Chẳng có công việc nào không thể đưa bạn thành triệu phú, trừ khi chính bạn mắc kẹt trong 3 lối suy nghĩ nghèo khó thường gặp: Từ bỏ đi trước khi quá muộn!
Cách bạn suy nghĩ sẽ quyết định cách bạn thành công, nhưng cũng có thể là thất bại thảm hại.
Các nhà tâm lý học cho rằng cuộc sống nghèo khó không đáng sợ, thứ đáng sợ nhất lại nằm trong chính lối suy nghĩ nghèo khó, không dám thay đổi, không dám bứt phá của mỗi người. Đó mới là nguyên nhân chính làm cho chúng ta luôn mắc kẹt trong sự khó khăn, đã nghèo lại hoàn nghèo, là vật cản to lớn nhất trên con đường phát triển về sau.
Nếu rơi vào 3 kiểu suy nghĩ tuần hoàn ác tính sau đây mà không sớm ngày thay đổi, cho dù bạn đang làm công việc tốt nhất trên thế giới cũng chẳng đạt được đỉnh cao thành công mình mong muốn.
1. Xem nhẹ giá trị thời gian
Nghèo khó có nghĩa là thiếu tiền. Mà từ góc độ kinh tế học, nếu bạn thiếu một cái gì đó, bạn sẽ coi thứ đó đặc biệt quan trọng. Mà thứ gì có sẵn trong tay, bạn sẽ dễ dàng xem nhẹ nó. Thời gian chính là một giá trị điển hình luôn bị người ta dễ dàng bỏ qua như vậy.
Có lần, tôi giới thiệu một cuốn sách chuyên đề tài chính rất đáng suy ngẫm trên diễn đàn kinh tế nổi tiếng, cuốn sách cũng khá phổ biến và không quá đắt tiền, chỉ cần tìm kiếm trên mạng là có thể dễ dàng đặt mua bản online hoặc bản sách giấy. Tuy nhiên, có người lại hỏi xin tôi ebook (sách điện tử) miễn phí. Vì không có nên tôi đã trả lời anh ta ngay.
Sau đó một tuần, tôi để ý thấy anh ta không ngừng nhắn tin tìm kiếm ebook miễn phí của cuốn sách đó trên tất cả các trang web lớn, các diễn đàn chia sẻ và các fanpage cộng đồng. Dường như với người đó, phải tìm bằng được bản sách miễn phí mới đọc chứ nhất quyết không bỏ ra vài chục ngàn đồng để mua. Thế nhưng, không phải thứ gì dính nhãn "miễn phí" cũng thực sự miễn phí. Chẳng lẽ thời gian cả tuần trời anh ta bỏ ra để đi khắp nơi dò hỏi không đáng giá hay sao?
Thay vì lãng phí giá trị thời gian như vậy, chúng ta phải nhớ 2 điểm sau:
Một là, xây dựng khái niệm về giá trị thời gian, ngừng làm những chuyện tốn thời gian vô bổ như trên;
Hai là, hãy nhớ rằng trên đời này có 2 loại phí tổn không thể tìm lại: Tiền tiêu sai mục đích và thời gian lãng phí bỏ không.
Thời gian chính là một giá trị điển hình luôn bị người ta dễ dàng bỏ qua.
2. Không có chủ kiến
Từng có một câu hỏi rất nổi trên mạng xã hội như sau: "Mục tiêu cuộc đời của bạn là gì?"
Trên thực tế, đa phần chúng ta luôn vô tình trở thành cái bóng của người khác. Mọi người xung quanh sống thế nào, chúng ta cũng muốn sống như thế. Nhìn anh hàng xóm trở thành CEO cưới được cô vợ xinh đẹp nhà giàu, bạn cũng tự dưng khao khát được như vậy. Hay trong xóm có người chơi cổ phiếu mà giàu lên, tất cả dân xung quanh cũng tự dưng bỏ lao động mà học theo cách làm đó. Nhìn một cách khách quan, chẳng lẽ đây không phải một biểu hiện thiếu chủ kiến hay sao? Đến cuộc đời của mình cũng lười định hướng, chỉ muốn dập khuôn đi theo lối mòn của người xung quanh thì sao có thể tạo ra sự đột phá?
Cũng giống như việc đầu tư, nhiều người không nghiên cứu cách thức phát sinh tiền lời, không biết dự án có đáng tin cậy hay không, thậm chí không biết sản phẩm đầu tư với mục đích gì, chỉ thấy người khác đổ tiền vào đó thì mình cũng bắt chước theo, chỉ quan tâm kết quả mà không hỏi rõ quy trình, đến cuối cùng đa số đều rơi vào cảnh mất tiền oan hoặc bị lừa trắng tay.
3. Tầm nhìn thiển cận
Ở chợ Ấn Độ có một nhóm tiểu thương bán rau củ quả nhỏ lẻ. Mỗi buổi sáng, họ sẽ vay 1.000 rupee để đi nhập hàng, cả ngày buôn bán thu về 1.100 rupee thì buổi tối hôm đó, họ sẽ phải trả 1.050 rupee cho chủ nợ. Nói cách khác, thu nhập một ngày của họ chỉ vỏn vẹn là 50 rupee. Nhưng nếu biết cách tiết kiệm chỉ chi tiêu một nửa số tiền đó thì sau 40 ngày, họ đã có trong tay 1.000 rupee mà không cần phải đi vay nợ.
Tuy nhiên, không có tiểu thương nào làm như vậy. Họ vẫn không ngừng vay tiền và trả tiền lãi mỗi ngày như thế. Họ từ chối sự thay đổi, từ chối những sự lựa chọn mới cho dù chúng mở ra một con đường tốt đẹp hơn về lâu dài.
Lựa chọn những điều dễ dãi cho bản thân hôm nay, còn khó khăn ngày mai thì ai sẽ là người giải quyết? Bạn đã bao giờ tự đặt câu hỏi đó cho bản thân và đi tìm câu trả lời chưa? Đừng quên, cách bạn nghĩ sẽ quyết định cách bạn thành công nhưng đồng thời, cũng có thể biến bạn trở nên thất bại thảm hại.
Không chỉ vậy, ở những vùng nghèo khó khác trên thế giới, ví dụ như các quốc gia Nam Phi, người ta càng chi nhiều tiền hơn cho các đám cưới, của hồi môn, đám tang và các hoạt động lễ tết khác theo phong tục cổ truyền, cho dù số tiền đó "ngốn" hết toàn bộ thu nhập cả năm vừa qua. Không thiếu trường hợp trẻ con phải bỏ học để gia đình có đủ tiền tổ chức một đám tang lớn cho người thân vừa qua đời.
Tại sao họ không dùng số tiền đó để đầu tư vào những mục đích thiết thực hơn, có ích hơn và đem lại nguồn thu nhập cao hơn? Đa phần là do họ không đặt ra những mục tiêu cụ thể cho sự phát triển trong tương lai mà chỉ chú trọng nhu cầu hiện tại. Có lẽ các tiểu thương ở khu chợ nghèo Ấn Độ không thích ăn uống tiết kiệm. Cũng như các gia đình Nam Phi thích tổ chức tiệc tùng vui vẻ cả tuần trời. Họ lựa chọn những điều dễ dãi cho bản thân hôm nay, còn khó khăn ngày mai thì ai sẽ là người giải quyết? Bạn đã bao giờ tự đặt câu hỏi đó cho bản thân và đi tìm câu trả lời chưa? Đừng quên, cách bạn nghĩ sẽ quyết định cách bạn thành công nhưng đồng thời, cũng có thể biến bạn trở nên thất bại thảm hại.