CEO Tencent: Từ cậu bé nhút nhát thành tỷ phú quyền lực của Trung Quốc

27/05/2017 13:58 PM | Kinh doanh

Một cậu bé nhút nhát, yêu thích thiên văn học khi lớn lên lại được xem như "một ngôi sao mới" trong giới công nghệ thông tin Trung Quốc.

Ma Huateng, 45 tuổi, còn được gọi thân mật là Pony Ma (ngựa non Ma). Ông là nhà đồng sáng lập gã khổng lồ Internet của Trung Quốc Tencent Holdings. Danh tiếng của Ma gắn liền với vị thế của Tencent, hiện tại đã vượt mặt các công ty đối thủ không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở cả châu Á về giá trị thị trường.

Bắt đầu khởi nghiệp từ tháng 11 năm 1998, chỉ sau chưa đầy hai thập kỉ, Tencent đã có giá trị vốn hóa thị trường cực lớn – trên 250 tỉ USD.

Kết quả, Tencent đã vượt mặt các đối thủ quyền lực khác, như gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến Alibaba Group Holdings và trở thành công ty hàng đầu tại châu Á theo giá trị vốn hóa thị trường.

Ma là một trong những chủ doanh nghiệp/giám đốc điều hành thành công nhất tại Trung Quốc. Theo xếp hạng các tỷ phú năm 2017 của tạp chí Forbes, Ma là người giàu thứ 4 tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong, với giá trị tài sản 24,9 tỉ USD.

Tencent sở hữu WeChat, ứng dụng có gần 900 triệu người dùng. Nền tảng truyền thông xã hội là một phần trong cuộc sống hàng ngày tại Trung Quốc. Trong suy nghĩ của người dùng, nó còn có nghĩa nhiều hơn thế: Khiến cho mọi việc đều có thể xảy ra.

Sức mạnh của công ty công nghệ này không chỉ giới hạn ở các trò chơi trên smartphone – dù Tencent là nhà sản xuất trò chơi trên smartphone lớn nhất thế giới – hay các tính năng tương tác. Trong suốt vài năm qua, ứng dụng WeChat Pay của Tencent đã thay đổi đáng kể cách người tiêu dùng Trung Quốc mua sắm. Ứng dụng này cho phép người dùng mua hàng mà không cần phải mang theo tiền mặt, thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ.

Tencent cung cấp một mã phản hồi nhanh, còn gọi là mã QR, dành riêng cho mỗi quầy thanh toán trên khắp Trung Quốc rộng lớn. Nhờ đó, người dùng WeChat Pay có thể thực hiện việc thanh toán đơn giản bằng cách quét smartphone của họ qua mã QR được bày sẵn.

Toà cao ốc trụ sở chính của Tencent được đặt tại trung tâm của Thâm Quyến, thành phố với khoảng 10 triệu dân thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.

Thâm Quyến được mệnh danh là "Thung lũng Silicon của Trung Quốc". Nhưng trước đó, nơi này được biết đến như là một thành phố uể oải, chậm phát triển núp dưới cái bóng của Hong Kong.

Tencent tổ chức cuộc họp ban điều hành hai tuần một lần bắt đầu từ 10h sáng – khởi đầu cho những giờ làm việc kéo dài và kiệt sức để tìm ra những cải tổ phù hợp với công ty.

Sau khi lắng nghe các ý tưởng kinh doanh và báo cáo của cấp dưới hàng giờ đồng hồ, Ma đưa ra những lời động viên và cố gắng tạo nên cảm giác khủng hoảng trong nhân viên.

Cuối cùng, Ma sẽ "chiếm lĩnh sân khấu" cho vở kịch một vai tới tận đêm muộn, một nhân viên cho biết.

Tại một trong những vở kịch độc thoại đó, khuôn mặt trẻ măng của Ma đỏ bừng khi ông nói với các nhân viên dưới quyền: "Thế giới của chúng ta thay đổi mạnh mẽ sau từng giây!".

Ma sinh ra tại Triều Dương, tỉnh Quảng Đông, nơi sản sinh ra rất nhiều doanh nhân, trong đó có Li Ka-shing, 88 tuổi, ông trùm xây dựng nên tập đoàn lớn nhất Hong Kong.

Một người họ hàng 71 tuổi của Ma nói: "Tôi muốn [Ma] trở thành người có tầm ảnh hưởng giống như ông Li".

Khi bố Ma, nhân viên một công ty nhà nước, được điều chuyển đến Thâm Quyến, Ma theo bố mình chuyển đến đây. Lúc ông đang là sinh viên Đại học Thâm Quyến thì nhà lãnh đạo cấp cao sau này là Đặng Tiểu Bình thực hiện chuyến "tuần du phương nam" nổi tiếng.

Vào những năm 70, Đặng Tiểu Bình khởi xướng chính sách "cải cách và mở cửa". Trong suốt chuyến tuần du năm 1992 đến miền nam của Trung Quốc, ông đã kêu gọi tăng tốc những cải cách kinh tế đang trì trệ.

Thâm Quyến trở thành trọng tâm của đợt phát động cải cách đổi mới. Khi thành công, thành phố này đã phát triển thịnh vượng và thoát khỏi sự tối tăm.

Ma và 4 người bạn của mình thành lập Tencent, một công ty cung cấp dịch vụ tin nhắn trên điện thoại và hưởng lợi rất lớn từ việc phát triển kinh tế nhạy bén của Thâm Quyến.

Trong một câu nói nổi tiếng của mình, Đặng Tiểu Bình đã kêu gọi Đảng Cộng Sản cầm quyền "hãy để một số người làm giàu trước". Nếu có một danh sách thì Ma chắc hẳn có tên trong đó.

Nhưng các chính sách "cải cách và mở cửa" của Trung Quốc đồng nghĩa với việc gần như đóng cửa thị trường trước những cạnh tranh nước ngoài trong khi vẫn tiếp nhận các công nghệ từ các quốc gia khác trên thế giới.

Chính sách có tuổi đời gần 4 thập kỷ này đang chịu áp lực của thời đại công nghệ Internet, một thời đại thách thức những biên giới và thống nhất thị trường toàn cầu.

Ma dự định mở rộng Tencent ở nước ngoài và ông có một vũ khí lợi hại – WeChat. Ma nói: "Việc bắt chước đã đạt đến giới hạn. Trong tương lai, công nghệ sẽ quyết định ai là người thắng cuộc".

Tổng các thanh toán được thực hiện qua smartphone tại Trung Quốc năm 2016 tăng gấp đôi so với năm trước, tương đương 5,43 nghìn tỷ USD. Con số này gấp 50 lần so với Mỹ.

Phương thức chuyển, nhận tiền sáng tạo và cực kỳ thuận tiện này có thể làm thay đổi cơ bản bối cảnh các dịch vụ tài chính toàn cầu.

Thế giới đã từng là của các doanh nhân Mỹ, như Henry Ford với các dây chuyền lắp ráp tại khắp các nhà máy trên thế giới và Steve Jobs người đặt smartphone vào túi của chúng ta – những người tiên phong tạo ra các ngành công nghiệp mới.

Nhưng giờ đây con rồng dường như đã được đánh thức.

Nỗ lực không mệt mỏi của Ma nhằm phá vỡ những giới hạn sẽ được xem như một phép thử để xem liệu quả lắc sáng tạo có nghiêng về châu Á hay không.

Theo THU PHAN

Cùng chuyên mục
XEM