Gia đình ấy đã lao động ra sao và sống như thế để dòng chảy truyền thống tuyệt vời ấy được lưu giữ qua nhiều thế hệ? Tuyến bài DANH GIA DẠY CON, bắt đầu từ lời kể của PGS.TS Nguyễn Lân Cường, sẽ mang tới nhiều thông tin quý giá cho tất cả những người muốn con cháu mình tử tế và vinh hiển.
Nguyễn Tuấn Nam: Lúc nhỏ, mẹ tôi là một giáo viên dạy văn lấy hình ảnh Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân và các anh chị em trong gia đình làm gương cho anh em tôi về sự thành đạt trong sự nghiệp và mẫu mực trong đời sống.
Nhưng tôi rất muốn hỏi: Truyền thống gia đình ông được đắp bồi như thế nào từ ông nội nông dân và ông ngoại cực kỳ nổi tiếng của PGS?
PGS Nguyễn Lân Cường: Ba tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, là người con thứ 18 và là con út. Tôi có xem hồi ký của ba tôi thì thấy nói rằng do hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn giai đoạn ấy nên dù ông nội tôi có 18 người con nhưng chỉ có 4 – 5 người sống được.
Sau này khi trở thành nhà văn, ba tôi phản ánh lại cuộc sống khi đó trong tác phẩm "Cậu bé nhà quê". Còn mẹ tôi thì khác, mẹ tôi là con của một gia đình tư sản lớn tại Hà Nội. Ông ngoại tôi là nhà tư sản Nguyễn Hữu Tiệp – đồng Chủ tịch "Tuần lễ vàng" năm 1945 cùng với nhà tư sản Chấn Hưng – vị trí được ông Khuất Duy Tiến đề xuất và được Hồ Chủ Tịch chấp thuận.
Vì xây dựng ra đình muộn nhất (năm 41 tuổi mới lấy vợ) nên tôi có cơ hội sống cùng nhà với ba mẹ tôi lâu hơn các anh chị em khác, tôi hiểu khá rõ ba mình.
Là người có thân hình nhỏ và thể chất yếu nên khi ra Hà Nội thi rồi đỗ thủ khoa, vì sức khoẻ, ba tôi rất chăm chỉ tập thể dục, chơi thể thao. Ba tôi kể: "Trước đây, lúc còn trẻ, mỗi khi có xe nhà binh đi qua, ba phải cắn răng đứng cho vững vì sợ gió xô ngã". Vốn xuất thân từ gia đình lao động nên ba tôi rất trân trọng công sức lao động.
Truyền thống từ xa xưa thì tôi không được rõ lắm nhưng anh em chúng tôi ảnh hưởng nhiều nhất là từ ba mẹ. Và để nói về truyền thống giáo dục trong gia đình, tôi xin nói về ba mẹ tôi trở đi.
Ba tôi ảnh hưởng trực tiếp đến chúng tôi. Ba tôi là người mẫu mực, sống nguyên tắc. Không là Đảng viên nhưng mọi người và cả anh em chúng tôi đều thấy ông nguyên tắc hơn cả một Đảng viên. Điều gì sai trái trong xã hội là cụ buồn và băn khoăn mãi.
Cả cuộc đời làm nhà giáo của cụ, ba tôi không bao giờ đánh anh em chúng tôi, trừ một lần có vung tay đánh ông anh cả của tôi (cố GS Nguyễn Lân Tuất - PV). Nhưng có lúc tôi nghĩ thà cụ đánh cho một cái còn hơn chứ cụ nói nghe đau lắm. (Cười).
Nguyễn Tuấn Nam: Ba của ông không dùng đòn roi với các con. Vậy NGND Nguyễn Lân có dùng tấm gương nào khác để dạy các con không?
PGS Nguyễn Lân Cường: Không. Ông thường nhắc lại: "Đời ba như thế đấy, không sống quỵ luỵ, không xin xỏ ai bao giờ".
Tôi nhớ, hồi bao cấp, ba tôi được đi Nga cùng đoàn của các nhà lão thành cách mạng. Đến lúc về, chúng tôi tưởng sẽ có quà gì và háo hức lắm nhưng cuối cùng ba tôi cho anh em tôi một món quà "đặc biệt": mỗi người 3 cái ruột bút bi để học. Ông nghiêm túc lắm.
Ở trường, mọi người hay gọi ba tôi là Makaren Lân (cách gọi vui xuất phát từ tên của nhà giáo dục người Ukraine Anton Makarenko (1888 -1939) với phương pháp giáo dục Makarenko) bởi tính nguyên tắc của ông.
Cụ là tấm gương không chỉ ở nhà mà ở trường cũng vậy. Một số bạn của tôi học ba tôi nói rằng: cụ là người nghiêm khắc. Mỗi khi lên lớp, cụ mặc chỉnh tề và vào lớp luôn cúi đầu chào học trò.
PGS Cao Xuân Phổ - một nhà khảo cổ - học trò của ba tôi kể lại: Có một lần thầy vào lớp nhưng không thấy thầy cúi đầu chào các học trò như mọi khi mà cứ đứng im.
Mọi người rất ngạc nhiên và không hiểu tại sao lại như vậy. Khoảng 3 – 4 phút sau thầy mới nói: "Tôi tôn trọng tất cả mọi người trong lớp. Nhưng có một người không tôn trọng tôi và tất cả chúng ta.". Học sinh đó ngay lập tức bỏ mũ xuống, lúc ấy thầy mới cúi đầu chào học trò. Đó cũng là bài học cho chúng tôi.
Ba tôi cũng là người rất yêu thương học trò nên các học trò cũng rất quý và kính trọng. Còn nhớ, lúc ở Kim Liên, ba tôi đã ngoài 90, khi tôi đang ở nhà thì có tiếng chuông cửa. Tôi ra thì thấy có 6 bà lão tầm ngoài 80 tuổi, tóc đã bạc trắng, mặc áo dài tím và hỏi tôi: "Đây có phải là nhà thầy giáo Nguyễn Lân không?". Tôi đáp lại: "Vâng, đúng ạ. Các bác là ai ạ?". Các bà đáp: "Tôi là học trò của thầy Lân". Sau tôi mới biết đó là những học trò của ba tôi hồi ba tôi dạy học trong Huế ra Hà Nội thăm thầy giáo của mình.
Mọi người hay nói gia đình tôi là một gia đình thành đạt nhưng tôi không nghĩ như vậy. Ở Việt Nam có nhiều gia đình thành đạt chứ. Nhưng gia đình tôi có một điểm khá đặc biệt mà hiếm gia đình nào ở Việt Nam nào có, đó là cả ba và 8 người con đều đứng giảng trên bục giảng đường đại học trong và ngoài nước.
Tôi cảm thấy vinh dự khi được sống trong một gia đình, gọi là tri thức như vậy.
Nguyễn Tuấn Nam: Sự thành đạt của gia đình ông có đến từ một sự thuận lợi đáng kể nào đó?
PGS. Nguyễn Lân Cường: Ngay hồi bé, gia đình tôi rất khó khăn. Mọi người hay nói đến gene nhưng tôi cho rằng phần lớn do truyền thống gia đình. Ba tôi là một nhà văn, một người viết từ điển và sau này là chủ nhiệm khoa Tâm lý học đầu tiên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chính cụ là người làm việc suốt ngày nên con cái cũng học tập theo.
Sau chiến dịch Biên Giới, ba tôi cùng một số người như bác Nguyễn Xiển, Nguỵ Như Kon Tum, Lê Văn Thiêm... được cử sang sang khu học xá (bây giờ là trường ĐH Quảng Tây) Trung Quốc để đào tạo làm giáo viên. Mẹ tôi và các anh em tôi đi cùng ba tôi sang. Tôi cũng học trường thiếu sinh quân bên đó.
Hoà bình lập lại sau 1954, gia đình tôi về, hoàn cảnh rất khó khăn và phải ở nhờ nhà một bác là bạn của ba tôi ở 22 Yết Kiêu. Năm anh em tôi khi đó gồm Cường, Hùng, Tráng, Việt, Trung (còn chị Nguyễn Thị Tề Chỉnh đã lấy chồng, anh Nguyễn Lân Tuất và anh Nguyễn Lân Dũng đã lớn, đi công tác và đi học) mỗi người một góc nhà, dùng ống bơ làm đèn dầu để ngồi học.
Còn về phần mẹ tôi, gia đình tôi khi đó rất khó khăn, mẹ tôi phải đi bán đường, còn ba tôi thì viết sách để chèo chống kinh tế gia đình. Sau này nuôi con, chúng tôi mới thấy khó khăn, vậy mà giai đoạn đó còn có khó khăn gấp nhiều lần.
Tôi nói với mấy người bạn tôi, trong mắt tôi, mẹ tôi là một anh hùng bởi bà là chỗ dựa vững chắc cho ba tôi hết mình vì công việc của ông và 8 anh em chúng tôi học hành tử tế.
Mẹ tôi vốn sinh ra trong gia đình tư sản, được học hành bài bản và rất giỏi tiếng Pháp. Khi lấy ba tôi, bà đã từ bỏ cuộc sống trong nhung lụa để đi theo ba tôi, theo kháng chiến.
Mẹ tôi là một người nhân ái, nhân ái với cả những người con dâu. Và đặc biệt, tình yêu đó cũng được truyền từ các cô con dâu xuống các cháu dâu sau này. Khi mẹ tôi mất, các cô con dâu khóc còn nhiều hơn cả chúng tôi. Cụ đối với các con dâu công bằng với tình yêu thương như với những người con đẻ của cụ. Và chính tình yêu thương đó giờ đây lan toả xuống cả các cháu dâu. Rất tuyệt vời. Ba tôi đi công tác suốt, giáo dục con cái nếp sống gia đình, cách đối nhân xử thế phần nhiều là từ mẹ tôi.
Nguyễn Tuấn Nam: Với một gia đình đông con như vậy, mỗi người một tính cách, làm cách nào để một người phụ nữ vất vả sinh kế có thể bao quát được hết?
PGS Nguyễn Lân Cường: Bà không ép buộc chúng tôi điều gì. Ngay cả nghề nghiệp của chúng tôi, ba mẹ tôi cũng chỉ gợi mở chứ không bắt làm nghề này, bắt làm nghề kia.
Tôi học nhạc từ năm 10 tuổi, người dạy tôi là thầy Nguyễn Hữu Hiếu và Nhạc sỹ Phạm Tuyên. Nhưng lớn lên tôi lại thấy hội hoạ rất hay, đề tài rộng, không khó như nhạc, tôi liền đi học vẽ và muốn thi vào trường mỹ thuật. Ba tôi khi đó chỉ bảo nhà mình đã có anh trai con là anh Lân Tuất là nhạc sỹ, các con nên đi vào con đường khoa học, tuỳ các con nhưng ba thích con đi vào con đường khoa học. Thế là tôi suy nghĩ lại và thi vào Khoa Sinh học của trường Đại học Tổng hợp. Lúc đó tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là học Sinh học thì mỗi năm được đi thực tập ở Kim Bôi, chứ không vì cái gì to tát cả...
Ba tôi có nói một câu mà chúng tôi nhớ mãi: "Ba là cán bộ Nhà nước, không có tiền nhiều, ba chỉ cho các con kiến thức, từ kiến thức đó, các con sống bằng kiến thức và kiếm tiền bằng kiến thức".
Sự hy sinh của ba mẹ, nhân cách của ba mẹ đã ảnh hưởng tới chúng tôi. Một ông bố đánh bạc thì những đứa con cũng là người đánh bạc chứ khó có thể gương mẫu, trừ những trường hợp đặc biệt, có sự tác động rất lớn, rất tích cực của giáo dục nhà trường và xã hội.
Cho tới ngày hôm nay (ngày sau thì tôi chưa biết), chúng tôi trưởng thành nhờ tấm gương ba mẹ. Và các con, cháu tôi (đời thứ 3 và thứ 4 kể từ ba tôi) sau này, cũng có nhiều đứa thành đạt.
Nguyễn Tuấn Nam: Từ câu chuyện về tấm gương mẫu mực của ba mẹ mà ông đề cập đến, tôi nhớ đến một chi tiết trong tiểu thuyết "Bố Già" của Mario Puzo. Đó là khi con trai ông trùm ở tuổi 16, thực hiện một vụ trộm, bị phát hiện và được ông trùm yêu cầu giải thích, anh ta trả lời rằng mình đã từng chứng kiến cha mình giết chết đối thủ của mình – chuyện mà ông trùm tưởng không ai phát hiện ra... Nghe câu chuyện, ông trùm đã thở dài, hiểu rằng con trai mình muốn tham gia vào đường dây tội phạm của gia đình.
Tuy tiểu thuyết với những nhân vật được hư cấu nhưng rõ ràng chi tiết đó cộng với câu chuyện của ông về sự gương mẫu, tôi nghĩ rằng sự mẫu mực không phải chỉ là những hành động thể hiện ra bên ngoài mà nó còn phải toát ra từ nhân cách của chính các bậc ba mẹ thì con cái mới thấy thuyết phục và học theo.
PGS Nguyễn Lân Cường: Chính xác là như vậy.
Nguyễn Tuấn Nam: Thưa ông, trong gia đình ông, tôi hình dung ra, đối với các con của mình, NGND Nguyễn Lân như một tượng đài. Đối với các gia đình mà thế hệ trước rất thành danh rồi thì đối với những người con, nếu muốn phát triển để có một hình ảnh riêng, một dấu ấn riêng, đó là một áp lực không nhỏ. Nhưng phải chăng, chính câu nói về kiến thức của NGND Nguyễn Lân nói với các con chính là chiếc chìa khoá mở những cánh cửa sự nghiệp cho những người con của mình, vượt qua bóng rất lớn của người cha đã đi trước đó?
PGS Nguyễn Lân Cường: Lời nói của ông có tác động rất lớn tới chúng tôi. Đó cũng chính là một trong những lựa chọn của cuộc sống. Tôi tự thấy mình có năng khiếu kinh doanh và nếu không theo sự nghiệp khoa học thì tôi tin mình cũng sẽ khá giả về kinh tế hơn bây giờ. Nhưng chúng tôi chọn con đường này vì thấy ba tôi sống một cuộc đời rất thanh thản.
Ông có một điểm rất đặc biệt, đó là một số vị lãnh đạo của đất nước khi đó đến thăm thì ba tôi đều nói rằng: "Các anh đến thăm tôi, tôi cám ơn nhưng tôi xin phép, tôi không đến thăm lại các anh vì nếu tôi đến thăm lại, người khác thấy sẽ nói tôi đến nhờ vả các anh việc riêng". (Cười). Việc này sau này chúng tôi cũng đã nói lại với ba mình: "Ba nghĩ trong bụng thôi chứ sao ba lại nói ra". Nhưng ba tôi sợ, nếu không nói ra mà với lòng tự trọng của ông, không đến thăm lại thì không phải phép.
Nguyễn Tuấn Nam: Một người nghiêm cẩn như cụ Nguyễn Lân, hẳn còn có nhiều triết lý sống thú vị?
PGS. TS Nguyễn Lân Cường: Ba tôi có một triết lý sống tôi cho rằng rất hay. Ông nói với tôi: Khi người ta nói xấu con thì có 3 khả năng xảy ra. Thứ nhất là người ta nói đúng thì con phải sửa. Thứ hai là người ta hiểu nhầm và thứ ba là người ta cố tình nói xấu con.
Tại sao người ta nói xấu con? Tại vì con hơn người ta. Chẳng có người nào giỏi hơn con mà đi nói xấu con cả. Vì thế con phải đến bắt tay cám ơn người ta đã thừa nhận con khá hơn người ta nên làm gì mà phải bực dọc. (Cười).
Ông cũng thường chỉ cho chúng tôi một cái lỗ ở trên tường nhà và nói các con đứng ở vị trí đó đấy. Trên các con còn rất nhiều người tài giỏi hơn các con nhiều. Nhưng phía dưới cũng có những người không bằng được các con. Con giỏi về xương (tôi là nhà nhân chủng học) nhưng con có biết về đục đẽo, biết về nghề mộc không? Cho nên ra đường mà gặp những người giỏi hơn thì phải chào vì họ là thầy của con. Con là thầy của người khác về xương nhưng về những nghề khác, con làm sao bằng được.
Ba tôi muốn dạy chúng tôi bài học: Không được kiêu ngạo, dù có giỏi cái gì thì cũng chỉ giỏi ở một hai lĩnh vực, không thể giỏi tất cả các ngành nghề được. Ông luôn nhắc nhở chúng tôi về điều này. Đó là bài học mà hầu như anh em chúng tôi đều tiếp thu được.
Nguyễn Tuấn Nam: Phải chăng bài học này cũng chính nằm trong ý nghĩa câu nói của người xưa: "Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư" (Ba người đồng hành, ắt sẽ có thầy của ta), thưa ông?
PGS Nguyễn Lân Cường: Đúng là có ý ở trong đó.
Nguyễn Tuấn Nam: Tôi từng đọc một bài báo viết về gia đình của ông nói về khả năng tự học rất tốt. Đối với ông, vấn đề tự học như thế nào?
PGS Nguyễn Lân Cường: Tôi tự học nhiều chứ. Tôi tốt nghiệp đại học là về sinh vật nhưng tôi là một nhà khảo cổ. Số là trước đây khi được phân công công tác, tôi được phân công về khảo cổ cùng với một bác sỹ nhi nữa. Tôi thích những cái gì mới lạ. Khi đó khảo cổ về xương rất cần người làm nên tôi làm luôn. Dù sau đó được đi bồi dưỡng ở Đức và ở Nga vài năm nhưng tôi thấy vẫn chưa đủ vì điều kiện tự nhiên cũng như các di chỉ ở các nước kia khác với nước ta. Nên tôi vừa học khảo cổ, vừa học về xương. Khi tôi làm TS thì bảo vệ chuyên ngành khảo cổ, cần có bằng cấp về sử học. Vậy là tôi phải học thêm Lịch sử trong 3 năm.
Ngoài ra, đối với mỗi di chỉ, tôi lại phải đọc về các nền văn hoá thì mới có thể hiểu được vì mình có được học bài bản về các nền văn hoá đâu. Có đọc, có hiểu thì mới viết được.
Đối với nhạc, tôi cũng tự học và đễn giờ tôi cũng được 18 giải thưởng của Hội nhạc sỹ Việt Nam và Hội Âm nhạc Hà Nội.
Nguyễn Tuấn Nam: Như ông có nói, ông là người có thời gian sống chung cùng ba mẹ lâu nhất trong số các anh chị. Vậy ngoài những lời khuyên nhủ, những bài học mà ba mẹ ông dạy các con, phẩm chất nào ở NGND Nguyễn Lân cùng phu nhân mà ông cho rằng là ấn tượng nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đến các con?
PGS Nguyễn Lân Cường: Nhân ái. Tôi từng làm hai khoá chủ tịch công đoàn của Viện Hàn lâm KH&XH được nhiều người biết tới và rất yêu quý. Tôi học tập ba tôi. Khi các con lỗi lầm thì ngồi giảng giải cho các con chứ không hề đánh. Khi ba tôi mất, đưa về làng, nhiều người không có họ hàng ở làng cũng đeo khăn tang. Lòng nhân ái của ba mẹ đã thấm vào anh em tôi, và chính lòng nhân ái đó đã giúp anh em chúng tôi tiến xa trong công việc, và trong công tác xã hội, được nhiều người yêu quý.
Ngoài ra, ba tôi còn dạy chúng tôi không được đố kỵ. Là người làm về nhân chủng học, tôi càng thấy điều đó đúng. Cuộc đời một con người rất công bằng. Với lòng nhân ái khi ra cuộc đời, tôi lại gặp nhiều người thầy cũng có tấm lòng nhân ái rất tuyệt vời.
Nguyễn Tuấn Nam: Kỷ niệm nào của ông với ba mẹ mà ông nhớ nhất?
PGS Nguyễn Lân Cường: Tôi cũng nhớ có lần tôi đang ở bên ngoài, ba tôi nhắn tin cho tôi bảo tôi về sớm để ba hỏi. Ông xem tivi và đặt câu hỏi: "Tại sao người ta lại tham nhũng những 5 tạ xi măng?". Tôi mới bảo ông là: "Người ta có thể tham nhũng hàng tấn xi măng chứ ạ". Ông hỏi lại tôi: "Thế người tham nhũng móc ngoặc với bảo vệ à?". Tôi trả lời là: "Không, họ tham nhũng trên giấy tờ".
Những chuyện như thế, ông cứ băn khoăn mãi bởi ông từng là Giám đốc Giáo dục Liên khu Việt Bắc, được giao 3 vạn tiền Đông Dương để cho các trường xây dựng lớp học mà không cần giấy tờ gì. Ba tôi rất cẩn thận, đến trường nào, giao bao nhiêu tiền đều có biên nhận đầy đủ. Đến khi ba tôi sang Trung Quốc đã bàn giao lại toàn bộ giấy tờ và tiền thừa cho Nhà nước. Cũng vì thế mà mỗi khi nghe việc tiêu cực về giáo dục, ba tôi lại hết sức xót xa.
Ba tôi có viết cuốn "Những trang sử vẻ vang". Ông dùng những câu chuyện lịch sử rất ngắn nhưng dễ nhớ để dạy chúng tôi, với lời đề: "Âu yếm mong bốn con Lân Tuất, Tề Chỉnh, Lân Dũng, Lân Cường sau này sẽ tìm thấy ở những trang sử vẻ vang một nguồn sống mạnh mẽ và xứng đáng". Cũng chính vì vậy mà chúng tôi rất thấm và yêu thích lịch sử.
Từ ba mẹ tôi, tôi thấy là người bố, người mẹ thì phải từ hành động, từ câu chuyện để đến với các con, nếu quát mắng chưa chắc các con đã nghe. Tốt nhất là sử dụng tấm gương của mình để con cái làm theo.
(còn nữa)
Doanh nghiệp và Tiếp thị