Chán cảnh khói bụi thành phố, chàng trai sinh năm 1994 về nông thôn, ‘rủ rê’ 3500 người dân địa phương mở quán cà phê, hai năm kiếm hơn 100 tỷ đồng
"Sản phẩm của tôi không phải cà phê, mà là cảnh sắc mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho thôn", anh cho biết.
Sinh năm 1994, Trình Thước Khâm, từ bỏ công việc ổn định, cùng 3500 thôn dân lập nghiệp, trong vòng 2 năm, doanh thu 50 triệu tệ (khoảng 162 tỷ đồng).
Anh mở một quán cà phê tại An Cát, Chiết Giang, Trung Quốc. Vào thời kì cao điểm, một ngày, quán của anh đón 20.661 lượt khách. 3 triệu tệ (khoảng 9.7 tỷ đồng) tiền đầu tư, anh bỏ ra một nửa, thôn dân bỏ ra một nửa.
01
Nhen nhóm ý định tự khởi nghiệp
Năm 2019, Trình Thước Khâm thi đỗ công chức vào dạy tại một trường tiểu học.
Năm 2021, anh xin nghỉ việc, bởi "có lẽ là vì tính tôi cũng có phần hơi vội vàng, tôi cũng đã thử áp dụng rất nhiều phương pháp nhưng vẫn luôn có một cảm giác gì đó là tôi không thể dạy được học sinh. Tôi có thể thích sự hào nhoáng, hoa lệ của Thượng Hải hay Bắc Kinh, nhưng đó không phải cuộc sống mà tôi thực sự muốn, tôi thích không gian có nhiều núi non sông nước."
Và đó là khi, "tôi đã nghĩ liệu mình có thể làm gì đó ở vùng nông thôn hay không."
02
Bước đầu trên hành trình khởi nghiệp
Năm 2021, xu hướng camping trở thành một xu hướng vô cùng hot tại Trung Quốc, "mọi người vào cuối tuần có xu hướng đi về các vùng quê. Khi đó, một cái lều vài cũng có giá 1000 tệ (khoảng 3.2 triệu đồng), một buổi tối có thể kiếm được 1800 – 2000 tệ (khoảng 6-6.5 triệu đồng). Bạn chỉ cần có một mảnh đất rồi sau đó kinh doanh hình thức này là sẽ kiếm được tiền."
Cứ như vậy, Trình Thước Khâm cùng những người bạn đồng hành của mình, cùng nhau tới An Cát. Tháng 11/2021, trong một lần tình cờ, họ bắt gặp một khu đất có hồ nước có núi non. Vừa nhìn thấy khu đất, họ đã muốn đây sẽ là khu đất khởi nghiệp dự án camping kết hợp kinh doanh cà phê, nướng thịt của mình.
Sau đó, họ tìm tới chính quyền địa phương, tuy nhiên chính quyền khi đó nói rằng khu đất này không thuộc quyền sở hữu của họ, đó là đất tư nhân. Mặt khác, ông chủ của khu đất khi đó ra giá hàng triệu tệ, vì không có tiền, Trình Thước Khâm đành ngậm ngùi từ bỏ.
Sau đó, "bí thư thôn tới tìm chúng tôi nói họ có một cách đó là muốn chúng tôi hợp tác với họ, và họ có thể thuyết phục chủ nhân của khu đất ủng hộ công việc của thôn. Khi đó chúng tôi áp dụng phương thức 2 cổ phần 3 thu nhập, do bí thư của thôn đề xuất. Nhóm của chúng tôi đóng góp 51% cổ phần, tập thể thôn đóng góp 20%, đại biểu thôn góp 29%. 3 thu nhập, lợi nhuận cổ đông, căn cứ theo 20% và 29% phân chia lợi nhuận, lợi nhuận thuê đất (bồi thường cây giống, tiền thuê đất), thu nhập làm công (họ sẽ tới chỗ chúng tôi làm việc)."
Theo đó, nhóm của Trình Thước Khâm đóng góp 157 vạn tệ (khoảng 5 tỷ đồng), tập thể thôn đóng góp 143 vạn tệ (khoảng 4.6 tỷ đồng), tổng cộng có 3 triệu tệ.
Cụ thể, số tiền 143 vạn tệ là từ đóng góp, 3500 hộ dân, mỗi hộ dân đóng góp vài trăm tệ.
"Tiền của tôi có được từ việc thế chấp nhà, bán xe. Nhà thế chấp được khoảng 50-60 vạn tệ, xe bán đi gom được mười mấy vạn, còn đối tác của tôi, những người cùng tôi khởi nghiệp, mỗi người đóng góp một chút", Trình Thước Khâm chia sẻ.
"Không phải tất cả người dân trong thôn đều ủng hộ chúng tôi, họ tin tưởng vào những người đại diện của thôn hơn, chúng tôi chỉ cần làm duy nhất một việc, đó là thuyết phục người đại diện cho những người dân, khiến họ tin tưởng chúng tôi. Chúng tôi đưa họ tới nhiều nơi khác nhau, cho họ thấy nhiều hình thức kinh doanh mới", mục đích của việc này là để khiến những người dân trong thôn thấy rằng thôn của họ hoàn toàn có tiềm năng để phát triển, "'nơi này còn không bằng thôn mình mà tại sao lại có nhiều người như vậy', họ bắt đầu có một suy nghĩ, một nhận thức khác và đồng ý, 'dự án này đáng để đầu tư'", Trình Thước Khâm hào hứng.
Sau đó họ mở cuộc họp, hơn một nửa số người đồng ý thông qua. Sau đó họ tới tìm chủ nhân của khu đất để nói chuyện và nhanh chóng đi tới thỏa thuận, "Ở nông thôn, mọi người hay nói "cái nghĩa cái tình", khi mới khai hoang, chủ nhân của khu đất cũng nhận được sự giúp đỡ của không ít người dân, vì vậy họ luôn biết ơn với thôn dân", nhanh chóng đồng ý với dự án này.
Trong suốt hơn 3 tháng, hơn 100 phương án được đưa ra, hàng chục báo cáo được trình bày. Tháng 2/2022, họ chốt phương án và bắt đầu thi công, tất cả chỉ vỏn vẹn trong 18 ngày cho tới ngày hoạt động chính thức. Thôn dân là những người thi công, xây dựng công trình, "khi đó, chúng tôi thậm chí còn không có bản thiết kế thi công, chỉ có bản vẽ tay vì không có tiền, chưa kể thời gian quá gấp gáp nên không kịp tìm bên thiết kế", Trình Thước Khâm ngậm ngùi.
Ngày khai trương vừa hay là 1/5, hôm đó ngày lễ, một ngày đón hơn 5000 khách, lý do là bởi "Trước đó ngày 28 cơ bản hoàn thành, ngày 30 mời thôn dân tới dùng cà phê miễn phí. Họ rủ thêm bạn bè, họ hàng, họ chụp lại ảnh, đăng lên mạng xã hội, cứ như vậy quán trở nên nổi tiếng mà không cần quảng cáo."
Đôi bên hợp tác, Trình Thước Khâm bán cà phê, người dân địa phương bán thịt nướng, bánh nướng…
03
Nút thắt trên hành trình lập nghiệp
Những tưởng sau ngày 1/5, công việc làm ăn của quán sẽ khởi sắc, theo đà tiến lên, tuy nhiên, chỉ vừa kinh doanh những ngày đầu tiên, Trình Thước Khâm đã nhanh chóng phát hiện ra những lỗ hổng trong quá trình thực thi của mình.
"Ngày hôm đó, chúng tôi phát hiện ra tới hơn 1000 người nhưng cà phê lại chỉ bán được vài trăm cốc, nhưng lại tiêu tốn rất nhiều nhân lực để đảm bảo sự an toàn cho họ. Sau ngày hôm đó, chúng tôi bị mắng rất nhiều, lý do phần nhiều là bởi khách hàng phải đi một quãng đường rất xa, chỉ để uống 1 cốc cà phê, đi dạo xung quanh 1 vòng, chấm hết, chỗ đậu xe cũng hạn chế. Sang tháng 6, thời tiết nóng nực, cộng với những bình luận không hay được truyền tai, công việc kinh doanh xuống dốc không phanh", Trình Thước Khâm bộc bạch.
Một vài đối tác cũng quyết định rút khỏi dự án. Nhóm ban đầu có 7 người, 6 người quyết định bỏ đi vì "ban đầu nhóm muốn làm camping, nhưng hiện tại tôi lại đang tập trung vào quán cà phê".
