CEO KMS Technology: Việt Nam không thiếu kỹ sư IT giỏi
Từ Paragon Solutions Việt Nam (PSV) hình thành giữa thập niên 1990 cho đến KMS Technology vừa tròn 8 tuổi, ông Vũ Lâm - người sáng lập cả 2 công ty và hiện là CEO của KMS Technology đã tham dự vào quá trình phát triển thăng trầm của ngành công nghệ thông tin (IT) Việt Nam.
Ông Vũ Lâm chia sẻ: "Những kỹ sư IT Việt có thể tạo ra những phần mềm giá trị cao. Vấn đề là phải thay đổi cách thức để sản phẩm có thể cạnh tranh trên toàn cầu".
Sau thương vụ đầu tư 40 triệu USD của Quỹ Insight Venture Partners, QASymphony trở thành công ty độc lập, tách khỏi KMS Technology. KMS cho ra đời mô hình ươm tạo UpStar Labs vào cuối tháng 6 vừa qua và tiếp tục phát triển những sản phẩm công nghệ mới.
Ông Vũ Lâm cho biết, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển 2 ứng dụng hiện có là Katalon Studio - giải pháp kiểm thử phần mềm tự động và Kobiton - giải pháp kiểm thử các ứng dụng di động trên nền tảng đám mây, UpStar sẽ đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với những cá nhân và tổ chức với mong muốn phát triển những ý tưởng thành sản phẩm công nghệ cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
* Ông đã gắn bó nhiều với những thay đổi của ngành IT Việt Nam, đặc biệt là những công ty ông đã sáng lập. Ông có thể chia sẻ về những trải nghiệm đó?
- Hơn 22 năm rồi, từ lúc ngành IT manh nha tại Việt Nam, tôi bắt đầu với PSV, sau thành FCG và đến năm 2008 thành CSC Vietnam (nay là DXC Vietnam); sáng lập KMS và QASymphony, còn bây giờ thêm UpStar. Quá trình đó đủ cho tôi hiểu biết ngành IT trong nước và có những thay đổi phù hợp.
Khi CSC mua FCG năm 2008, tôi rời công ty ban đầu do mình thành lập, có một khoảng thời gian để đánh giá lại những việc đã làm. Với lợi thế sẵn có, tôi muốn xây dựng công ty gia công IT nhưng lại suy nghĩ rất nhiều về những khó khăn.
Ấn Độ hằng năm có cả triệu kỹ sư ra trường, trong khi Việt Nam thời điểm đó chỉ vài ngàn. Để ngành gia công IT có chỗ đứng trên thế giới thì phải có lợi thế về quy mô, mà Việt Nam thì không đủ lực lượng để xây dựng những công ty làm dịch vụ gia công lớn như Infosys hay Wipro của Ấn Độ. Lúc đó, một công ty của họ đã có 50.000 người, lớn hơn tổng quy mô ngành IT Việt Nam.
Chúng ta không có cách nào xây dựng đội ngũ lớn như vậy nên phải có hướng khác, đó là lý do sau này tôi phát triển song song KMS và QASymphony.
* Với "hướng khác" mà ông nói, KMS và QASymphony phát triển ra sao cho đến khi Insight Venture Partners mua lại QASymphony?
- Nguồn nhân lực không đủ để làm quy mô lớn thì chọn hướng đi là xây dựng đội ngũ "tinh" để thiết kế sản phẩm có thể cạnh tranh với thế giới.
Nhưng doanh nghiệp làm sản phẩm ở Việt Nam cũng thiếu nhiều thứ lắm. Việt Nam không được như các thị trường lớn - những nơi có nhiều công ty đã làm sản phẩm, đã thành công và hiểu bằng cách nào để thành công. Mình phải tự mở đường, nhưng như vậy thì mới tạo ra giá trị gia tăng cao.
Gia công là dịch vụ tạo ra giá trị dựa trên nguồn nhân công, còn làm sản phẩm thì phải tạo ra thị trường, rủi ro cao nhưng nếu thành công, giá trị cao hơn nhiều và đem về doanh thu đáng kể cho ngành.
KMS Technology thành lập năm 2009, vẫn chọn công việc quen thuộc là làm dịch vụ cho khách hàng Mỹ. Bắt đầu từ nhóm 4 người, sau 2 năm khoảng 180 người và khi có lợi nhuận thì chúng tôi bắt đầu làm sản phẩm.
