CEO Viettel: "Ra biển lớn" với tâm thế của kẻ… không có gì
Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi đầu tư ra nước ngoài 10 năm trước, người Viettel chưa biết nhiều thứ và điều này ẩn chứa trong đó sức mạnh rất lớn.
Sau 10 năm đầu tư quốc tế, Viettel đã có mặt tại 10 thị trường, trong đó có 9/10 thị trường đi vào kinh doanh ổn định, còn thị trường Myanmar đang trong giai đoạn chuẩn bị.
Báo cáo của Viettel cũng cho thấy, có 5/9 nước Viettel giữ thị phần số một, tất cả các quốc gia kinh doanh trên 3 năm đều có lãi (cá biệt như Peru, Burundi sau hai năm kinh doanh đã có lãi). Năm 2016, doanh thu từ viễn thông nước ngoài của Viettel đã đem về gần 1,4 tỷ USD, lũy kế đến nay đạt 6,5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/năm.
Cho tới nay, Viettel vẫn được xem là hình mẫu về việc đầu tư ra thị trường nước ngoài. Nhân dịp Xuân mới Đinh Dậu, Tổng Giám đốc Viettel, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ về vấn đề này.
Sức mạnh của người… không có gì
- Nhớ lại 10 năm về trước, khi “khởi nghiệp” sang Campuchia, người phụ trách thị trường đó của Viettel không biết tiếng bản địa, nhiều cán bộ Viettel ở nước bạn cũng không thạo tiếng Anh… Còn ở trong nước, Viettel khi đó mới chỉ có 2 triệu thuê bao và đầy rẫy khó khăn khi phải cạnh tranh với MobiFone, VinaPhone. Nhưng, sao Viettel vẫn “dấn thân” vào cuộc “trường chinh” này?
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Nói vui thì điều này giống như Bill Gates bỏ học giữa chừng để thành lập công ty, cơ hội đến thì mình không thể đợi được nữa.
Cách đây 10 năm, dù trong nước còn nhiều việc phải làm, nhưng khi cơ hội đến chúng tôi phải làm ngay chứ nếu đợi đầy đủ điều kiện mới làm thì thời điểm tốt đã qua và người khác sẽ chớp mất cơ hội đó.
Việc đi đầu tư ra nước ngoài mà chưa biết nhiều thứ cũng có cái hay bởi nó ẩn chứa trong đó sức mạnh rất lớn của “người không biết gì” và “không có gì.” Tôi cho rằng, những người biết nhiều, có nhiều thứ trong tay lại thường thiếu sức mạnh và hay sợ đủ thứ. Tất nhiên, quyết định ấy phải dựa trên việc có một niềm tin, triết lý và tri thức vững vàng cho niềm tin ấy. Nếu không, sẽ khó có thể đưa ra những quyết định đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD vào thời điểm ấy.
Gần đây, Viettel tham gia lĩnh vực sản xuất thiết bị quân sự khi trên thế giới chỉ có vài quốc gia làm được, cũng với nguyên lý của “người không biết gì” nhưng dám nghĩ, dám làm. Vì, Viettel tư duy “công nghệ cao có được là do quá trình lao động, càng đói khát, khát khao, lao động càng nhiều thì sẽ càng giỏi.” Đặc biệt với những người làm công nghệ, khi đã hiểu rõ bản chất đến hơn 90% thì việc tiếp nhận những tri thức quan trọng nhất để hoàn thiện 100% có khi chỉ thông qua một câu nói. Do vậy Viettel sẽ tự làm trước, tự mổ xẻ, khó đến đâu thì có thể tìm đến các chuyên gia để học hỏi.
- Đi đầu tư nước ngoài mà dám đặt niềm tin vào những người mà như ông nói là “không biết gì,” như vậy có rủi ro không?
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Từ những việc đi ra nước ngoài đến quyết định đầu tư vào công nghệ cao, sản xuất thiết bị quân sự… chúng tôi phát hiện ra rằng: Đừng sợ khi biết ít.
Ở Viettel, chúng tôi tin năng lực của con người là vô hạn và điều quan trọng là cần tìm cách khai phá những tiềm năng đó. Chúng tôi đặt ra mục tiêu cao và yêu cầu người Viettel thực hiện. Nếu cảm nhận năng lực hiện tại của nhân viên ở mức 10 thì hãy giao ở mức 30, họ sẽ tự tìm được cách đạt được điều đó và khả năng sẽ tăng vọt.
Trong bối cảnh phải hoàn thành mục tiêu cao, người thực hiện phải nghĩ ra cách đột phá, cách mới để làm và họ trưởng thành rất nhanh từ đó. Chúng ta giỏi vì được làm việc khó hoặc rất khó, chứ không chỉ bởi năng lực giỏi.
Nhân viên của Halotel - một công ty của Viettel tại Tanzania chuẩn bị kéo cáp. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Khi “bài” cũ bị đối thủ làm theo…
- Trước đây, Viettel chỉ mất 1-3 năm là đứng đầu tại các thị trường đầu tư. Giờ đây, quy luật đó có gì thay đổi không thưa ông?
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Khi Viettel bắt đầu kinh doanh ở nước ngoài, các đối thủ tại đó đã rất mạnh ở những vùng đô thị. Vì thế, Viettel bắt đầu từ những vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn – nơi người dân không được cung cấp dịch vụ viễn thông – thậm chí họ không có cả điện thoại cố định. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội ở phân khúc này từ bài học của Việt Nam. Chúng tôi đã tạo ra nhu cầu tại những nơi đó, sau đó mới tiến vào thành phố.
Nhờ những cách làm này, tại Việt Nam, Viettel lập kỷ lục của thế giới là trong vòng 4 năm từ nhà mạng thứ 4 vươn lên thứ nhất. Tại Campuchia – thị trường nước ngoài đầu tiên, Viettel mất 3 năm, tại Mozambique – thị trường thứ tư, Viettel mất 1 năm, và tại Burundi – thị trường thứ 9, Viettel chỉ mất có 6 tháng để có được vị trí số 1.
Nhưng cách thức thành công ngày hôm nay sẽ không còn phù hợp với ngày mai. Không phải những gì đã tồn tại lâu thì đều đúng. Thậm chí cách thức của thành công cũ có thể dẫn tới thất bại của công việc mới. Vì thị trường thay đổi liên tục, nhu cầu của con người cũng thay đổi liên tục. Ngày trước, đây là những cách làm khác biệt giúp Viettel thành công, ngày nay thì đối thủ họ cũng làm theo hết rồi nên Viettel không nhanh được nữa.
Khi “bài” của mình bị học rồi thì làm cái gì? Câu trả lời là phải sinh ra “bài” mới. Chẳng hạn như, khi đầu tư vào các công nghệ mới, các doanh nghiệp viễn thông thường khá rón rén.
Công nghệ 4G cũng vậy, trong khi nhiều doanh nghiệp chưa trả lời câu hỏi có nên chuyển hẳn sang 4G không khi đã bỏ quá nhiều tiền vào 3G, thì như ở Myanmar – một đất nước mà thu nhập đầu người chỉ khoảng 600USD/năm, viễn thông chưa phát triển – chúng tôi đưa ra quyết định làm ngay 4G.
Thực tế thì chúng tôi vẫn sử dụng những “bài” cũ, nhưng mở rộng thêm, sáng tạo thêm. Bởi vì, khi quan sát 3 doanh nghiệp viễn thông tại Myanmar, chúng tôi thấy họ bỏ cả tỷ USD làm 3G mà mới dùng có 20% nên nếu tiếp tục đầu tư lên 4G thì đây là quyết định rất khó. Đó là lý do Viettel quyết định đầu tư thẳng trực tiếp vào 4G tại đây. Ngoài ra, nếu đầu tư 3G như họ thì khó có cửa để cạnh tranh.
- Người Viettel có một mục tiêu lớn là lọt vào Top 10 tập đoàn viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới, điều này có “quá sức” không?
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Viettel đang đứng trước những cơ hội rất lớn. Anh Dũng (ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Viettel) vừa có chuyến công tác châu Phi về, chúng tôi có thể sẽ có giấy phép mới với thị trường vài trăm triệu người ở đó. Một thị trường với quy mô tương tự ở châu Á cũng đang đợi chúng tôi đồng ý.
CEO Nguyễn Mạnh Hùng bảo, khi bài cũ bị đối thủ "học" được, người Viettel phải sinh ra bài mới để tồn tại và phát triển.
Lúc trước, Viettel phải làm cả những thị trường rất nhỏ như Đông Timor, rồi nơi cực kỳ khó khăn như Haiti vì ít người biết đến mình, xin giấy phép rất khó khăn. Còn bây giờ, lúc nào trước mặt Viettel cũng có 10 lời mời chào đầu tư bởi họ đã biết những điều Viettel đã làm. Chúng tôi đã có khả năng cạnh tranh với những tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới như Vodafone, Telefonica và cả người khổng lồ viễn thông của Ấn Độ là Airtel… Họ cũng nhìn thấy chiến lược thay đổi hạ tầng cũng như mặt bằng nền viễn thông của các quốc gia mà Viettel tới và mong muốn có được điều đó.
- Có bao giờ Viettel tính tới việc bán cổ phần tại các đơn vị thành viên ở nước ngoài chưa?
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Thực ra thì Viettel cũng không cần sở hữu 100% ở tất cả các công ty tại nước ngoài, 51% là ổn. Hơn nữa, nếu kinh doanh đang tốt thì bán giá sẽ cao, hoàn được vốn đầu tư và có lãi.
Tuy nhiên, cũng phải cân nhắc những đề nghị và căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.
- Xin cảm ơn ông!