Chênh vênh 30+

03/07/2016 08:34 AM | Sống

Hạnh phúc vốn dĩ là thứ trừu tượng, làm sao để định nghĩa nó hoàn hảo hay để đo lường nó. Ở mỗi thời điểm cũng như tùy vào trải nghiệm của từng chúng ta sẽ có định nghĩa khác nhau và tự chúng ta biết nó có ổn hay không.

Melbourne lúc này là 6 giờ 45, trời tờ mờ sáng và nhìn âm u lạnh lẽo. Melbourne đang vào đông nên thời tiết lạnh và mưa gió. Tôi đang ở giai đoạn nghỉ giữa hai kỳ nhưng tôi thích mình vẫn theo thói quen cũ khi đi học, ngủ vừa đủ và thức dậy sớm. Những chuyện xảy ra gần đây cứ khiến tôi suy nghĩ mãi.

Chúng ta cứ nghĩ chông chênh hay chênh vênh là những thứ mà những em nhỏ chuẩn bị ra trường đang bối rối trước ngưỡng cửa cuộc đời. Vậy mà chúng ta 30+ rồi vẫn cứ thấy nó như ở đâu đây, cứ như thể nó có thể nhảy xổ ra cuốn ta vào những suy nghĩ “cuộc đời ta đang đi về đâu?”

Tuổi 30+, chúng tôi hay gọi nó khủng hoảng giữa đời (mid-life crisis) và đặc biệt hay xảy ra với những đứa như tôi. Chúng tôi hay bị xã hội ví von là “gái ế”, thành ra đáng ra ở cái tuổi bận rộn chăm lo con cái gia đình hay luôn phải ổn định công việc, chúng tôi có nhiều thời gian hơn người khác, chúng tôi có những kế hoạch và như nhiều đứa bạn đã lập gia đình hay ao ước “thích làm gì thì làm”.

Và chắc rảnh quá nên chúng tôi hay nghĩ ngợi và so sánh, đôi khi thèm như bạn mình vội vã về nhà với gia đình nhỏ. Đọc tới đây có lẽ nhiều bạn nói chúng tôi dở hơi, có hạnh phúc và tự do mà không biết hưởng thụ…

Hạnh phúc vốn dĩ là thứ trừu tượng, làm sao để định nghĩa nó hoàn hảo hay để đo lường nó. Ở mỗi thời điểm cũng như tùy vào trải nghiệm của từng chúng ta sẽ có định nghĩa khác nhau và tự chúng ta biết nó có ổn hay không. Hạnh phúc của người này đôi khi là đau khổ của người kia. Cũng có khi chính cái định nghĩa ta đưa ra lại khiến ta hỏi bản thân “đây có thật là cái ta mong muốn?”. Và những lúc này ta thấy mình ở giữa khoảng không vô định, không phương hướng và không có điểm đến.

Chúng ta về cơ bản đều có những lúc như vậy nhưng chúng ta đều sợ thừa nhận hay chúng ta luôn che giấu nó – những điểm yếu mà ta sợ nếu người khác biết sẽ dùng nó để tấn công chúng ta. Tuy vậy, đừng để bản thân mình rơi vào những khoảng trống này quá lâu bạn nhé. Tôi không dám khuyên gì nhiều nhưng tôi nghĩ chúng ta cần làm một số thứ như sau, và nhanh chóng vượt qua những khoảng chơi vơi này.

Bạn thử hỏi bản thân mình cần gì và phải trả lời thành thật nhé. Nếu bạn đã làm ở một công ty hơn năm năm rồi thì có thể đây cũng là lúc bạn thấy công việc không còn hấp dẫn, môi trường làm việc bắt đầu nhàm chán với những quy trình hay phương thức bạn đã quá quen. Có thể bạn cần sự thay đổi, qua một công việc khác hay một môi trường khác, hay biết đâu chỉ đơn giản bạn cần một thời gian ngắn để nghỉ ngơi và khởi động lại con người mình. Hoặc nếu bạn thấy mỗi ngày của bạn trôi qua đều lặp đi lặp lại những chu trình đó, hãy thử phá vỡ nó.

Ví dụ đơn giản là nếu bạn chưa tập thể dục đều đặn thì hãy đưa thử tham gia một môn thể thao nào đó, đưa nó vào lịch của các bạn. Thể dục thể thao có quá nhiều ích lợi cho cơ thể mà tôi nghĩ tôi không cần nói nữa, nhưng đối với việc phá vỡ đi những ngày nhàm chán mà bạn đang có thì đây là phương pháp đầu tiên.

Hoặc nếu bạn lâu quá chưa học gì đó, thì hãy học. Bạn không nhất thiết phải lấy một cái bằng MBA, có thể bạn chỉ cần học cái gì đó mới mà mình thích như nấu ăn, cắm hoa, nhảy hay một ngôn ngữ mới. Hãy cho trí não của bạn được thử thách bởi sự mới mẻ của một kỹ năng mà bạn nghĩ mình chưa được học bài bản hay có cơ hội trau dồi nó. Và sẽ càng tuyệt vời hơn nếu bạn có thể dành thời gian của mình để tham gia những chương trình thiện nguyện, đơn giản như dạy học cho mấy em mồ côi hay các mái ấm hoặc nếu bạn có đủ network để làm cái gì lớn hơn cho cộng đồng.

Bạn đã thử nói chuyện và chia sẻ với bạn bè của mình về những khó khăn mà bạn gặp phải chưa? Đôi khi chúng ta cứ sống trong lớp vỏ bọc “sợ bị đánh giá” và trốn trong đó. Tôi nhận thấy chúng ta đôi khi tự cường điệu hóa sự “đau khổ” và “giam cầm” mình trong suy nghĩ “không ai có thể hiểu tôi” hay “không ai thương tôi”.

Tin tôi đi, tất cả chúng ta đều có giá trị - chúng ta đi làm đem lao động ra trao đổi tiền lương, chúng ta là những người bạn đã giúp đỡ những bạn bè khác, chúng ta là tấm gương thành công mà nhiều em sinh viên đang nhìn vào và ao ước, chúng ta là những đứa con mà bất kể thế nào cha mẹ các bạn đều rất yêu thương… Khi bạn chia sẻ với bạn bè của mình, ít nhất bạn đang nói ra những trăn trở và bạn biết không, nói ra hay viết ra sẽ giúp bạn định hình chúng và thậm chí có thể nhìn ra được cách giải quyết.

Bạn đã thử thay đổi rất nhiều, bạn đã nói chuyện với bạn bè mà tình hình vẫn không khả quan hơn? Tôi nghĩ bạn nên mạnh dạn đi gặp và nói chuyện với bác sỹ hay chuyên gia tâm lý ở bệnh viện hoặc một số trung tâm tư vấn sức khỏe. Các bạn đừng ngại những chuyện đi tư vấn như thế này vì đây là chuyện hết sức bình thường giống như khi chúng ta thỉnh thoảng bị hắt hơi sổ mũi và cần thuốc.

Ở Việt Nam, có lẽ do tâm lý “thể diện” nên chúng ta ngại đến gặp họ và thật sự là có những lúc những lời khuyên từ bác sỹ hay chuyên gia tâm lý sẽ giúp chúng ta vượt qua bản thân nhiều lắm.

Và thay cho lời kết, chúc các bạn luôn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

Theo Hà Phạm

Cùng chuyên mục
XEM