CEO SeABank Lê Thu Thủy: Sẽ có cuộc chạy đua gay gắt trong ngành ngân hàng năm 2021

12/02/2021 10:29 AM | Kinh doanh

Cuộc đua gay gắt mà nữ CEO sinh năm 1983 của SeABank nhắc tới mang tên “công nghệ số”, và bà cảnh báo các ngân hàng cần cẩn thận để không bị tụt lại phía sau.

Là CEO của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) từ năm 2018, và trước đó là Phó chủ tịch của ngân hàng này, cùng hơn 10 năm gắn bó với cái tên SeABank, bà Lê Thu Thủy hiếm khi xuất hiện trước truyền thông. Là người phụ nữ kín tiếng, nhẹ nhàng, cũng là “nữ thuyền trưởng” hiếm hoi trong ngành tài chính ngân hàng, bà Thủy đã đưa SeABank tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Riêng năm 2020, ngân hàng ghi nhận những dấu ấn như đạt lợi nhuận cao kỷ lục bất chấp những khó khăn do Covid-19 gây ra, có nhiều đột phá trong chuyển đổi số...

Năm 2020 SeABank đạt lợi nhuận cao kỷ lục hơn 1.700 tỷ đồng, ngoài kết quả dễ nhìn thấy này, Bà có thể chia sẻ một số điểm ấn tượng mà ngân hàng đã thực hiện được trong một năm khó khăn như vừa rồi?

Bà Lê Thu Thủy: Năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh Covid- 19 gây tác động tới mọi mặt của cuộc sống. Trong bối cảnh ấy, SeABank đã linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, người dân, đồng thời giúp Ngân hàng có thể duy trì đà tăng trưởng trong thời kỳ nhiều biến động cũng như đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Các kế hoạch kinh doanh cũng được chúng tôi chủ động điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, tức là kinh doanh theo hướng đột phá về công nghệ để phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi. SeABank tập trung chú trọng vào việc tối ưu hoá chi phí thông qua tự động hoá công tác vân hành của hệ thống và đẩy mạnh các hoạt đông dịch vụ ngân hàng số, đặc biệt với việc ra mắt ứng dụng ngân hàng số SeAMobile, trợ lý tài chính cá nhân.

Cùng với đó, SeABank triển khai nhiều chính sách như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. SeABank cũng tiên phong triển khai các gói tín dụng nhiều nghìn tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5% đến 7,5% để các doanh nghiệp có thể tiếp cận dòng vốn vay dễ dàng hơn.

 CEO SeABank Lê Thu Thủy: Sẽ có cuộc chạy đua gay gắt trong ngành ngân hàng năm 2021 - Ảnh 1.

Nhờ sự nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ, xuyên suốt, SeABank đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh và có mức tăng trưởng ấn tượng so với năm 2019 như lợi nhuận trước thuế gần 1.729 tỷ đồng tăng 24%, hoàn thành 115% kế hoạch 2020; Tổng tài sản 180.207 tỷ đồng, tăng 14,5%; Tổng dư nợ thị trường 1 đạt 108.869 tỷ đồng, tăng 10,5%; Tổng huy động thị trường 1 đạt 113.276 tỷ đồng tăng 18%; Doanh thu thuần ngoài lãi đạt 1.522 tỷ đồng, chiếm 33,2% trên tổng doanh thu thuần; Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hiệu quả ở mức 47,5% nhờ công nghệ hoá; Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) lần lượt là 0,81% và 11,06%; Tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,86%.

Trong năm 2020, SeABank đã hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỷ đồng lên gần 12.088 tỷ đồng, trở thành một trong 13 ngân hàng TMCP có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam và được chấp thuận niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phiếu với mã chứng khoán SSB trên HOSE trong Quý I/2021. SeABank còn là ngân hàng thứ 5 tại Việt Nam hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II trước thời hạn, được Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1 - tương đương mức đánh giá triển vọng phạt triển ổn định năm 2020.

Năm vừa qua có nhiều trở ngại với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp nhưng SeABank vẫn kiên định mục tiêu tăng vốn, quá trình ấy có gặp khó khăn gì không thưa bà? 

Việc tăng vốn điều lệ lên gần 12.088 tỷ đồng nằm trong chiến lược của SeABank nhằm nâng cao năng lực tài chính cũng như đảm bảo an toàn vốn theo chuẩn mực Basel 2. Bên cạnh đó, SeABank cũng sử dụng nguồn vốn để tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, đẩy mạnh tiến trình số hóa ngân hàng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu và nâng cao trải nghiệm dịch vụ khách hàng.

Điểm bất lợi của việc tăng vốn điều lệ trong năm 2020 là dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên kế hoạch tăng vốn điều lệ của SeABank đã nhận được sự đồng thuận của toàn bộ cổ đông và chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu đề ra.

Bà dự cảm thế nào về ngành ngân hàng trong năm 2021? 

Theo tôi, năm 2021 sẽ là một năm tốt hơn cho nền kinh tế Việt Nam, chính vì vậy các hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng được dự báo có nhiều biến chuyển tích cực hơn. Đặc biệt, trong ngành ngân hàng có thể diễn ra cuộc chạy đua gay gắt mang tên “công nghệ số” và các ngân hàng cần cẩn thận để không bị tụt lại phía sau.

 CEO SeABank Lê Thu Thủy: Sẽ có cuộc chạy đua gay gắt trong ngành ngân hàng năm 2021 - Ảnh 2.

SeABank đã có kế hoạch, mục tiêu cụ thể gì cho năm 2021, đặc biệt là trong công cuộc chuyển đổi số?

Trên thực tế, cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngân hàng đã được nói đến cách đây vài năm nhưng thực sự diễn ra sôi động hơn trong năm 2020 với sự đầu tư đồng loạt của các ngân hàng khi ra mắt ứng dụng ngân hàng số mới, áp dụng định danh điện tử (eKYC)… Và SeABank cũng không nằm ngoài cuộc đua ấy. Với chiến lược Hội tụ số, tập trung số hóa các sản phẩm dịch vụ cũng như vận hành nội bộ, năm 2020 đánh dấu bước tiến vượt trội của SeABank trong gia tăng tối đa tiện ích cho khách hàng theo định hướng phát triển ngân hàng số. SeABank cũng tiên phong đầu tư nền tảng trí tuệ nhân tạo AI trong hoạt động hàng ngày và một trong những ứng dụng nổi bật được khách hàng biết đến là SeAMobile, ứng dụng tài chính duy nhất cung cấp tính năng trợ lý tài chính cá nhân cho khách hàng theo mô hình 6 lọ quốc tế.

SeAMobile đồng nhất trải nghiệm trên tất cả các thiết bị điện tử với giao diện có thể tuỳ biến theo sở thích của khách hàng, đồng thời chúng tôi cũng áp dụng trí tuệ nhân tạo để tự động hoá công tác quản lý và phân tích, tư vấn tài chính cho khách hàng. SeABank cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên miễn 100% phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống thông qua ebank trọn đời. Điều này đã giúp gia tăng gấp đôi doanh số giao dịch và tăng gần 3 lần số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số trong thời gian vừa qua.

Thời gian tới, số hóa sẽ vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của SeABank. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa trong công tác chăm sóc và phát triển khách hàng cá nhân, hướng mọi người tới xu hướng công nghệ số thông qua ứng dụng ngân hàng di động SeAMobile, để từ đó khách hàng có thể sử dụng và đảm bảo giao dịch được mọi lúc mọi nơi, tránh sự gián đoạn bởi bất kỳ yếu tố gì xảy ra. Song song với đó, SeABank sẽ tiếp tục chú trọng và tập trung vào phát triển doanh thu phí, đặc biệt về hai mảng thẻ tín dụng và bảo hiểm, tăng trưởng dư nợ, điều tiết tốt tỷ lệ chi phí trên thu nhập và nỗ lực hoàn thành kế hoạch doanh thu để đạt lợi nhuận ngân hàng đã đề ra

SeABank có mong muốn tạo được dấu ấn ở mảng kinh doanh đặc thù nào không? 

Như tôi vừa chia sẻ, năm 2020 SeABank đã phần nào đạt được thành công khi ra mắt ứng dụng ngân hàng số SeAMobile. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung nhiều tính năng cho SeAMobile như vay vốn, đầu tư, mini game, kết hợp bán chéo với các đối tác… để đáp ứng tối nhất nhu cầu của khách hàng. Đây sẽ là bước đệm để SeABank tiếp cận được thêm nhiều khách hàng, đưa thương hiệu SeABank rộng hơn tới công chúng và đặc biệt là phái nữ cũng như gia đình của họ.

