Chân dung thiên tài toán học người Nga Gtigori Perelman: Được mệnh danh là người thông minh nhất thế giới
Tuy được mệnh danh là người thông minh nhất thế giới và nhận được không ít giải thưởng danh giá nhưng thiên tài toán học người Nga Grigori Perelman chỉ muốn ở ẩn, sống bình yên và tập trung vào nghiên cứu.
Vượt trội từ khi chỉ là một cậu bé
Chào đời ngày 13/6/1966 tại Leningrad (Saint Petersburg hiện nay) trong một gia đình gốc Do Thái, với tên khai sinh đầy đủ là Grigori Yakovlevich Perelman. Người cha đã di cư về Israel từ lâu, còn bà mẹ Liuba Leibovna là giáo viên dạy toán tại một trường dạy nghề, cũng là người nhen nhúm tình yêu toán học cho cậu con trai độc nhất ngay từ thuở thiếu thời.
Lúc mới học lớp 5, chú bé Grigori bắt đầu tham gia đều đặn các buổi sinh hoạt chuyên đề tại Trung tâm Toán học ở Cung Thiếu nhi Leningrad, do vị chuyên gia đầu ngành của bộ môn khoa học tự nhiên là Giáo sư Sergei Rukshin sáng lập.
Tới năm lớp 9, Grigori chuyển sang Trường trung học số 239 chuyên về toán lý ở ngoại ô thành phố, tuy cách xa nơi cư ngụ nhưng đáp ứng được lòng say mê học toán. Năm 16 tuổi, G. Perelman là 1 trong 6 thành viên thuộc Đội tuyển Liên Xô tham dự cuộc thi Olympic toán quốc tế (IMO) lần thứ 23 tổ chức tại Budapest (Hungary), và giành được Huy chương Vàng với điểm số tuyệt đối 40/40.
Sau khi trở về nước, G. Perelman được đặc cách vào học ở Trường đại học Tổng hợp quốc gia Leningrad (LGU). Với thành tích học tập xuất sắc, chàng tân cử nhân G. Perelman nhận được học bổng toàn phần mang tên Lenin để chuyển lên ngạch nghiên cứu sinh. Grigori tốt nghiệp với bằng phó Tiến sĩ khoa Toán cơ của LGU, chuyên về lĩnh vực nghiên cứu hình dáng các vật thể trong không gian. Sau đó ông làm việc tại Phân nhánh Leningrad thuộc viện Toán học cao cấp Steklov (LOMI, hiện là PDMI).
Sự nghiệp lẫy lừng nhưng lại luôn muốn...ở ẩn
Xuyên suốt sự nghiệp, thiên tài toán học người Nga nhận được nhiều lời mời đến thuyết giảng và giảng dạy tại nhiều trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Ông đồng ý, nhưng lại từ chối ở lại làm việc dài hạn bởi lẽ sống của ông là được cống hiến hết mình cho nghiên cứu. G. Perelman trở về quê hương và tiếp tục làm việc tại LOMI với niềm đam mê nghiên cứu cháy bỏng. Trong quá trình làm việc tại đây, hành động đầu tiên gây tranh cãi của nhà khoa học trẻ chính là việc ông đã từ chối bảo vệ luận án tiến sĩ do đồng nghiệp đề xuất.
Năm 1996, G. Perelman được trao giải thưởng dành cho các nhà toán học trẻ của Hiệp hội Toán học Châu Âu (EMS) nhưng ông đã từ chối nhận Sau đó không lâu, Liên minh Toán học Quốc tế (IMU) trụ sở tại Berlin (Đức) quyết định trao tặng Huy chương Fields- giải thưởng cao quý được mệnh danh là “Giải Nobel Toán học” cho G. Perelman nhưng ông từ chối đến Tây Ban Nha để nhận giải thưởng.
Đến đầu năm 2010, Viện Toán học Clay (CMI) – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thành phố Cambridge (Massachusetts, Mỹ) – đã đồng ý trao giải Thiên niên kỷ kèm theo phần thưởng 1 triệu đô la cho nhà toán học Nga G. Perelman vì đã chứng minh được Giả thuyết Poincar. Nhưng cũng như giải thưởng quốc tế trước, lần này ông vẫn tiếp tục từ chối.
Lần duy nhất Grigori chịu nhận giải thưởng là vào năm 1991. Năm đó ông được trao giải thưởng của hội Toán học trẻ Leningrad về những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn.
Giải thích lý do hững hờ với loạt giải thưởng/tiền thưởng, Grigori cho biết: “Tôi đã có tất cả những gì tôi muốn, vì vậy tôi không quan tâm đến tiền bạc hay danh vọng!”.
Nguồn: Tổng hợp