“Đứt duyên” với Vinamilk, Kido lên chiến lược đi cùng đối tác ngoại: Đàm phán mua lại cổ phiếu quỹ, đưa sản phẩm ra thế giới

20/12/2022 13:43 PM | Kinh doanh

Như vậy, năm 2023 sẽ có sự thay đổi lớn là Kido tách các công ty thành viên ra để tiện cho các tập đoàn đa quốc gia vào liên doanh liên kết.

“Đứt duyên” với Vinamilk, Kido lên chiến lược đi cùng đối tác ngoại: Đàm phán mua lại cổ phiếu quỹ, đưa sản phẩm ra thế giới - Ảnh 1.

Ngày 20/12/2022, Tập đoàn Kido (KDC) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, thông qua tình hình kinh doanh hiện tại, kế hoạch năm 2023 và việc bán cổ phiếu quỹ cho đối tác ngoại, đặc biệt hé lộ chiến lược liên doanh với tập đoàn đa quốc gia lớn sắp tới.

Phát biểu tại Đại hội, ông Trần Lệ Nguyên cho biết: “ Sau Covid-19, chúng ta tiếp tục bị ảnh hưởng bởi chiến tranh đẩy giá nguyên vật liệu tăng, rồi đến lãi suất tăng, lạm phát, những sự kiện về trái phiếu trong nước… khiến doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền.

Riêng Kido, nhờ có được nguồn thặng dư cũng như thoái vốn tại một số thành viên, đồng thời bán được cổ phiếu quỹ thu được tiền mặt. Do đó, sắp tới Kido không khó khăn về tài chính, Công ty quyết định chia lại cổ tức cho cổ đông đã gắn bó với Công ty.

Đặc biệt, Đại hội lần này thông qua ý kiến cổ đông nếu bán được cổ phiếu quỹ, sẽ uỷ quyền HĐQT mua lại 10 triệu cổ phiếu KDC nhằm đảm bảo giá trị thật của cổ phiếu trên thị trường. Và với đối tác chiến lược mua cổ phiếu quỹ là Tập đoàn đa quốc gia, Kido kỳ vọng không chỉ bán thêm được sản phẩm trong nước mà còn mang được sản phẩm ra thị trường quốc tế”.

Trả lời về Chiến lược năm 2023 của Kido, ông Nguyên cho biết Tập đoàn sẽ tách chiến lược riêng biệt cho 4 mảng gồm: Dầu ăn, Kem, Bánh kẹo và đặc biệt có thêm nước mắm, mặt hàng nước chấm nói chung.

“Tại sao phải tách 4 mảng như vậy, vì chúng ta định hướng chiến lược là sẽ liên doanh liên kết với các tập đoàn đa quốc gia. Với đơn vị chuyên dầu thì Kido hợp tác mảng dầu, chuyên kem thì hợp tác kem… Kido sẽ tạo điều kiện cho tập đoàn đa quốc gia kết nối thị trường trong nước, ngược lại giúp đưa sản phẩm của chúng ta ra quốc tế”, ông nói.

Như vậy, năm 2023 sẽ có sự thay đổi lớn là Kido tách các công ty thành viên ra để tiện cho các tập đoàn đa quốc gia vào liên doanh liên kết.

Đặc biệt, Công ty cũng đã đàm phán ký kết ghi nhớ mua lại cổ phiếu quỹ với tập đoàn quốc tế lớn. Theo ông Nguyên, họ không phải là quỹ đầu tư, mà là công ty tập đoàn đa quốc gia lớn, họ sẽ cùng Kido tham gia sản xuất, hợp tác để đưa sản phẩm đi các nước cũng như liên kết mở rộng các điểm phân phối trong nước hiện tại. Kido cũng thêm được mặt hàng bán trong hệ thống công ty.

“Đây có thể xem là Tập đoàn chiến lược, gắn bó với Kido lâu dài chứ không chỉ là quỹ đầu tư tài chính” , ông Nguyên nói thêm.

“Đứt duyên” với Vinamilk, Kido lên chiến lược đi cùng đối tác ngoại: Đàm phán mua lại cổ phiếu quỹ, đưa sản phẩm ra thế giới - Ảnh 2.

Về kế hoạch chia cổ tức, Đại hội thống nhất chào bán gần 23 triệu cổ phiếu, chia cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu hiện hành. Tỷ lệ thực hiện quyền 10:1, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1 quyền nhận thêm cổ phiếu. Cứ 10 quyền nhận thì được nhận thêm 1 cổ phiếu mới.

Nguồn vốn lấy từ thặng dư vốn cổ phần để làm nguồn vốn chia cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ theo BCTC hợp nhất năm 2020.

Ghi nhận, một số doanh nghiệp gần đây cũng đã lựa chọn hình thức này để chia thưởng cho cổ đông như Vicostone, Vinaconex… Quyết định này sẽ không điều chỉnh giảm giá cổ phiếu tham chiếu tại ngày chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng.

Được biết, Kido năm 2021 đề ra rất nhiều kế hoạch lớn, bao gồm ra mắt chuỗi Chuk Chuk, các sản phẩm mang thương hiệu Vibev trong liên kết với Vinamilk....

Tuy nhiên, mới nhất liên doanh giữa Kido và Vinamilk cho thương hiệu Vibev đã phải dừng lại do khó khăn của thị trường khiến không còn hiệu quả.

Một số câu hỏi thảo luận tại Đại hội:

 Tình hình kinh doanh 11 tháng đầu năm, đóng góp từng ngành hàng?

Luỹ kế 11 tháng đầu năm, phía Kido ước tính ghi nhận doanh thu 11.465 tỷ, đạt 82% kế hoạch.

Trong đó, mảng Dầu ăn đóng góp 81%, Ngành lạnh đóng góp 6% và ngành khác 3%.

Đối với ngành dầu giai đoạn 2018-2021, Kido đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh so với tăng trưởng chung của ngành?

Giai đoạn này cũng là sự sáp nhập của Tường An nói chung và Tập đoàn nói riêng. Do đó, 2018-2021 Kido đầu tư rất mạnh vào mảng dầu, từ thay đổi mẫu mã, đa dạng sản phẩm và cũng thay đổi chất lượng, tiếp cận đông hơn người tiêu dùng. Sau 5 năm, kênh phân phối đã mở rộng đáng kể, trung bình ngành tăng chưa tới 10%, còn Tường An 4 năm qua thì tăng hơn 20%.

Trong 3 năm gần đây, thị phần dầu của Tập đoàn như thế nào?

Trong 3 năm gần đây thị phần dầu ăn của Tập đoàn sau tái cấu trúc tăng từ 30% lên 39% (theo số liệu nghiên cứu nội bộ), thuộc Top 3 thị trường. Trong đó: thị phần dầu ăn mang thương hiệu Tường An là 26% (theo Nielsen).

Thị phần các thương hiệu ngành lạnh hiện nay của Kido?

Theo số liệu mới nhất, Kido năm 44,5% thị phần ngành kem Việt Nam. Trong đó, Merino chiếm 24,2% và thương hiệu Celano chiếm 19,2% thị phần, theo EuroMonitor.

Theo Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM