Chân dung trùm mafia bí ẩn ở thung lũng Silicon: Đầu tư vào hơn 80 startup gồm cả Facebook, Paypal, sau này tất cả đều trúng đậm!
Với khối tài sản khoảng 2,5 tỷ USD và danh mục đầu tư trên dưới 80 công ty, bao gồm Facebook, tỷ phú Peter Thiel đang là cái tên nóng hổi trong làng kinh doanh, nhất là khi những quyết định đổ tiền của ông thường đem lại lợi nhuận và hiếm khi thất bại. Đặc biệt, phong cách làm việc, quan điểm kinh doanh của ông khá "dị" so với nhiều nhà đầu tư cùng thời.
Vô duyên với ngành luật
Peter Thiel sinh ra tại Đức và chuyển đến Vịnh Area- San Francisco khi mới 10 tuổi. Trên thực tế gia đình của Peter đã đến Mỹ từ khi ông mới 1 tuổi nhưng họ phần lớn di chuyển vòng quanh thế giới nhiều lần trước khi định cư ở Foster City- San Francisco.
Ông theo học trường đại học Stanford với chuyên ngành triết học để rồi sau đó lấy bằng cử nhân luật nhưng lại làm biên tập viên của tờ The Stanford Review. Đây cũng là khoảng thời gian ông gặp rất nhiều nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong Paypal (sau này được biết đến với cái tên Paypal Mafia) như Keith Rabois, David Sacks hay Reid Hoffman.
Ngoài ra, Peter cũng là một trong những kỳ thủ cờ vua được xếp hạng trên thế giới khi còn rất trẻ. Ông thậm chí đã từng trở thành kỳ thủ có thứ hạng cao nhất trong lứa vận động viên dưới 21 tuổi tại Mỹ.
Trước khi thâm nhập vào ngành công nghệ, Thiel đã từng cố theo mảng luật theo đúng ngành nghề của mình. Cụ thể ông đã tham gia phỏng vấn làm nhân viên cho thẩm phán tối cao Anthony Hennedy và Antonin Scalia nhưng không thành công.
"Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy khá kiệt quệ", ông Thiel nói trong quyển tự truyện "Zero to One" của mình.
Nhận ra rằng luật không phải niềm đam mê của bản thân, Thiel quyết định chuyển hướng sự nghiệp của mình theo con đường mới.
Những thương vụ bạc tỷ
Sau khoảng 7 tháng làm trong chuyên ngành luật mình theo học, Thiel quyết định chuyển hướng mới khi nhận công việc môi giới phái sinh tại Credit Suisse, từ đó tích lũy đủ tiền để khởi nghiệp startup Paypal cùng người bạn Max Levchin để rồi sau đó sáp nhập với X.com của Elon Musk.
Sau đó, Paypal phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và được bán lại cho eBay vào năm 2002 với 1,5 tỷ USD. Những người sáng lập ban đầu của startup này, hay còn được gọi là nhóm Paypal Mafia đã trở thành những nhà đầu tư mạo hiểm giàu có nhờ thương vụ trên.
Khi Paypal được bán vào năm 2002, số cổ phần của Thiel trị giá khoảng 55 triệu USD, qua đó giúp ông đủ tiền xây dựng quỹ đầu tư Clarium Capital của riêng mình. Khi Thiel 37 tuổi, quỹ Clarium của ông đã quản lý khối tài sản lên tới 270 triệu USD. Hàng loạt những dự đoán chính xác của Thiel như việc đồng USD sẽ giảm giá vào năm 2003 và tăng trở lại vào năm 2005 đã giúp Clarium đạt được nhiều thành công.
Năm 2004, Thiel cùng Alexander Karp thành lập nên Palantir, một hệ thống sử dụng phần mềm xác minh các vụ lừa đảo tài chính để dò tìm những hoạt động khủng bố. Palantir có thể dựa trên những bức ảnh, video và các số liệu khác để theo dõi hoạt động tội phạm và công ty này đang là một trong những doanh nghiệp thành công nhất ở Thung lũng Silicon.
Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) là một trong những nhà đầu tư sớm nhất vào Palatir. Cho đến hiện tại, Palatir đã gọi vốn được 2,42 tỷ USD với tổng giá trị tài sản lên tới 20 tỷ USD.
Cũng vào năm 2004, Thiel trở thành nhà đầu tư đầu tiên không liên quan gì đến đội ngũ sáng lập bỏ tiền vào Facebook. Ông đã bỏ 500.000 USD tiền đầu tư cho 10% cổ phần, để ngồi vào ghế hội đồng quản trị.
Vào thời kỳ đó, chủ tịch của Facebook là Sean Parker nhắm tới CEO Reid Hoffman của LinkedIn nhưng ông từ chối đầu tư do lo ngại xung đột lợi ích với chính công ty của mình, để rồi hướng Parker qua gặp Thief.
Khi nằm trong ban quản trị, Thiel đã giúp đỡ nhà sáng lập Mark Zuckerberg rất nhiều trong những vòng gọi vốn nhưng ông không hề can thiệp quá sâu vào công việc điều hành hàng ngày. Theo nhiều ước tính, Thiel thu về khoảng 1 tỷ USD lợi nhuận từ việc bán cổ phiếu Facebook.
Không lâu sau khi gia nhập hội đồng quản trị Facebook, Thiel sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Founders Fund tạo nên danh tiếng ngày nay cho chính bản thân ông. Với quan điểm thế giới đang thiếu sự sáng tạo từ những nhà khởi nghiệp, Founders Fund đã đầu tư hơn 80 startup đình đám như LinkedIn, Yammer hay Yelp và tạo nên những thành công vang dội, đem về tên tuổi cho Thiel.
Tiếp theo những thành công đó, Thiel tiếp tục mở các quỹ đầu tư mạo hiểm như Valar Ventures, chuyên đầu tư ở New Zealand, và Mithril Capital.
Năm 2011, chương trình The Thiel Fellowship được thực hiện với giải thưởng 100.000 USD và 2 năm hỗ trợ cho 20 ứng cử viên trúng tuyển dưới tuổi 20 nhằm giúp họ bỏ học và khởi nghiệp. Bản thân Thiel và đội ngũ của chương trình này cho rằng trường học đang tiêu tốn sinh viên mức chi phí vượt quá những gì họ có thể kiếm được sau này. Bởi vậy các học sinh nên khởi nghiệp càng sớm càng tốt.
Năm 2016, Thiel là một trong số ít những nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon ủng hộ kiên định ứng cử viên tổng thống Donald Trump bất chấp quan điểm này đi ngược lại số đông.
Vào tháng 1/2018, nhà đầu tư Thiel đã trở thành tâm điểm chú ý trong hội nghị Đảng Cộng hòa khi kêu gọi sự đoàn kết của người dân Mỹ cũng như cộng đồng công nghệ Silicon. "Trong khi những người phía bên kia chiến tuyến không quan tâm đến bạn thì ngay cả những người bên cạnh bạn cũng chẳng quan tâm đến bạn bởi họ không bắt buộc phải làm như thế", tỷ phú Thiel nói.
Tuy nhiên, câu chuyện điên rồ hơn về nhà đầu tư này còn ở phía trước khi ông đang đầu tư vào công nghệ kéo dài tuổi thọ. Thiel tuyên bố có ý định sống đến 120 tuổi và sẽ tiêm hóc môn tăng trưởng của con người mỗi ngày. Ông đã quyên góp 6 triệu USD cho tổ chức Methuselah Foundation chuyên nghiên cứu công nghệ chống lão hóa. Thiel cũng ký hợp đồng với hãng Alcor, cung cấp dịch vụ đông lạnh cơ thể bị bệnh của con người để có thể duy trì sự sống cho đến khi có phương thuốc chữa trị trong tương lai.
Không chỉ khác biệt mà còn phải tốt hơn
Trong cuốn "Zero to One" của mình, tỷ phú Thiel cho biết người thành công cần tạo nên sự khác biệt, mới mẻ nhưng chúng phải tốt hơn những thứ trước đó, tương tự như khi chúng ta đi từ 0 tới 1. Thậm chí, ông còn không đánh giá cao những doanh nhân mặc vest sang trọng, bảnh bao bởi cho rằng họ đang ngụy trang để bán những sản phẩm có chất lượng thường.
Ngoài ra, việc có quan điểm đối lập với Thiel là điều đáng ủng hộ. Trong khi cả thung lũng Silicon ủng hộ ứng cử viên Hillary Clinton cho chức tổng thống thì Thiel lại quyên góp 1,25 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của tỷ phú Donald Trump. Ông Thiel cho rằng cả 2 ứng cử viên đều có điểm yếu nhưng ông thích yếu tố "ngoại đạo" của tỷ phú Trump hơn phong cách chính trị gia lão luyện của bà Clinton.
Đúng như những gì Thiel đã dự đoán, ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016 và đem về chiến thắng vang dội, vượt xa cuộc đầu tư vào Facebook cho Thiel.
Với quan điểm sàng lọc những yếu tố độc đáo, tự chủ, đề cao tính thực chất hơn là vẻ bề ngoài hay những quan điểm thông thường của xã hội, tỷ phú Thiel thường đối đầu với cả thế giới trong nhưng quyết định của mình. Ví dụ như trong giáo dục, ông khuyên giới trẻ nên bỏ học để khởi nghiệp sớm vì số tiền học phí họ bỏ ra không tương xứng với những gì kiếm lại sau này.