của chúng ta. Mạnh dạn vứt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, lỗi thời, đồng thời rèn luyện suy nghĩ tích cực, phép màu cuộc sống sẽ đến với bạn ngay tức thì!

Xin phép được chia sẻ với các bạn một số quan điểm của thầy tôi – người đã giúp tôi đập tan xiềng xích của sự khổ đau và hướng tôi đến một cuộc đời đầy ắp niềm tin và hy vọng.

Chết vì cái thái độ: Muốn không phải lo chìm trong thất bại, người trẻ hãy sắm cho mình những chiếc phao thành công này trước tuổi 30 - Ảnh 2.

(1) "Góc nhìn không bàn chuyện đúng sai, chỉ bàn đến độ hiệu quả"

Bạn có thể định nghĩa được một cách chính xác thế nào là một góc nhìn đúng không? 2 câu chuyện dưới đây sẽ làm sáng tỏ vấn đề này:

Câu chuyện thứ nhất

Một người vô tình bị cuốn vào dòng nước xoáy. Dòng nước tháng 11 bấy giờ rất lạnh, người bình thường nếu bị cuốn vào dòng nước ấy chỉ có thể sống không quá 3 phút.

Người này chết đuối trong lúc cố gắng vẫy vùng tìm lối thoát. Chỉ 2 phút sau khi người ấy buông xuôi, dòng nước đánh thi thể của người ấy dạt vào bờ.

Bình thường, khi ở giữa dòng nước, nhanh chóng tìm đường bơi về bờ là giải pháp sáng suốt nhất. Tuy nhiên, nếu đây là dòng nước xoáy, cách tốt nhất để thoát lại là để mình bị cuốn vào tâm xoáy, sau đó lặn xuống dưới rồi mới bơi ra ngoài.

Có người dành cả đời cố gắng đạt được điều mình muốn, không ngờ rằng nếu chỉ nỗ lực thêm 2 phút, họ đã có được điều ấy rồi.

Câu chuyện thứ hai

Thông thường, khi chân bạn dẫm vào cát, bạn chỉ việc nhấc chân lên, lắc chân vài cái, bạn đã rũ sạch hết cát.

Tuy nhiên ở các cửa sông – nơi có nhiều nước và đất sét – thường có cát lún. Nếu chẳng may trượt chân vào, chúng ta phải làm sao?

Một chuyên gia sinh tồn chia sẻ, khi rơi vào vũng cát lún, càng cố gắng vùng vẫy thoát ra, càng bị lún sâu vào cát, cuối cùng chìm nghỉm trong vô vọng. Cách tốt nhất để thoát, đó là bình tĩnh không làm gì cả, chờ cát sụt xong rồi nhẹ nhàng bò ra ngoài.

Từ hai câu chuyện trên, rút ra: "Khi rơi vào những hoàn cảnh khác nhau, góc nhìn cần có sự thay đổi. Góc nhìn không bàn chuyện đúng sai, chỉ bàn đến độ hiệu quả."

Chết vì cái thái độ: Muốn không phải lo chìm trong thất bại, người trẻ hãy sắm cho mình những chiếc phao thành công này trước tuổi 30 - Ảnh 3.

(2) "Không có góc nhìn nào là tuyệt đối hoàn hảo"

Lão Tử trong Đạo Đức Kinh giảng thế này: "Thế giới quan – Chiếc la bàn định hướng cho cuộc sống – Không ngừng vận động và biến đổi từng ngày."

Không một suy nghĩ, một góc nhìn, một quan điểm nào là trường tồn theo thời gian. Chúng luôn luôn biến đổi để phù hợp và thích nghi với sự thay đổi của thời đại.

Giả sử bạn thuộc phòng ban A của một công ty. Phòng ban đó ngoài bạn còn có 3 người đồng sự. Cấp trên yêu cầu chọn người giỏi nhất làm quản lý, trớ trêu trong bảng thành tích bạn thường xếp ở vị trí thứ 2.

Nếu bạn là người có chí tiến thủ và bạn không có ý định nhảy việc, bạn sẽ phản ứng thế nào:

Phản ứng 1: Nỗ lực hết mình, đoàn kết với những người còn lại để "lật đổ" cấp trên.

Phản ứng 2: Nói xấu cấp trên, dè bỉu dèm pha người được chọn.

Phản ứng 3: Ủng hộ quyết định của cấp trên, chúc mừng cho người được chọn, tiếp tục làm tốt phần việc của mình.

Bạn chọn cho mình cách phản ứng nào? Thực ra, không có đáp án nào là chính xác tuyệt đối. Hoàn cảnh khác nhau, lợi ích khác nhau, từ đó cách phản ứng cũng sẽ khác nhau:

Phản ứng 1 thường là phản ứng của bạn nếu phòng ban này chỉ có một vị trí quản lý, và vị trí này sẽ không thay đổi trong thời gian dài.

Bởi lợi ích trong trường hợp này là hữu hạn và mang tính độc quyền, bạn vẫn có thể cố gắng, nỗ lực hết mình để phấn đấu dành vị trí quản lý, nhưng bạn sẽ mất kha khá thời gian. Tuy nhiên bạn vẫn phấn đấu để có thể thu về lợi ích cao nhất, bạn đang tư duy theo kiểu Thắng – Thua.

Phản ứng 2 thường là phản ứng của bạn nếu phòng ban này chỉ có một vị trí quản lý, và bạn cho rằng người được chọn không xứng đáng.

Bởi lợi ích trong trường hợp này là hữu hạn, ai lên làm vị trí quản lý cũng làm bạn cảm thấy bức bối, khó chịu. Bạn cho rằng không một ai ngoài bạn có khả năng giữ vị trí này. Khi ấy, bạn đang tư duy theo kiểu Thua – Thua.

Phản ứng 3 thường là phản ứng của bạn nếu như công ty trong thời gian tới hứa hẹn nhiều vị trí trống, hoặc bạn không có dự định làm lâu dài trong công ty này.

Bởi lợi ích trong trường hợp này còn nhiều. Nếu như bạn ủng hộ quyết định của cấp trên, cũng như chúc mừng cho người được chọn, trong tương lai họ có thể sẽ là người giúp bạn thăng tiến. Trường hợp này, bạn đang tư duy theo kiểu Thắng – Thắng.

Có thể thấy, với mỗi tình huống khác nhau, ta sẽ có những phản ứng khác nhau. Không có mô thức tư duy nào là hoàn hảo, chúng sẽ biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh và vị thế của chủ thể.

Thời xưa, phụ nữ phải theo tam tòng: "Tại gia tòng phụ (Người phụ nữ khi ở nhà phải nghe theo cha). Xuất giá tòng phu (Người phụ nữ lúc lấy chồng phải ngheo theo chồng). Phu tử tòng tử (Nếu chồng qua đời, người phụ nữ phải theo con trai)". Phụ nữ thời xưa cũng phải có tứ đức, gồm phụ công (việc nữ công, gia chánh phải khéo léo), phụ dung (dáng người đàn bà phải hoà nhã), phụ ngôn (lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng) và phụ hạnh (tính nết hiền thảo).

Phụ nữ thời nay, tam tòng tứ đức dần thay đổi, trở thành: "Vợ ra ngoài, chồng đi theo. Vợ bảo, chồng tuân lệnh. Vợ sai, chồng phải ngó lơ. Vợ trang điểm, chồng phải nhẫn nại chờ đợi. Vợ nổi xung, chồng phải kiên nhẫn chịu đựng. Vợ tiêu tiền, dù nhiều dù ít, chồng cũng phải thấy vui. Sinh nhật vợ, chồng phải nhớ."

Thuyết "tam tòng, tứ đức" thay đổi, để phù hợp với sự thay đổi của xã hội, đặc biệt khi giá trị của người phụ nữ ngày càng được đề cao.

Trên đời này, thứ duy nhất không bao giờ thay đổi, chính là sự thay đổi. Đối với những tình huống hoàn cảnh cụ thể, chúng ta cần linh hoạt lựa chọn góc nhìn phù hợp, thay vì cố chấp giữ vững quan điểm của mình.

Chết vì cái thái độ: Muốn không phải lo chìm trong thất bại, người trẻ hãy sắm cho mình những chiếc phao thành công này trước tuổi 30 - Ảnh 4.

(3) "Mọi nỗ lực đều sẽ được đền đáp"

Người ta thường nói: "Nỗ lực hết mình sẽ được đền đáp xứng đáng".

Thực vậy, trong đại đa số trường hợp, chúng ta phải bỏ mồ hôi công sức để đạt được điều chúng ta muốn. Ví dụ, người làm nông vào mùa xuân ngày ngày bón phân trồng cây, chờ đến mùa thu để thu hoạch thành quả.

Chúng ta vất vả học tập chăm chỉ ở trường để có thể thu về nền tảng kiến thức vững chắc.

Tuy nhiên, mệnh đề trên chỉ đúng khi bạn xác định được lựa chọn nào là đúng, phương hướng nào bạn nên đi.

Ví dụ, bạn muốn trồng một cây tre xuống đất, hy vọng rằng cây của mình sẽ đâm chồi nảy lộc. Mặc dù trong suốt 1 năm ròng rã, ngày nào cũng như ngày nào, từ sáng muộn đến đêm khuya, bạn chăm chỉ tưới nước cho cây tre, cây tre cũng không mọc lá xanh tốt. 

Thay vào đó, cây tre của bạn chỉ ngày càng già đi, ngày càng trở nên mục ruỗng. Tại sao vậy? Bởi bạn đã lựa chọn sai phương pháp.

Trẻ bị đói, bạn cho chúng uống sữa. Tuy nhiên, càng uống, chúng càng cảm thấy đói. Tại sao vậy? Bởi bạn đã lựa chọn sai phương pháp.

Nhà của bạn ở hướng Tây, nơi bạn muốn đến ở hướng Bắc. Nếu bạn cứ đi về hướng Tây, liệu bạn có đến được nơi bạn muốn đến không?

Có một câu rất hay thế này: Định vị sai, cả đời lưu bạt. Lựa chọn không đúng, công sức "đổ sông đổ bể".

Đôi khi, quan trọng không phải là sự nỗ lực, mà là những sự lựa chọn. Nếu bạn chọn sai đường, càng đi bạn sẽ càng cực khổ, càng đi bạn sẽ càng xa rời cái đích bạn hướng tới.

Chết vì cái thái độ: Muốn không phải lo chìm trong thất bại, người trẻ hãy sắm cho mình những chiếc phao thành công này trước tuổi 30 - Ảnh 5.

(4) "Cứ là vàng thì sẽ phát quang"

Chúng ta luôn mặc nhiên công nhận điều này. Nhưng chúng ta liệu có biết rằng: Trong điều kiện bình thường, vàng không hề phát quang.

Vàng thường được tìm thấy trong các quặng ở sâu dưới lòng đất. Để tách vàng ra khỏi quặng, đầu tiên vàng được nghiền nát, sau đó dùng nước rửa trôi lớp bùn cát, chỉ giữ lại phần hợp kim vàng kẽm.

Khi lượng vàng ước tính đạt khoảng 700 đến 800 gram, người ta phun axit sulfuric hoặc axit nitric để tách vàng thô ra khỏi hợp kim. Sau nhiều lần lặp đi lặp lại, vàng thô dần được tinh chế thành vàng nguyên chất. Với phương pháp này, vàng đạt độ nguyên chất từ 95 đến 97%.

Vàng muốn nguyên chất phải trải qua bao lần bị nghiền nát, bào mòn, sau đó mới dần dần trở thành một miếng vàng bóng loáng, toả ánh hào quang rực rỡ, có giá trị như chúng ta vẫn biết.

Nếu vàng cứ ở mãi dưới lòng đất, chúng sẽ không bao giờ phát huy được giá trị của mình.

Nếu như bạn có năng khiếu về hội hoạ, nhưng bạn nhất mực không chịu vẽ, thử hỏi khi ấy năng khiếu của bạn có được người khác biết đến và công nhận hay không?

Van Gogh sau khi qua đời vẫn được người đời nhớ đến, bởi ông đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật lay động lòng người như Đêm đầy sao (The starry night), Hoa hướng dương (Sunflowers)…

Bạn có năng khiếu về ngoại ngữ, thời đi học làm bài thi luôn đạt điểm cao. Nhưng sau khi tốt nghiệp, bạn chả bao giờ mở miệng giao tiếp với người nước ngoài, cũng chả bao giờ chịu bồi dưỡng ngoại ngữ của mình. Khi ấy, nền tảng ngoại ngữ vững chắc bạn xây dựng được cũng sẽ dần trở nên mục ruỗng và sụp đổ.

Thời đại này không dành cho những người như Gia Cát Lượng, có tài nhưng ngồi mãi nơi túp lều tranh, chờ Lưu Bị đến rước để phát huy tài năng của mình.

Thời đại này, muốn thành công, chúng ta cần bộc lộ mọi kĩ năng, trình độ, trí tuệ chúng ta có, đồng thời sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram để lan truyền sức ảnh hưởng. Chỉ như vậy, chúng ta mới dần dần bước ra ngoài bóng tối và trở nên nổi bật.

Chết vì cái thái độ: Muốn không phải lo chìm trong thất bại, người trẻ hãy sắm cho mình những chiếc phao thành công này trước tuổi 30 - Ảnh 6.

(5) "Đam mê công việc mình làm, yêu cuộc sống mình có"

Bạn của tôi không học đại học, bắt đầu đi làm từ rất sớm.

Cậu ta làm rất nhiều việc, từ rửa xe, làm thợ cắt tóc, làm đầu bếp, làm lái xe,…

Đối với bất kì công việc nào, cậu ta cũng chỉ làm hời hợt, làm không được nổi 3 tháng. Lí giải cho điều này, cậu ta bảo ba mình: "Đây không phải công việc con thích".

Có một thế hệ trẻ, cả ngày hết ngủ lại thấy nghịch điện thoại, không gắn bó lâu dài được với công việc nào chỉ vì mải miết kiếm tìm hai chữ "đam mê".

Thái độ cà lơ phất phơ của bạn chính là trở ngại lớn nhất trên con đường tìm "đam mê" trong công việc của mình.

Haruki Murakami là một nhà văn đương đại nổi tiếng toàn cầu, với những đầu sách gây ấn tượng mạnh mẽ như Kafka trên bờ biển, Rừng Na Uy,…Để đạt được thành công như ngày hôm nay, ông tâm sự: "Khi viết sách, tôi sẽ dậy lúc 4h sáng và viết liên tục cho đến 9 hoặc 10h. Chiều tôi sẽ chạy bộ 10km hoặc bơi 1500m, có lúc cả hai việc, sau đó tôi sẽ nghe nhạc và đọc sách. Tôi thường đi ngủ lúc 9h tối, ngày nào cũng vậy. Sự lặp lại của các công việc đóng vai trò quan trọng trong quá trình sáng tác." 

Để duy trì thời gian biểu như thế không phải một việc dễ dàng, nhưng ông luôn ép mình vào khuôn khổ trong khoảng thời gian sáng tác. Sự quy củ đã giúp ông viết được những quyển sách được độc giả thế giới đón nhận nồng nhiệt.

Dale Carnegie – một nhà văn và nhà thuyết trình người Mỹ đã phát biểu: "Nếu như bạn có thể "giả vờ" yêu thích công việc của mình, bạn sẽ dần dần đam mê công việc đó."

Chỉ khi bạn dốc sức làm, bạn mới có thể tìm thấy niềm vui trong công việc.

Chết vì cái thái độ: Muốn không phải lo chìm trong thất bại, người trẻ hãy sắm cho mình những chiếc phao thành công này trước tuổi 30 - Ảnh 7.

(6) Kết Luận

Emerson từng nói: "Suy nghĩ thế nào, cuộc đời như thế".

Vì vậy, đây là câu sau cùng tôi muốn gửi gắm đến các bạn: "Thay đổi suy nghĩ, bạn sẽ thay đổi được cả cuộc đời."

Đình Trọng

Cùng chuyên mục
XEM