Chân dung đại gia chống lưng cho đối thủ đến từ Nhật của Vietjet Air, cũng chính là cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines

17/09/2016 10:18 AM | Kinh doanh

Vanilla Air là hãng hàng không 100% thuộc sở hữu của ANA Holdings - đơn vị vừa mua 8,771% cổ phần của Vietnam Airlines vào hồi tháng 7.

Những ngày gần đây, một hãng hàng không giá rẻ của Nhật Bản mang tên Vanilla chính thức gia nhập thị trường Việt Nam với tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với "hãng hàng không bikini" Vietjet trong thời gian tới.

Theo đó, khi trả lời về câu hỏi liên quan đến việc cạnh tranh với Vietjet, bà Mio Yamamuro – Phó Tổng giám đốc Vanilla tuyên bố, Vietjet Air đang có nhiều chuyến bay đến Đài Bắc, cùng tuyến đường với Vanilla, nên đây sẽ là đối thủ của Vanilla.

Ngoài ra, có một thông tin đáng chú ý khác mà ít người biết đó là Vanilla vốn là hãng hàng không giá rẻ của Nhật Bản, 100% vốn đầu tư bởi ANA Holidings Inc., một trong những công ty hàng hàng không lớn nhất xứ sở mặt trời mọc. Và ANA Holdings lại chính là cổ đông chiến lược của hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Trước đó, ngày 1/7 vừa qua chúng tôi đã đưa tin, phía ANA Holdings đã hoàn tất giao dịch để nắm giữ 8,771% cổ phần và chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines.

Có vẻ như đại gia đến từ Nhật đang tỏ ra đặc biệt quan tâm đến thị trường Việt Nam, khi vừa trực tiếp (là cổ đông chiến lược của VNA) vừa gián tiếp (sở hữu Vanilla Air) đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Vậy ANA là ai?

Hãng hàng không lớn nhất xứ sở Mặt trời mọc

ANA group được thành lập vào ngày 27/12/1952, tiền thân là một công ty kinh doanh vận tải hàng không (máy bay chở khách, chở hàng và máy bay trực thăng). Với hơn 60 năm kinh nghiệm, ANA đã trở thành tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản và hiện diện tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Thời kì từ năm 1974 đến 1985 được coi là thời đại hoàng kim của tập đoàn này khi hàng loạt các hãng hàng không, sân bay, công ty con phục vụ vận tải được thành lập như Nippon Kinkyori Airways (mà sau này là là All Nippon Airways), Nippon Cargo Airlines hay Narita Airport.

ANA Holdings sở hữu tới 57 công ty con và 18 chi nhánh với quy mô 34.919 nhân viên. Tập đoàn tham gia cả phân khúc vận tải hành khách và hàng hóa, bên cạnh việc tham gia vào các hoạt động kinh doanh liên quan tới hàng không như chăm sóc hành khách và dịch vụ công nghệ thông tin. Hiện nay, ANA còn lấn sân sang lĩnh vực thương mại và bán lẻ hàng hóa tiêu dùng.

Trong báo cáo năm tài chính 2015 kết thúc vào tháng 3/2015, doanh thu của ANA Holdings phần lớn đến từ kinh doanh vận tải hàng không với 72,9%, các ngành liên quan đến dịch vụ hàng không là 11%. Tiếp theo đó, du lịch và bán lẻ lần lượt là 8,3 % và 6,2%. Các ngành kinh doanh khác chiếm 1,6%.

ANA Holdings có 235 chiếc máy bay bay tới 84 điểm đến và vận chuyển 44 triệu hành khách mỗi năm. Doanh thu thuần trong năm 2014 khoảng hơn 1.700 tỷ yên (công bố vào tháng 3 năm 2015).

Tập đoàn hiện đang đứng số 1 châu Á và đứng thứ 8 thế giới trong bảng xếp hạng các tập đoàn hàng không dựa trên doanh thu. Cũng trong mùa hè năm nay, ANA đã đánh bại Delta Airlines của Mỹ để mua 16,5% cổ phần tại hãng hàng không giá rẻ đang gặp khó khăn của Nhật Bản là Skymark.

Khai sinh ra Vanilla Air từ “vũng lầy” AirAsia Japan

Tháng 8/2012, ANA Holdings tuyên bố thỏa thuận hợp tác với AirAsia Nhật Bản thành lập nên AirAisa Japan. Tuy nhiên, 1 năm kể từ sau khi hợp tác, AirAsia Nhật Bản liên tục thua lỗ tới 3,5 tỷ yen (tương đương 35 triệu USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2013.

Chính vì lý do này, tháng 10/2013, ANA Holdings quyết định mua lại 33% cổ phần AirAsia Japan với giá 25,1 triệu USD để hoàn toàn sở hữu hãng hàng không này và đổi tên từ AirAsia Japan sang Vanilla Air.

Kể từ sau khi ra đời, Vanilla đã tăng trưởng hết sức ấn tượng. Từ 2 máy bay, họ đã tăng lên 10 chiếc tính đến năm tài chính 2015, phục vụ cả hành trình trong nước và quốc tế.

Trong những năm đầu, Vanilla Air đối mặt với sự thiếu hụt phi công trầm trọng và hoạt động kinh doanh thua lỗ. Tuy nhiên trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2016, với lợi thế giá dầu giảm và lượng khách du lịch tới Nhật Bản tăng mạnh, Vanilla Air lần đầu tiên công bố có lãi, cho phép họ bước đầu thực hiện được kế hoạch mở rộng ra bên ngoài.

Đến tháng 1/2016, ANA Holdings tuyên bố Vanilla Air sẽ thành lập cơ sở thứ 2 tại sân bay quốc tế Đài Bắc để phục vụ những điểm đến tại Đông Nam Á. Và việc mở đường bay mới từ Việt Nam nằm một phần trong kế hoạch này.

Việt Nam - Thị trường hàng không hấp dẫn nhất châu Á

Chia sẻ với báo giới về lý do đầu tư vào Việt Nam, Vanilla cho hay, hãng chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên ở Đông Nam Á vì tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam đang rất cao. Hơn thế nữa, rất nhiều người đang qua lại giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đây có lẽ cũng chính là lý do mà công ty mẹ - ANA quyết định đầu tư vào Vietnam Airlines.

CEO Vanilla đánh giá cao thị trường Việt Nam và cho biết Việt Nam là nơi hoạt động đầu tiên của Vanilla tại Đông Nam Á vì tốc độ phát triển kinh tế còn cao hơn cả Thái Lan và Malaysia.

Rõ ràng, việc trực tiếp đầu tư vào Vietnam Airlines và gián tiếp đưa Vanilla Air thâm nhập thị trường hàng không Việt Nam cho thấy sức hấp dẫn cực kỳ lớn của Việt Nam đối với ANA.

Đối với thị trường hàng không Việt Nam, sự có mặt của Tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản như ANA (cả trực tiếp đầu tư vào VNA hay gián tiếp qua Vanilla Air) đều có ý nghĩa nhất định trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ hàng không.

Với Vietnam Airlines, thỏa thuận với ANA Holdings sẽ mang tới những hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, tạo nền tảng để Vietnam Airlines triển khai chương trình đổi mới đội tàu bay bằng những dòng máy bay thế hệ mới, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động hiệu quả hơn.

Với sự tham gia của Vanilla Air, sẽ tạo thêm một lựa chọn tốt với mức giá hợp lý cho hành khách Việt Nam, cũng như gia tăng cạnh tranh từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ trong cùng phân khúc giá rẻ trên một số chặng bay quốc tế.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM