Chân dung những người hùng "ném tiền xuống biển": Ngày đêm tận tâm bảo tồn các rạn san hô ven biển Sơn Trà, tự mang trên mình sứ mệnh giải cứu rùa biển và cá heo
Để duy trì Trung tâm cứu hộ sinh vật biển Sasa, các thành viên nhóm đều tự bỏ tiền ra để gop phần bảo vệ màu xanh của đại dương.
Trung tâm cứu hộ sinh vật biển Sasa là một tổ chức phi lợi nhuận bắt đầu hoạt động từ năm 2016, nhưng chỉ hoạt động âm thầm. Cho tới năm 2018, các thành viên nhóm mới sử dụng tên Sasa để hoạt động đến hiện nay. Phương châm hoạt động của nhóm là “Không được bắt, giết thứ gì của biển”.
Anh Lê Chiến, sinh năm 1984, trưởng nhóm vốn là người chuyên nghiên cứu về sinh vật biển. Là người gốc Hà Nội, anh Chiến vào Đà Nẵng làm việc cho một tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, khi quyết định tập trung cho Sasa, anh đã nghỉ một công việc lương cao để toàn tâm toàn ý vào đội cứu hộ sinh vật biển. Các thành viên khác trong nhóm cũng đều là những người có kỹ năng lặn, kiến thức về sinh vật biển.
Công việc hằng ngày của các thành viên của Sasa là tập trung vào việc bảo tồn các rạn san hô ven biển Sơn Trà. Trưởng nhóm Sasa chia sẻ với báo Nhân dân: “Công việc bảo tồn, tạo thêm những rạn san hô đem lại cho tôi cũng như anh em nhiều cảm xúc. Những phương pháp nghiên cứu, tìm tòi và tham khảo từ các chuyên gia nước ngoài khi đưa vào cứu san hô đã đem lại kết quả mỹ mãn”.
Số thành viên ban đầu của nhóm chỉ có 6 người mà thôi. Hiện tại, các thành viên của Sasa còn kết hợp với các nhóm khác để có thể cứu được nhiều sinh vật biển hơn. “Thành viên của nhóm cứu hộ sinh vật biển Sasa xuất thân từ nhiều ngành nghề, lứa tuổi khác nhau. Kỹ năng giao tiếp dưới nước và quản lý những rủi ro bất ngờ là điều vô cùng quan trọng. Vì vậy, để làm việc chung, cả đội phải có tình yêu với nghề mới có thể đi cùng nhau”, trưởng nhóm Lê Chiến bày tỏ.
Ngoài ra, các thành viên của Sasa thường xuyên giải cứu và tái thả về tự nhiên rùa biển và cá heo. Được biết, Sasa cứu nạn thành công 20 trường hợp cá heo gặp nạn bình quân mỗi năm, tỷ lệ cứu sống đạt khoảng 20 - 25%. Địa bàn hoạt động của nhóm không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Nha Trang, Cà Mau.
Nguồn vốn duy trì hoạt động xuất phát từ chính các thành viên trong nhóm, tình nguyện đóng góp. Tuy nhiên, số tiền cứu hộ sinh vật biển không hề nhỏ, chẳng hạn đợt cứu thành công cá thể rùa vì ăn phải lưới, nhựa (được nhóm đặt tên là Olive), mỗi ngày tiêu tốn gần 200.000 đồng tiền ăn gồm 1 kg mực và 1 kg cá; bể nước cũng phải thay mỗi ngày để dưỡng thương cho rùa. Suốt 5 tháng điều trị, nhóm đã chi hơn 300 triệu đồng cho chú rùa đáng thương.
Hạnh phúc nhất là trong 4 năm qua, Sasa đã cứu hơn 100 cá thể rùa và cá heo. Dù số tiền họ góp vào để hoạt động là "vài tỷ đồng", địa điểm của nhóm phải chuyển ra "ở bãi biển" vì thiếu kinh phí, nhưng các thành viên vẫn rất lạc quan. Xuất hiện trên Việc tử tế của VTV, tình yêu với đại dương của họ ngày càng được tô đậm hơn.
Ảnh: VnExpress, ELLE.