Chân dung ông chủ đầy tham vọng của Louis Vuitton
Bernard Arnault được mệnh danh là ông vua hàng hiệu khi nắm trong tay đế chế LVMH sở hữu khoảng 70 thương hiệu, bao gồm Dom Perignon, Bulgari, Louis Vuitton, Sephora và Tag Heuer.
Thâu tóm LVMH và sa thải hàng loạt nhà điều hành cao cấp
Bernard Arnault, Chủ tịch và CEO của LVMH (Louis Vuitton Moet Hennessy) sinh ngày 5/3/1949 tại thành phố Roubaix, Pháp. Cha của ông là một doanh nhân và ngay từ nhỏ Arnault đã tỏ ra rất hứng thú với công việc kinh doanh.
Sau khi tốt nghiệp bằng kỹ sư tại ngôi trường danh tiếng Ecole Polytechnique nước Pháp năm 1971, ông theo cha quản lý công ty xây dựng dân dụng của gia đình ở tuổi 25. Chỉ trong một thời gian ngắn, Arnault đã giúp cha tạo ra những thay đổi tích cực cho doanh nghiệp này. Tuy nhiên, sau đó ông thuyết phục cha bán công ty và tập trung hoàn toàn vào bất động sản.
Vào năm 1984, khi Chính phủ Pháp tìm kiếm người mua lại Boussac, công ty sản xuất tã giấy và dệt đã bị phá sản, Arnault nhận thấy ngay đó là một cơ hội vàng. Boussac không có giá trị, điều mà ông thèm muốn là nhãn hàng thời trang và trang sức Christian Dior mà Boussac sở hữu cổ phần.
Bernard Arnault hiểu rằng nhãn hiệu Christian Dior rất được coi trọng trên thế giới, và bởi thế ông quyết định sử dụng lợi thế đó để chuyển sang kinh doanh các mặt hàng cao cấp. Arnault bỏ ra 15 triệu USD tiền túi và thuyết phục được hãng đầu tư của Pháp Lazard Frères rót thêm 80 triệu USD để tài trợ cho vụ thâu tóm Boussac.
Tiếp đó, ông dùng 400 triệu USD thu được từ việc bán các tài sản của Boussac, cùng với số vốn vay từ Lazard để thực hiện mục tiêu tiếp theo - thâu tóm cổ phiếu của LVMH .
Lợi dụng lúc nội bộ lãnh đạo LVMH tranh giành quyền lực, ông đã đứng về phía Henri Racamier, Chủ tịch Louis Vuitton và mượn tay ông này loại bỏ Alain Chevalier, đứng đầu Moet-Hennessy. Sau đó, ông thông qua hàng loạt vụ tranh chấp tại tòa án để sửa đổi luật pháp địa phương nhằm mở đường thâu tóm LVMH. Cuối cùng, Arnault thâu tóm LVMH vào năm 1990.
Quá trình nuốt chửng LVMH của Arnault được xem là một trong những thương vụ thâu tóm cam go nhất trong lịch sử doanh nghiệp Pháp và khiến cho Arnault trở nên nổi tiếng vì sự tàn khốc và không khoan nhượng của mình. Giới kinh doanh càng kính sợ ông sau hàng loạt vụ sa thải các nhà điều hành cấp cao tại LVMH, kể từ khi ông lên nắm quyền.
Một số chỉ trích Arnault, nhưng cũng có không ít người nể phục cách làm cũng như sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro của ông. Gilles Cahen-Salvador, khi đó điều hành Công ty Tài chính LBD France, nhận định: “Những người như Arnault đang nêu tấm gương tốt cho nền kinh tế Pháp”.
Ông vua hàng hiệu giàu nhất nước Pháp
Sau khi tiếp quản công ty, Arnault đã giúp LVMH "lột xác" với lối thiết kế sáng tạo, phá cách, trái với hình ảnh già cỗi và vô vị của 20 năm về trước.
Để bành trướng LVMH, ông cũng tìm mọi cách thâu tóm những thương hiệu nổi tiếng khác. Trong suốt thập niên 1990, Arnault bỏ ra hàng tỷ USD để mua lại các nhãn hàng thời trang cao cấp như Fendi, Kenzo và Thomas Pink; các nhà sản xuất đồng hồ và trang sức Chaumet, Zenith và TAG Heuer; các chuỗi bán lẻ như DFS và Sephora.
Đáng chú ý, từ năm 2002, Arnault bắt đầu tích lũy cổ phiếu của đối thủ Hermès, bằng cách sử dụng một chiến lược giao dịch hoán đổi để kiểm soát các vị trí mà không cần phải tiết lộ danh tính. Trong năm 2010, ông mới công khai tiết lộ rằng LVMH đang kiểm soát 17% của Hermès.
Đến nay, đế chế LVMH của Arnault đã trở thành tập đoàn số 1 thế giới về đồ xa xỉ, với khoảng 70 thương hiệu và 3.900 cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới. Tập đoàn này hoạt động trong 6 lĩnh vực khác nhau bao gồm: Rượu - Đồ uống có cồn; Nước hoa - mỹ phẩm; Thời trang - Đồ da; Đồng hồ - Trang sức; Một số lĩnh vực bán lẻ và các hoạt động khác. Trong đó, 47% cổ phần của LVMH thuộc về gia đình tỷ phú Arnault.
Theo bảng xếp hạng thời gian thực của tạp chí Forbes, Arnault đang nắm giữ khối tài sản trị giá 51,5 tỷ USD, là người giàu nhất nước Pháp và đứng thứ 8 thế giới.
Mới đây, doanh nhân này cũng vừa tuyên bố muốn sáp nhập thương hiệu thời trang Christian Dior vào LVMH, thông qua các thương vụ với tổng trị giá hơn 13 tỷ USD. Trước đó, tập đoàn của ông đã mua lại thương hiệu nước hoa và mỹ phẩm Dior.
Sau khi hoàn tất, đây sẽ là thương vụ mang tính lịch sử bởi lần đầu tiên trong nhiều thập kỉ, hai nhãn hiệu thời trang cao cấp nhất thế giới cùng về chung một nhà.
Một số thương hiệu thuộc LVMH. Ảnh: Liên Hương