CEO HSBC Việt Nam: Dỡ bỏ hầu hết các mức thuế chính thức, nhưng các nước ASEAN lại dựng lên hơn 6.000 rào cản thương mại "ngầm"

19/01/2020 08:19 AM | Xã hội

Trong khi hầu hết các mức thuế thương mại hàng hóa đã được dỡ bỏ trên khắp Đông Nam Á, hơn 6.000 hàng rào thương mại phi thuế quan trong khu vực lại xuất hiện. "Khu vực đã thành công trong việc loại bỏ hầu như tất cả các mức thuế chính thức; tuy nhiên, thay vào đó, các rào cản thương mại "ngầm" lại xuất hiện", ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam – nhìn nhận.

Đông Nam Á có thể nâng mức tăng trưởng kinh tế nếu các rào cản kinh doanh trong khu vực đối với thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và kinh tế kỹ thuật số được xóa bỏ, theo báo cáo của HSBC.

Mức tăng trưởng GDP trung bình ở các quốc gia ASEAN là 5,5% một năm trong giai đoạn 2010-2018. Nghiên cứu của HSBC cho thấy mức đóng góp của ASEAN vào GDP toàn cầu có thể tăng lên đến 8% nếu các cải cách được thực hiện.

Theo phân tích của HSBC, có 3 lĩnh vực chính để thúc đẩy khu vực kết nối tốt hơn:

1. Xóa bỏ hàng rào phi thuế quan

CEO HSBC Việt Nam: Dỡ bỏ hầu hết các mức thuế chính thức, nhưng các nước ASEAN lại dựng lên hơn 6.000 rào cản thương mại ngầm - Ảnh 1.

Trong khi hầu hết các mức thuế thương mại hàng hóa đã được dỡ bỏ trên khắp Đông Nam Á, hơn 6.000 hàng rào thương mại phi thuế quan trong khu vực lại xuất hiện .

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết: "Khu vực đã thành công trong việc loại bỏ hầu như tất cả các mức thuế chính thức; tuy nhiên, thay vào đó, các rào cản thương mại "ngầm" lại xuất hiện. Nếu không được giải quyết, những hàng rào này có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư quốc tế của khu vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng ngày càng tăng".

Một sự bù đắp đáng kể cho những rào cản này sẽ là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do ASEAN dẫn đầu, bao phủ khoảng 30% dân số và 29% GDP của thế giới . RCEP dự kiến sẽ được ký kết vào đầu năm 2020.

Các lĩnh vực khác cần chú ý trong năm 2020 bao gồm:

- Tăng ngưỡng tối thiểu cho các loại hàng hóa yêu cầu Giấy chứng nhận xuất xứ (giảm khối lượng công việc hành chính)

- Tự động hóa thủ tục hải quan ở tất cả các quốc gia thành viên ASEAN

- Khuyến khích các quốc gia ASEAN cuối cùng, bao gồm cả Philippines , tham gia Cơ chế một cửa ASEAN.

2. Cơ sở hạ tầng bền vững và xanh hóa khu vực

CEO HSBC Việt Nam: Dỡ bỏ hầu hết các mức thuế chính thức, nhưng các nước ASEAN lại dựng lên hơn 6.000 rào cản thương mại ngầm - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.

Yếu tố quan trọng thứ hai trong việc xác định vị thế Đông Nam Á trong giai đoạn phát triển tiếp theo chính là tăng tốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững. Điều này sẽ vừa giúp kết nối khu vực, vừa mở rộng cơ hội cho ngành công nghiệp.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tuyên bố rằng Đông Nam Á cần đầu tư 210 tỷ USD - tương đương 5% GDP dự kiến – vào cơ sở hạ tầng mỗi năm trong suốt thập kỷ tiếp theo chỉ để đảm bảo mức tăng trưởng như hiện nay .

Thách thức này càng nặng nề hơn vì hiểm họa môi trường mà khu vực đang đối mặt. Ngân hàng ADB ước tính rằng, nếu không được xử lý, biến đổi khí hậu có thể giảm 11% GDP của khu vực vào cuối thế kỷ này .

Các quốc gia thành viên ASEAN sẽ cần tập trung hơn trong việc tạo điều kiện cho đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân vào cơ sở hạ tầng bền vững.

3. Kết nối số

CEO HSBC Việt Nam: Dỡ bỏ hầu hết các mức thuế chính thức, nhưng các nước ASEAN lại dựng lên hơn 6.000 rào cản thương mại ngầm - Ảnh 3.

Ảnh: Telecomstechnews.

Thách thức cuối cùng chính là tạo ra một hệ sinh thái số không biên giới cho toàn khu vực. Công nghệ số có tiềm năng trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới và tăng trưởng. Nhưng để tận dụng được tiềm năng này, khu vực Đông Nam Á cần phải thống nhất một hệ tiêu chuẩn chung trong việc xử lý dữ liệu và thương mại số, giúp khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ thông tin.

Các cơ chế điều hành kỹ thuật số khác nhau khắp Đông Nam Á hạn chế các công ty địa phương và doanh nghiệp đa quốc gia gặt hái được toàn bộ lợi ích từ các nền kinh tế quy mô, làm giảm sức hấp dẫn của khu vực như một điểm đến thu hút đầu tư.

Kế hoạch tổng thể cho Kết nối ASEAN đến năm 2025 (ASEAN Connectivity 2025) là điểm mấu chốt để gia tăng quản lý dữ liệu, tạo điều kiện để các quy định về dữ liệu giữa các nước thành viên ASEAN hài hòa hơn và tăng cường luồng dữ liệu trong khối ASEAN.

Tuy nhiên, đây chủ yếu là một chương trình tự vận hành cho các nước thành viên, do đó các quốc gia ASEAN sẽ cần duy trì động lực này một cách nghiêm túc. Động lực này chỉ rõ rang một khi mạng 5G bắt đầu được triển khai toàn Đông Nam Á từ năm 2020.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM