Chân dung tỷ phú giàu thứ 2 châu Á sắp đầu tư vào Việt Nam: Chàng sinh viên bỏ học thành ông vua cơ sở hạ tầng, trùm than đá nổi danh châu lục
Với khối tài sản 74,8 tỷ USD, ông Gautam Adani hiện là người giàu thứ 2 Châu Á và thứ 13 thế giới.
Theo tạp chí Forbes, chủ tịch Gautam Adani của tập đoàn Adani-Ấn Độ đã chứng kiến khối tài sản khổng lồ của mình tăng gần gấp 3 lần lên 74,8 tỷ USD trong năm vừa qua.
Cổ phiếu của 6 công ty con thuộc tỷ phú này đã tăng trong khoảng 73-630% trong năm qua, cao hơn hẳn so với mức tăng bình quân 52% của thị trường Ấn Độ. Tập đoàn Adani của tỷ phú này được thành lập từ năm 1988 và kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, từ khai khoáng, logistic cho đến nông nghiệp, hàng không.
Số liệu của Forbes cho thấy Adani hiện là người giàu thứ 2 tại Châu Á và thứ 13 trên thế giới.
Mới đây, tập đoàn Adani bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Việt Nam là cảng biển, cảng hàng không và nhiệt điện. Điều thú vị là thế giới chỉ biết đến cái tên Adani nhờ dự án khai khoáng mà cụ thể là than đá chứ không phải các mảng trên.
Theo hãng tin Bloomberg, khoảng 80% doanh thu của tập đoàn Adani vẫn đến từ các dự án có liên quan đến than đá.
Chàng sinh viên bỏ học
Sinh ngày 24/6/1962 tại Ấn Độ, ông Adani là con trai trong một gia đình có 7 người anh em. Cha của ông Adani là một thương gia ngành may mặc nên có đủ tiền cho các con ăn học. Thế nhưng ngay từ bé, Adani đã chẳng mấy hứng thú đến chuyện học hành.
Khi đang là sinh viên của trường đại học Gurajat, Adani đã bỏ ngang ở năm thứ 2 để đi làm kiếm tiền. Năm 1978, Adani lên thành phố Mumbai làm trong ngành buôn kim cương thay vì theo nghề kinh doanh may mặc như của bố.
Chỉ 2 năm sau đó, Adani đã tự mở được cơ sở kinh doanh kim cương của riêng mình tại Mumbai. Những tưởng cuộc đời Adani đã gắn với nghề kim cương thay vì buôn vải như của gia đình thì năm 1981, người anh trai Mansukhbhai Adani mua một nhà máy sản xuất nhựa và mời Adani về làm quản lý.
Chính sự kiện này đã mở ra một trang mới cho sự nghiệp của Adani. Năm 1985, Adani bắt đầu nhập khẩu nguyên liệu nhựa Polyme cho các cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ. Từ thành công này, ông bắt đầu thành lập Adani Export, tiền thân của tập đoàn Adani ngày nay vào năm 1988.
Trong khoảng thời gian đầu, tập đoàn này chủ yếu kinh doanh các mặt hàng nông sản và năng lượng mà đặc biệt là khai thác than.
Năm 1991, Adani mở rộng sang các hoạt động dệt may và luyện kim nhằm bắt kịp với xu hướng tự do hóa kinh tế của Ấn Độ. Đây là thời điểm mà Adani được hưởng lợi rất lớn từ các chính sách cải cách mở cửa kinh tế của chính phủ.
Vậy là phải 13 năm sau ngày bỏ học, chàng sinh viên Adani ngày nào mới kinh doanh nghề buôn vải của gia đình.
Dẫu vậy phải đến năm 1995 khi Adani thắng thầu quản lý cảng Mundra từ chính phủ thì vị tỷ phú này mới mở rộng sang các hoạt động cảng biển và hàng không như đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam.
Ông trùm than đá Ấn Độ
Phát triển là vậy nhưng theo đánh giá của Bloomberg, tỷ phú Adani phất lên hoàn toàn là nhờ các dự án than. Từ mảng kinh doanh than từ thời kỳ đầu thành lập, tập đoàn Adani xây dựng mảng nhiệt điện mang tên Adani Power vào năm 1996. Tổng công suất hiện nay của Adani Power đạt tới 4.620 MW và là công ty nhiệt điện tư nhân lớn nhất Ấn Độ.
Tuy nhiên, thế giới chỉ biết đến tên Adani khi ông thực hiện hàng loạt vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong khoảng 2009-2012 tại Australia. Trớ trêu thay, ngoài câu chuyện về sự giàu có thì việc các nhà hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường phản đối những mỏ than của Adani mới là thứ thu hút công chúng quốc tế nhiều nhất.
Trong một bài phỏng vấn năm 2019 với hãng tin Bloomberg, tỷ phú Asani vẫn bảo vệ quan điểm của mình khi cho rằng các mỏ than sẽ đảm bảo được an ninh năng lượng cho Ấn Độ trong khi tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
Mặc dù vậy, tập đoàn Adani đã bắt đầu dịch chuyển kinh doanh sang các mảng cơ sở hạ tầng như cảng biển, sân bay, trung tâm dữ liệu. Trên thực tế theo đánh giá của tờ The Print, Adani có mối quan hệ mật thiết với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dù ông nhiều lần phủ nhận.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng chính mối quan hệ này đã tác động đến chiến lược kinh doanh cũng như đem lại thành công cho Adani. Trong những năm gần đây, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Modi khi cắt giảm sự phụ thuộc nhập khẩu khi giá cả lên cao, Adani đã chuyển hướng sang năng lượng sạch.
Năm 2020, Adani thắng thầu dự án điện mặt trời lớn nhất thế giới tại Ấn Độ với tổng trị giá đạt 6 tỷ USD. Tập đoàn này có kế hoạch tăng công suất năng lượng tái tạo của mình lên gấp 8 lần vào năm 2025 và dần chuyển mình khỏi mảng năng lượng "bẩn" như than.
Tỷ phú Adani cũng có kế hoạch chuyển các nhà máy sản xuất than sang sản xuất nhựa (From Coal to PVC) nhưng chúng vẫn vấp phải nhiều sự phản đối vì chưa đủ thân thiện môi trường.
Hiện tại Adani đã là nhà vận hành cảng biển lớn nhất Ấn Độ nhưng tập đoàn này chưa chịu dừng lại ở đó. Năm 2019, Adani đấu giá thành công quyền phát triển và vận hành 6 sân bay trên khắp Ấn Độ với thời hạn 50 năm. Cuối năm 2020, Adani mua lại 74% cổ phần sân bay lớn thứ 2 Ấn Độ là Mumbai International Airport.
Không chỉ với mảng cảng biển và sân bay, Adani còn tham vọng với ngành nông nghiệp khi định hợp tác với tập đoàn Wilmar International trong mảng này nhưng hiện vẫn chưa được chính phủ thông qua.
Gần đây, tỷ phú Adani cũng tuyên bố sẽ đầu tư 20 tỷ USD cho mảng điện sạch, nhằm rũ bỏ hình ảnh năng lượng bẩn trước đây đã làm nên sự giàu có cũng như tai tiếng của ông.
Vào giữa thập niên 1990, sự giàu có mà Adani có được không chỉ đem lại hạnh phúc mà còn cả những sự chú ý không thân thiện từ giới tội phạm. Theo hồ sơ của cảnh sát vào ngày 1/1/1998, Adani và vợ mình đã bị bắt cóc bởi 2 tên tội phạm có súng khi đang trên đường về nhà.
Cả 2 vợ chồng được thả sau đó khi đã chấp nhận thanh toán khoảng 1,5 triệu USD. Con số chính xác trên thực tế không được công bố khi Adani khá ngại ngùng về việc lan truyền thông tin này trên truyền thông.
"Có một vài vụ tai nạn không may xảy ra trong đời tôi, và vụ bắt cóc là một trong số những tai đó", tỷ phú Adani trả lời ngắn gọn với tờ Financial Times khi được hỏi về vụ việc.
*Nguồn: Economist, Bloomberg, The Print