Chán đi làm kẹt xe tắc đường, 9X bỏ việc trở thành trader toàn thời gian, chia sẻ cách kiếm tiền nghiêm túc từ thị trường chứng khoán Việt Nam
Để trở thành trader toàn thời gian, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần chuẩn bị dự phòng về tài chính cũng như tâm lý giao dịch kỹ lưỡng.
Đạt được tự do tài chính là mục tiêu của rất nhiều người. Nhìn chung, điều này đồng nghĩa với việc có đủ tiền tiết kiệm, các khoản đầu tư và tiền mặt để trang trải lối sống mà bạn muốn dành cho bản thân và gia đình. Khối tài sản ngày càng gia tăng sẽ cho phép bạn nghỉ hưu hoặc theo đuổi sự nghiệp mong muốn mà không phải chịu áp lực về việc phải kiếm một lượng tiền mỗi năm.
Trong vài năm gần đây khi thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, không ít người nuôi dưỡng mong muốn đạt được tự do tài chính bằng việc trở thành nhà đầu tư toàn thời gian. Xuất hiện trong talkshow Bí mật đồng tiền số 26 với chủ đề Ở nhà “oánh” chứng phát sóng trên VTV Digital, nhà đầu tư 9X Lê Sỹ Tuấn chia sẻ những câu chuyện thực tế khi làm một “trader fulltime”.
Động lực lớn nhất của Sỹ Tuấn nghỉ việc và trở thành nhà đầu tư toàn thời gian bởi muốn có nhiều thời gian dành cho gia đình và tận hưởng cuộc sống. Anh cho biết mình cũng mệt mỏi với hàng ngày xách xe đi làm và chìm vào cảnh kẹt xe mỗi sáng và chiều.
Số vốn Tuấn mang vào thị trường chứng khoán là 12 triệu đồng, sau 8 năm 9X này đang xem thị trường chứng khoán là nơi kiếm tiền nghiêm túc để nuôi sống gia đình. Anh ví nghề solo trader như việc đi tập gym, dù không ai ép nhưng bản thân luôn phải kỷ luật, tự gồng từ lỗ đến lời.
Khi được host Ngọc Trinh đặt câu hỏi liệu những bạn trẻ muốn trader fulltime như Tuấn cần làm gì? Bùi Sỹ Tuấn cho rằng mọi người cần một khoản dự phòng nhất định tùy vào nhu cầu tiêu dùng. Bản thân anh đặt ra mức dự phòng khoảng 350 triệu đồng, tương đương 2 năm tiêu dùng cơ bản. Anh cho biết số tiền này giúp mình vẫn giao dịch được trong bối cảnh thị trường đi xuống trong 2 năm mà không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Không chỉ tiết kiệm tiền mặt, Tuấn cho biết các khoản dự phòng khác mình cũng chuẩn bị như bảo hiểm, một bất động sản nhỏ để không đối diện với tiền thuê nhà hàng tháng.
"Không có dự phòng rất khó đầu tư toàn thời gian. Áp lực cơm áo gạo tiền sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của bạn", anh chia sẻ.
Khi được hỏi về danh mục đầu tư, Bùi Sỹ Tuấn cho biết hiện 60% tỷ trọng là bất động sản. Tất nhiên bất động sản có nhiều loại và anh cho rằng những doanh nghiệp vẫn có dòng tiền thu về thì vẫn đang tốt. Ngoài ra, 40% danh mục còn lại của Tuấn là ngành điện, bán lẻ tiêu dùng.
Bổ sung cho quan điểm của nhà đầu tư trẻ tuổi, kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng cho rằng điều quan trọng nhất đối với một nhà đầu tư cần chuẩn bị khi dành toàn thời gian giao dịch là tâm lý khi giao dịch. Trường hợp của Tuấn là có tới 8 năm kinh nghiệm, đã nhiều lần trải qua các giai đoạn lên xuống của thị trường.
"Rất nhiều nghề phải mất 5 năm mới đào tạo được, nghề y mất tới 9 năm đào tạo nhưng trading dở nhất chỉ cần mất khoảng 1 tiếng đã làm được rồi. Đấy là điều rất rủi ro. Chúng ta nghe câu chuyện của Tuấn thế thôi nhưng khá phức tạp để đạt đến trình độ để đưa ra quyết định fulltime trader", ông Hưng cho biết.
Ngoài ra vị chuyên gia này còn cho rằng những ai đang mong muốn nghỉ việc để trở thành nhà đầu tư toàn thời gian thì nên phân biệt rõ vấn đề. Khi trở thành trader, nhà đầu tư trở thành bạn với Ngài thị trường. Thế nhưng Ngài thị trường không quan tâm đến ai, không quan tâm lịch trả tiền của bạn. Trong khi đó nếu đi làm, đến cuối tháng bạn có thể chi trả được những hoá đơn định kỳ này.
"Ví dụ với những công việc chúng ta đang làm ở công ty hiện nay, chúng ta làm chăm chỉ, có chí hướng, nhiệt tình thì nhất định thăng tiến. Nhưng đối với việc trading ở nhà với thị trường nhiều khi chúng ta rất chăm chỉ, đi rất đúng hướng nhưng thua lỗ rất nhiều. Bởi vì Ngài thị trường rất khác với sếp của chúng ta”, ông Phạm Lưu Hưng ví von.