CEO Sun Group: “Chúng tôi cũng chưa định lượng được thiệt hại vì Covid-19 sẽ như thế nào”
Liên tiếp gánh chịu thiệt hại do hai đợt tấn công của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sun Group Bùi Thị Thanh Hương chia sẻ với chúng tôi những bí kíp để Tập đoàn du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí hàng đầu Việt Nam thực hiện chiến lược "sống chung với lũ".
Thưa bà, dịch Covid-19 bùng nổ đợt 2 đã tiếp tục đánh một đòn đau vào ngành du lịch. Sun Group đã bị thiệt hại như thế nào?
Ngay từ những tháng đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 ập đến, ngành du lịch thế giới gần như tê liệt, Sun Group – với lĩnh vực kinh doanh chính là du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Và đến thời điểm này, dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp.
Đà Nẵng là địa bàn trọng điểm quy tụ nhiều dự án, công trình khu du lịch, vui chơi giải trí, khách sạn, resort do Tập đoàn Sun Group đầu tư, vận hành. Chính vì vậy, khi dịch Covid-19 tấn công vào Đà Nẵng, chính quyền thành phố triển khai giãn cách xã hội, tất cả hệ thống của Sun Group tại đây đều đã ngừng đón khách.
Do ảnh hưởng của dịch, tâm lý khách lo ngại, các điểm đến khác của chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc thu hút khách. Đến thời điểm này, chưa thể định lượng bằng con số những thiệt hại chung của Tập đoàn, nhưng điều trăn trở nhất là hàng nghìn CBNV Sun Group tại Đà Nẵng đang phải nghỉ việc, cuộc sống bị ảnh hưởng không nhỏ.
Đã có kinh nghiệm từ đợt 1, vậy với đợt dịch lần thứ 2 này, Sun Group đã đưa ra những giải pháp nào để ứng phó?
Nhờ kinh nghiệm từ đợt dịch lần thứ nhất nên khi dịch Covid-19 tấn công lần thứ hai, chúng tôi đã có tâm thế chủ động phòng bị và sẵn sàng ứng phó. Ngay khi dịch khởi phát tại Đà Nẵng, thành phố tiến hành giãn cách xã hội, chúng tôi đã đóng cửa toàn bộ các khu du lịch, khách sạn, resort tại Đà Nẵng chỉ sau một đêm, chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ngay lập tức đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Tinh thần luôn sẵn sàng cho sự trở lại bùng nổ từ đợt dịch lần thứ nhất vẫn tiếp tục được giữ nguyên và lan toả ngay thời gian này. Chúng tôi vẫn triển khai đều đặn các công tác bảo trì bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh- cảnh quan và gìn giữ vệ sinh trên toàn hệ thống khu du lịch, khách sạn tại Đà Nẵng trong điều kiện chấp hành tốt việc giãn cách và đảm bảo các nguyên tắc an toàn trong phòng ngừa lây lan dịch bệnh.
Tại các khu du lịch, điểm đến khác tại các tỉnh thành chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như Lào Cai, Phú Quốc, Quảng Ninh, Tây Ninh, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và thắt chặt các biện pháp phòng dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho du khách và CBNV.
Đặc biệt, chúng tôi cũng chú trọng đầu tư cho một nhiệm vụ quan trọng không kém là xây dựng các sản phẩm mới, làm việc với các đối tác để xây dựng các chương trình kích cầu du lịch khắp ba miền, sẵn sàng tái xuất khi dịch bệnh được khống chế. Đến nay, tất cả các kế hoạch, chương trình đều đã sẵn sàng có thể bung ra ngay khi dịch được khống chế.
CEO Group cho biết đến thời điểm này những thiệt hại chung của Tập đoàn chưa thể định lượng bằng con số nhưng Sun Group sẽ sẵn sàng tái xuất khi dịch bệnh được khống chế.
Dù đang phải gánh những "dư chấn" nặng nề của đại dịch Covid-19 và chưa biết bao giờ có thể phục hồi nhưng Sun Group vẫn mạnh dạn tài trợ, thi công Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng). Vậy lý do là gì, thưa bà?
Đà Nẵng là nơi Sun Group gắn bó ngay từ thời điểm trở về quê hương lập nghiệp cách đây hơn 10 năm. Với Sun Group, Đà Nẵng giống như gia đình, như quê hương thứ hai của chúng tôi. Khi quê hương gặp khó, những người con Đà Nẵng không ai đứng ngoài cuộc.
So với sự cống hiến, hy sinh quên mình của lực lượng tuyến đầu như các y bác sĩ, các cán bộ y tế, công an, bộ đội và các lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Y tế hay các Sở, ban, ngành trung ương và địa phương, cũng như so với tấm lòng, công sức và vật chất mà người dân khắp cả nước đang chung tay góp sức hướng về Đà Nẵng, việc Sun Group gánh vác trách nhiệm thi công, lắp ghép bệnh viện dã chiến điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Cung thể thao Tiên Sơn chỉ là một đóng góp vô cùng nhỏ bé.
Không ai muốn công trình này sẽ được dùng đến, nhưng giống như một "tấm lá chắn", chúng tôi mong rằng Bệnh viện dã chiến sẽ góp thêm một điểm tựa, để Đà Nẵng có niềm tin và thêm sức mạnh vượt qua cơn bão Covid-19, sẽ là công trình lan tỏa thông điệp tốt đẹp tinh thần Việt Nam đoàn kết, chung tay vượt qua đại dịch.
Là cánh chim đầu đàn trong ngành du lịch nghỉ dưỡng, có thể nói Sun Group đang đi đầu trong việc triển khai chiến lược "sống chung với lũ" trong đại dịch Covid-19, Bà có lời khuyên gì đối với những doanh nghiệp ngành du lịch nghỉ dưỡng đang phải gồng mình trong tình hình hiện tại?
Đến thời điểm này, chúng tôi nghĩ rằng khó ai có thể nhận định Covid-19 sẽ kéo dài đến bao giờ. Chúng ta chỉ có thể xác định rằng việc đẩy lùi dịch bệnh này là một cuộc chiến lâu dài, cho đến khi có vắc-xin.
Đối với Sun Group, chúng tôi đã xác định "sống chung với lũ" ngay từ khi dịch Covid-19 khởi phát tại Việt Nam. Điều chúng tôi đã làm được đến thời điểm này, đó là bình tĩnh, chủ động chuẩn bị cho kế hoạch tái xuất, nỗ lực vực dậy, đưa hoạt động của doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường và chung tay cùng với các doanh nghiệp khác, để ngành du lịch Việt Nam có thể phục hồi nhanh, mạnh, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Do vậy, để ngành du lịch nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng có thể vượt qua đại dịch Covid-19 lần này, chúng tôi cho rằng, ngành du lịch cần tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết để tạo nên sức mạnh, nhanh chóng đưa hoạt động du lịch trở lại bình thường ngay khi dịch Covid-19 được khống chế. Mỗi doanh nghiệp cần nêu cao tinh thần vì mục tiêu chung của ngành Du lịch, chấp nhận giảm lợi nhuận, đồng thời cam kết nâng cao chất lượng để thu hút du khách.
Sun Group có đề xuất giải pháp nào để ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch có thể vượt qua cơn đại dịch lần 2 này không, thưa bà?
Ngày 7/8 vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến "Tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch", chúng tôi cũng đã có một số đề xuất cụ thể với Tổng cục Du lịch như:
Xây dựng sớm các chương trình kích cầu nội địa lần 2 quy mô quốc gia áp dụng trên toàn quốc, kêu gọi sự vào cuộc của tất cả các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, người dân. Chương trình này sẽ được bung ra ngay sau khi dịch được khống chế an toàn tại các điểm đến tại Việt Nam.
Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, kích cầu du lịch tại các quốc gia trên thế giới, từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực nhất để Chính phủ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp du lịch và ngành du lịch.
Triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá trên quy mô toàn quốc, hỗ trợ quảng bá các điểm đến cho địa phương, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tham gia.
Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đêm. Đây cũng là một trong những giải pháp để thúc đẩy Du lịch vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do vậy đề xuất Tổng cục Du lịch sớm có nghiên cứu và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các sản phẩm, dịch vụ kinh tế đêm tại các điểm đến tiềm năng. Tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, thúc đẩy phát triển du lịch MICE sau dịch tại các điểm đến giàu tiềm năng như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc…
Chúng tôi hy vọng rằng, những đề xuất, kiến giải của các doanh nghiệp sẽ được Tổng cục du lịch và Chính phủ xem xét, cân nhắc và có những hành động hỗ trợ kịp thời, bởi hơn ai hết, doanh nghiệp du lịch lúc này thực sự giống như "con thú đã trọng thương lại nhận thêm một phát súng". Nếu không có những hỗ trợ kịp thời, rất có thể nhiều doanh nghiệp sẽ không trụ vững được để chờ tới hết dịch.
Xin cảm ơn bà!