img

* Mời Quý độc giả đón đọc kỳ 1:

Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 2.
Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 3.

Nguyễn Tuấn Nam: Ông đã kể rất nhiều câu chuyện về sự dạy dỗ của ba mẹ mình, vậy còn các anh chị em của ông đã dạy các con, các cháu mình như thế nào?

PGS Nguyễn Lân Cường: Xã hội bây giờ cũng đã khác xã hội trước đây. Trẻ em như trang giấy trắng mà tiếp xúc với máy tính sớm, tiếp thu được cái gì hay thì tốt, tiếp thu cái xấu thì cũng không ít. Đó cũng là điều mà tôi cũng như nhiều bậc cha mẹ khác rất trăn trở. Các phụ huynh cũng không quản lý được hết các con, nên dạy bằng truyền thống gia đình, bảo ban cái gì hay thì làm, cái gì dở phải tránh.

Nguyễn Tuấn Nam: Truyền thống của gia đình ông như vậy nhưng ông sẽ nhìn nhận thế nào nếu có người con hay người cháu nào muốn vượt ra khỏi khuôn phép của gia đình theo chiều hướng tiêu cực?

PGS Nguyễn Lân Cường: Đây là vấn đề rất khó. Tôi chỉ biết khuyên là làm gì thì hãy nhớ tới những người thân, nhớ tới truyền thống của gia đình. Tôi cũng đã từng phải nói với một đứa cháu là: "Cháu làm cái gì cũng phải nhớ đến con của cháu. Việc làm hay cũng sẽ được đưa lên mạng, việc làm dở cũng được đưa lên mạng. Đừng để con cháu của cháu sau này đọc được những thông tin dạng "Xuất hiện 1 con sâu trong gia đình dòng họ Nguyễn Lân". Lúc đó chúng sẽ nghĩ thế nào?

Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 4.

GS Nguyễn Lân Dũng và vợ - PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên PGĐ Bệnh viện 108

Nguyễn Tuấn Nam: Theo ông, yếu tố nào là quan trọng để duy trì truyền thống của gia đình?

PGS Nguyễn Lân Cường: Gia đình tôi có cái hay là rất đoàn kết. Anh em trong nhà hay các cô con dâu hầu như không có những mâu thuẫn, mâu thuẫn nhỏ thì tôi không biết nhưng mâu thuẫn lớn để dẫn đến mất đoàn kết thì không.

Mùng 2 Tết là kỷ niệm ngày cưới của ba mẹ tôi. Ngày mùng 7 Tết là ngày chị Chỉnh tôi mất vì tai nạn. Nên hai ngày đó, anh em chúng tôi tập trung lại. Mọi người rất trân trọng những ngày sum họp này nên ai đó nếu lỡ bận thì cũng cố gắng xin đổi lịch để gặp gỡ. Đặc biệt là ngày mùng 2, mọi người rất vui vẻ, ôm nhau và cùng mặc quần áo đẹp để chụp ảnh. Tất cả sẽ kiểm điểm lại xem trong một năm có vấn đề gì không.

Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 5.

NGND Nguyễn Lân và vợ - bà Nguyễn Thị Tề

Anh Nguyễn Lân Dũng (người lớn nhất còn sống, trước đây có anh Nguyễn Lân Tuất và chị Nguyễn Tề Chỉnh) có nhiệm vụ báo cáo mọi việc trước các cụ và tổ tiên. Các việc báo cáo gồm: có mấy cháu được lên lớp, các gia đình hoà thuận, các em tiến bộ như thế nào. Các con, các em ngồi đó nghe thì cũng phải suy nghĩ và rất thấm thía.

Anh Dũng bao giờ cũng nói: "Anh em chúng con vẫn đoàn kết cả gia đình, noi gương ba mẹ...". Sự đoàn kết của gia đình lớn trở thành tấm gương cho các gia đình nhỏ.

Nguyễn Tuấn Nam: Giữ được sự đoàn kết, thuận hòa trong một gia đình có quá nhiều người thành công, hẳn không dễ, thưa ông?

PGS Nguyễn Lân Cường: Ba mẹ tôi không to tiếng với nhau bao giờ, đó là tấm gương lớn nhất cho anh em chúng tôi và các cháu, chắt. Muốn anh em đoàn kết được thì phải có ý thức đoàn kết, có sự tôn trọng, cảm thông và thấu hiểu lẫn nhau. Không ai được coi thường ai. Ngay trong nhà tôi, 8 anh chị em, 7 người có học vị học hàm nhưng riêng Nguyễn Lân Hùng thì không có học hàm gì cả. Nhưng Hùng lại là người đóng góp cho xã hội, theo tôi là vào loại nhiều nhất. Hùng viết hàng chục cuốn sách cho nông dân, dù mỗi quyển mỏng thôi nhưng rất cần cho người nông dân.

Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 6.
Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 7.

Nguyễn Tuấn Nam: Trong một gia đình, đoàn kết không chỉ đến từ sự tôn trọng lẫn nhau mà chắc chắn, còn đến từ tình yêu thương lẫn nhau. Tình cảm giữa các anh chị em ông như thế nào? Trong ông, các anh chị em của mình có hình tượng như thế nào?

PGS Nguyễn Lân Cường: Anh em tôi mỗi người một tính nhưng rất đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Tôi nhớ nhiều kỷ niệm về các anh chị em của tôi.

Đầu tiên đó là anh Nguyễn Lân Tuất. Anh ấy sang Nga và lấy vợ bên Nga từ năm 1957. Có một điều đặc biệt là dù sang Nga từ năm 1957, hơn 30 năm không được về, nhưng cứ đến ngày sinh nhật của các em (và sau này là các cháu) thì anh ấy lại viết thư chúc mừng sinh nhật, gửi về Việt Nam. Sau này khi có điện thoại thì anh ấy gọi điện về rất đều đặn. Điều đáng tiếc là tôi không lưu được bức thư tay chúc mừng sinh nhật nào của anh Tuất gửi về. Anh ấy nhớ đến từng anh em và các cháu.

Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 8.

GS.TS, nghệ sĩ công huân Nguyễn Lân Tuất

Chính anh Tuất đã dạy tôi cách để có tác phẩm âm nhạc tốt. Hồi những năm 60, tôi đã bắt đầu sáng tác nhạc. Anh Lân Tuất dù lúc đó đã sang Nga rồi nhưng anh ấy vẫn viết thư về và khuyên tôi: "Đừng có viết nhạc theo đơn đặt hàng mà em phải viết từ cảm xúc thực sự. Và muốn có cảm xúc thực sự thì em phải đi vào cuộc sống". Và từ lời khuyên ấy, hầu hết những ca khúc sau này tôi sáng tác đều ra đời trong khi tôi đi công tác và tới nay tôi đã nhận được 18 giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội và UNICEF và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia .

Nguyễn Tuấn Nam: Đó là câu chuyện về NS Nguyễn Lân Tuất, còn những người anh chị em khác của ông thì sao?

PGS Nguyễn Lân Cường: Tôi nhớ anh Nguyễn Lân Dũng, vào năm 1958 – 1960, tôi đang học lớp 9 – 10, lúc đó anh Dũng đã tốt nghiệp đại học và được phân công dạy ở trường Đại học Nông Lâm. Mặc dù lúc đó lương thấp nhưng anh tôi đã nhận với mẹ tôi là: "Để con nuôi Cường". Kể từ ấy, hàng tháng, anh Dũng gửi tiền về để nuôi tôi. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ ơn Anh. Anh ấy là người làm khoa học, chân chất và thật thà. Anh Dũng là người ngay thẳng, thương yêu các em và tôi học được ở anh điều đó. Anh ấy có nét rất giống ba tôi, đó là rất hiền lành và có niềm tin rất lớn vào chính nghĩa, lẽ phải...