Không chỉ vậy, ngân hàng cũng tập trung đẩy mạnh phát triển phân phối bảo hiểm trên nền tảng kỹ thuật số. Theo đó, SeABank đã ký kết hợp tác với Prudential về việc phân phối sản phẩm bảo hiểm kỹ thuật số Pru-Bảo vệ 24/7 thông qua nền tảng e-banking của ngân hàng. Việc phân phối sản phẩm bảo hiểm kỹ thuật số của Prudential thông qua dịch vụ ngân hàng số sẽ giúp gia tăng trải nghiệm và lợi ích cho khách hàng bởi đây là một sản phẩm đảm bảo 2 tính năng bảo vệ và đầu tư. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ cho ra mắt gói sản phẩm bảo hiểm dành cho doanhnghiệp cũng như triển khai bán sản phẩm bảo hiểm online.

 CEO SeABank Lê Thu Thủy: Sẽ có cuộc chạy đua gay gắt trong ngành ngân hàng năm 2021 - Ảnh 3.

Cuối năm 2020 SeABank đã được chấp thuận niêm yết trên sàn HOSE, xin bà cho biết cụ thể hơn về kế hoạch này? 

Cuối tháng 12/2020, SeABank đã được Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) chấp thuận niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phiếu với mã chứng khoán SSB trên HOSE. Đây là một bước tiến quan trọng đối với SeABank, góp phần khẳng định vị thế, nâng cao giá trị thương hiệu với các nhà đầu tư, đối tác, tạo tiền đề cho sự bứt phá mạnh mẽ của Ngân hàng trong tương lai. Chúng tôi đang lựa chọn thời điểm thích hợp để lên sàn trong Quý 1/2021.

Nhiều doanh nghiệp lựa chọn lên sàn từ UPCoM nhưng vì sao ngân hàng lại quyết định lên thẳng sàn niêm yết? Thuận lợi và khó khăn là gì thưa bà? 

Sở dĩ SeABank và nhiều ngân hàng lựa chọn niêm yết trên HoSE do thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc niêm yết cổ phiếu ngân hàng trên các sàn giao dịch chứng khoán như HOSE, HNX. Việc niêm yết trên HoSE sẽ giúp khẳng định uy tín thương hiệu, tính minh bạch của thông tin doanh nghiệp công bố trên HoSE.

Việc hoàn thành các thủ tục niêm yết trên HoSE của SeABank rất thuận lợi bởi vốn trong quá trình hoạt động ngân hàng đã tuân thủ rất chặt chẽ và đáp ứng đầy đủ các quy định về vốn điều lệ, số năm hoạt động, ROE, kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính, công bố thông tin, cổ đông.

Sự tham gia của các ngân hàng trên HoSE chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho thị trường chứng khoán và là những cổ phiếu đáng tin cậy, mang lại cơ hội lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư.

Bà dự đoán như thế nào về giá cổ phiếu của ngành ngân hàng trong năm mới 2021? 

Nhìn chung, giá cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ tiếp tục giữ được sự bình ổn. Trong thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đều đã niêm yết cổ phiếu, vì vậy hoạt động giao dịch chứng khoán có thể trở nên sôi động hơn nhiều.

Các chuyên gia cũng đã dự báo, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ là lựa chọn an toàn và khá hấp dẫn cho giới đầu tư trong năm 2021, cho dù bức tranh kinh tế năm mới này còn khó đoán định do đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Dự báo này được căn cứ trên cơ sở khả năng tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng lạc quan hơn, đi cùng với nền tảng kinh doanh nội tại của các ngân hàng ổn định và sâu rộng.

 CEO SeABank Lê Thu Thủy: Sẽ có cuộc chạy đua gay gắt trong ngành ngân hàng năm 2021 - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, nhiều khuyến nghị từ môi giới vẫn đang đưa nhóm cổ phiếu ngân hàng vào cơ hội đầu tư cho cả năm 2021, với cơ sở nhìn nhận ngành ngân hàng được hưởng lợi rất rõ từ môi trường lãi suất thấp và rủi ro nợ xấu đang ở mức thấp hơn so với kỳ vọng do khả năng kiểm soát dịch nhanh chóng của Việt Nam.

Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị của bà! Chúc bà và SeABank sẽ có một năm Tân Sửu đại thắng!

Bài: Tùng Lâm / Thiết kế: Hương Xuân

Tùng Lâm

Từ khóa:  seabank , ngân hàng
Cùng chuyên mục
XEM