Cha nghèo bán lúa, vượt gần 90km đưa con trai mù đi thi ngành kỹ sư công nghệ thông tin

03/07/2016 15:44 PM | Sống

Bị mất thị lực từ lúc mới sinh, nhưng bằng nghị lực vượt khó phi thường, 13 năm nay, Hiền xa gia đình vào Đà Nẵng theo đuổi con chữ và giờ đây em đang quyết tâm chinh phục ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin.

Thí sinh đặc biệt thi bằng chữ Braille

Năm nay, tại điểm thi trường cao đẳng Phương Đông, cụm thi do ĐH Đà Nẵng chủ trì có một thí sinh rất đặc biệt. Đó là Mai Văn Hiền (SN 1994), học nội trú tại Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, đồng thời là học sinh hòa nhập của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền.

Do bị khuyết tật đặc biệt nặng nên Hiền được Sở giáo dục và đào tạo xét đặc cách tốt nghiệp. Tuy nhiên, Hiền vẫn đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia 3 môn Toán, Lý, Hóa để lấy điểm xét tuyển vào Đại học.

Dù bị khuyết tật nhưng chàng trai này luôn lạc quan, yêu đời.

Nhằm tạo điều kiện cho sĩ tử đặc biệt này tham dự kỳ thi được thuận lợi, Đại học Đà Nẵng đã liên hệ mời giáo viên trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu tham gia chuyển ngữ, hỗ trợ cho thí sinh. Theo đó, Hiền được bố trí thi riêng tại một phòng có 2 giám thị làm nhiệm vụ coi thi, giám sát.

Đối với các môn thi trắc nghiệm, một trong hai giám thị coi thi sẽ đọc đề cho Hiền và giúp đánh dấu đáp án theo những câu trả lời của Hiền. Còn với các môn thi tự luận, giám thị cũng sẽ là người đọc đề giúp Hiền, chuyển ngữ sang chữ nổi. Đặc biệt, toàn bộ quá trình diễn ra buổi thi sẽ được ghi âm lại để đối chiếu theo đúng quy chế thi.

Được biết, mặc dù bị khuyết tật nhưng Hiền thông minh và học rất giỏi, nhất là các môn tự nhiên. Năm học vừa qua, Hiền đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất săc của trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) với số điểm tổng kết là 8,3. Trong đó, riêng môn Hóa là 8,7, môn Toán là 8,4 và môn Lý là 8,3. Không chỉ nổi trội trong việc học, Hiền còn là "cây văn nghệ" nổi bật ở trường.

Ông Thông đã bán lúa và đi xe máy gần 90km để ra Đà Nẵng đưa con đi thi đại học.

Bước vào kỳ thi năm nay, Hiền tỏ ra khá tự tin về khả năng của mình. Do mắt không nhìn thấy ánh sáng nên Hiền mất nhiều thời gian hơn các thí sinh bình thường khác vì em phải làm bài hoàn toàn bằng chữ Braille. Hiền cho biết, trước khi bước vào kỳ thi quan trọng này, em luyện tập rất nhiều phương pháp tính toán nhanh nhằm tiết kiệm thời gian khi làm bài.

"Khi có đề thi, các thầy giám thị phải tốn hơn 30 phút để đọc đề thi chính thức cho em chép ra chữ Braille. Do mắt không nhìn thấy gì nên em phải dò đi dò lại phần đề cho chắn chắn rồi mới bắt tay vào làm. Nhìn chung môn Toán trong ngày hôm qua em thi cũng khá tốt, ít nhất chắc cũng được khoảng 7 điểm…", Hiền cười tươi nói.

Bán lúa, vượt gần 90km để đưa con đi thi

Hiền là người con thứ 5 của ông Mai Văn Thông (SN 1959) và bà Huỳnh Thị Liên (SN 1960, trú xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam), vợ chồng ông Thông có 6 người con nhưng hai người đã mất vì bệnh tật. Do cuộc sống khó khăn nên từ nhỏ Hiền đã được bà Hà Thị Truyền (90 tuổi, bà nội của Hiền) đón về cưu mang, chăm sóc. Năm 9 tuổi, Hiền được nhận vào Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu để đi học.


Dù đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng nhưng Hiền rất thông minh, học giỏi...

Dù đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng nhưng Hiền rất thông minh, học giỏi...

Chiều ngày 7/2, có mặt ngoài điểm thi của CĐ Phương Đông, ông Thông cứ đi đi lại lại trước cổng trường, chốc chốc ông lại nhìn đồng hồ rồi liếc mắt vào phía sân trường thở dài nói: "Tôi lo quá, xót ruột quá chú ơi! Mấy đứa bình thường thi đại học đã khó rồi huống hồ chi con tôi nó bị mù nữa. Tội nghiệp, nó tật nguyền nhưng ham học lắm, hơn mười năm ni nó phải sống tự lập ngoài Đà Nẵng. Được thầy cô và bạn bè giúp đỡ nên nó mới học hành được như ngày hôm nay. Tôi lạy trời khấn phật mong cho nó đậu đại học để có một cái nghề ổn định chứ không phải khổ như tôi…", ông Thông chia sẻ.

Cũng theo ông Thông, gia đình ông đều làm nông nên kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Để có tiền lo cho con đi thi, ông phải bán mấy tạ lúa và chạy xe máy từ huyện miền núi Nông Sơn ra Đà Nẵng để chở Hiền đi thi. "Nhà tôi nghèo lắm, chiếc xe máy cà tàng mua cũ lại của người bạn là tài sản quý nhất của gia đình. Nhưng dù nghèo đến mấy, dù có phải bán bao nhiêu tạ lúa, tôi cũng nhất định lo cho thằng Hiền, miễn sao nó đậu đại học được là tôi vui rồi. Tôi còn 4 người con nhưng chỉ có mỗi thằng Hiền là được học hành đến nơi đến chốn thôi, nó là niềm hi vọng của cả gia đình tôi đó", ông Thông tâm sự.

"Dù có phải bán mấy tấn lúa tôi cũng muốn con mình được vào giảng đường đại học", người cha chia sẻ.

Chia sẻ về ước mơ của mình, Hiền cho biết: "Từ nhỏ em đã muốn theo học ngành Công nghệ thông tin nhưng chắc phải đợi có kết quả thi rồi em mới chọn trường để đăng ký xét tuyển. Nhìn chung thì qua 2 môn thi, em thấy mình làm bài cũng khá tốt, hi vọng em có thể đậu đại học theo nguyện vọng của mình. Em biết bản thân mình bị bệnh tật nên em luôn ý thức phải cố gắng vào đại học để sau này có việc làm ổn định, không trở thành gánh nặng cho gia đình, không phụ lòng cha mẹ và thầy cô".

Có lẽ, bây giờ nói về cánh cổng giảng đường đại học với Hiền vẫn còn là quá sớm. Thế nhưng, nhìn sự quyết tâm và tự tin trong lời nói của chàng trai khiếm thị ấy, tôi tin chắc rằng em sẽ sớm thực hiện được ước mơ của mình. Bởi, sự khác biệt giữa những người thành công và những người thất bại đôi khi không phải là ở sức mạnh, kiến thức hay sự hiểu biết, mà là ở ý chí.

Cùng chuyên mục
XEM