Còn chị Nguyễn Tề Chỉnh thì như tôi vẫn nói là hơn anh em chúng tôi một đầu. Chị là người nhân ái, chăm chỉ nhất. Khi dạy ở ĐH Sư Phạm Hà Nội, chị được cử sang Liên Xô thực tập 2 tháng không có nhiều tiền nhưng khi về, chị mua cho chúng tôi quà, mỗi em một cái chậu tôn của Liên Xô rất to và dày. Chúng tôi dùng bao nhiêu năm, mấy đứa con tôi đều tắm bằng cái chậu ấy. Chị là người chỉn chu và thương các em hết mức.

Khi tôi nhận được giải thưởng trong cuộc thi về an toàn giao thông với bài "Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh mới đi", MC có hỏi tôi: "PGS có cảm tưởng gì khi vượt lên trên 402 tác phẩm để đạt giải cao nhất?". Tôi trả lời rằng: "Nhà tôi, bố mẹ tôi sinh được 8 người con. Người ta cứ khen chúng tôi nhưng tôi nói thật, chị tôi hơn hẳn anh em chúng tôi một cái đầu. Cách đây 18 năm chị tôi mất do tai nạn giao thông. Nên hôm nay, bài hát của tôi đạt được giải cao, đầu tiên tôi nghĩ đây như một nén nhang tôi thắp lên để nói với chị rằng "Em đã làm được một việc nho nhỏ về giao thông".

Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 9.
Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 10.

Nguyễn Tuấn Nam: Khi ông kể về bà Nguyễn Tề Chỉnh, với những gì được nghe kể về cụ Nguyễn Thị Tề, chúng tôi nhìn thấy hình bóng của cụ Tề trong đó...

PGS Nguyễn Lân Cường: Đúng là như thế. Chị tôi rất giống mẹ tôi. Khi chị tôi mất, ba mẹ tôi đau đớn lắm. Mẹ tôi vì thương chị mà cũng ra đi sau đó một thời gian ngắn. Ba tôi đau đớn và suy sụp vì mất hai người phụ nữ ông hết mực yêu thương (lau nước mắt). Anh em chúng tôi đã phải động viên ba tôi: "Ba như cây đa, cây đề. Ba mà gục nữa thì chúng con biết dựa vào ai?". Khi đó, ba tôi mới gượng dậy và sống thêm. (lau nước mắt và im lặng một hồi)

Cũng từ đó mà có một điều tôi nhận thấy dường như thời nay gia đình không còn được như thời trước nữa. Đó chính là tình cảm giữa ba mẹ và con cái. Nhiều bậc cha mẹ chỉ chăm chăm kiếm tiền, ít để ý đến con cái nên con cái có cảm giác như không có chỗ dựa vững chắc.

Tiền thì cần chứ nhưng hồi bao cấp, kinh tế khó khăn vậy nhưng tình cảm gia đình rất vững chắc. Đó là do tình yêu thương quá lớn, nó bao trùm lên những vấn đề khác. Và chính tình yêu thương đó càng khiến cho các thành viên trong gia đình sát lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn.

Điều này tôi không chỉ thấy trong gia đình mà trong các cơ quan cũng vậy. Hôi tôi làm Chủ tịch Công đoàn của Viện Hàn lâm KH&XH, mọi người đều giúp đỡ nhau, chia ngọt sẻ bùi rất thân ái. Giờ kinh tế tốt hơn thì có vẻ không còn được như trước. Khó khăn làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn. Tôi cảm tưởng vậy không biết có đúng không.

Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 11.

Nguyễn Tuấn Nam: Còn với các em trai, ông nhớ về điều gì nhất?

PGS Nguyễn Lân Cường: Ở nhà tôi, Hùng (chuyên gia Sinh học Nguyễn Lân Hùng – PV) là người hợp tôi nhất, rất rộng rãi. Có lẽ do chú ấy gắn bó với nông dân nên tính như vậy. Em tôi rất vui tính, thỉnh thoảng đi qua nhà tôi lại lên nhà tôi, dúi vào tay tôi ít tiền và nói đùa là "tặng ông anh chức danh đầy mình nhưng nghèo rớt mùng tơi".

Cả cuốn sách tuyển tập nhạc mới đây của tôi "Nhật ký trên khóa sol" cũng là Hùng bỏ tiền in cho. Nên trong cuốn sách, tôi đã viết lời cám ơn em trai tôi. Gần đây Nguyễn Lân Hùng đã cho ra mắt 10 cuốn sách trong Chương trình "1001 cách làm ăn". Sách viết cho nông dân và được chính Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc viết lời giới thiệu. Sách in mỏng thôi nhưng rất hữu ích: Cách nuôi gà ri; Cách nuôi cà cuống; Cách nuôi lươn trong bể không bùn; Cách trồng cây Mắc ca...".

Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 12.

Nhà khoa học Nguyễn Lân Hùng

Nguyễn Lân Hùng cùng các nhà khoa học đồng nghiệp sẽ tiếp tục cho ra mắt bạn đọc tổng cộng là 300 đầu sách trong thời gian tới. Tôi thực sự thán phục em mình. Đó là người không có bằng tiến sỹ hay học hàm gì cả. Tôi có hỏi em: "Sao em không làm TS?". Hùng bảo "Mất thời gian lắm. Với cả con của em (PGS, TS Nguyễn Lân Hùng Sơn – Chủ nhiệm khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) làm rồi". Chợt nghĩ không ít ông bạn mình có bằng Giáo sư, Tiến sĩ hẳn hoi, nhưng sau khi được phong thì chẳng còn ra được một công trình nghiên cứu nào cả!

Còn Nguyễn Lân Việt là một mẫu người khác chứ không xuề xoà như chúng tôi. Tôi vẫn nhớ ngày Việt thi đại học Y, tôi phải chở em tôi lên khu sơ tán bằng chiếc xe đạp phượng hoàng có phanh đũa, poc ba ga phải chằng đồ, nên Việt ngồi ở khung ngang của xe ở phía trước. Ngày đó tôi thì nhỏ người, còn Việt thì đã cao to nên trông rất buồn cười.

Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 13.

GS.TS, anh hùng lao động Nguyễn Lân Việt

Việt là người nghiêm túc khi còn bé và có lẽ vậy nên nghề nghiệp và con đường sự nghiệp của Việt cũng khác. Khi Việt lên làm Hiệu trưởng Đại học Y lúc còn rất trẻ, ba tôi mới dặn Việt là: "Con ơi, trước đây phải như cụ Hồ Đắc Di – một Giáo sư, bác sỹ lão luyện rồi mới được làm hiệu trưởng trường Y được. Bây giờ, con trẻ như thế này mà đã được trên giao cho trách nhiệm làm hiệu trưởng trường Y thì con phải nhớ đó là một hiện tượng đặc biệt và con phải nhớ không được tham ô, tham nhũng".

Anh em chúng tôi, tuy mỗi người mỗi tính nhưng rất thương yêu nhau. Nhà tôi thỉnh thoảng có dịp sum họp là vui lắm, mọi người trò chuyện, nói "xấu" nhau rất là vui vẻ. Và khung cảnh đó khiến tôi rất mừng, trong một gia đình, truyền thống đó lan toả xuống các cháu. Các cháu ngoan nên tôi cũng mừng.

Đến thế hệ các cháu tôi, nhiều cháu rất thông minh và thành đạt. Nhớ có lần, tôi ra hiệu sách thì thấy có cuốn sách viết về loài tinh tinh rất hay, phù hợp với chuyên môn của tôi. Mở ra, thấy tên cháu gái tôi là TS. Nguyễn Kim Nữ Thảo dịch, tôi thật vui.

Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 14.
Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 15.

Nguyễn Tuấn Nam: Ông có quan niệm như thế nào về hạnh phúc? Qua lời kể của ông, tôi có thể cảm nhận, đại gia đình ông rất hạnh phúc.

PGS Nguyễn Lân Cường: Tôi có một điều khẳng định là tiền nhiều không hẳn là hạnh phúc vì tôi chứng kiến nhiều người có rất nhiều tiền nhưng không thấy họ hạnh phúc. Trong một gia đình, vợ chồng chia sẻ, thông cảm với nhau những lúc khó khăn thì mới có hạnh phúc.

Ủy ban KH&XHVN trước đây có làm một khảo sát rất hay bằng cách phát phiếu điều tra cho công nhân ở một số nhà máy lớn lựa chọn một số tiêu chí: lương cao, máy móc hiện đại, đoàn kết nội bộ, chỗ ở tốt... và xếp theo thứ tự ưu tiên. Điều đáng ngạc nhiên ở chỗ tiêu chí được chọn đầu tiên là tiêu chí về đoàn kết nội bộ chứ không phải lương cao hay nhà ở. Nếu lương cao mà nội bộ lục đục thì cũng không phải là lựa chọn của nhiều người.

Đó là vấn đề của xã hội thì vào trong phạm vi một gia đình cũng vậy thôi. Lúc học ở nước ngoài, thầy tôi (là một viện sỹ có nhiều tiền) có một người con trai hàng sáng ông bắt cậu ta đạp xe đi đưa báo để kiếm tiền tiêu vặt. Ông nói: "Tôi phải tập cho con tôi biết quý giá trị đồng tiền".

Vì thế tôi cho rằng để có hạnh phúc thì yếu tố tinh thần quan trọng hơn đồng tiền. Nhưng tất nhiên, không có tiền cũng khổ.

Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 16.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường tại hiện trường khảo cổ

Nguyễn Tuấn Nam: Còn điều gì mà Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân và bà Nguyễn Thị Tề mong mỏi ở các thế hệ sau, thưa ông?

PGS Nguyên Lân Cường: Khi ba mẹ tôi mất đã kịp nhìn thấy con, cháu trưởng thành. Giờ nhìn các con, chúng tôi hiểu rằng ba mẹ chúng tôi đã hài lòng với anh em chúng tôi. Mẹ tôi thì mừng vì đẻ nhiều và các con đều lớn khôn cả. Còn ba tôi với tư cách một nhà giáo thì nhiều tâm tư hơn. Ba tôi nhìn thấy các vấn đề của xã hội và đó chính là thử thách đối với các thế hệ sau.

Nguyễn Tuấn Nam: Vậy thế hệ thứ 2 của NGND Nguyễn Lân, mong muốn thế hệ thứ 3, thứ 4 của mình sẽ như thế nào?

PGS Nguyễn Lân Cường: Xã hội bên cạnh những điều tốt thì vẫn có những mặt trái. Tôi vẫn nghĩ xã hội sẽ phát triển theo hướng biện chứng, không thể nào tiến thẳng lên mà sẽ có những khoảng như xoáy trôn ốc. Trên chặng đi sẽ có lúc lên, lúc xuống. Tôi chỉ mong những điều xấu ít đi để đỡ ảnh hưởng đến thế hệ sau. Chúng tôi cũng đã có tuổi, chỉ mong cho các thế hệ sau không có chuyện gì khiến cho tình cảm bị đứt gãy, truyền thống bị đứt gãy.

Nguyễn Tuấn Nam: Tôi nghĩ đến một lẽ thường được nhắc đến. Đó là vận nước có lúc hưng, lúc suy. Xã hội có lúc tốt đẹp, có lúc chưa đẹp. Một dòng họ cũng theo quy luật đó. Đối với gia đình ông, từ đời NGND Nguyễn Lân đến thế hệ các con cháu ông, sự phát triển đã được xã hội ngưỡng mộ. Nhưng trong sâu thẳm, ông có khi nào có nỗi lo, có suy nghĩ về lẽ thịnh – suy đối với dòng họ của cụ Nguyễn Lân?

