Cha đẻ ‘Gã hề ma quái’ - Stephen King: Ông vua truyện kinh dị phải bật đèn lúc ngủ, thành công nhờ bị cha bỏ rơi và tờ bản thảo ‘ghê tởm’ bị ném vào thùng rác
Tác giả chia sẻ: "Trí tưởng tượng phong phú khiến tôi thiếu ngủ nhưng cũng chính vì thế mà thế giới trở nên muôn hình vạn trạng, tràn ngập những sắc màu mà tôi sẽ không bao giờ chịu đánh mất để đổi lấy cả một đời người được yên ngủ mỗi đêm".
Stephen Edwin King là một tác giả người Mỹ, một tiểu thuyết gia nổi tiếng chuyên viết về thể loại kinh dị, siêu nhiên, hồi hộp và khoa học viễn tưởng. Nhiều câu chuyện ông sáng tác đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình và truyện tranh.
Những bí mật đằng sau thành công của King là gì? Những tài lẻ và năng khiếu bẩm sinh của ông ra sao? Liệu rằng đó có phải khả năng kể chuyện hay óc sáng tạo, trí tưởng tượng sống động của King đã giúp ông thành công? Hay vẫn còn thứ gì khác đã đóng góp vào thành công ấy? Bài viết này sẽ góp phần làm sáng tỏ nhiều điều về Stephen King cũng như thành công lớn của ông trong nghiệp văn chương.
Tác giả Stephen King.
Biến cố tuổi thơ
Từ thuở ấu thơ, Stephen King đã sợ nhiều thứ. Ông sợ bóng đêm, sợ rắn rết, chuột, nhện, sợ không gian chật hẹp, sợ bệnh tật, sợ chết, sợ độ cao, sợ bay… Ông luôn bật đèn sáng để có thể dễ ngủ khi trời tối. Đây quả thực không phải là trải nghiệm dễ dàng gì với một đứa trẻ mới 4 – 5 tuổi. Ông thường hình dung rằng có thứ gì đó giấu mình trong tủ quần áo. Trí tưởng tượng của ông vốn vô cùng sắc nét từ nhỏ.
Trong cuốn Nighmares & Dreamscapes, ông viết: "Ngay từ khi còn bé, tôi tin vào tất cả những gì người ta bảo mình, mọi thứ mình đọc được và tất cả những gì mà trí tưởng tượng cường điệu của tôi có thể nghĩ ra. Điều này đã khiến tôi thiếu ngủ không ít đêm. Nhưng cũng chính vì thế mà thế giới trở nên muôn hình vạn trạng, tràn ngập những sắc màu mà tôi sẽ không bao giờ chịu đánh mất để đổi lấy cả một đời người được yên ngủ mỗi đêm".
Cậu bé Stephen King.
Có thể phỏng đoán rằng những yếu tố kinh dị của King là do một biến cố tuổi thơ khi ông chứng kiến một người bạn của mình va chạm với một đoàn tàu hỏa và tử vong. Có thể nói, biến cố đầy chấn động này là một trong những lời giải thích xác đáng cho trí tưởng tượng của ông.
Thuở ấy có một chuyên mục "Kinh dị" trên radio mang tên Dimension X và mẹ King đã không cho ông nghe đài vì bà cảm thấy nó quá không phù hợp với con mình. Nhưng ông đã không vâng lời mẹ mà lẻn ra để nghe trộm. Leo lên giường với thân mình run rẩy sợ hãi, cậu bé King mới nhận ra mình ham thích những gì rùng rợn.
King tiết lộ rằng một phần lý do ông bắt đầu viết là để xả những sợ hãi đó ra khỏi tâm trí, tạm thời xua tan những ám ảnh đen tối nhất khỏi đầu óc. Mẹ của ông cũng ham thích những thứ được cho là ghê rợn nên rõ ràng ông đã chịu ảnh hưởng nhiều từ mẹ.