"Một khoảng thời gian sau đó, có những hôm chỉ bán được 2 ly cà phê. Người dân địa phương cũng tìm tới tôi và bảo tôi bỏ cuộc. Có những người còn gọi điện đe dọa, không cho phép tôi tới thôn của họ. Khi đó tôi cũng tìm tới những người cho mình vay tiền xin hoãn thời hạn trả tiền, bởi lẽ khi đó mỗi tháng tôi vẫn phải trả một số tiền cố định. Họ thậm chí còn đi nói với những người khác, "đừng hợp tác với anh ta". Khoảng thời gian đó, tới 200 tệ (khoảng 600 ngàn đồng), tôi cũng phải đi vay. Mỗi ngày tôi không dám về nhà, chỉ biết trốn trong xe, không biết phải đối mặt ra sao với người thương, với cha mẹ", Trình Thước Khâm ngậm ngùi nhớ lại.
04
Thay đổi tư duy, vực dậy lại niềm tin
Khoảng thời gian đó, Trình Thước Khâm chia sẻ rằng việc duy nhất anh có thể làm là tĩnh tâm lại, "Khoảng thời gian đen tối nhất, tôi nhận ra sẽ không có ai chỉ vì một ly cà phê mà lái cả một quãng đường rất xa tới, vậy cho nên, sản phẩm của tôi không phải cà phê, mà là cảnh sắc mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho thôn. Vậy bây giờ tôi nên định hình lại khung cảnh ở đây ra sao để mỗi một góc đều sẽ trở thành một bức tranh. Chúng tôi bán ý tưởng thiết kế, bán thẩm mỹ, bán giá trị cảm xúc. Kể từ đó, tôi bắt đầu có suy nghĩ, cải tạo lại cảnh quan, tận dụng mọi thứ xung quanh trong khuôn khổ khu đất. Tuy nhiên khi đó tôi không có tiền, vậy thì giải quyết vấn đề tiền đầu tiên. Tôi đi vay khắp nơi, thậm chí đi vay nặng lãi. Vay được 55 vạn tệ (khoảng 1.7 tỷ đồng), tôi lập tức bắt tay vào cải tạo, vì thiếu tiền nên rất nhiều công việc chúng tôi phải tự mình làm, từng viên gạch từng nắm đất, tự đi nhặt tự thủ công đắp thành bậc thang."
Tháng 9, công việc kinh doanh bắt đầu có sự phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa đạt được kì vọng. Cũng trong khoảng thời gian này, Trình Thước Khâm tình cờ quen biết một cặp vợ chồng người Thượng Hải muốn mua lại công việc kinh doanh của anh, "tôi mở cuộc họp, sau khi tính toán kĩ lưỡng, trả hết các khoản nợ và chi tiêu, chúng tôi vẫn có thể kiếm được 80 vạn tệ (khoảng 2.6 tỷ đồng). Khi đó tất cả mọi người đều đồng ý. Vài ngày sau chúng tôi tới Thượng Hải, bàn bạc xong xuôi, tên cũng đã kí nhưng vì tôi quên con dấu nên việc mua lại chưa thể kết thúc. Lúc này, khi nhìn lại tăng trưởng trong công việc kinh doanh, chúng tôi bất ngờ nhận ra nó hoàn toàn có tiềm năng kiếm được nhiều hơn, lúc đó, tôi đã gọi điện nói chuyện với cặp vợ chồng ở Thượng Hải về việc dừng lại việc mua bán, họ cũng rất vui vẻ đồng ý."
Kể từ tháng 10/2022 tới nay, doanh thu của công việc kinh doanh chưa ngày nào dưới 5 vạn tệ (khoảng 1.6 tỷ đồng).
Tháng 3,4 năm 2023, quán cà phê của Trình Thước Khâm bỗng trở nên vô cùng hot. Khách thập phương, phóng viên báo chí đua nhau tới viết bài, đài truyền hình trung ương tới phỏng vấn.
Ngày 1/5/2023, anh bán được 5120 ly cà phê.
Ngày 1/10/2023, anh bán được hơn 7000 ly.
Chỉ riêng trong tiết Thanh Minh năm 2024, anh bán được 8818 ly cà phê.
"Chúng tôi không hề tuyên truyền hay làm quảng cáo. Bởi lẽ những người tới đây họ đều sẽ chụp ảnh, và đăng lên trang cá nhân của mình. Một nơi không hề có bề dày văn hóa lịch sử, cũng không có thứ gì đó hay ho để chơi, vậy thì tại sao phải tới? Tôi tới để chụp ảnh, tôi đăng lên trang cá nhân của mình, nhiều bạn bè like ảnh của tôi, giá trị cảm xúc của tôi được thỏa mãn, vậy là đủ", Trình Thước Khâm tâm đắc.
05
Khởi nghiệp, "đừng làm những việc trái với lương tâm"
Bàn về việc tại sao có thể thành công với hình thức kinh doanh hợp tác này, Trình Thước Khâm cho rằng đó là tư duy đôi bên cùng có lợi, "Tôi đã đi nhiều nơi, những người dân nông thôn rất khó để hợp tác, họ luôn đặt thôn dân ở vị trí đối lập, nhưng thật ra, bạn có thể đổi một góc nhìn khác, thôn dân nói bạn tốt, bạn mới thực sự tốt, nhưng người dân bản địa sẽ giúp bạn làm công việc tuyên truyền. Trước khi chúng tôi tới, thôn dân ở đây sống dựa vào việc bán cây giống, thu nhập có lẽ chưa tới 30 vạn, sau khi chúng tôi tới, trong 2 năm trở lại đây, họ chia số tiền khoảng 500-600 vạn tệ. Năm ngoái, chúng tôi biếu các cụ ông cụ bà trong thôn mỗi người một phong bao 500 tệ (khoảng 1.6 triệu đồng), chúng tôi biếu tổng cộng khoảng 8-9 vạn tệ. Họ rất vui, gặp ai cũng nói, tới thôn tôi uống cà phê, tôi mời mọi người uống cà phê."
Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn, Trình Thước Khâm luôn ghi nhớ, một trong những lý do giúp anh vực dậy đó là một hành động của bí thư thôn, "Khoảng thời gian tăm tối nhất, người dân địa phương cũng tìm tới tôi và bảo tôi bỏ cuộc, tuy nhiên bí thư đứng ra bênh vực 'lúc bằng tuổi cậu ấy mọi người đang làm gì? Tại sao không cho cậu ấy thêm chút thời gian'. Bí thư gọi tôi tới nhà, chúng tôi nói chuyện về lý tưởng, về tương lai, về cuộc sống, không nhắc tới chuyện công việc."
Khó khăn vốn là một phần tất yếu trong quá trình theo đuổi ước mơ của mỗi cá nhân, nhưng có người từ chối hoặc để nó đánh bại, thì Trình Thước Khâm lại mang một tâm lý biết ơn đối với quãng thời gian đó, "Có một điều tôi cảm thấy mình may mắn, đó là khoảng thời gian tăm tối trong quá trình khởi nghiệp, nó tới đủ sớm, nó giúp tôi nhận ra một điều rằng, mỗi một bước mà bạn đi, bạn phải cẩn trọng, đừng làm những việc trái với lương tâm. Bạn cũng cần biết cách phát huy thế mạnh cảnh quan tự nhiên của khu vực này lên mức cao nhất chứ không phải chỉ có trong đầu suy nghĩ, tôi cầm được rất nhiều tiền rồi (tôi sẽ có những suy nghĩ sai lệch)."
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ, chủ tịch hội đồng quản trị của Mylan Group từng chia sẻ quan điểm của mình rằng, "Những người khởi nghiệp, họ làm ăn không phải vì tiền, tại vì họ thấy cái sai mà họ cần làm đúng, họ thấy cái tốt mà họ cần làm hoàn hảo hơn, họ thấy cái không có và họ làm cho có, thì đó là ý tưởng của những người khởi nghiệp, họ muốn đóng góp cuộc đời họ, họ may mắn được sống trong thế giới này, họ muốn xã hội này tốt đẹp hơn, thì cái đó mới là thành công. Còn nếu như mà mình đầu tư, mình khởi nghiệp, mình làm tại vì mình muốn có nhiều tiền quá, thì mình chỉ gặp cá mập với cá sấu không à, tại vì chung quanh mình cũng như vậy, họ sẽ đè mình mà ăn thôi."
Tôi muốn kết lại bài viết bằng chính chia sẻ của Trình Thước Khâm, "Cuộc sống không chỉ có tiền bạc, cuộc sống còn rất nhiều cái gọi là "thơ và những nơi xa xôi", cuộc sống này đáng để trân trọng!"