Chân dung Shark Lê Hùng Anh, "cá mập" mới trong bể Shark Tank: Bỏ học Bách Khoa đi khởi nghiệp, kinh doanh đa ngành từ BĐS, truyền thông đến thanh toán

18/05/2022 15:53 PM | Kinh doanh

Trong quan điểm của Shark Lê Hùng Anh, với bất kỳ startup nào, điều quan trọng nhất là con người chứ không phải ý tưởng.

Shark Lê Hùng Anh – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành BIN Corporation, chính là "cá mập" mới của Shark Tank Việt Nam mùa 5, bên cạnh những gương mặt quen thuộc như Shark Hưng của Cen Group hay Shark Phú của Sunhouse. Vị "cá mập" đến từ Quảng Nam này cho biết, ông khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, từng thất bại nhiều lần trước khi gây dựng thành công BIN Corporation Group tại nhiều quốc gia.

Chia sẻ trên báo chí, Shark Lê Hùng Anh kể rằng từ khi còn là người con của đất Tam Kỳ (Quảng Nam) vào Sài Gòn trọ học, ông đã ấp ủ ước mơ khởi nghiệp để có thể lo cho bản thân và giúp đỡ gia đình. Đến năm thứ 2, khi đang là sinh viên của Đại học Bách khoa TPHCM, ông đã bắt đầu khởi nghiệp bằng những dự án như hệ thống dạy học trực tuyến, cửa hiệu Bác sĩ máy tính.

"Thời điểm đó, tôi nhận thấy vừa học vừa khởi nghiệp không mang lại hiệu quả như tôi mong đợi, do phải cáng đáng việc học, việc làm, chi phí sinh hoạt, ăn ở tại TP.HCM, cũng như theo đuổi đam mê khởi nghiệp. Vì vậy, tôi quyết định dừng việc học và tìm kiếm một công việc để trau dồi kinh nghiệm làm việc thực tế và học hỏi về nhiều mô hình kinh doanh khác nhau", sếp BIN Corporation Group nhớ lại.

Chân dung Shark Lê Hùng Anh, cá mập mới trong bể Shark Tank: Bỏ học Bách Khoa đi khởi nghiệp, kinh doanh đa ngành từ BĐS, truyền thông đến thanh toán - Ảnh 1.

"Khi tôi vào làm tại công ty may Nhà Bè ở vị trí nhân viên IT, may mắn thay, tôi được Sếp và Giám đốc chỉ bảo và hướng dẫn rất nhiều. Một thời gian sau đó, với động lực giúp đỡ gia đình và cho ba mẹ tôi có một cuộc sống tốt hơn, cũng như niềm đam mê khởi nghiệp cháy bỏng, tôi mạnh dạn thành lập công ty chuyên về hosting, dữ liệu doanh nghiệp, dịch vụ phụ trợ, hỗ trợ dịch vụ du lịch cùng 5 cộng sự đầu tiên. Đây cũng là công ty tiền thân của Tập đoàn BIN Corporation Group".

Trong quá trình thực hiện một số dịch vụ hỗ trợ visa du lịch cho khách với các công ty nước ngoài, ông dần thấm thía sự thiệt thòi của doanh nghiệp Việt Nam. Ví như trong thanh toán quốc tế, doanh nghiệp phải chịu nhiều khoản phí hết sức vô lý, mất nhiều thời gian, qua nhiều khâu trung gian. Vậy là ông đã đích thân qua một số nước tìm hiểu các thủ tục, giao dịch, thông lệ về thanh toán quốc tế.

Sau khi "mục sở thị" nắm rõ cặn kẽ quy trình, ông quyết định tự thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài để giải quyết các vấn đề tài chính mà khi ấy trong nước còn vướng. Và nhờ điều đó, ông đã giải quyết nhanh gọn các thủ tục kinh doanh quốc tế của công ty mình, thậm chí còn tiến tới mở rộng dịch vụ để hỗ trợ các công ty Việt Nam với chi phí hợp lý. Đây cũng là lúc One IBC - công ty chuyên tư vấn và hỗ trợ thành lập doanh nghiệp tại thị trường nước ngoài, ra đời.

