ChatGPT khiến học sinh lười nhác, gian lận học tập?

07/02/2023 14:40 PM | Sống

Theo các chuyên gia, nhà giáo, ChatGPT có thể khiến học sinh lười suy nghĩ, gian lận, thậm chí là dần mất động lực học tập. Chưa kể, với nhiều thông tin sai lệch, học sinh có bộ lọc chưa tốt, dễ bị định hướng.

Hào hứng trải nghiệm

Sau 2 tháng ra mắt, ChatGPT là ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) đã cán mốc 100 triệu người dùng trên toàn cầu vì tính tiện ích, có thể trả lời tất cả các câu hỏi một cách lưu loát, nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực.

Không ít học sinh, giáo viên cho biết họ hào hứng trải nghiệm ChatGPT để đo độ thông minh của ứng dụng.

ChatGPT khiến học sinh lười nhác, gian lận học tập? - Ảnh 1.

Chuyên gia, nhà giáo cảnh báo, ChatGPT có thể khiến học sinh lười suy nghĩ, gian lận.

Đức Anh, học sinh Trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, vì tò mò em đã tìm hiểu về ChatGPT. Thử đưa ra các câu hỏi là đề bài môn Toán, Vật lí, Hoá… đều được ứng dụng trả kết quả chính xác với tốc độ nhanh chóng. Tuy nhiên, khi cố tình đặt các câu hỏi sai, kết quả cũng không chính xác. “Em đánh giá ứng dụng rất thông minh, tiện ích cho việc tra cứu, giúp hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập tuy nhiên nếu lạm dụng sẽ lười và tư duy kém hơn”, Đức Anh nói.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Bộ môn Sinh học, Hệ thống giáo dục Học Mãi cho biết đã đặt nhiều câu hỏi về bộ môn cũng như các lĩnh vực khác trong cuộc sống để kiểm tra khả năng của AI. Nếu dùng google, người dùng phải đọc nhiều kết quả và tự chắt lọc thông tin mất rất nhiều thời gian thì ChatGPT tạo ra sự khác biệt đó chính là ứng dụng đưa ra một kết quả, đồng nghĩa với việc nó đang làm thay con người trong việc chắt lọc thông tin, sắp xếp, phân tích một cách hợp lý hơn.

Tuy nhiên chúng ta sẽ hoài nghi về thông tin đem lại, nhất là những thông tin về khoa học, giáo dục. Bởi lẽ kiến thức là vô tận, và phải xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau.

"ChatGPT khi dữ liệu đủ lớn, thuần thục sẽ giúp ích khá nhiều cho các thầy cô trong việc xây dựng bài giảng, đem đến nhiều trải nghiệm hơn cho người học, phụ thuộc vào nó hay dùng nó để sáng tạo lại do người dùng", Thầy Đinh Đức Hiền.

Về phía học sinh sử dụng ChatGPT, thầy Hiền cho rằng, đánh giá một cách thẳng thắn sẽ thấy phần lớn học sinh chưa tự giác trong học tập, điều này hệ lụy từ cách giáo dục truyền thống, trong khi đó áp lực học tập lớn, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin nhanh chóng, bỗng nhiên có công cụ giúp có thể giải quyết nhiều bài tập mà không phải suy nghĩ nhiều, các em sẽ sử dụng tối đa.

Và đương nhiên khi sử dụng rộng rãi, ứng dụng sẽ khiến học sinh lười suy nghĩ, lười tư duy hơn trước. Trong khi đó ở lứa tuổi này, khả năng đọc, phân tích, xử lý thông tin của học sinh chưa tốt, dễ bị định hướng. Nó cũng không khác gì mặt trái của mạng xã hội ngày nay.

“Rõ ràng giáo dục ngày nay là phẳng về mặt tri thức, thầy cô cần định hướng cho học sinh, xây dựng kĩ năng tự học, tự nghiên cứu suốt đời. Và đã đến lúc, giáo dục đạo đức, kĩ năng giải quyết vấn đề, ứng xử trên nền tảng số sẽ quan trọng hơn bao giờ hết”, thầy Hiền nói.

Cảnh báo đạo văn, thông tin sai lệch

Cô giáo Lưu Tú Oanh, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, bất cứ ứng dụng thông minh nào xuất hiện đều hỗ trợ rất tốt cho dạy học , trong đó học sinh có thể tra cứu kiến thức nhằm tham khảo, mở rộng vốn tri thức. Giáo viên giỏi công nghệ và có phương thức kiểm tra, đánh giá sát học sinh có nắm được bài hay không sẽ không quá lo lắng.

“Khi kiểm tra trên lớp học sinh không được sử dụng điện thoại còn bài tập về nhà, dự án các em có tra cứu thậm chí nhờ ứng dụng làm thay, giáo viên cũng phải kiểm tra lại bằng cách đặt câu hỏi vì sao để các em phải giải thích được”, cô Oanh nói.

Cũng theo cô Oanh, nhiều năm nay giáo viên đã ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh và thực tế khiến họ nhàn hơn, lười hơn. Ví dụ đề kiểm tra môn Ngoại ngữ thường ra theo hình thức trắc nghiệm và chấm bằng máy, không kì cạch chấm tay.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp học sinh sau khi trả bài đã tô lại đáp án nhằm gian lận nhưng trước đó giáo viên đã xuất và lưu trữ file gốc để đối sánh nên ngăn chặn được.

PGS.TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện nay nhiều học sinh, sinh viên đã hào hứng thử nghiệm ứng dụng. Thậm chí có học sinh đã tận dụng để viết bài luận, giải toán. Nếu sử dụng đúng cách, ChatGPT là một công cụ tuyệt vời cho học sinh tra cứu kiến thức.

Ví dụ dựa trên câu hỏi, từ khoá phần tạo ra các bản nháp và học sinh dựa trên dữ liệu đó để sáng tạo sản phẩm của mình. Tuy nhiên, ứng dụng hiện vẫn có những đáp án lỗi và câu trả lời sai lệch do đó nếu học sinh lạm dụng sẽ rất nguy hiểm.

Cũng theo PGS Nam, sự phát triển của ChatGPT khiến nhiều người lo lắng sẽ có tác động tiêu cực vì ngoài tiện ích, học sinh có thể dùng công cụ này để gian lận trong học tập, thi cử . Thực tế đó đặt ra cho giáo viên, nhà trường một thách thức là sẽ có phần khó khăn khi nhận diện học sinh chăm chỉ và học sinh lười học tập. Bên cạnh những em miệt mài đọc sách, nghiên cứu tài liệu, nghiêm túc làm bài tập sẽ có những em dùng ứng dụng hoàn thành trong vài phút.

Theo ông Nam, trong bối cảnh đó, giáo viên đánh giá học sinh cũng phải thay đổi theo hướng không thể đánh giá dựa trên trí nhớ mà phải sáng tạo. Ra các dạng đề cho tất cả học sinh có thể thoải mái dùng ChatGPT nhưng chấm điểm em nào sáng tạo hơn. Để làm được điều đó cũng không dễ vì giáo viên muốn đánh giá học sinh sáng tạo chính người đó phải thực sự sáng tạo.

Một xu hướng nữa là nhiều giáo viên cũng có thể sử dụng ChatGPT để chấm điểm và phản hồi cho từng học sinh. Như vậy, cả giáo viên và học sinh cùng lười.

“Một vấn đề đáng lo ngại nữa là người ta có thể tận dụng AI này để tạo ra những thông tin giả, thiếu chính xác và lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội ở trình độ mà con người không thể phân biệt được”, PGS Trần Thành Nam nói.

“ChatGPT mới ra đời có nguy cơ khiến học sinh đạo văn, gian lận và mất động lực học tập tập tích cực. Học sinh thậm chí không còn hứng thú với học cách viết, cách làm toán. Và ChatGPT cũng có thể dịch được ra bất cứ ngôn ngữ nào khiến cho người học không còn động lực học ngoại ngữ”, PGS.TS Trần Thành Nam.

Theo Hà Linh

Cùng chuyên mục
XEM