Chán ngán với 'thành phố iPhone', Apple muốn 'bỏ phố về làng': Yêu cầu đối tác 'tích cực' chuyển dịch sang Việt Nam, Ấn Độ - LuxShare, Wingtech được 'gọi tên' đầu tiên
Không còn là tin đồn, Apple đã "đánh tiếng" với hàng loạt đối tác của mình, yêu cầu họ chuyển dịch các hoạt động sản xuất sang Việt Nam, Ấn Độ.
Dẫn lời nguồn tin nội bộ từ Apple, tờ Wall Street Journal đưa tin Táo khuyết đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc.
Công ty được cho đã yêu cầu các nhà cung cấp lên kế hoạch “tích cực” lắp ráp các sản phẩm của hãng ở những nơi khác thuộc châu Á - chủ yếu là Ấn Độ và Việt Nam, khi công ty đang tìm các giảm sự phụ thuộc vào các nhà lắp ráp Đài Loan do Foxconn dẫn đầu.
Theo nhà phân tích Ming-Chi Kuo của TF International Securities, mục tiêu của công ty là chuyển dịch 40-50% lượng sản xuất iPhone sang Ấn Độ, so với tỷ lệ ở mức dưới 10% như hiện tại. Việt Nam cũng được cho sẽ đảm nhận thêm việc sản xuất các sản phẩm khác của Apple như AirPods, Apple Watch hay MacBook.
Thành phố iPhone từng là niềm tự hào của Apple nhưng sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc đang khiến Apple phải trả giá.
Quyết định này được đưa ra sau khi xảy ra tình trạng hỗn loạn tại “thành phố iPhone” thuộc Trịnh Châu (Trung Quốc), nơi có 300.000 công nhân lắp ráp iPhone và các sản phẩm khác của Apple do Foxconn điều hành. Nhà máy này lắp ráp đến 85% lượng iPhone dòng Pro, theo Conterpoint Research.
Hồi tháng 11, gián đoạn sản xuất nghiêm trọng đã xảy ra ở đây khi công nhân bức xúc về vấn đề thu nhập cũng như các hạn chế về Covid-19. Điều này gây rủi ro cho Apple, vốn coi đây là một trung tâm sản xuất ổn định.
“Apple không còn cảm thấy thoải mái khi hoạt động kinh doanh của mình bị ràng buộc quá nhiều ở một nơi”, báo cáo từ WSJ cho hay.
Alan Yeung, một cựu Giám đốc của Foxconn tại Mỹ cho biết: “Trước đây, mọi người không quan tâm đến rủi ro của sự tập trung. Thương mại tự do là tiêu chuẩn và mọi thứ rất dễ đoán. Giờ đây, chúng ta đã bước vào một thế giới mới”.
Một công ty thuộc chuỗi cung ứng của Apple cho biết họ đang “nhìn vào” một số nhà lắp ráp lớn để đưa ra quyết định. Có 2 công ty Trung Quốc đang chuẩn bị có thêm hoạt động kinh doanh với Apple là Luxshare Precision Industry và Wingtech Technology.
Trong các cuộc gặp mặt nhà đầu tư hồi đầu năm nay, các lãnh đạo của Luxshare cho biết một số khách hàng ngành điện tử tiêu dùng của họ lo lắng về sự gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, tình trạng thiếu điện và một số vấn đề khác. Họ cho biết những khách hàng này muốn Luxshare mở rộng hoạt động lắp ráp ra bên ngoài Trung Quốc.
Ấn Độ, Việt Nam đều chưa có được chuỗi cung ứng hoàn hảo như Trung Quốc. Do đó, sẽ mất rất nhiều công sức để Apple dịch chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia này.
Tuy nhiên, lo ngại xoay quanh việc mỗi năm Apple sẽ giới thiệu sản phẩm mới (NPI) một lần, yêu cầu các nhà thầu sẽ phải làm việc chặt chẽ với họ để chuyển các bản thiết kế, nguyên mẫu thành một kế hoạch sản xuất chi tiết.
Điều này có nghĩa, trừ khi những nơi như Việt Nam, Ấn Độ có thể đạt chỉ số NPI vượt trội, bằng không họ vẫn sẽ “mắc kẹt khi chỉ là kẻ đóng thế”, theo các chuyên gia về chuỗi cung ứng.
Hiện tại, người tiêu dùng phải đối mặt với việc không có iPhone để mua ngay trong mùa Giáng sinh. Theo các thống kê, thời gian người dùng phải chờ sau khi đặt hàng mua iPhone 14 Pro, Pro Max là dài nhất trong lịch sử 15 năm của sản phẩm này.
Theo Kup, nhà phân tích chuỗi cung ứng, Apple có thể đạt doanh số 70-75 triệu chiếc iPhone trong quý IV năm nay, ít hơn 10 triệu máy so với các dự đoán trước đó.
“Apple sẽ phải tìm giải pháp thay thế thành phố iPhone. Họ sẽ phải mở rộng ra, tạo ra nhiều ‘ngôi làng’ hơn thay vì tập trung vào một ‘thành phố’ lớn”, Dan Panzica – cựu lãnh đạo Foxconn, hiện đang tư vấn cho các công ty về chuỗi cung ứng - cho hay.