QASymphony ra đời để phát triển phần mềm kiểm thử tự động qTest.
* 40 triệu USD là con số khá khích lệ cho sản phẩm IT từ Việt Nam, ông có thể chia sẻ thêm?
- Công ty công nghệ xây dựng từ Việt Nam khó bán sản phẩm thành công ra thế giới. Vì vậy, Ban giám đốc KMS ngay từ đầu đã tách hẳn ra để chuyên tâm "startup" sản phẩm. Rút kinh nghiệm từ PSV, tôi không muốn có người đầu tư từ đầu, vì thế chỉ sử dụng nguồn lực từ những gì KMS tích lũy được.
Suốt 3 năm đầu là quá trình phát triển song song giữa gia công IT và làm sản phẩm. KMS phát triển tốt hỗ trợ QASymphony ra thị trường tiếp cận khách hàng.
Phát triển sản phẩm từ Việt Nam, mình có đội ngũ kỹ sư hỗ trợ khách hàng nhưng năng lực marketing và bán hàng của nhân sự Việt trong mảng này khó thể đáp ứng được thị trường toàn cầu nên chúng tôi xây dựng đội ngũ này từ Mỹ.
Thuê CEO điều hành và xây dựng đội ngũ, họ am hiểu thị trường, tiếp cận các tập đoàn lớn để bán hàng, làm việc với giới đầu tư... Sản phẩm và đội ngũ QASymphony đã thuyết phục được Insight Venture Partners và con số đầu tư này là khá lớn với sản phẩm IT từ Việt Nam.
* Thực ra QASymphony đã qua các vòng đầu tư khá lớn trước đó, nhưng người ta mới biết nhiều khi UpStar được thành lập?
- Với thành công của QASymphony, UpStar là bước tiếp theo tôi muốn chia sẻ với cộng đồng rằng, ít nhất đây là cách kỹ sư IT có thể thành công khi tạo ra sản phẩm từ Việt Nam. KMS với hơn 700 nhân viên đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 30 khách hàng tại Mỹ, chủ yếu về thương mại điện tử và y tế, là nguồn lực quan trọng hậu thuẫn để UpStar tạo thêm những sản phẩm mới theo mô hình tương tự QASymphony.
Các giải pháp như Katalon Studio hay Kobiton thì một số công ty trên thế giới đã cung cấp ra thị trường nhưng chi phí cao, trong khi trình độ kỹ sư Việt Nam có thể tạo ra sản phẩm chất lượng, nền tảng linh hoạt hơn nhưng chi phí thấp hơn thì mình không ngại cạnh tranh. Kỹ sư của mình có thể làm được, vấn đề là làm sao để sản phẩm cạnh tranh được với những công ty hàng đầu thế giới. Chúng tôi nghĩ sẽ tìm được hướng ra trong ngành theo cách như vậy.
* UpStar sẽ nhắm đến những sản phẩm nào? Theo ông, những lĩnh vực nào đang là xu thế các nhà khởi nghiệp cần lưu tâm?
- Thế mạnh lâu nay của KMS là kiểm thử chất lượng phần mềm, ứng dụng di động và mạng viễn thông sẽ tiếp tục được thúc đẩy với 2 giải pháp Katalon Studio và Kobiton. Song song đó, chúng tôi sẵn sàng đầu tư vào các nhóm có ý tưởng chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực IT, có thể kể như tài chính, khách sạn, y tế...
Về xu thế công nghệ, quan trọng nhất hiện nay là trí tuệ nhân tạo - công nghệ sẽ cho ra đời những ứng dụng sáng tạo trong mọi lĩnh vực và mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dùng. Đây là lĩnh vực khó nhưng hiện đã hội đủ các điều kiện kỹ thuật và thế giới đã có nhiều nhóm đưa ra sản phẩm. Một khi cận thời điểm bùng nổ thì có nhiều công ty đầu tư, chúng tôi xem xét để chen chân vào.
Lĩnh vực thứ 2 có xu hướng phát triển lâu dài là blockchain (chuỗi khối - cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin) làm hệ thống nền tảng cho tiền kỹ thuật số bitcoin. Kỹ thuật mới này được xem sẽ giải quyết triệt để về bảo mật dữ liệu thông tin mà lĩnh vực tài chính đang tìm cách tích hợp vào.
Đây là 2 lĩnh vực sẽ rất phổ biến và có khoảng rộng thị trường cho nhiều ý tưởng khác nhau. Ngoài ra còn nhiều lĩnh vực khác cũng là xu thế như xe lái tự động, camera quan sát, hay liên quan đến thu thập và phân tích dữ liệu...
* Hơn 22 năm tham gia vào ngành IT Việt Nam, ông nghĩ gì về sự phát triển của ngành này?
- Quá chậm! Hệ thống đào tạo xoay trở chậm mà nguồn nhân lực lại không đủ lớn thành ra rất căng kéo. Riêng lĩnh vực gia công IT mình phát triển trước nhưng đã tụt hậu so với những nước đi sau ở Đông Âu như Nga, Ukraina hoặc Bungary (nổi lên nhờ mạnh về thuật toán), hay các nước ở Nam Mỹ nhờ thuận tiện về múi giờ.
Việt Nam chưa tạo được điểm nhấn, nguồn nhân lực hạn chế về số lượng, chỉ có thể đáp ứng các dự án ở mức trung bình nên khó tạo ra lợi thế về quy mô. Còn lĩnh vực IT ứng dụng đã tạo được những thành công trong nước thì lại khó ra vươn ra thế giới.
* Cách thức giải quyết vấn đề, theo ông nên thế nào?
- Cảm giác của tôi là khá thất vọng khi đến nay chúng ta vẫn chưa có chiến lược nhất quán để đẩy mạnh ngành công nghiệp IT dù Việt Nam có nhiều yếu tố để thành công. Vì thiếu phương hướng chung nên mạnh ai nấy làm, tình trạng lẻ mẻ khiến toàn ngành tiến triển chậm.
Với những hạn chế như đã nói thì việc quan trọng các doanh nghiệp cần làm là cùng tạo ra hệ sinh thái ủng hộ cho giới khởi nghiệp, nâng tầm những ý tưởng của cộng đồng IT bởi Việt Nam không thiếu kỹ sư giỏi để làm sản phẩm, nguồn vốn đầu tư cũng không khó. Việc khó nhất là làm thị trường thì nên chấp nhận phát triển từng bước.
Với sự tập trung này, chúng ta có thể có những công ty phần mềm khởi nghiệp thành công, tạo ra doanh thu và giá trị ngành cao hơn, thu hút nhiều nguồn đầu tư thì chính sách sẽ dần thay đổi.
* Ông từ Việt Nam sang Mỹ, rồi cơ duyên nào lại trở về gắn với ngành IT khá sớm?
- 11 tuổi, tôi từ Nha Trang đến Mỹ. Tốt nghiệp kỹ sư điện tại Đại học Illinois rồi ra trường làm việc cho Công ty Viễn thông Bell Labs, nhưng sau 5 năm lại nghĩ phải thay đổi gì đó nên tiếp tục học MBA.
Ở Mỹ, những năm 1990, các công ty dotcom ra đời rất nhộn nhịp. Nhiều người khuyên lập công ty làm phần mềm vì thị trường đang rất cần, đúng lúc có công ty viễn thông cần giải pháp thanh toán hóa đơn, họ muốn mình đến Ấn Độ nhưng tôi chọn về Việt Nam.
Tôi còn nhớ trong nước lúc đó chỉ có vài công ty khá nhỏ, trong khi mình từng làm việc ở những công ty có cả chục ngàn kỹ sư, một nhóm có khi tới 250 người. Khi tiếp cận vài nhóm thì nhận thấy kiến thức kỹ thuật họ được học còn khá sơ sài, nhưng các kỹ sư của mình rất chịu khó học hỏi nên tôi bỏ công sức ra đào tạo về quy trình viết phần mềm lẫn tiếng Anh.
Việc hợp tác với nhóm kỹ sư từ Khoa Máy tính của Đại học Bách khoa TP.HCM là khởi đầu cho việc ra đời PSV năm 1995.
Trong cuộc đời, với tôi, đó là chuyện nên làm và có ý nghĩa rất lớn. Nó khiến tôi cảm thấy rất may mắn bởi có cơ hội đến Mỹ và được đào tạo tốt về nghề, rồi tạo ra cơ hội mới cho nhiều người khác đi theo ngành, trong khi mình vẫn đạt được những ước muốn cá nhân về công việc.
* Ông nghĩ sao khi nhiều người cho rằng ông là người xây công ty và khá thành công với những thương vụ M&A?
- Quá trình từ PSV đến FCG rồi CSC Vietnam khiến tôi được nhìn nhận như thế. Nhưng với tôi, đó là các tình thế bắt buộc và cũng do bản thân mình khởi nghiệp khi chưa có kinh nghiệm. Lúc thành lập PSV mình đơn thuần là một kỹ sư và công ty thì có người kêu gọi vốn, về sau cứ mỗi lần huy động vốn thì bán đi một ít cổ phần.
Thậm chí lúc tôi mong muốn giữ lại phần cuối cùng ở FCG vẫn không được. Là người sáng lập nhưng khi sáp nhập với CSC thì những nhà đầu tư gia nhập sau đã nắm hết cổ phần, mình đành ra đi với suy nghĩ thà rứt ra làm lại, còn hơn làm cho người chủ mới không hiểu hết về mình. Cái mất lớn nhất là tầm nhìn mình khởi sự, kế đến là mất người.
Tuy nhiên, với tôi, công ty đã bán đi, rời đi rồi mà vẫn thấy vui vì mình đã tạo ra một công ty chất lượng, là một trong những người gầy dựng ngành công nghiệp IT Việt Nam. Công ty thì phải ngày càng lớn, làm ra tiền để chia sẻ và phát triển, để có tiếng nói ngày càng mạnh mẽ hơn.
* Bài học đó được ông áp dụng thế nào với KMS?
- KMS không nhận một đồng từ nhà đầu tư nào, các anh em thế chấp nhà cửa, xe cộ, mượn bạn bè để trang trải. Chúng tôi "ôm" KMS vì muốn có quyền quyết định thay vì nhà đầu tư lớn vào họ có quyền thay đổi. Còn QASymphony là sản phẩm, muốn thành công phải đi ra thị trường với đội ngũ marketing và sale vững vàng.
Để QASymphony phát triển như vậy thì nguồn đầu tư 40 triệu USD là rất lớn, KMS không thể có một lượng tiền mặt để đạt được quy mô đó, hoặc phải chờ tích lũy rất lâu. Như vậy, nằm ngoài khả năng tài chính của KMS nên phải tìm mô hình phù hợp cho nó. KMS cũng cần những khoản đầu tư thu về lợi nhuận để đi tiếp, phát triển những sản phẩm mới xoay quanh trụ cột KMS.
* Ông có thể chia sẻ với người khởi nghiệp câu chuyện thất bại nào đó trong chặng đường của mình?
- Năm 1999, PSV nhận đầu tư lớn nhờ sản phẩm có tiềm năng IPO. Lúc đó, PSV có một đội ngũ lãnh đạo tên tuổi từ 2 chi nhánh Việt Nam và Ấn Độ cùng nhóm quản lý từ Mỹ. Dự định IPO tháng 6/2000 thì tháng 4 năm đó khủng hoảng dotcom khiến thị trường sụp đổ, PSV phải sa thải hàng loạt nhân viên.
Năm 2003, First Consulting Group (FCG) mua PSV và tôi tiếp tục đảm nhận vai trò cố vấn giám sát các trung tâm phát triển tại Ấn Độ, Việt Nam và các đội tại Mỹ, châu Á, châu Âu và Trung Đông. Đến năm 2007 thì rời hẳn công ty mình sáng lập khi CSC mua FCG. Quá trình đó cho thấy có những việc không nằm trong tầm kiểm soát cho dù mình là người sáng lập công ty.
* Nếu tự nhận xét về mình, ông có thể nói thế nào?
- Tôi không có nhiều nhu cầu về tiền bạc cho cá nhân. Những người quen biết thường nhận xét tôi là người giản dị. Nhưng tôi thừa nhận mình là người có cá tính mạnh trong xây dựng công ty, biết mình nên quyết định thế nào, vì thế, khi làm thuê cho công ty khác dù lớn hay lương cao vẫn không phù hợp.
* Cảm ơn ông!