Chán ngán với "giấc mơ Mỹ", nhiều người Hàn Quốc lựa chọn hồi hương

24/11/2020 13:37 PM | Xã hội

Trong mắt nhiều người Hàn Quốc, giấc mơ Mỹ không còn hấp dẫn như trước đây.

Seok Jun-ho bắt đầu hiện thực hóa "giấc mơ Mỹ" của mình từ năm 2010, khi ông cùng với vợ và 2 con di cư từ Hàn Quốc tới Los Angeles. Ở tuổi 47, ông thành lập công ty logistics và sớm có được hộ chiếu Mỹ.

Nhìn bên ngoài thì đó chính là mọi thứ mà ông đã từng mơ ước. Seok có nhà, có công ty riêng và có cơ hội sống trên "mảnh đất của tự do", nhưng mặc dù sống ở California – nơi có nhiều người Mỹ gốc Hàn hơn so với tất cả các bang còn lại, ông vẫn bắt đầu cảm thấy nhớ nhà.

"Tôi có thể đi ăn canh kim chi hầm hay thịt nướng kiểu Hàn Quốc bất cứ khi nào tôi muốn vì ở quanh đây có rất nhiều nhà hàng Hàn Quốc. Nhưng điều đó không thể mang lại cảm giác giống như ở quê nhà". Không phải là món ăn dở, mà vì ông luôn nhớ cuộc sống ở Hàn Quốc và than vãn về chuyện ở Mỹ không có văn hóa tụ tập và có quá ít câu lạc bộ để tham gia.

Một trong những yếu tố khác đè nặng tâm trí của 2 vợ chồng ông là y tế. Năm nay họ đã sắp bước sang tuổi 60. "Ở Mỹ, chúng tô cần phải mua nhiều thuốc tích trữ sẵn ở nhà trong trường hợp khẩn cấp. Ở Hàn Quốc thì không cần làm vậy vì có thể dễ dàng tới bệnh viện kể cả trong đêm. Chi phí y tế ở Hàn Quốc cũng thấp hơn rất nhiều so với ở Mỹ", Seok chia sẻ.

Vì thế, năm 2018, 2 vợ chồng quyết định bán nhà và quay trở về Hàn Quốc dù vẫn giữ quốc tịch Mỹ. Để cảm thấy thoải mái về sự dịch chuyển này, họ mua 1 căn hộ ở khu American Town tại Songdo – dự án nhà ở 500 triệu USD nằm ở thành phố cảng Incheon được xây dựng với mục đích ban đầu là giúp những người Mỹ gốc Hàn ổn định cuộc sống khi quay trở lại quê nhà.

Đó là "đứa con tinh thần" của Kim Dong-ok, 1 cựu phóng viên và phát thanh viên đã trở lại Hàn Quốc từ năm 2012 sau 50 năm sống tại Mỹ. "Sau khi dành gần như cả cuộc đời ở Mỹ, tôi muốn trở về Hàn Quốc để nghỉ hưu. Và tôi biết rằng cũng có rất nhiều người mong muốn như vậy", ông Kim nói.

Tất cả 830 căn hộ mà công ty của Kim bán ra trong giai đoạn 1 của dự án đã được bán hết sạch, và dự án đang bước vào giai đoạn 2 với vốn đầu tư lên đến 600 triệu USD. Giai đoạn 3 cũng đang được tính đến vì nhu cầu là rất lớn.

"Khi bước vào tuổi xế chiều ở Mỹ, bạn phải tới viện dưỡng lão nhưng ở Hàn Quốc bạn sẽ có rất nhiều thứ để làm cùng gia đình và bạn bè". Ông Kim cũng cho rằng hệ thống giao thông công cộng ở Hàn Quốc tốt hơn so với Mỹ, thậm chí "sống ở Hàn Quốc tốt hơn ở Mỹ".