Một đứa trẻ chăm đọc - Sự rèn luyện từ sớm
Theo nhà thần kinh học Daniel Levitin, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cần phải luyện tập hàng chục ngàn giờ (khoảng 10.000 giờ) để đạt tới một mức độ thuần thục và được coi là chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định. Bắt đầu sớm từ khi còn nhỏ sẽ giúp bạn có một lượng lớn thời gian để thực hành.
Mẹ Stephen đã khuyến khích King và anh trai Dave đọc sách từ lúc bé. Khi không đủ tiền thuê người trông trẻ, bà đưa cho hai cậu con trai những cuốn sách và yêu cầu chúng đọc to cho nhau nghe. Khi quay lại, bà sẽ hỏi để xem liệu hai cậu bé đã thực sự đọc những cuốn sách đó hay chưa.
Anh trai Dave, Stephen King và bà Nellie (Từ trái qua).
Khi mới năm hoặc sáu tuổi, Stephen King dành phần lớn thời gian nằm trên giường hoặc ở nhà hơn nhiều hơn là ở trường. Ông bị sởi rồi nhiễm trùng tai và họng. Ông đã bỏ lỡ gần như cả lớp một. Trong những lúc như vậy, ông đọc vô số truyện tranh và tiểu thuyết. Tất cả đều thuộc thể loại kinh dị, khoa học viễn tưởng và mang màu sắc kỳ bí. Đây là một điểm quan trọng trong cuộc đời của King, dẫn đến sự phát triển trí tưởng tượng và khả năng kể chuyện của ông.
King tiếp tục đọc rất nhiều rồi ông cũng bắt đầu viết. Ban đầu, ông sao chép một số câu chuyện từ những mẩu truyện tranh với những sửa đổi nhỏ của chính mình. Việc đọc và viết của ông khiến thời gian ốm đau trở nên dễ chịu hơn.
Một ngày nọ, King đưa mẹ xem một trong những câu chuyện của mình. Mẹ ông đã vô cùng ngạc nhiên nhưng có chút thất vọng khi biết rằng King đã sao chép từ chuyện khác. Bà khuyến khích con trai tự viết vì tin rằng ông còn có thể viết tốt hơn những gì đã sao chép. Bà cho rằng King là một đứa trẻ đặc biệt với khả năng kể chuyện độc đáo. Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của nhà văn. Đôi khi tất cả những gì chúng ta cần chỉ là vài lời khích lệ chân thành.
Cuối cùng, King đã viết một câu chuyện về bốn con vật ma thuật cưỡi trên một chiếc ô tô và đưa cho mẹ xem. Câu chuyện khiến bà mải mê và đôi lúc phải bật cười. Bà thậm chí đã sao lưu lại rồi gửi câu chuyện đó cho người thân và bạn bè của mình. Hành động này khiến King hạnh phúc hơn. Ông đã tiến thêm một bước nữa và viết thêm một số truyện ngắn. Mẹ ông đã cho ông mỗi bài một xu. Đó là những đồng tiên đầu tiên ông kiếm được nhờ viết lách, điều thúc đẩy ông có thêm động lực.
Xuất bản đầu tiên của hai anh em
Dave, anh trai của King, cảm thấy trường học là một môi trường nhàm chán và không hợp với sự năng động của mình. Do đó, ông bắt đầu một tờ báo có tên "Dave's Rag". King đã làm việc với anh, đảm nhiệm việc viết truyện và các bài báo khác cho tờ tạp chí.
Hai người đã phát các bản sao tạp chí cho hàng xóm trong làng và bạn cùng trường lớp. Mọi người đều thích những sáng tác đầy hài hước của King nên ông đã trở nên nổi tiếng với bạn bè và hàng xóm.
Không những vậy, sáng tác của King trên tạp chí còn khiến ông nổi tiếng trong giới sinh viên và giảng viên. Trong năm thứ hai, ông được làm biên tập viên của tờ báo trường, nơi ông tiếp tục có cơ hội thử nghiệm và thể hiện các kỹ năng của mình.
Không lâu sau, John Gould, biên tập viên của tuần báo Lisbon đã tới trường của King để tuyển dụng. Vì khá nổi tiếng ở thời điểm đó nên ông được trường chỉ định đảm nhận công việc với mức lương nửa xu cho mỗi chữ. Đây là lần đầu tiên ai đó (ngoài mẹ của King) trả lương cho bài viết của ông.
King nhận việc. Ông gửi sản phẩm cho Gould để người này sửa và đưa ra vài gợi ý. Một điều mà King học được từ Gould là chỉ viết những gì cần thiết và bỏ qua bất cứ điều gì không làm tăng giá trị câu chuyện. Kinh nghiệm này đã thay đổi kỹ năng viết của ông.
Bài học về sự quyết tâm
Khi King lên ba, cha ông bỏ rơi gia đình. Mẹ của King là bà Nellie Ruth Pillsbury phải vật lộn với khó khăn để nuôi nấng King và cậu con nuôi David. Ông đã trải qua một tuổi thơ chẳng mấy dễ chịu.
Vào những năm 1960, ông tình cờ tìm thấy một chiếc hộp trong nhà chứa rất nhiều thư từ chối từ các tạp chí. Chúng được gửi đến cha ông. Người cha đã mất từ lâu của ông là một nhà văn đầy tham vọng và đã gửi nhiều câu chuyện của mình tới các tạp chí. Bà Nellie nói rằng cha ông đã không kiên trì với nghiệp viết lách và đó là lý do tại sao ông ấy rời bỏ gia đình. Từ "kiên trì" đã vướng mắc tâm trí của King kể từ khi ấy.
Ở tuổi 13, Stephen bắt đầu gửi những câu chuyện của mình cho các tạp chí và có bộ sưu tập thư từ chối của riêng mình. Nhưng không giống như cha, ông chưa bao giờ bỏ cuộc!
Thành công đến muộn
Sau khi học xong đại học, King bắt đầu làm một số công việc có tính tạm thời để kiếm sống. Ông kiếm được việc dạy tiếng Anh ở thị trấn gần đó. Khi làm giáo viên, ông bận bịu vô cùng và không viết lách được nhiều. Lần đầu tiên trong đời, ông cảm thấy khó sáng tác. Sau khi làm việc liên tục cả ngày, ông không còn tinh thần để viết. Ông lo lắng rằng cuộc đời mình sẽ kết thúc giống cha mình.
Nhưng rồi vào một ngày nọ, Stephen chợt có ý tưởng sáng tác dựa trên một sự cố mới xảy ra ở trường. Ông viết được ba trang của bản thảo đầu tiên. Sau khi xem qua, ông nhận ra rằng câu chuyện không hay. Cảm thấy không vui và ghê tởm, ông vò nát tờ giấy và ném nó vào thùng rác.
Ngày hôm sau, khi vợ ông, bà Tabby chuẩn bị đi vứt rác, bà phát hiện ra những bản thảo ấy và đọc chúng. Bà đã rất ngỡ ngàng trước câu chuyện của ông. Khi King đi làm về, bà khuyến khích ông viết tiếp và câu chuyện đó đã trở thành thành công đầu tiên trong sự nghiệp của ông.
Xoay sở với nghiệp viết lách, King gần như không thể kiếm sống được với sản phẩm của mình trước khi thành công nhưng cuốn "Carrie" - cuốn mà vợ ông đã khuyên ông viết tiếp sau khi đọc được những trang bản thảo đầu tiên lấy từ thùng rác - đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tác giả. Cuốn sách đã bán được 30.000 bản và đem lại cho King 200.000 USD.
Stephen King và vợ.
Tạm kết
Trong cuộc sống của mỗi người thành công, những cơ hội bất ngờ đóng vai trò quan trọng. Xã hội, văn hóa, cha mẹ, giáo viên và những người xung quanh đều có ảnh hưởng nhất định đến sự thành công và định hình cách nhìn nhận thế giới của người đó. Trong trường hợp của King, những đau thương và u ám trở thành động lực và yếu tố chủ đạo góp phần tạo nên thành công của ông.