CEO IVY moda Lê Linh: “Người làm thuê có lý tưởng – xây dựng một thương hiệu thời trang Việt đủ mạnh để dẫn đầu”
Startup đang là “hot keyword” hiện nay, ai cũng nhắc đến và là giấc mơ của nhiều bạn trẻ muốn tự mình làm chủ. Mơ ước là tốt, nhưng con đường khởi nghiệp không chỉ có hoa hồng và có muôn ngả vào đời chứ không phải chỉ riêng khởi nghiệp kinh doanh. Chúng tôi trò chuyện với Lê Linh, CEO Công ty cổ phần thời trang Dự Kim, chủ sở hữu thương hiệu nội địa nổi tiếng IVY moda, về câu chuyện lập nghiệp của chị cũng như các bài học kinh nghiệm, như một bài học thực tế dành cho các bạn trẻ trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời.
* Rõ ràng khởi nghiệp, hiểu theo nghĩa rộng là khởi sự một công việc của bản thân, chưa bao giờ đơn giản cả. Những chông gai và cả vấp váp mà chị đã từng trải qua chắc hẳn sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trẻ, vậy chị muốn khuyên gì họ?
CEO Lê Linh: Tôi không có lời khuyên gì đặc biệt cho giới trẻ trong lĩnh vực startup cả bởi vốn dĩ tôi định hình mình là người làm thuê có lý tưởng ngay từ khi mới tốt nghiệp đại học và theo đuổi lý tưởng xây dựng thương hiệu Việt mạnh mẽ bền vững. Tôi hay nói với các bạn trẻ xung quanh tôi rằng: khởi nghiệp hay làm thuê, làm gì cũng được, nhưng trước khi bắt đầu thì nên đặt ra mục tiêu, giải thích được mục đích của việc mình làm và chiến đấu hết mình cho đến khi đạt được mục tiêu đó.
* Tôi muốn mở rộng khái niệm khởi nghiệp, theo nghĩa một người bắt đầu làm việc cho một doanh nghiệp, phấn đấu đi lên các vị trí lãnh đạo như cách của Lê Linh, chứ không chỉ bó hẹp ở việc tự mình khởi sự kinh doanh – điều theo tôi là tương đối khó đạt được với hầu hết các bạn trẻ. Nhìn lại chặng đường đã qua, chị đúc kết những kinh nghiệm nào để giúp "thế hệ Z" không mất học phí không cần thiết trên đường lập nghiệp?
Đây là lần đầu tôi nghe về khái niệm mở rộng này của hai chữ "Khởi Nghiệp". Cá nhân tôi khi bắt đầu làm việc cũng không đặt vị trí lãnh đạo nào là mục tiêu đầu tiên. Mục tiêu của tôi đơn giản là trở thành người xuất sắc nhất trong lĩnh vực của mình và tôi vẫn đang cố gắng tiến đến nó mỗi ngày, dù đã là CEO thì để làm CEO tốt chắc cũng còn mất vài năm để khẳng định.
Xuất phát từ người làm về dữ liệu, tôi thường đánh trọng số cho tất cả các mục tiêu của mình – những thứ tôi quan tâm và sẽ dành thời gian. Điều này giúp tôi không bị mất sức cũng như thời gian – và đặc biệt là không bị xao nhãng, ảnh hưởng bởi những yếu tố tác động khác. Tất nhiên đây là kinh nghiệm của cá nhân tôi, mỗi bạn trẻ sẽ tìm được cách riêng phù hợp với bản thân, do vậy không có bài học nào là lãng phí.
* Nhiều người làm thuê sau thời gian tích lũy kinh nghiệm và tài chính thường tự mình mở và phát triển thương hiệu mới, lý do nào giữ chân chị ở lại IVY moda đến bây giờ?
Có lẽ do tôi chưa thấy mình đủ cả kinh nghiệm lẫn tài chính (cười). Tôi nói đùa thôi, lý do lớn nhất là tôi chưa hoàn thành mục tiêu của cá nhân cũng như mục tiêu của Thương hiệu. IVY moda vẫn đang chuyển mình từ thương hiệu dẫn dắt trở thành thương hiệu thời trang dẫn đầu. Chỉ khi nào IVY moda ghi dấu ấn là thương hiệu mạnh hàng đầu Việt Nam – là sự tự hào của người mặc – tôi mới bắt đầu cho những lý tưởng mới.
* Đang trong quá trình khẳng định vị trí dẫn đầu làng thời trang, cơn địa chấn Covid-19 chắc hẳn mang đến cho chị và thương hiệu của mình không ít khó khăn. Chị dẫn dắt doanh nghiệp vượt khó ra sao?
Covid-19 quả thực là giai đoạn khó khăn cho ngành thời trang nói chung và thương hiệu IVY moda nói riêng. Lần đầu tiên chúng tôi có chút "đau khổ" khi kinh doanh thời trang – nhóm hàng được gọi là xa xỉ.
Khó khăn đầu tiên: đây là một trong những nhóm ngành nghề kinh doanh được xét đến cuối cùng trong các chính sách được phép hoạt động. Năm nay chúng tôi gần như mất toàn bộ doanh thu trong 4 tháng – và những tháng cuối năm vẫn đang chịu ảnh hưởng của làn sóng dịch. Tổng kết năm với việc sụt giảm 40% doanh số quả thực không phải là điều dễ chịu. Tuy nhiên, vẫn là văn hóa cũ, chúng tôi chỉ nhìn lại để rút kinh nghiệm, giờ này đang động viên nhau tiếp tục các dự án dang dở, thực hiện tiếp kế hoạch đã vạch ra.
* Chị đã chính thức trở thành thuyền trưởng của IVY moda, một doanh nghiệp may mặc có gốc gác gia đình và là một trong số rất ít thương hiệu thời trang nội địa vẫn trụ vững trên "sân nhà" trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các tập đoàn đa quốc gia. IVY moda có sự khác biệt gì về vận hành, định vị thương hiệu dẫn đầu – kể từ thời điểm Lê Linh trở thành CEO?
Ở Việt Nam kinh doanh quần áo rất phổ biến vì nó phù hợp với mô hình kinh doanh nhỏ lẻ tự phát từ lâu đời. Ông Nguyễn Vũ Anh, người sáng lập IVY moda đã dành rất nhiều tâm sức và công sức để xây dựng một thương hiệu thời trang "dẫn dắt xu hướng". Nhiệm vụ của tôi giờ đây là xác định rõ vị trí dẫn đầu của thương hiệu. Phải mang đến được tinh thần thời trang cho số đông khách hàng, giúp họ cất lên tiếng nói thông qua sản phẩm của mình, xây dựng được phong cách cá nhân riêng biệt trong cuộc sống thường ngày – "Là thương hiệu thời trang chứ không phải công ty bán quần áo".
Và chúng tôi quan niệm, để đi đúng lý tưởng của thương hiệu dẫn đầu, tôi sẽ phải chia sẻ và cho đi nhiều hơn. Những gì IVY moda nhận được từ sự yêu quý của khách hàng và đồng nghiệp, chúng tôi sẽ gửi lại bằng những chương trình CSR (trách nhiệm xã hội) thiết thực và có tính hỗ trợ dành cho cộng đồng người những người yêu thời trang và những người làm thời trang nói riêng.
* Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn hoàn toàn và vĩnh viễn hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả doanh nghiệp, cũng như làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội, chị đã dẫn dắt công ty chuyển đổi thế nào để thích ứng với hoàn cảnh mới đầy biến động hiện nay?
Từ đợt dịch lần thứ 4 đến nay, toàn bộ IVY moda tiếp tục phải xoay chuyển, thích ứng với nhiều diễn biến mới gấp gáp và nhiều thử thách hơn so với năm 2020. Trong thời gian giãn cách, chúng tôi phải tập trung cho 2 vấn đề: duy trì sản xuất và thúc đẩy bán hàng trực tuyến. Cả 2 đội sản xuất và kinh doanh đều bảo nhau cố gắng gồng mình thích ứng. Sản xuất bắt đầu nhận những đơn hàng xuất khẩu với tiêu chuẩn khắt khe, trong khi đội bán hàng thì biến cả bộ khung nhân sự offline thành những nhà bán hàng online. Khó khăn nhất có lẽ là đội kho vận vì phải thực hiện "ba tại chỗ" đảm bảo hàng bán ra đến được tay khách hàng trong khoảng thời gian rất khó khăn về giao vận.
Mảng bán hàng online của IVY moda đã được xây dựng bộ khung từ nhiều năm trước và thúc đẩy mạnh hơn vào năm ngoái. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của đợt dịch này không đến từ việc tiếp cận khách hàng mà là không thể giao được hàng đến tay khách hàng. Khi các tỉnh và đặc biệt là TP. HCM "đóng băng" trong 4 tháng, đến các đơn vị vận chuyển lớn nhất cũng không thể giao hàng thì ngay lập tức doanh thu online giảm ½ so với kế hoạch đề ra.
* Việc chuyển đổi sang bán hàng online của công ty diễn ra tương đối sớm, vậy doanh thu online có khả quan hay không? Công ty đưa ra sáng kiến nào để thích ứng với việc bán hàng trực tuyến?
Doanh thu online ở các khu vực được vận chuyển có tăng trưởng khả quan và đóng góp quan trọng cho việc duy trì và chuẩn bị hoạt động của thương hiệu sau giãn cách. Có một điều tôi thấy may mắn là chúng tôi đã sớm hoàn thành việc mở rộng kho thương mại điện tử (TMĐT) ở nội thành Hà Nội ngay đầu tháng 6/2021 trước khi bước vào đợt giãn cách.
Việc mở rộng đã giúp công ty tăng năng suất giao hàng TMĐT gấp 2 lần và đảm bảo thời gian giao vận t + 1. Chúng tôi không sử dụng dịch vụ shipper đơn lẻ mà hợp tác với đối tác vận chuyển lớn là EMS với dự án thí điểm về tăng tốc phục vụ khách hàng. Đồng thời, đối tác cũng đảm bảo được tốt hơn quy chuẩn 5K – được tiêm vaccine để đảm bảo an toàn cho đội ngũ nhân sự IVY moda cũng như khách hàng khi nhận hàng. Một vài dự án chuyển đổi Online cũng vẫn đang tiếp tục được thực hiện để hoàn thiện trải nghiệm khách hàng.
* Tinh thần vượt khó của công ty được thể hiện thế nào vào những thời điểm thực hiện giãn cách xã hội? Chị làm gì để truyền động lực cho nhân viên?
Trong giai đoạn Hà Nội thực hiện giãn cách, ngoài việc xoay xở bán hàng, tôi vẫn động viên anh em là trời sẽ sáng và chúng ta phải chuẩn bị tốt nhất cho "trời sáng" chính là bình thường mới. Dự đoán rằng "bình thường mới" sẽ đến, những tháng giãn cách chúng tôi tập trung vào việc chuẩn bị cho vụ mới Thu Đông 2021. Rất nhiều anh em lo lắng vì chẳng may hết năm chưa bình thường được không bán hàng được thì việc chuẩn bị hàng hóa cho mùa mới sẽ vắt kiệt nguồn lực của IVY moda. Tuy nhiên, việc phải làm vẫn phải làm.
Tôi và team vẫn khẳng định: Chỉ cần không đóng băng, không phong tỏa thì chúng ta vẫn sẽ chiến được
Đội ngũ sáng tạo của IVY moda dành thời gian cho các bộ sưu tập mới. Nếu bình thường 1 mùa chúng tôi có 3 bộ sưu tập chính thì năm nay vụ Đông 2021 chúng tôi ra liên tiếp 3 bộ sưu tập mới mỗi tháng. Còn với đợt 4 vừa qua, ngay từ đầu tôi cùng nhóm cộng sự đều nhận định sẽ không thể qua nhanh được, sẽ phải sống chung nên phải chuẩn bị cho nhân sự của mình để sống chung. Tại các nơi IVY moda "đóng quân", chúng tôi liên hệ rất sớm với các cơ quan y tế địa phương, góp sức đồng hành cùng quỹ vaccine Nhà nước và đăng ký để nhân viên công ty được tiêm chủng. Vì vậy, khi được mở cửa đón khách trở lại, ngoài việc nhân viên an toàn để làm việc thì chính cách này cũng giúp chúng tôi không bị khó khăn vì thiếu hụt nhân sự.
Tại thời điểm này, thích nghi trong "bình thường mới" là bắt buộc dù rằng số ca nhiễm Covid 19 vẫn đang tăng chóng mặt ở miền Bắc, thì tôi và team vẫn khẳng định: chỉ cần không đóng băng, không phong tỏa thì chúng ta vẫn sẽ chiến được.
* Các kiến nghị của IVY moda đối với Chính phủ về các giải pháp giúp doanh nghiệp thời trang-may mặc vượt qua thử thách rất lớn do Covid gây ra và đảm bảo thu nhập cho hàng nghìn công nhân viên?
Covid-19 là một trạng thái bất thường mà không một cá nhân, tổ chức hay chính phủ nào có thể dự liệu được hết tác động của nó. Chính phủ đã rất nỗ lực, vì vậy những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi cũng xác định phần lớn là doanh nghiệp và tổ chức phải tự chống đỡ. Tuy nhiên, vì là trạng thái xã hội bất thường – hay " bình thường mới" – cho nên để doanh nghiệp có thể hoạt động được chúng tôi sẽ cần nhiều hơn các hướng dẫn về hành lang pháp lý ví dụ như:
- Các biện pháp đảm bảo hoạt động cho doanh nghiệp bán lẻ - giảm các biện pháp cách ly tiêu cực: bán lẻ luôn có sự tiếp xúc của nhiều người nên nguy cơ rất cao; vì vậy nếu vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải cách ly tại nhà hay tập trung với trường hợp F1 thì không thể có đủ nhân sự để hoạt động. Hơn nữa, Bộ Y tế đã đưa ra quy định mới về việc xác định F1, cho nên việc chống dịch cũng cần linh hoạt hơn để không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Hiện nay, TP HCM đã rất cởi mở với các phương án thống kê và bỏ xác định F – tôi hy vọng các thành phố khác cũng sớm thực hiện chính sách này.
- Cần có các giải thích pháp lý về tình trạng bất thường do tác động của dịch Covid-19 để các bên tham gia hoạt động thương mại có thể căn cứ điều chỉnh các thỏa thuận thương mại/dân sự với nhau một cách hài hòa. Tránh mất công sức cũng như chi phí vào những tranh cãi ồn ào trong thời gian vừa qua, chẳng hạn như chuyện một chuỗi bán lẻ trả lại nhiều mặt bằng do không thỏa thuận được với các bên cho thuê.
* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!