Trong mắt nhiều người Hàn Quốc, giấc mơ Mỹ không còn hấp dẫn như trước đây, theo Yoon In-jin, giáo sư ngành xã hội học đang công tác tại ĐH Hàn Quốc. Theo ông, trong quá khứ Hàn Quốc từng phải phụ thuộc vào Mỹ về kinh tế và lính Mỹ đóng quân ở Hàn Quốc đã giới thiệu văn hóa Mỹ đến dân Hàn. Do đó mối quan hệ giữa hai bên rất khăng khít. Điều này cũng dẫn đến làn sóng nhiều người Hàn Quốc thuộc tầng lớp trung lưu di cư tới Mỹ để hưởng cuộc sống tốt hơn.

Tuy nhiên, sự kiện Olympics Seoul năm 1988 là dấu mốc mà xu hướng đó thay đổi. "Từ đó đến nay lượng người Hàn di cư tới Mỹ đã giảm mạnh, xuống chỉ còn khoảng 20.000 mỗi năm so với mức 30.000 người ở đỉnh điểm năm 1976".

Theo số liệu của Bộ ngoại giao Mỹ, số lượng người Hàn Quốc nhận được visa nhập cư đã giảm từ mức 15.895 trong năm 2009 xuống còn 12.710 năm 2017. Tuy nhiên Mỹ vẫn là nơi có đông người Hàn hơn bất kỳ quốc gia nào khác ngoại trừ Trung Quốc. Đây cũng là điểm đến hàng đầu của các du học sinh Hàn.

Khác biệt văn hóa

Tuy nhiên không phải ai chọn trở về quê nhà cũng là để nghỉ hưu. Cory Lemke là một trong số 200.000 trẻ em Hàn Quốc được nhận nuôi trong 6 thập kỷ qua tại hơn 15 quốc gia mà phần lớn là ở Mỹ. Làn sóng các bậc cha mẹ nước ngoài nhận nuôi trẻ em Hàn Quốc bắt đầu xuất hiện sau khi chiến tranh kết thúc năm 1953 và khiến nhiều trẻ bị mồ côi. Đỉnh điểm là trong những năm 1980 và 1990.

Lemke, người lớn lên ở Iowa, đã quay về Hàn Quốc năm 2013 để sống với cha mẹ đẻ sau khi bỏ việc marketing ở Mỹ. Có khoảng 350 trường hợp như vậy. Sau khi đã trải qua một vài công việc ở Daegu, những khác biệt về văn hóa và sự phân cấp xã hội trong chốn công sở bắt đầu khiến anh cảm thấy khó chịu. "Có lần tôi đã bị sếp mắng thậm tệ vì không tới viếng 1 đám ma trong khi tôi thậm chí còn chưa từng nghe đến tên người đó", anh nói.

Những cử chỉ như đứng dậy và cúi đầu chào sếp cũng là điều khó khăn. "Tôi biết rất nhiều người bị sa thải hoặc đã chọn rời khỏi Hàn Quốc vì văn hóa khác biệt, đặc biệt là phụ nữ vì có lẽ nam giới sẽ sống tốt hơn trong 1 xã hội trọng nam như vậy".

Tuy nhiên Lemke vẫn ở lại Hàn Quốc suốt 7 năm qua và dự báo xu hướng người Hàn ở Mỹ hồi hương sẽ tiếp tục diễn ra. "Chính phủ đang tạo điều kiện để những người có quốc tịch Mỹ hồi hương, và các cơ hội kinh tế cũng xuất hiện rất nhiều. Việc có quốc tịch Mỹ cũng mang đến những lợi ích nhất định về vị thế trong xã hội, đặc biệt là đối với những người bị phân biệt chủng tộc và khó lập gia đình khi ở Mỹ".

Theo giáo sư Yoon, nhiều người rời khỏi Hàn Quốc khi đất nước ở trong giai đoạn khó khăn nhất nhưng giờ thì mọi thứ đã tốt lên và họ lại quay trở lại, bắt đầu 1 "giấc mơ" mới.

Tham khảo SCMP

Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM