Chân dung "bà đầm thép" nước Anh Theresa May khi còn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ

14/07/2016 20:13 PM | Kinh doanh

Trái với vẻ ngoài nữ tính, bà Theresa May được xem hiện thân của “cá tính đặc biệt” trong môi trường chính trị với các quyết sách cứng rắn khi là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh.

Ngày 13/7/2016, Thủ tướng sắp mãn nhiệm của nước Anh, David Cameron đã nói lời tạm biệt với nhà số 10 phố Downing, để nhường chỗ cho người kế nhiệm, được mệnh danh là "người đàn bà thép" thứ 2 của nước Anh - Theresa May.

“Chúng ta sẽ có một vị Thủ tướng mới vào buổi tối ngày thứ Tư. Bà ấy là một người mạnh mẽ, có năng lực và thừa khả năng lãnh đạo đất nước chúng ta trong những năm sắp tới" - Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu.

Sự bỏ cuộc sớm của các đối thủ, cũng như quyết định rời nhiệm sở sớm hơn dự kiến gần 3 tháng của ông David Cameron đã khiến bà Theresa May trở thành người duy nhất còn lại trên đường đua tới vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ và người đứng đầu xứ sở sương mù.

Việc nước Anh tìm ra được một vị Thủ tướng mới đã tạm khép lại khoảng thời gian 3 tuần với một loạt diễn biến gây sốc trên cả chính trường Anh lẫn thị trường tài chính toàn cầu. Bà Theresa May - cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước Anh chính thức là nữ Thủ tướng mới nhậm chức của nước này.

Trước khi nhậm chức Thủ tướng Anh, bà Theres May trải qua 6 năm làm Bộ trưởng Nội vụ, trở thành người giữ chức vụ này lâu nhất tại nước Anh trong hơn 5 thập kỷ qua. Trong 6 năm tại vị, bà Theresa May trao quyền nhiều hơn giúp cảnh sát trấn áp tội phạm, tăng cường bảo vệ biên giới, giảm nhập cư và bảo vệ nước Anh khỏi khủng bố.Những chính sách cứng rắn của bà đã phần nào giúp hé lộ những điều mà người dân Anh có thể chờ đợi từ nữ Thủ tướng mới của họ.

Dù có vẻ ngoài nữ tính, bà Theresa May được nhìn nhận là một cá tính đặc biệt trong chính trường Anh quốc.
Dù có vẻ ngoài nữ tính, bà Theresa May được nhìn nhận là một "cá tính đặc biệt" trong chính trường Anh quốc.

Trong cương vị là Bộ trưởng Nội vụ, bà May nổi tiếng với lập trường cứng rắn trong việc kiểm soát thắt chặt nhập cư đến Anh. Bà đã từ chối đề nghị của EU để cấp hạn ngạch tiếp nhận người di cư trong liên minh với lý do chỉ ưu tiên là giúp những người sống ở khu vực chiến tranh hoặc trong các trại tị nạn chứ không phải những người giàu có muốn đến châu Âu. Bà Theresa May cũng nổi tiếng với chiến dịch có khẩu hiệu “Những người nhập cư hãy trở về nhà hoặc bị bắt giữ”.

Vào tháng 6/2016, các nhà lập pháp Anh đã thông qua Dự luật các quyền lực điều tra, một đề xuất được bà May đưa ra, cho phép cảnh sát và các cơ quan công quyền có thể giám sát dữ liệu thông tin cá nhân của người dân nhằm đối phó với các phần tử khủng bố.

Bà Theresa May có gu thời trang sang trọng và tinh tế.
Bà Theresa May có gu thời trang sang trọng và tinh tế.

Không chỉ thế, bà Theresa May cũng là một trong những tiếng nói kiên trì ủng hộ việc Anh tiến hành chiến tranh ở Iraq cũng như các hoạt động khác của quân đội nước này tại Syria, Libya và Afghanistan.

Có lẽ đến nay, bà Theresa May được biết đến nhiều nhất với câu nói “Brexit có nghĩa là Brexit” - một lời khẳng định chắc nịch cho quyết tâm lèo lái nước Anh trong tiến trình ra khỏi liên minh châu Âu thuận lợi nhất.

Điều đáng nói là bà May trước đó vốn được coi là người theo phe chủ nghĩa hoài nghi hội nhập châu Âu. Tuy nhiên, trong chiến dich vận động người dân hồi đầu năm 2016, bà đã đứng về phía ông David Cameron ủng hộ việc ở lại.

Khi còn ở cương vị Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Theresa May đã có nhiều quyết sách cứng rắn.
Khi còn ở cương vị Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Theresa May đã có nhiều quyết sách cứng rắn.

Giờ đây, người phụ nữ này sẽ phải chứng minh sự kiên cường của mình, trong bối cảnh nhiệm kỳ trước mắt sẽ ngập tràn những cuộc đàm phán với lãnh đạo EU, áp lực buộc nước Anh phải nhanh chóng kích hoạt điều 50, khả năng Scotland đòi độc lập và cũng phải trấn an các nhà đầu tư đã vội vã tháo chạy và khiến đồng bảng rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 30 năm.

Trước tình hình đó, bà Theresa May tuyên bố: “Chúng ta cần một tầm nhìn mới, mạnh mẽ và tích cực cho tương lai của đất nước, một tầm nhìn không phải chỉ đem lại lợi ích cho số ít những cá nhân có đặc quyền mà cho tất cả mọi người trong chúng ta”.

Theo Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM