[Chart] Ngân hàng châu Âu đang “sống mòn”
Hơn 8 năm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng các ngân hàng tại châu Âu vẫn đang vật lộn với những khó khăn. Và mọi chuyện còn có thể tồi tệ hơn.
Mối đe dọa mới nhất tới hệ thống ngân hàng tại châu Âu đến từ Italy, nơi ngân hàng lâu đời nhất thế giới - Monte dei Paschi – đang cạn kiệt tiền mặt. Ngày 21/12, ngân hàng này tiết lộ rằng sẽ vỡ nợ trong vòng 4 tháng tới nếu không có nguồn vốn mới. Trước đó, đại diện của Monte dei Paschi cho biết số tiền ngân hàng hiện có đủ để duy trì hoạt động trong vòng 11 tháng.
Tăng trưởng GDP của một số quốc gia châu Âu giai đoạn 2007-2015
Sự sụp đổ của Monte dei Paschi có thể đe dọa hàng nghìn khoản tiết kiệm của người dân Italy và giáng đòn mạnh vào nền công nghiệp ngân hàng rất mong manh của nước này. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), hệ thống ngân hàng của Italy đang nắm giữ 1/3 số nợ xấu của cả khu vực sử dụng đồng Euro.
Nghị viện Italy tuyên bố dùng 20 tỷ Euro (20,89 tỷ USD) tiền đi vay để giải cứu ngân hàng Monte dei Paschi. Nợ của Italy hiện nay tương đương 133% GDP của nước này, tỷ lệ cao thứ 2 châu Âu – chỉ sau Hy Lạp.
Những gói cứu trợ như thế này sẽ giúp các bên có thêm thời gian nhưng không thể thay đổi các lực lượng kinh tế trong và ngoài nước.
Tỷ lệ nợ xấu tại các quốc gia châu Âu giai đoạn 2006-2016
Các lực lượng chính trị cũng đang chịu một mối đe dọa thường trực. Cuộc bỏ phiếu ủng hộ Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) hồi tháng 6 đang thôi thúc người dân ở các quốc gia khác làm điều tương tự, khiến tương lai của tổ chức kinh tế bao gồm 27 thành viên trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết.
Và khi nước Mỹ bầu ông Donald Trump làm Tổng thống, tình trạng bất ổn tại châu Âu càng dấy lên những mối lo ngại về sự sụp đổ của toàn cầu hóa.
Thủ tướng Italy – ông Matteo Renzi – từ chức sau khi người dân nước này bỏ phiếu không ủng hộ cải cách hiến pháp mới. Đây được coi là chiến thắng vang dội của Phong trào Năm sao – những người ủng hộ chủ nghĩa dân túy.
Nhà kinh tế trưởng Carl Weinberg của High Frequency Economics cho rằng nếu Italy rời khỏi EU, các nền kinh tế còn lại sẽ rơi vào suy thoái.
Tổng doanh thu (bảng trên) và lợi nhuận ròng (bảng dưới) của các ngân hàng Mỹ (màu đậm) và các ngân hàng lớn tại châu Âu (màu nhạt)
Có rất ít những dấu hiệu cho thấy áp lực kinh tế tại khu vực sử dụng đồng Euro sẽ giảm đi trong thời gian tới.
Mặc dù ECB có những động thái nhằm thúc đẩy tăng trưởng, như hạ lãi suất xuống mức 0%, nhưng các nền kinh tế tại đây gần như vẫn không cho thấy sự tiến bộ, ngoại trừ Đức, Pháp và Anh.
Sự trì trệ này càng khiến những cử tri tại châu Âu lo lắng hơn về tình trạng kinh tế khu vực.
Nhiều doanh nghiệp bị tê liệt vì những khoản vay chưa thể hoàn trả. Các ngân hàng tại Mỹ hồi phục tương đối nhanh sau khi giải quyết vấn đề nợ xấu của cuộc khủng hoảng tài sản thế chấp năm 2008 nhưng những người đồng nghiệp ở phía bên kia Đại Tây Dương lại chưa làm được như vậy. Hiện nay, nhiều ngân hàng đang bị nợ xấu đè nặng và có thể sẽ không có cơ hội để hoàn trả.
Tăng trưởng kinh tế chậm chạp khiến nhu cầu đi vay giảm, tác động trực tiếp tới lợi nhuận của các ngân hàng tại châu Âu. Mức lãi suất siêu thấp khiến nhiều công ty phải huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu và tiếp tục cắt giảm nhu cầu vay.
Lợi nhuận thấp cản trở những nỗ lực tái xây dựng vốn nhằm xóa bỏ nợ xấu. Giờ đây, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện chính sách bình thường hóa lãi suất, các ngân hàng châu Âu vẫn sẽ phải vật lộn với tình trạng lãi suất thấp-lợi nhuận thấp.