Chân dung "ông trùm" y tế chuyên hợp tác với Bệnh viện lớn, sẽ bắt tay Vingroup sản xuất vaccine Covid-19

06/07/2021 08:16 AM | Kinh doanh

Một số thông tin cho biết Việt Á đã được cấp ISO kiểm định về quy trình sản xuất kít và các bộ kít xét nghiệm của Việt Á chiếm 70% thị trường các bộ sinh phẩm xét nghiệm ở Việt Nam, và đã xuất khẩu sang một số nước.

Dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, ngày 3/6/2021 CTCP Công nghệ sinh học Vinbiocare được thành lập với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Vinbiocare đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu. Cụ thể là sản xuất vắc xin, huyết thanh và các thành phần của máu, các loại thuốc khác, bao gồm chất vi lượng, thuốc chẩn đoán, sản xuất hoá dược.

Trong đó Vingroup nắm chi phối tại Vinbiocare với tỉ lệ sở hữu 69% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại của doanh nghiệp này do bà Phan Thu Hương (sở hữu 1% VĐL) và ông Phan Quốc Việt (SN 1980, sở hữu 30% VĐL) nắm giữ.

Ông Việt là người sáng lập đồng thời là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á- ông lớn trong ngành dược tại Việt Nam.

Đơn vị duy nhất được cấp phép sản xuất sản phẩm test Covid-19

Ngày 5/3/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo giới thiệu kết quả nghiên cứu chế tạo sinh phẩm test nhanh virus corona mới. Đây là bộ kít đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép sản xuất đại trà tại Việt Nam và có thể khả năng đưa ra thị trường 10.000 bộ mỗi ngày. Khi cần huy động, đơn vị sản xuất có thể tăng công suất lên ba lần.

Bộ sinh phẩm này là thành quả nghiên cứu hợp tác giữa Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á. Quá trình nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất theo quy trình hết sức nghiêm ngặt, bộ kít được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 13485, phòng thí nghiệm (Labo) thực hiện nghiên cứu đạt tiêu chuẩn ISO Class 8. Bộ kít được kiểm định các tiêu chí độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, độ lặp lại tại Labo chuẩn thức của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và Học viện Quân y. Kết quả cho thấy các tiêu chí tương đương bộ sinh phẩm do US CDC và WHO sản xuất.

Chân dung ông trùm y tế chuyên hợp tác với Bệnh viện lớn, sẽ bắt tay Vingroup sản xuất vaccine Covid-19 - Ảnh 1.

Ông Việt và đại diện Học viện Quân y trong buổi họp báo. Ảnh: VnExpress.

Việt Á là đối tác lâu năm của Học viện Quân y trong lĩnh vực sản xuất các bộ kít xét nghiệm khác. Những sản phẩm chính của công ty y tế kít xét nghiệm về viêm gan C, viên gan B, HIV, ung thư. Một số thông tin cho biết Việt Á đã được cấp ISO kiểm định về quy trình sản xuất kit và các bộ kít xét nghiệm của Việt Á chiếm 70% thị trường các bộ sinh phẩm xét nghiệm ở Việt Nam, và đã xuất khẩu sang một số nước.

Chia sẻ trên tạp chí Forbes, ông Phan Quốc Việt cho biết về bản chất, 90% sản phẩm test xét nghiệm Covid-19 có nền tảng sản xuất tương tự các sản phẩm xét nghiệm viêm gan C, virus cúm mà công ty này đã sản xuất trước đó. Công ty này chỉ thay đổi 10%, chủ yếu là ở thành phần mồi và mẫu dò virus gây bênh. Do đó Việt Á chỉ mất 2 tuần để cho ra sản phẩm xét nghiệm Covid-19 đại trà.

Tổng giám đốc Việt Á cũng cho biết thêm thời gian cho kết quả của bộ kít này là 2 tiếng, tương đương với các bộ kít khác của WHO và CDC. Nhưng số tiền thì chỉ từ 400-600 nghìn đồng, bằng 1/3 giá tiền của WHO.

Đặc biệt, kít của Việt Á có điểm nổi trội là ở dạng "ready to use", nghĩa là sẵn sàng sử dụng, không phải pha chế, tránh tối đa can thiệp, tăng độ chính xác, tương tự với kit của hãng Roche (Mỹ), điều mà chưa nhiều công ty trên thế giới làm được. Bên cạnh đó, đơn vị sử dụng chỉ cần dùng 1 test duy nhất cho 1 mẫu bệnh phẩm thay vì 2 test như của Hàn Quốc hay 4 test như quy trình của CDC, Mỹ. Một máy real-time PCR thông dụng có 96 giếng, với kit Việt Á sẽ chạy được tối đa 96 mẫu, với CDC – Mỹ chỉ được 24 mẫu. Do đó, sử dụng kit của Việt Á sẽ rút ngắn thời gian thao tác tới 2-4 lần so với thời gian thao tác bộ kit của Hàn Quốc hay CDC, Mỹ.

Ông lớn ngành y tế, sinh học

Bên cạnh những thành công về sinh học phân tử, là nhóm đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công và đưa vào thương mại từ rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật Realtime PCT và lai phân tử, Việt Á còn là đơn vị cung ứng hoá chất, hoá chất sinh phẩm xét nghiệm cho nhiều Bệnh viện lớn tại Việt Nam như: Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện da liễu Trung ương, Bệnh viện Đại học Y hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh Viện đa khoa tỉnh Tây Ninh, bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh,…

Tận dụng lợi thế từ mối quan hệ chặt chẽ với nhiều đối tác y tế, bác sỹ, chuyên gia đầu ngành cùng với năng lực cốt lõi về lĩnh vực sinh phẩm, Việt Á xây dựng nên hệ thống phòng khám Việt Á tại Tp. Hồ Chí Minh và Quảng Nam. Theo lời tự giới thiệu, chuỗi phòng khám này có đội ngũ bác sỹ đến từ các bệnh viện lớn như Đại học Y dược, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện FV.

Để đáp ứng việc mở rộng kinh doanh, trong vài năm gần đây Việt Á liên tục gia tăng vốn chủ sở hữu. Năm 2016, vốn chủ sở hữu công ty này là 200 tỷ đồng thì năm 2017 đạt 1.000 tỷ đồng, gấp 5 lần.

Chân dung ông trùm y tế chuyên hợp tác với Bệnh viện lớn, sẽ bắt tay Vingroup sản xuất vaccine Covid-19 - Ảnh 2.

Tuy nhiên hoạt động kinh doanh của công ty này không tăng trưởng tương ứng với việc mở rộng quy mô. Năm 2016, Việt Á có doanh thu khoảng 166 tỷ đồng thì đến năm 2019 chỉ còn 66 tỷ đồng, giảm gần 40%.

Chân dung ông trùm y tế chuyên hợp tác với Bệnh viện lớn, sẽ bắt tay Vingroup sản xuất vaccine Covid-19 - Ảnh 3.

Một số thông tin cho biết ông Phan Quốc Việt và vợ hiện chiếm 75% cổ phần của Việt Á. Ông Việt sinh năm 1980, từng là chuyên viên nghiên cứu khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2007, ông bỏ công việc phòng thí nghiệm để mở công ty riêng chuyên bán các test xét nghiệm do mình mày mò nghiên cứu để gia tăng thu nhập.

Vị Tổng giám đốc này tự nhận mình đi ra từ ngành y, không học kinh doanh mà chỉ làm kinh doanh theo cảm nhận. Ngoài vị trí tại Việt Á, ông Việt còn là đại diện tại 12 doanh nghiệp khác về các mảng từ du lịch, đầu tư, ẩm thực như: Công ty TNHH Du lịch Lạc Việt, Công ty TNHH Thế giới Đất Việt, CTCP Đầu tư Việt Á y dược 99, CTCP tư vấn đầu tư dịch vụ Tâm An, CTCP Đầu tư Đức Ân, CTCP Ẩm thực Việt Á, CTCP Kỹ thuật Việt Á,…

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM