Chân dung tỷ phú giàu thứ 10 Hong Kong: Từ cậu ấm 12 tuổi tự du lịch vòng quanh thế giới đến ông chủ tập đoàn bất động sản Wheelock
Peter Kwong-Ching Woo là một tỷ phú luôn xuất hiện trong top 10 người giàu nhất Hong Kong. Ông là cựu chủ tịch tập đoàn bất động sản Wheelock & Co. và công ty con Wharf Holdings. Giữa năm 2015, ông quyết định rút lui khỏi các hoạt động điều hành công ty và trở thành “cố vấn cấp cao”.
Theo số liệu thống kê của Wealth-X, New York có 103 tỷ phú. Đây là thành phố có nhiều tỷ phú nhất trong Top 10 do tổ chức này công bố. Tuy nhiên Hong Kong lại là thành phố có tốc độ tăng trưởng tỷ phú nhanh nhất. Năm 2018, thành phố này có thêm 21 tỷ phú mới với tốc độ tăng trường 29%.
CafeBiz xin trân trọng giới thiệu series bài viết về "Những doanh nhân Hong Kong nổi bật". Phần lớn những tỷ phú Hong Kong là tỷ phú tự thân trong đủ các lĩnh vực từ Bất động sản, Casino, Vận tải cho đến cả nước sốt.
Peter Woo sinh ra tại Thượng Hải vào năm 1946, là con của một kiến trúc sư được đào tạo tại Đức. Khi ông mới lên 4 tuổi, bố mẹ đưa ông tới Hong Kong. Bố mẹ Woo là người biết nhìn xa trông rộng, và rất cởi mở với văn minh thế giới, vì thế cậu bé Peter Woo có một tuổi thơ không hề giống với các bạn cùng trang lứa. Chẳng hạn, khi 12 tuổi, cậu được tự mình đi du ngoạn vòng quanh thế giới. Trong vòng 2 tháng liền, Peter Woo không cần phải nghĩ đến bài vở trường lớp, chỉ chú tâm mở rộng tầm mắt và học cách chăm sóc bản thân mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác.
Đó là thứ trải nghiệm mà bạn hoặc rất ưa thích, hoặc sợ cả đời. Và Peter Woo chọn vế thứ nhất. Ông học được cách tự dựa vào bản thân từ khi còn bé và luôn tiến về phía trước. Ngay cả khi lên cấp phổ thông trung học, ông luôn nổi bật nhờ thành tích xuất sắc trong thể thao và học tập. Con đường học hành của ông tiếp tục ở Đại học Cincinnati, nơi ông học vật lý và toán rồi tốt nghiệp với thành tích xuất sắc. Tiếp đó ông đến trường Kinh doanh Columbia và nhận tấm bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh.
Lựa chọn sau đại học của Peter thiên về thế giới kinh doanh và chính Ngân hàng Chase Manhattan đã nhanh tay mời ông về làm việc. Sau khi đứng đầu trong chương trình đào tạo của Chase, ông làm việc cho ngân hàng này ở New York và sau đó là chi nhánh ở Hong Kong.
Vào năm 1975, Peter Woo kết hôn với tình yêu của đời mình – Bessie, con gái của Yue Kong Pao, một triệu phú trong giới vận tải biển. Bố vợ ông ngay lập tức thúc giục con rể tham gia vào công việc làm ăn của gia đình, công ty World Wide Shipping. Woo nhận lời, thu xếp xong xuôi công việc ở ngân hàng rồi tới làm việc cho bố vợ.
Lúc đó Woo không hề có một trách nhiệm nào cụ thể và mức lương ông nhận được còn thấp hơn ở ngân hàng Chase, nhưng ông không hề nao núng. Thay vào đó, ông đề nghị có một khoảng thời gian để học và tìm hiểu những thứ cơ bản nhất về ngành vận tải biển và nhanh chóng tham gia một khóa học tại Viện Hàng hải Anh Quốc tại Plymouth.
Vào năm 1978, chàng trai Peter Woo 32 tuổi một lần nữa thể hiện khả năng hiểu biết đặc biệt về kinh doanh khi ông hợp tác với bố vợ để mua lại thành công tập đoàn Hong Kong & Kowloon Wharf & Godown Co. Đến năm 1982, ông trở thành Giám đốc vận hành tại Wharf. Sau đó vào năm 1985, ông đóng vai trò chủ chốt trong thương vụ mua lại Wheelock Marden, thương vụ đình đám này đã góp phần củng cố vị trí vững chắc của Wharf trong một thị trường bất ổn.
Yue Kong Pao nghỉ hưu vào năm 1986 và Woo trở thành Giám đốc điều hành của cả Wharf và World Wide, nơi sau đó được đổi tên thành Wheelock. Khi đó, đế chế của Pao đã rất khác so với công ty vận tải biển mà Woo gia nhập từ 11 năm trước. Quyết định mở rộng và chuyển đổi không ngừng của Woo đã dẫn đến sự hiện diện của tập đoàn trong nhiều ngành khác như xây dựng cơ sở hạ tầng, vận tải và bất động sản. Lúc này dưới quyền Woo là 31 công ty khác nhau với giá trị thị trường tương đương với 10% tổng giá trị thị trường chứng khoán Hong Kong.
Kể từ đó, công việc làm ăn tiếp tục mở rộng sang các ngành như truyền thông và khách sạn, với việc mua lại hệ thống khách sạn Omni Hotel của Mỹ vào cuối những năm 1980. Vào năm 1993, lợi nhuận của Wheelock đã tăng 33% và doanh thu tăng tới 43%. Trong 16 năm kể từ khi Woo lên nắm quyền, một mình Wharf đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình 27%/năm.
Ngày nay, mối quan tâm của Woo là cố gắng thuyết phục phần còn lại của thế giới mạnh dạn tiếp cận và khám phá các cơ hội làm ăn ở Trung Quốc. "Việc mở cửa biên giới với Trung Quốc vào năm 1978 đã mang lại một sức sống mới cho công việc buôn bán ở Hong Kong", ông nói và tỏ vẻ rất say mê vì đây chính là chủ đề mà ông yêu thích nhất.
"Hong Kong có một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự tăng trưởng của Trung Quốc, đó là vai trò của một thành phố thương mại, cung cấp hệ thống marketing và cơ sở đầu tư cho mọi ngành. Hơn 50 triệu Hoa kiều là doanh nhân và thương gia, và họ chính là chất xúc tác trong quá trình phát triển này", tỷ phú này nhận xét.
Tuy nhiên Woo lại rất e dè khi nói về mình, và ông chỉ nhắc đến những thành tựu của bản thân khi nói về những người khác.
"Bạn có thể có ý tưởng, có tầm nhìn", ông giải thích, "nhưng điều quan trọng chính là khả năng thúc đẩy và hợp tác với người khác, để các ý tưởng của bạn được chấp nhận, ủng hộ và thực hiện. Không một người nào có thể làm hết mọi thứ. Mỗi người chỉ có 24 giờ một ngày mà thôi. Và khả năng tạo ra tương lai phải đến từ con người.