CEO KIDO Trần Lệ Nguyên: Chúng tôi muốn thương hiệu Tường An hiện diện nhiều hơn trong căn bếp của người Việt thông qua các loại gia vị
Có nhiều ý kiến cho rằng cả hai thương hiệu đều đang ở trên đỉnh và khi ở đỉnh cao, tất cả những gì mà doanh nghiệp cần làm là duy trì vị thế. Tuy nhiên, trên thực tế với người trong cuộc như Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung và CEO Trần Lệ Nguyên thì hành trình xây dựng thương hiệu không dừng lại ở đó.
Trong Tập 2 chương trình 'Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk' thuộc chuỗi sự kiện Giải thưởng thương hiệu vàng, hai doanh nhân đã có cuộc tản bộ và trò chuyện thú vị xoay quanh nhiều vấn đề mà một thương hiệu "di sản" đã và đang đối mặt.
Xây dựng thương hiệu "nghìn tỷ"
Trong cuộc phỏng vấn nhanh những người tiêu dùng trên phố, mọi người đều kể ra một loạt thương hiệu Việt nổi bật như Viettel, Vinamilk, Biti's, KIDO, PNJ, … Theo Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung, giữa "một rừng" thương hiệu nội địa và nước ngoài, nhiều người vẫn nhớ đến tên một số thương hiệu Việt Nam. Điều này chứng tỏ việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp đã vô cùng thành công, trong đó có PNJ và KIDO đều được người dân quan tâm.
Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ kỷ niệm về hành trình xây dựng thương hiệu: "Một hôm ngồi ở sân bay, mình thấy một người phụ nữ đeo sợi dây chuyền rất đẹp. Mình có hỏi sợi dây được mua ở đâu và cô ấy nói rằng được chồng mua bên Dubai. Nhưng thật bất ngờ, khi mình lật cái tag ra thì đó là sản phẩm của PNJ. Điều này đã thôi thúc mình phải xây dựng thương hiệu."
"Xây dựng thương hiệu không phải một ngày, mà là một hành trình và xây dựng một thương hiệu cũng như xây dựng một con người. Cũng như PNJ, xây dựng thương hiệu không phải là làm nhãn hiệu, mà nó là một chiến lược. Từ một doanh nghiệp nhà nước, PNJ không bao giờ tự mãn với những gì đã có, dù từ lúc thành lập đến nay không có giải thưởng nào mà PNJ không đạt được. Nhưng mình không được hài lòng với bản thân, mà phải luôn tự nhủ rằng sự thành công của ngày hôm qua sẽ không thành công cho ngày mai", Chủ tịch PNJ " Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung khẳng định.
CEO Trần Lệ Nguyên cũng chia sẻ "Xây dựng thương hiệu phải xây dựng bài bản từ đầu, cần làm từ những sản phẩm thiết yếu trước. Từ đó tạo ra quy mô sản xuất lớn hơn, mình có thể tạo thêm danh sách nhiều sản phẩm từ thương hiệu đã được xây dựng lên".
Có thể nói, từ 1 sản phẩm mình bán mà người ta không biết, Tường An đang dần trở sản phẩm quốc dân, nhờ việc xây dựng thương hiệu & nhờ hệ thống phân phối FMCG lớn nhất nhì Việt Nam của KIDO – với 450.000 điểm.
Chiến lược sắp tới của KIDO là làm sao, để trong kệ bếp mỗi nhà có thêm bột nêm/nước tương/nước mắm…từ KIDO; bởi chúng tôi muốn đa dạng hoá sản phẩm – đặc biệt là với những sản phẩm thiết yếu có thị phần lớn, để dễ phát triển. Ngoài ra, KIDO sẽ không ra mắt thêm thương hiệu cho những sản phẩm thiết yếu mới trong bếp, mà sẽ dùng luôn thương hiệu Tường An. Bởi có hệ thống - có thương hiệu thì dễ làm hơn là đi xây cái mới " CEO Trần Lệ Nguyên bày tỏ.
Đổi mới sáng tạo bằng cách bắt "trend"
Lý do giúp các thương hiệu của KIDO ngày càng vững mạnh và tươi mới là luôn cố gắng trẻ hóa đội ngũ từng năm, kết hợp thế mạnh kinh nghiệm của tiền bối và đổi mới – sáng tạo của hậu bối. Theo đó, Ban lãnh đạo luôn cho đội ngũ không gian phát huy sáng kiến, thử nghiệm/thử thách trong phạm vi có kiểm soát được.
Hiện mảng kem của KIDO có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á, có những sản phẩm 'lạ' như kem sầu riêng - đang xuất đi ASEAN và Trung Quốc. Nếu chúng ta biết cách khai thác trái cây nhiệt đới hợp lý thì thị trường sẽ vô cùng rộng lớn, ví dụ: người Trung Quốc rất thích kem vải – sầu riêng – xoài. SSI Research cho biết năm 2021, KIDO chiếm 43,7% thị phần về giá trị trong ngành kem.
Sở dĩ 2 thương hiệu Celano và Merino có những sản phẩm đột phá như thế là nhờ chúng tôi có nhóm nhân sự trẻ; những người bắt trend rất nhanh, biết sáng tạo để thỏa mãn yêu cầu hiện hữu lẫn trong tương lai của người tiêu dùng", vị CEO gốc Hoa này tiết lộ.
Còn với PNJ, cá nhân Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung cho rằng phải luôn làm mới mình bắt đầu từ tri thức. Làm mới về tri thức mới có thể kịp thời hội nhập được với các thế hệ trẻ.
Kế thừa thương hiệu "di sản"
Vừa lo đổi mới, vừa lo bảo vệ giá trị cốt lõi đòi hỏi nhiều nỗ lực và cố gắng. Tuy nhiên, sức người có hạn. Cá nhân dù có bản lĩnh, có tâm huyết đến đâu cũng cần sự hỗ trợ của tập thể. Những người lãnh đạo như Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung và CEO Trần Lệ Nguyên đều đã chèo lái con tàu doanh nghiệp đi qua nhiều thăng trầm trên thương trường. Nhiều người trong công ty, lẫn ngoài công ty rất quan tâm tới việc những "cây đa cây đề" này sẽ chuyển giao quyền lãnh đạo cho thế hệ tiếp theo như thế nào.
Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, một tổ chức muốn chuyển giao cho thế hệ kế thừa cần phải có hệ thống quy chế, quy trình luật định. Từ khi công ty còn rất nhỏ, những người lãnh đạo đã phải xây dựng quy chế cụ thể, rõ ràng, nhất là với công ty lớn như KIDO và PNJ càng cần phải sát sao hơn. Do vậy, chuẩn hóa quản trị công ty giúp sự chuyển giao thế hệ không còn khó khăn như thời điểm chưa có quy trình quản trị.
Tại PNJ, công ty luôn xây dựng từ bên trong, từ hoạt động tuyển dụng, đào tạo, đảm bảo mỗi nhân viên đều thấm nhuần tinh thần của PNJ. Chính họ là người truyền tải tinh thần và giá trị PNJ đến với khách hàng. Và PNJ cũng nhấn mạnh văn hóa chấp nhận sai và sửa sai. Từ những sai lầm, doanh nghiệp mới có thể phát triển và tiến đến những đỉnh cao mới. Hiện tại, Chủ tịch PNJ khá yên tâm vì đã có những người kế thừa đáng tin cậy như Lê Trí Thông và Trần Phương Ngọc Thảo.
Lãnh đạo KIDO cũng đánh giá cao sự tham gia của lớp trẻ trong chiến lược đổi mới doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thực phẩm. Ông cho rằng người trẻ nắm bắt tốt các xu hướng mới cũng như được đào tạo bài bản ở nước ngoài.
"Trong kỷ nguyên 4.0, mỗi doanh nghiệp lớn đều phải có thế hệ kế thừa, nhờ vậy thì hệ thống quản trị mới được vận hành trơn tru và đáp ứng kịp nhu cầu thị trường" , CEO KIDO Trần Lệ Nguyên khẳng định.
Sau tập 2, "người dẫn đầu" doanh nghiệp KIDO và PNJ đã có những trải lòng cùng thương hiệu "di sản". Đến với tập 3 của chương trình "Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk" với chủ đề "Xuất khẩu thương hiệu: Cơ hội trong tầm tay" sẽ là sự xuất hiện của "người chuyên gia": Viện trưởng ISB, PGS.TS Trần Hà Minh Quân và Chuyên gia nhượng quyền & tư vấn thương hiệu Nguyễn Phi Vân. Sự hòa nhịp trong cách dẫn dắt câu chuyện, lắng nghe thấu hiểu tiếng nói người trẻ, cùng chia sẻ những trăn trở về việc đưa sản phẩm và thương hiệu Việt ra nước ngoài từ hai chuyên gia, tập 3 sẽ là tập rất đáng để mong chờ.