‘Chảy máu chất xám’ y tế công: Hơn 5000 nhân viên y tế nghỉ việc vì mức lương không đủ sống, còn người nghèo chẳng thể bước vào bệnh viện tư
Trong khi áp lực công việc quá lớn, nhất là trong mùa dịch thì tiền lương mà các nhân viên y tế nhận được lại không đủ đáp ứng cuộc sống.
Khủng hoảng nhân lực y tế
Trong 2 năm qua, cả nước có hơn 5.000 nhân viên y tế nghỉ việc sau đại dịch. Trong quý I/2022, tình trạng nhân viên y tế ở khu vực công lập nghỉ việc tiếp tục diễn ra.
Chẳng hạn, theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, trong năm 2021, tổng số nhân viên y tế của bệnh viện công thành phố nghỉ việc là 701 người. Trong đó, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh là 399 người; bác sĩ 186 người; nhân viên khác 116 người.
TP HCM từ lâu đã có số lượng bác sĩ và y tá trên đầu người thấp hơn đáng kể so với các hệ thống tương đương. Tỷ lệ nhân viên y tế/10.000 dân ở thành phố chỉ đạt 2,31; trong khi ở Hà Nội là 6,8 và trung bình cả nước là 7. Ở các nước phát triển, tỷ lệ này là 32-62 y bác sĩ.
Lực lượng y tế kiệt sức trong mùa dịch. Ảnh: Đình Hiếu
Số liệu Sở Y tế Đồng Nai cũng cho thấy số lượng bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc mỗi năm luôn ở mức cao. Cụ thể, năm 2019 có 104 bác sĩ và 156 điều dưỡng; năm 2020 có 80 bác sĩ và 131 điều dưỡng; từ thời điểm tháng 11-2021 đến nay có 79 BS và 151 điều dưỡng nghỉ việc.
Góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sáng 13/6 vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) dẫn số liệu thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trên thế giới đang báo động tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế. Theo tính toán của WHO, năm 2015 trên thế giới có khoảng 1 tỷ người không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh và thiếu 3,4 triệu nhân viên y tế. Dự báo, đến năm 2035, con số thiếu hụt nhân viên y tế lên đến khoảng 13 triệu người.
Được biết, nguyên nhân chính gây nên tình trạng các y bác sỹ không thể gắn bó với bệnh viện công đó là áp lực công việc quá lớn nhưng thu nhập lại không đủ chi trả cuộc sống.
Hơn 3 tháng trước, chị T.T.H (bác sĩ tại một trạm Y tế phường thuộc quận Đống Đa, TP Hà Nội) viết đơn nghỉ việc sau gần chục năm gắn bó với nghề. Đây là quyết định không dễ dàng gì với cả chị H và gia đình. Phải mất thời gian suy nghĩ rất lâu, chị H mới quyết tâm ‘dứt áo ra đi’.
Chị H. cho biết, lương của chị dao động từ 8 – 8,5 triệu đồng/tháng, tháng nào tăng ca ở trạm nhiều thì mới được thêm 500 nghìn đồng tiền trách nhiệm. Để đảm bảo cuộc sống gia đình, hết giờ tăng ca chị lại tìm thêm các công việc khác để kiếm thêm thu nhập.
Tương tự, một bác sĩ nam thuộc một bệnh viện công ở Hà Nội cũng đã viết đơn xin nghỉ việc cũng vì lý do thu nhập. Anh quyết định nộp đơn xin vào bệnh viện tư để đảm bảo đời sống gia đình.
"Bình thường tôi chỉ làm việc 8 tiếng, nhưng giai đoạn có dịch, tôi phải làm thêm nhiều giờ nhưng thu nhập không tăng. Vả lại, tôi nghỉ cơ quan này sang cơ quan khác, chứ không phải bỏ nghề, tôi vẫn cống hiến", nam bác sĩ cho hay.
Hàng nghìn nhân viên y tế nghỉ việc vì áp lực công việc mà lương lại quá thấp. Ảnh: Công đoàn Y tế Việt Nam
Kết quả nghiên cứu Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong Covid-19 với 2.472 nhân viên y tế trên khắp cả nước, được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam công bố cuối năm 2021, cho thấy lương bình quân của họ ước tính 7,36 triệu đồng. Trong khi chi phí sinh hoạt bình quân ở Hà Nội, TP HCM là 10-11 triệu đồng. Với mức lương này, chỉ 19,1% nhân viên y tế cho biết có thể chi trả hoàn toàn chi phí sinh hoạt.
Vì đâu hàng loạt bác sỹ "tháo chạy" khỏi y tế công?
Bình luận về tình trạng chảy máu chất xám trong ngành y, Tiến sĩ- bác sĩ Cẩm Bá Thước- PGĐ phân hiệu trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa cho biết: "Không nên phân biệt công tư, Nhà nước phải quan tâm đến hành lang pháp lý cho việc chuyển dịch lao động, như thế sẽ phát huy được khả năng của người lao động, giúp cho đất nước phát triển".
Bác sỹ Đinh Quốc Anh, BS CKI Đinh Quốc Anh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK Hồng Ngọc bình luận: "Đây là vấn đề về cơ chế, chủ trương là xã hội hóa nhưng bệnh viện lại là tự chi. Hầu hết các bệnh viện công hiện đều khá khó khăn, như vợ của tôi hiện đang công tác tại bệnh viện Bạch Mai thu nhập cũng bị giảm nhiều.
Phải khẳng định rằng, mục tiêu ban đầu khi vào ngành y của các nhân viên y tế không phải để làm giàu mà chúng tôi luôn đề cao tinh thần y đức, chữa bệnh cứu người. Song, bất cứ ai cũng phải đạt được mức sống tối thiểu, chưa kể còn chăm lo cho con cái việc học hành, cha mẹ già... Đến khi họ không thể duy trì được chất lượng cuộc sống thường ngày thì không ai còn tâm trí đâu để cống hiến và buộc phải ra đi thôi.
Ngành Y đứng trước cuộc khủng hoảng nhân lực, chảy máu chất xám bệnh viện công. Ảnh: Công đoàn Y tế Việt Nam
Suy cho cùng, khi các nhân viên y tế giỏi không còn ở viện công nữa mà chuyển sang khối bệnh viện tư nhân thì người thiệt thòi nhất là bệnh nhân. Nhất là những người nghèo, những bệnh nhân phụ thuộc vào bảo hiểm y tế", bác sỹ Đinh Quốc Anh cho hay.
Nói về giải pháp trước mắt để có thể giữ chân được các bác sỹ giỏi ở lại, Thầy thuốc Nhân dân, BS Trần Sĩ Tuấn (nguyên Tổng biên tập báo Sức khỏe và Đời sống) cho rằng, các bệnh viện công không nên tăng giá khám chữa bệnh mà nên đầu tư nhiều hơn cho y tế, nhất là cải cách chế độ tiền lương.
"Nguyên nhân chính là do chế độ tiền lương và đãi ngộ, kế đến là những vấn đề tiêu cực xảy ra trong các bệnh viện công vừa qua phải xử lý hình sự. Hành lang pháp lý để các bệnh viện có thể tổ chức và mạnh dạn đấu thầu thuốc và trang thiết bị, mà không sợ sai, không sợ vướng pháp lý. Chúng ta phải giải quyết được tình trạng trên thì mới giữ chân họ được", BS Tuấn nhấn mạnh.