Chân dung tân CEO Eximbank: Tiếp quản ghế CEO EVN Finance khi mới ngoài 40, kinh nghiệm 17 năm ngành tài chính - ngân hàng

05/10/2023 15:45 PM | Kinh doanh

Từ ngày 3/10, ông Nguyễn Hoàng Hải được bổ nhiệm làm Quyền Tổng Giám đốc NHTM CP Xuất nhập khẩu Eximbank thay ông Trần Tấn Lộc từ nhiệm trước đó vì lý do cá nhân.

Chân dung tân CEO Eximbank: Tiếp quản ghế CEO EVN Finance khi mới ngoài 40, kinh nghiệm 17 năm ngành tài chính - ngân hàng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Quyền CEO Eximbank mới được bổ nhiệm

Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Quyền Tổng Giám đốc của Ngân hàng Eximbank, ông Nguyễn Hoàng Hải đã đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Thường trực nhà băng này từ ngày 02/8/2023.

Ông Nguyễn Hoàng Hải (sinh năm 1978) từng là thành viên Hội đồng Đầu tư ABBank, Phó Tổng Giám đốc ABBank Asset Management và Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tài chính CP Điện lực (EVN Finance - EVF).

Theo giới thiệu của EVF, ông Hải có trình độ thạc sĩ Quản trị Kinh doanh quốc tế - Đại học Tổng hợp Radboud, Hà Lan; cử nhân Kinh tế Đối ngoại - Đại học Ngoại thương Hà Nội; cử nhân Kinh tế Marketing - Đại học Saxion, Hà Lan.

Ông Nguyễn Hoàng Hải có hơn 16 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Trong đó, tính đến hết năm 2022, ông có gần 11 năm làm việc tại EVNFinance.

Ông Hải nhận nhiệm vụ quyền TGĐ EVF từ tháng 12/2019, chính thức đảm nhiệm chức vụ TGĐ EVF từ tháng 01/2020.

Tháng 5/2023 (3 tháng trước khi làm Phó TGĐ thường trực Eximbank), ông Hải đã có đơn xin từ nhiệm từ nhiệm vai trò CEO EVN Finance vì lý do cá nhân. Bên cạnh đó, ông cũng rút lui khỏi các vai trò thành viên HĐQT, người đại diện theo pháp luật EVF.

Chân dung tân CEO Eximbank: Tiếp quản ghế CEO EVN Finance khi mới ngoài 40, kinh nghiệm 17 năm ngành tài chính - ngân hàng - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo thường niên 2022 EVF

Công ty Tài chính CP Điện lực được chính thức thành lập và hoạt động từ ngày 01/9/2008 với sứ mệnh là đầu mối thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt nam và các đơn vị thành viên, đồng thời cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính chuyên nghiệp cho các đơn vị trong ngành điện và các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế khác.

Các sản phẩm của EVF gồm có: cung cấp giải pháp tài chính cho các DN ngành điện, cho vay tiêu dùng dành cho cán bộ công nhân viên ngành điện, cho vay đầu tư các dự án điện,...

Dưới thời lãnh đạo của ông Nguyễn Hoàng Hải, EVF đã đạt được nhiều dấu ấn phát triển mạnh mẽ. Từ quy mô tổng tài sản 22.124 tỷ đồng cuối năm 2019, đến cuối 2022, tổng tài sản của EVF cán mốc 42.197 tỷ đồng.

Lợi nhuận EVF tăng trưởng dương trong 1 giai đoạn dài, trừ năm 2020 chững lại do ảnh hưởng bởi dịch Covid 19.

Chân dung tân CEO Eximbank: Tiếp quản ghế CEO EVN Finance khi mới ngoài 40, kinh nghiệm 17 năm ngành tài chính - ngân hàng - Ảnh 3.

Tổng hợp từ BCDN

Năm 2022, lợi nhuận trước thuế EVF đạt 455 tỷ đồng, hoàn thành 100,6% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu toàn Công ty tại 31/12/2022 là 1,64% đảm bảo < 2% theo kế hoạch đề ra và tuân thủ dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

EVF duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức < 2% tại mọi thời điểm trong năm 2022.

Tỷ lệ an toàn vốn CAR của EVF tại 31/12/2022 đạt 11,5%, duy trì mức cao hơn so với quy định 9% của Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2022, EVF cũng thực hiện tăng vốn điều lệ lên 3.510 tỷ đồng. Bên cạnh đó thực hiện phát hành thành công 75 triệu USD (tương đương 1.725 tỷ VND) Trái phiếu Xanh, đưa EVF trở thành tổ chức đầu tiên phát hành Trái phiếu Xanh tại thị trường Việt Nam.

Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, EVNFinance được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s InvestorsService đánh giá, giữ xếp hạng tín nhiệm mức B2 với triển vọng ổn định.

Trọng Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM