CEO Rever: Nhân sự chấp nhận vào công ty khởi nghiệp, tức họ đang đánh đổi tương lai cho bạn, đừng quá so đo!

29/05/2021 08:00 AM | Kinh doanh

Với Phan Lê Mạnh – founder kiêm CEO của Rever, thì nhân sự chính là vấn đề khiến anh bạc tóc nhiều nhất trong quá trình startup. Mặc dù đã chịu nhiều đau đớn và vấp váp, nhưng anh vẫn nhắn nhủ với các startup là đừng sợ mà hãy cứ làm đi. Đặc biệt, đừng quá so đo tính toán với đồng đội, vì họ cũng đang đánh đổi tương lai của họ.

Phan Lê Mạnh - founder kiêm CEO Rever
Phan Lê Mạnh - founder kiêm CEO Rever

Rever là một startup khá thú vị trên thị trường bất động sản. Ra đời từ năm 2016, được sáng lập bởi Phan Lê Mạnh đảm nhiệm vị trí CEO, Võ Thắng Lợi là CTO và Phan Nhật Minh làm CFO. Phan Lê Mạnh và Võ Thắng Lợi là những đồng đội lâu năm, khi cả hai từng cùng làm việc cho Zalo (thuộc VNG). Năm 2016, ‘cặp đôi’ này mới tách ra làm riêng với Rever và Phan Nhật Minh gia nhập team Rever từ đó.

Cụ thể hơn, Phan Lê Mạnh từng là Sáng lập Zing MP3 & Zing TV, cựu giám đốc marketing Zalo, với 10 năm kinh nghiệm xây dựng sản phẩm và kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao tại VNG. Còn Võ Thắng Lợi từng là Giám đốc kỹ thuật của Zalo. Gần cuối năm 2020, Phan Nhật Minh đã quyết định rời Rever.

Thế nên, ngay từ khi mới lập nghiệp, team Rever đã nhận được hậu thuẫn từ những nhà đầu tư ‘thiên thần’ như ông Lê Hồng Minh – nhà sáng lập và chủ tịch VNG hay ông Phan Minh Tâm – nhà sáng lập và chủ tịch Tập đoàn 24h. Năm 2019, Rever đã nhận được 2 khoản bao gồm 2,3 triệu USD từ Quỹ liên doanh quốc tế GEC-KIP và 4 triệu USD từ VinaCapital Ventures.

Tuy nhiên, không như các đối thủ khác, Rever phát triển khá chắc chắn và thận trọng. Sau 5 năm, hiện nhân sự của Rever khoảng 300 người – phần đông trong số này là môi giới bất động sản.

Với trải nghiệm sau 5 năm làm startup, theo Phan Lê Mạnh, thì nhân sự chính là vấn đề khiến anh đau khổ, dằn vặt và bạc tóc nhiều nhất. Cụ thể là 3 chuyện: làm sao tuyển dụng đúng, giữ được người tài, nhằm giữ doanh nghiệp đi đúng định hướng đã đề ra.

"Vì sao các startup luôn gặp khó khăn trong tuyển dụng? Đơn giản bởi chúng ta không có gì cả - đặc biệt là tiền. Cái duy nhất mà các startup có thể đem ra ‘bán’ cho ứng viên chính là tương lai của startup. Cái duy nhất mà chúng ta có thể trao đổi để lấy giá trị của ứng viên chính là ESOP. Nên không phải chúng ta đang tuyển dụng, mà cả ứng viên và founder đang ‘tuyển dụng’ lẫn nhau.

Trong giai đoạn đầu tiên khởi nghiệp, chuyện profit sharing là không hợp lý, bởi trong giai đoạn này, nhiều startup về công nghệ chủ yếu đốt tiền để xây dựng nền tảng, cũng không có doanh thu – lợi nhuận nhằm hiện thực hóa chính sách chia sẻ chúng với ứng viên", CEO Rever nêu vấn đề trong Tọa đàm "Quản lý con người trong quá trình quy mô hóa doanh nghiệp" do Endeavor tổ chức.

Để startup vừa phát triển nhanh vừa bền vững, các startup buộc phải ‘săn’ những nhân sự cấp C-level, là những nhân tài ở top của ngành trên thị trường. Để thuyết phục họ về làm việc cho mình, các founder buộc phải bán thứ duy nhất mà mình có, tương lai của doanh nghiệp. Đồng thời phải nỗ lực cam kết về tương lai tươi đẹp của startup.

"Vì tương lai là thứ chẳng ai có thể chắc chắn, nên nếu nhận lời làm việc cho 1 startup, tức nhân sự cấp cao đó đã chấp thuận rủi ro để đi cùng bạn; nên việc đưa ESOP cao gấp 3 đến 4 lần công ty bình thường là điều hiển nhiên. Người lao động tin vào tương lai tốt đẹp của startup thì mới lấy ESOP! Đây là cuộc trao đổi, mua bán có sự đồng thuận từ 2 phía.

Hơn nữa, những C-level là những người thông minh và tài giỏi, họ biết so sánh thiệt hơn trước bất cứ lời đề nghị nào. Chấp nhận vào làm trong 1 startup, tức họ đã chấp nhận đánh đổi tương lai cho bạn; quyết định này là rủi ro cho cả hai phía, chứ không phải cho mỗi startup.

Thế nên, sau này, kể cả khi bạn cảm thấy sự phân phối ESOP của mình chưa đúng lắm, thì cũng đừng quá so đo", anh Phan Lê Mạnh đề nghị.

Theo quan điểm của anh, trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, dù các founder có giỏi đến cách mấy, cũng sẽ gặp rất nhiều thương đau trong chuyện tuyển dụng và giữ nhân sự. Nhưng kể cả thế, thì anh vẫn khuyên các bạn trẻ hãy cứ mạnh dạn khởi nghiệp, đừng quá lo lắng về những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai. Bởi, phải trải qua nhiều đau đớn và vấp váp, thì founder và startup mới có thể lớn lên được.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM