Chật vật tìm cách "sinh tồn" vì bất ngờ bị sa thải ở tuổi gần 30: Ngày chỉ tiêu 70 nghìn, tự nấu tại nhà, đến thèm cốc cafe cũng không dám mua
Quãng thời gian thất nghiệp của cô trôi qua khó khăn vì không có sự chuẩn bị về cả tài chính và tinh thần trước đó.
Gần 30 tuổi: Lần đầu nếm trải "mùi" bị công ty sa thải
Võ Thanh (28 tuổi) đã có 4 năm gắn bó với công ty phân phối mỹ phẩm tại TP.HCM trước khi chính thức bị sa thải vào tháng 10 năm ngoái. Cô nàng cho biết, bản thân cũng bất ngờ khi nằm trong danh sách nhân sự bị sa thải bởi nhãn hàng mà cô phụ trách tạm ngừng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Võ Thanh nếm trải "mùi" bị công ty sa thải.
"4 năm gắn bó với công ty cũ, mình chưa từng nghĩ có thể bị cho nghỉ việc. Bởi mình cho rằng lĩnh vực đang làm là đặc thù, rất khó tìm kiếm nhân sự thay thế. Trong 4 năm vừa qua, dù lương không tăng quá cao, song vì mình từng nhiều lần đề cập đến sếp về ý định tự xin nghỉ việc nhưng đều bị từ chối. Cũng vì lẽ đó, mình lầm tưởng rằng sẽ không bao giờ có một ngày mình bị công ty đột ngột sa thải", Võ Thanh tâm sự.
Sau 4 năm làm việc, Võ Thanh cũng đã có một khoản tiết kiệm nho nhỏ. Thời gian đầu tiên, cô nàng dùng tiền để đi xả stress, du lịch và ăn những món yêu thích. Ban đầu, Võ Thanh thấy rất hào hứng với trải nghiệm không còn phải đi làm, song cho đến khi rải CV mà chỉ nhận được vài cuộc gọi từ nhà tuyển dụng thì cô nàng chính thức rơi vào tình cảnh lo lắng.
Võ Thanh chia sẻ: "Ở độ tuổi này, mình phải tự lo mọi chi phí cho cuộc sống chứ không thể ngửa tay xin tiền bố mẹ nữa. Bên cạnh đó, hàng tháng mình cũng ít nhiều phải gửi về cho gia đình đôi ba đồng để phụ mẹ nuôi em ăn học. Nói cách khác, sau khi nghỉ việc, mình không thể mãi rong chơi mà phải nhanh chóng đi làm lại để còn có thu nhập.
Thế nhưng mình không ngờ là sau khi nghỉ ngơi xong, về quê ăn Tết và lấy lại tinh thần, đã hơn 3 tháng trôi qua nhưng mình vẫn chưa xin được việc ở một chỗ nào. Bạn bè bảo mình xui, giai đoạn vừa qua khó khăn nên nhiều công ty không muốn tuyển dụng thêm, thậm chí cắt giảm.
Đôi lúc, mình còn tiếc rẻ vì khi làm ở công ty cũ đã sống quá an tâm, không chịu trau dồi bản thân nên bây giờ đi xin việc toàn bị từ chối. Gần 30 tuổi, tiền tiết kiệm không nhiều mà bản thân còn mất việc, mọi thứ với mình thật quá khó khăn".
Một ngày chỉ tiêu 70 ngàn
Sau 3 tháng thất nghiệp và "tiêu tiền" không cần suy nghĩ, Võ Thanh đã kiềm lại chi tiêu, dè sẻn hơn vì cô không muốn xin tiền từ bố mẹ và nói cho họ biết hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Ngoài tiền thuê nhà đã đóng cố định nửa năm/lần, cô nàng chỉ tiêu 70 - 100 triệu/ngàn cho chi phí sinh hoạt. Với Võ Thanh, mức chi tiêu này chỉ "đủ sống", song là cần thiết để vượt qua gia đoạn khó khăn.
Võ Thanh chia sẻ: "Chi phí khoảng 70 ngàn đồng/ngày của mình bao gồm tiền ăn và xăng xe,... Mình tự nấu ăn 3 bữa/ngày, không đi ăn ngoài, không mua sắm thêm quần áo mới. Thèm đồ ăn vặt cũng nhịn. Thèm cốc trà sữa, cốc cafe thì cũng tự mua nguyên liệu rồi pha sẵn ở nhà. Mình nhận ra thời điểm này bản thân cần tiết kiệm, chứ không thể tiêu xài phung phí nữa. Có lẽ do sinh ra là con nhà nông nên tính mình thường lo xa. Mình không bao giờ để bản thân cháy túi, vì không biết bao giờ mới tìm được việc làm mới.
Thời gian rảnh rỗi, mình làm CV, đi phỏng vấn, dọn nhà hoặc tập thể dục. Mình cố gắng biến những ngày không có việc làm trở nên không vô ích và lãng phí. Bên cạnh cắt giảm chi phí, không mua sắm linh tinh thì mình còn thanh lý bớt đồ cũ. Tiền lời lãi từ bán đồ không được là bao, song nhìn thấy nhà trọ gọn gàng và sạch đẹp thì tâm trạng mình cũng tốt hơn. Khi tâm lý thoải mái, mình sẽ không nổi hứng đi mua sắm quần áo hoặc đồ ăn vặt chỉ để làm tâm trạng vui lên nữa".
Đến hiện tại, Võ Thanh chưa tìm được công việc mới phù hợp, song tài chính của cô nàng vẫn ổn bởi lối sống tiết kiệm. Cô nhận định, những lúc khó khăn thế này mới thấy bản thân có thể chắt bóp chi tiêu như thế nào.
Với những người trẻ bị rơi vào cảnh thất nghiệp, cô cho rằng điều cần làm là giữ vững tinh thần, tìm cách giải quyết vấn đề và đối diện trực tiếp để đạt được kết quả tốt nhất. Như Võ Thanh, cô nàng chọn cách cân đối lại các hạng mục chi tiêu, cắt giảm những khoản tiền không cần thiết bên cạnh tìm kiếm việc làm mới.
"Khi mình ngồi xuống và thống kê lại chi tiêu, lên kế hoạch tiết kiệm thì mình đã bớt lo lắng hơn về hiện thực việc làm. Khi thất nghiệp và không có nguồn thu nhập, điều quan trọng là bạn cần giữ vững tinh thần. Nếu không thì thời gian thất nghiệp kéo dài có thể khiến không chỉ tài chính mà sức khoẻ tinh thần ngày càng đi xuống", cô nàng bày tỏ.