CEO Viettel: Mỗi người Việt cần là một lập trình viên
Theo người đứng đầu Viettel, để cho hàng triệu người trở thành lập trình viên giống như của FPT là điều không khả thi. Nhưng mỗi người dân Việt Nam có thể trở thành một lập trình viên ở dạng ngôn ngữ cơ bản, có khả năng viết một script đơn giản.
Ngày 7/4, hội thảo với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: Được và Mất” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức đã diễn ra ở Hà Nội.
Nhận định cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 là sự kiện có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam, ở phần cuối chương trình, cách chuyên gia và khách mời đã cùng nhau bàn luận về chủ đề "Làm thế nào để Việt Nam có nguồn nhân lực số sớm nhất?".
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, các trường đại học Việt Nam nên chuyển từ giáo trình truyền thống sang dạng số hóa. Tương tự, các doanh nghiệp nên khởi đầu CMCN 4.0 bằng cách số hóa các quy trình quản lý của mình. "Dần dần tạo ra nếp suy nghĩ, phương thức hành động và thói quen để chúng ta có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai", ông Nghĩa nói.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đề xuất các trường đại học Việt Nam nên chuyển từ giáo trình truyền thống sang dạng số hóa
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng nguồn nhân lực Việt Nam vừa là điểm yếu nhưng cũng là cơ hội. Trong đó nguồn nhân lực công nghệ thông tin và các nguồn nhân lực khác đều đứng trước cơ hội như nhau. Để tận dụng được cơ hội của cuộc CMCN 4.0, yếu tố quan trọng nhất chính là giáo dục, yếu tố thứ hai là tạo ra một thị trường lao động lành mạnh.
Đại diện cho Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Phó chủ tịch Mai Duy Quang mong muốn Chính phủ tạo hành lang để doanh nghiệp, start-up công nghệ phát triển, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp truyền thống phát triển mạnh hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel mong muốn mỗi người Việt đều là một lập trình viên
Chia sẻ quan điểm về bài toán nguồn nhân lực cho cuộc CMCN 4.0, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết nhiều quốc gia đạt thành tích tốt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần 3 như Singapore, Hàn Quốc, Israel có một điểm chung là đều xây dựng chương trình nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
"Nếu Việt Nam cũng có chính sách đấy, mỗi người thực hiện nghĩa vụ quân sự trong vòng 9 tháng. Trong thời gian đó sẽ dành 1-3 tháng để học lập trình thì bài toán xây dựng Việt Nam thành dân tộc lập trình với 90 triệu dân sẽ rất dễ làm. Việc này còn dễ hơn cải cách giáo dục hay xây dựng trường học đẳng cấp quốc tế", ông Hùng nói.
Theo người đứng đầu Viettel, để cho hàng triệu người trở thành lập trình viên giống như của FPT là điều không khả thi. Nhưng mỗi người dân Việt Nam có thể trở thành một lập trình viên ở dạng ngôn ngữ cơ bản, có khả năng viết một script đơn giản.