PGS Nguyễn Lân Cường: Tôi không có suy nghĩ như vậy. Tôi đã nhìn thấy lớp dưới của các cháu (lớp người gọi tôi bằng cụ), tôi tin là truyền thống của gia đình vẫn sẽ giữ được. Các cháu chắt rất ngoan. Nhưng tôi lo những mặt xấu của xã hội sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ sau, và đó cũng là nỗi lo chung của cả xã hội.

Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 17.
Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 18.

Nguyễn Tuấn Nam: Vậy theo ông, đâu là "tấm khiên" mà đại gia đình đã trang bị cho từng thành viên trước những tác động tiêu cực từ xã hội?

PGS Nguyễn Lân Cường: Tôi vẫn nghĩ đó chính là truyền thống của gia đình. Trong sử sách, tôi thấy nhiều dòng họ khác cũng vậy. Để phát triển dòng họ thì những truyền thống tốt đẹp của dòng họ cần phải được duy trì.

Nguyễn Tuấn Nam: Xin hỏi ông câu cuối cùng: Đối với một con người, theo ông, đâu là phẩm chất quan trọng nhất?

PGS Nguyễn Lân Cường: Đây là chỉ là góc nhìn của tôi với tư cách một nhà khoa học, một nhạc sỹ thôi, đó là sự chân thành, chân thật, trung thực.

Tôi từng làm về những chiếc sọ được khai quật ở nơi có khí hậu khắc nghiệt nên bị vụn hàng trăm mảnh và phải ghép lại để nghiên cứu. Có những chiếc sọ khiến tôi mất hàng tháng trời để ghép chỉ bởi sau khi ghép các mảnh xung quanh xong, đến mảnh ở đỉnh đầu thì không vừa, các mảnh ghép cách nhau không được quá 1/10 milimet.

Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 19.

Khảo cổ - lĩnh vực mê sau của PGS.TS Nguyễn Lân Cường

Có một cách rất nhanh là mài đi rồi ghép vào và không ai biết được. Nhưng là một nhà khoa học, tôi không cho phép mình làm việc đó. Và tôi đã phải ngâm lại vào hoá chất cho các mảnh rời ra và ghép lại từ đầu. Có những sọ tôi phải ghép đến 6 lần mới xong, tốn 6 tháng trời và cùng học trò cẩn thận tách từng tí đá đã bị dính vào xương bằng nan hoa xe đạp phượng hoàng đập dẹt. Cho đến giờ, đó là chiếc sọ đẹp nhất có tuổi khoảng 1 vạn năm. Sau này tôi sẽ dựng khuôn mặt người Việt Nam thời kỳ đó dựa trên chiếc sọ này.

Tôi làm nghề này đã 50 năm, cứ mỗi lần đào xương để nghiên cứu tôi lại thắp hương, làm lễ xin: "Xin các cụ, các cụ ở giữa rừng lạnh lẽo. Bây giờ chúng con đưa các cụ về phòng chúng con, có điều hoà nhiệt độ, con sẽ để mỗi cụ một hộp riêng". Theo tâm linh của người Việt Nam, người ta đang nằm đó, anh lấy về thì anh phải xin chứ. Đó cũng là sự chân thành và coi trọng giá trị truyền thống. Ai tin hay không tin thì tuỳ.

Xin trân trọng cám ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Cháu đừng để 1 con sâu xuất hiện trong gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 20.
Nguyễn Tuấn Nam
NVCC
Tuệ Nhật
https://soha.vn/chau-dung-de-1-con-sau-xuat-hien-trong-gia-dinh-nguyen-lan-20220327153151017.htm

Doanh nghiệp và Tiếp thị