Thừa thắng xông lên, Tập đoàn BIN Corporation Group liên tục mở rộng sang các mảng hoạt động mới và hiện sở hữu 9 công ty thành viên, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: One IBC - tư vấn phi tài chính cho doanh nghiệp; BIN Media - truyền thông và quảng cáo kỹ thuật số; DNBC Financial Group - dịch vụ chuyển tiền và tài khoản thanh toán toàn cầu; GIS - tư vấn, cung cấp dịch vụ hỗ trợ du lịch, định cư; Travelner - nền tảng phân phối tour du lịch, vé máy bay, khách sạn toàn thế giới; Khải Hưng Group chuyên về các lĩnh vực đầu tư bất động sản tại Việt Nam…

Tính đến cuối 2021, BIN Group đã có lực lượng là hơn 250 chuyên gia, chuyên viên, trong đó người Việt Nam chiếm hơn 2/3. Riêng 5 văn phòng tại Mỹ, Úc, châu Âu, Hong Kong, Singapore thì phải thuê lao động bản xứ. Thời điểm đó, Shark Lê Hùng Anh tiết lộ trong thời gian 2 đến 3 năm tới, tập đoàn cần thêm cả ngàn nhân sự Việt Nam thì mới đáp ứng được tốc độ phát triển các sản phẩm dịch vụ mới.

Chân dung Shark Lê Hùng Anh, cá mập mới trong bể Shark Tank: Bỏ học Bách Khoa đi khởi nghiệp, kinh doanh đa ngành từ BĐS, truyền thông đến thanh toán - Ảnh 2.

"Muốn xuất khẩu áo ấm, phải trải nghiệm mùa đông"

Theo ông Lê Hùng Anh, chìa khóa thành công khi kinh doanh tại thị trường quốc tế chính là phương pháp tiếp cận. Muốn cung cấp sản phẩm dịch vụ ở quốc gia nào đó, mỗi startup phải hiểu khách hàng ở đó cần gì, văn hóa, thói quen, tính cách đặc trưng của họ ra sao,…

"Tôi thấy nhiều bạn trẻ startup chọn cho mình những lĩnh vực kinh doanh rất tiềm năng nhưng bỏ qua phương pháp tiếp cận nên tỷ lệ thành công không cao. Chìa khóa là ở phương pháp tiếp cận. Nếu bạn muốn mang một sản phẩm đến phục vụ thị trường Anh, Pháp hay Đức... thì trước hết bạn phải nắm rõ các đặc điểm văn hóa, thói quen, tính cách đặc trưng của vùng miền nơi mình cung cấp sản phẩm dịch vụ. Muốn vậy, không còn cách nào khác là chính mình phải tìm hiểu, dành thời gian đến tận nơi để sống thử, sinh hoạt như người dân bản xứ để trải nghiệm và bản thân sẽ rút ra được phương pháp kinh doanh dành cho thị trường mới. Bạn muốn xuất khẩu một chiếc áo ấm đến đất nước nào thì chính bạn phải trải nghiệm mùa đông nơi đó".

Tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm từ quá trình khởi nghiệp, Shark Lê Hùng Anh cho biết mình mang đến Shark Tank Mùa 5 nhiều lời khuyên để giúp Startup nhìn nhận đúng nhất về những sản phẩm, dịch vụ của mình, giúp startup đi đúng hướng, "chậm mà chắc", giảm tỷ lệ thất bại, tăng tỷ lệ thành công trong thời gian ngắn nhất.

"Điều quan trọng mà startup cần chưa hẳn là tiền, mà là kiến thức và kinh nghiệm, làm sao để đi đúng hướng trong một thời gian nhanh nhất", Shark Lê Hùng Anh tiết lộ.

Shark Lê Hùng Anh cũng khẳng định ông không quá quan trọng đến ý tưởng kinh doanh độc đáo vì ý tưởng có thể bị sao chép. Shark muốn tập trung vào con người gồm người sáng lập và đội ngũ. Đó là những cá nhân có tầm nhìn, khả năng lãnh đạo, phải linh hoạt thích nghi, xác định rõ việc mình muốn làm và sẵn sàng đánh đổi, chấp nhận nhiều thử thánh để thực hiện và tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Chia sẻ về khẩu vị đầu tư, Shark Hùng Anh muốn tìm kiếm các startup có tính toàn cầu hóa và tập trung vào công nghệ và chuyển đổi số. Ông cũng cho biết mình sẽ không khống chế số tiền đầu tư vào một startup mà rót vốn theo khả năng của startup tại chương trình.

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM