Nơi có 119% dân số đã tiêm vaccine Covid-19

08/10/2021 13:22 PM | Xã hội

Tại sao Gibralta đạt tỷ lệ tiêm chủng 119% dân số dù không cho phép trẻ em dưới 12 tuổi dùng vaccine ngừa Covid-19?

Nguồn ảnh: CNN
Nguồn ảnh: CNN

Mới đây, báo cáo của Our World Data cho thấy Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm ở phía Nam Tây Ban Nha đã trở thành nơi có tỷ lệ tiêm chủng nhiều nhất thế giới với 119% dân số đã dùng vaccine ngừa Covid-19.

Tờ Gulf News cho biết hiện vẫn chưa rõ làm sao Gibraltar thực hiện được điều đó, nhất là khi trẻ dưới 12 tuổi chưa được cho tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên vùng lãnh thổ này lại có rất nhiều công nhân đến từ Tây Ban Nha và họ cũng được tiêm chủng, qua đó góp phần tạo nên tỷ lệ ấn tượng trên.

Nơi có 119% dân số đã tiêm vaccine Covid-19  - Ảnh 1.

Hơn 100% dân số của Gibraltar đã tiêm chủng cả 2 mũi.

Mặc dù vậy, dân số của Gibraltar rất nhỏ, chỉ vào khoảng 33.679 người, qua đó cho thấy ưu thế tự nhiên của vùng lãnh thổ này trong việc phủ sóng vaccine.

Trả lời tờ The Associated Press, Bộ trưởng y tế Samantha Sacramento của Gibraltar cho biết họ đã phủ sóng vaccine Pfizer cho tất cả công dân trên 16 tuổi cũng như những lao động nhập cư vào đây, với tổng số người vào khoảng 40.000. Nhờ đó tỷ lệ tiêm chủng của Gibraltar mới vượt 100% khi cộng dồn cả lao động nước ngoài.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, Gibraltar đã có 97 ca tử vong và điều đáng nể là toàn bộ số trường hợp này đều diễn ra trước khi vùng lãnh thổ triển khai tiêm chủng toàn dân.

Trong khoảng tháng 2-6/2021, Gibraltar gần như không có ca nhiễm mới nào trong khi chiến dịch tiêm chủng vẫn được triển khai thần tốc. Vào tháng 2/2021, Gibraltar đã phân phối được 22.000 liều vaccine và đến ngày 15/4/2021, con số này đạt 66.232 liều, đồng nghĩa với việc gần 100% dân số đã tiêm chủng hoàn toàn. Tuy nhiên tại thời điểm đó vẫn có khoảng 3,5% dân số từ chối tiêm vaccine.

Dù thành công phủ sóng vaccine nhưng đầu tháng 7/2021, Gibraltar vẫn có 7 ca nhiễm mới và con số này đạt đỉnh 43 ca vào ngày 21/7 sau đó giảm dần. Tính đến 28/9, Gibraltar chỉ ghi nhận 15 ca nhiễm mới.

Trớ trêu thay, việc bùng dịch này lại khiến người dân chấp nhận tiêm chủng nhiều hơn. Tỷ lệ từ chối tiêm chủng tại đây đã giảm từ 3,5% xuống chỉ còn 1,04%.

Tuy có ca nhiễm mới nhưng kể từ ngày 28/2 đến nay, Gibraltar chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào mới liên quan đến dịch bệnh.

Hiệu quả của vaccine

Đầu tiên, Gibraltar cũng áp dụng lệnh phong tỏa trong vòng 2 tháng khi đại dịch mới bùng phát và chỉ dần mở cửa lại khi tỷ lệ tiêm chủng đã đạt mức miễn dịch cộng đồng trên 70%.

Những người đã tiêm chủng tại Gibraltar đều được cấp thẻ xanh để quay trở lại cuộc sống thường ngày, trong khi chính phủ cũng phát triển những ứng dụng kết nối với các nền tảng của nước khác để hỗ trợ người dân trong việc du lịch quốc tế. Việc Gibraltar đạt tỷ lệ tiêm chủng cao khiến người dân nước này dễ dàng thông qua được những chốt kiểm dịch tại các nước hơn nhờ thẻ xanh đã phát.

Nơi có 119% dân số đã tiêm vaccine Covid-19  - Ảnh 2.

Theo Gulf News, thành công của Gibraltar cho thấy hiệu quả của chiến lược phủ sóng vaccine. Hầu hết những nước tiêm chủng cho ít nhất 80% dân số như UAE, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha đều không có lượng lớn người tử vong vì dịch Covid-19 nữa.

Trái lại, những quốc gia chưa phủ sóng vaccine rộng hay vẫn còn những phong trào phản đối tiêm chủng vẫn đang phải loay hoay vì dịch bệnh. Ví dụ như Mỹ mới chỉ tiêm chủng cho 55,09% dân số tính đến cuối tháng 9/2021 và số ca nhiễm mới cũng như tử vong tại đây đang tăng lên do biến chủng Delta hoành hành.

Một báo cáo y học đăng trên tạp chí hàn lâm BMJ cho thấy biến chủng Delta khiến tỷ lệ tử vong của người chưa tiêm chủng cao gấp 11 lần so với những người đã dùng vaccine.

Tính đến ngày 28/9/2021, Mỹ ghi nhận tổng cộng 105.633 ca nhiễm mới với 1.836 người thiệt mạng, nâng tổng số người tử vong vì dịch Covid-19 tại đây lên hơn 700.000 người. Phần lớn những người thiệt mạng là do chưa tiêm chủng.

*Nguồn: Reuters, Gulf News

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM