Chạy theo cơn sốt đất, nữ môi giới vay ngân hàng mua 5 lô đất, chật vật trả lãi hơn 40 triệu đồng mỗi tháng, cắt lỗ 30% không ai mua

10/06/2023 09:35 AM | Kinh doanh

Hùn với bạn mua đất bằng nguồn vốn vay ngân hàng, nữ môi giới đến từ Bình Dương chật vật vì khoản tiền lãi lên tới 50 triệu đồng mỗi tháng. Dù xác định cắt lỗ 30% nhưng những lô đất vẫn án binh bất động.

Chạy theo cơn sốt đất, nữ môi giới vay ngân hàng mua 5 lô đất, chật vật trả lãi hơn 40 triệu đồng mỗi tháng, cắt lỗ 30% không ai mua - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Năm 2020, chị M.A (Bình Dương) xin làm môi giới cho công ty bất động sản. Đúng thời điểm này, thị trường bắt đầu lên cơn sốt. Ngay tháng đầu tiên, chị M.A chốt thành công 3 giao dịch dễ dàng nhờ người quen xuống tiền. Đó cũng là lần đầu tiên chị M.A có khoản thu nhập lớn, 50 triệu đồng bao gồm tiền hoa hồng và thưởng.

Những tháng sau đó, dù chỉ bán túc tắc, nhưng trung bình mỗi tháng, chị M.A “chốt” được từ 1-2 giao dịch. Sau thời gian sốt đất thổ cư, đất phân lô bán nền, thị trường địa ốc bắt đầu dần hạ nhiệt. Đến cuối năm 2020, bước sang năm 2021, loại hình đất sào lại “lên ngôi”. Những thương vụ giao dịch cũng diễn ra nhanh chóng. Thậm chí, đó là thời điểm mà theo chị M.A kể lại, khách chỉ cần xem sổ, bắn vị trí toạ độ lô đất, đã có thể chốt.

Giao dịch đất diễn ra nhanh chóng cùng thu nhập tích luỹ từ khoản hoa hồng, chị M.A bắt đầu hùn vốn với bạn đầu tư. Trung bình những lô đất đầu tư chung với bạn giai đoạn 2020-2021, mỗi thương vụ lời từ 50-200 triệu đồng. “Càng có lời, tôi càng muốn đầu tư đất. Cứ mua lô đất này, sau đó thế chấp, mua lô đất khác. Ngoài chung với bạn bè, tôi tự mua một số lô đất nền khác với giá từ 400-600 triệu đồng”, chị M.A kể.

Thế nhưng, đến năm 2022, thị trường chững lại hoàn toàn. Những thương vụ mua nhanh, bán nhanh đã không còn diễn ra. Tổng số lô đất chung cùng bạn bè và tự sở hữu của chị M.A lên tới con số 5.

Gánh nặng trở nên chật vật sau thời gian lãi suất ưu đãi, khoản vay của chị M.A đang có mức lãi suất lên tới 15,2%/năm. Trung bình mỗi tháng, chị M.A trả hơn 40 triệu đồng/tháng. Và cứ 6 tháng, phải gom tiền trả gốc một lần. Điều đáng nói, thời điểm năm 2022, khi thị trường “gãy” sóng, chị M.A phải nghỉ việc do công ty tái cấu trúc. Cũng thời giai đoạn đó đến nay, việc bán bất động sản không hề dễ dàng. “Hơn 1 năm nay, tôi chưa bán được lô đất nào”, môi giới này cho biết. “Những lô đất tôi mua dù cắt lỗ tới 30% cũng không ai xuống tiền”.

“Trở thành môi giới, dễ dàng chốt giao dịch nhanh chóng, quyết tâm trở thành nhà đầu tư để lướt sóng” đó là con đường mà không ít người đã từng trải qua. Thế nhưng, những khoản tiền kiếm lời dễ dàng chỉ đến trong cơn sốt đất. Khi thị trường gãy sóng, việc ôm đất và vay ngân hàng đã trở thành bài toán đầy áp lực cho nhà đầu tư và môi giới tay ngang. Bởi lẽ, thất nghiệp không thu nhập, thanh khoản thị trường đóng băng khiến môi giới chẳng kiếm được khoản hoa hồng. Trong khi đó, ngay cả việc cắt lỗ đẩy hàng để thu hồi tiền, khấu trừ bớt nợ cững không thể thực hiện thì áp lực gánh khoản lãi, gốc rất lớn.

“Không kinh nghiệm, không kiến thức, kiếm lời nhanh khiến môi giới ảo tưởng về năng lực của chính mình. Nhưng sốt đất đi qua, họ mới hiểu rằng, nếu không có gốc, khả năng bền với thị trường rất khó. Nếu không có sự tính toán kĩ khoản nợ gốc lãi ngân hàng, khi thị trường đóng băng, mất việc, mất thu nhập, để trả nợ ngân hàng không hề dễ dàng”, anh Trần Thái, giám đốc sàn môi giới chia sẻ.

Vị giám đốc này cho biết, thực tế, nhiều môi giới chuyển sang đầu tư bằng thương vụ hùn vốn với bạn bè. Sau đó, họ thường mua lô đất này, thế chấp lấy tiền mua lô đất khác. “Có một môi giới tôi biết, ôm 10 lô đất nền chỉ bằng vay ngân hàng. Mỗi tháng trả cả trăm triệu đồng. Giờ cắt lỗ 40% còn không ai. Vì sao? Vì bây giờ người có tiền có rất nhiều lựa chọn. Họ không bỏ tiền ra mua bất động sản rẻ, xấu và không tạo ra dòng tiền”, anh Thái phân tích thêm.

Tuy nhiên, anh Thái cho rằng, thời điểm hiện tại là giai đoạn sàng lọc, khiến giá đất trở về giá trị thực. Những môi giới, nhà đầu tư lời chớp nhoáng trong cơn sốt sẽ nhận ra bài học. Ai chăm chỉ sẽ trụ lại với nghề. Còn lại thị trường sẽ đào thải.

Theo Hải Nam

Cùng chuyên mục
XEM