CEO AEON Việt Nam: Tuy mua hàng Việt có giá rẻ nhưng bù lại số lượng rất lớn, năm 2018 AEON mua đến 1.000 tấn cá ba sa từ Việt Nam

24/04/2019 13:30 PM | Kinh doanh

Với nhiều lợi thế thương mại sẵn có và cơ chế đánh giá chặt chẽ, Tập đoàn AEON tự tin sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa thông qua hệ thống của AEON đạt kim ngạch 1 tỉ USD vào năm 2025.

Trong sự kiện kết nối hơn 150 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của Tập đoàn AEON Nhật Bản ngày 23-4, ông Shiotani Yuichiro - tổng giám đốc công ty TNHH AEON TopValu Việt Nam, khẳng định AEON cam kết hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.

Theo lãnh đạo của AEON Việt Nam, 70% tỉ lệ xuất khẩu hàng Việt Nam đều thuộc về các công ty nước ngoài, Bộ Công thương mong muốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản.

Ông Shiotani Yuichiro cho biết rất nhiều nhà cung cấp "chạy đua" để đưa hàng lên kệ hệ thống AEON tại Nhật Bản. Nếu sản phẩm Việt Nam làm được điều này đồng nghĩa với việc chiến thắng trong cuộc cạnh tranh quốc tế.

Tập đoàn AEON khẳng định có thể mua hàng hóa Việt Nam có giá rẻ nhưng bù lại với số lượng rất lớn. 

Nếu như năm 2016, cán cân thương mại Việt Nam - Nhật Bản bị thâm hụt thì sang năm 2017, con số này có sự tăng trưởng đột biến. Đây là lợi thế để cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản tận dụng.

CEO AEON Việt Nam: Tuy mua hàng Việt có giá rẻ nhưng bù lại số lượng rất lớn, năm 2018 AEON mua đến 1.000 tấn cá ba sa từ Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Shiotani Yuichiro - tổng giám đốc công ty TNHH AEON TopValu Việt Nam, khẳng định AEON cam kết hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.

Đại diện AEON Việt Nam nói : "Năm 2018, AEON mua 1.000 tấn cá ba sa từ Việt Nam. Tuy nhiên, đó không phải là sản phẩm cá ba sa thông thường mà là sản phẩm của nhà cung cấp tuân thủ quy trình của AEON như quản lý thuốc kháng sinh, cải thiện thức ăn cho cá, áp dụng kỹ thuật sản xuất mới... nhằm đạt được độ ngon".

Sản phẩm may mặc của Việt Nam dẫn đầu danh sách hàng nhập khẩu thông qua hệ thống AEON, xếp thứ hai và thứ ba là thủy sản và gỗ.

"Nhiều sản phẩm áo sơ mi, vest nữ công sở do công ty Nhật phát triển tại Việt Nam đã bày bán trong cửa hàng AEON 4 năm qua", ông Shiotani Yuichiro nói.

Tập đoàn AEON gợi ý rằng Việt Nam có khả năng sản xuất để cung cấp các sản phẩm chocolate, mì ly hiện đang chiếm ưu thế trong các cửa hàng AEON tại Nhật Bản.

Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp này khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam nên chú ý đến sản phẩm của nhiều quốc gia khác đang có thế mạnh cạnh tranh trong xuất khẩu. Điển hình như xoài Pakistan, được đánh giá là vượt trội hơn so với xoài Thái Lan và Philipines

Thông tin đến đối tác, AEON tuyên bố có cơ chế đánh giá rất nghiêm ngặt liên quan đến điều kiện lao động và quản lý môi trường. Cụ thể, đánh giá viên của AEON sẽ trực tiếp thăm nhà máy, đánh giá các vấn đề liên quan đến lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, an toàn vệ sinh, tự do thương lượng tập thể, thời gian lao động...

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM