CEO Hoàng Trung Kiên: Lợi thế của Long Châu là đi trước và được khách hàng nhìn nhận là chuỗi nhà thuốc chứ không phải cửa hàng tiện lợi, năm 2023 sẽ có lãi

13/05/2021 08:36 AM | Kinh doanh

Theo kế hoạch, năm 2021 chuỗi Long Châu lỗ 70-80 tỷ đồng, ban lãnh đạo cho biết so với mức lỗ nhiều chuỗi khác thì nhỏ hơn nhiều. Tình hình vẫn tiếp diễn sang năm 2022, tuy nhiên ước tính mức lỗ sẽ giảm nhiều so với 2021. Lộ trình đến năm 2023, Long Châu chính thức có lãi.

Bước chân vào mảng dược từ cuối năm 2017 cùng với các "đại gia" điện máy khác, riêng FPT Retail (FRT) là đơn vị gần như duy nhất đến nay vẫn kiên nhẫn theo đuổi, và đầu tư quyết liệt cho chuỗi nhà thuốc Long Châu. Trong bối cảnh ngành ICT chịu áp lực bão hoà giai đoạn 2017-2019, công cuộc đầu tư mảng dược phần nào ảnh hưởng đến lợi nhuận hàng năm, Long Châu theo đó được ví như "ván cược" của FRT, định hình tương lai của Công ty.

Là thương hiệu đang có lợi thế về thâm niêm kinh doanh gần 20 năm, quy mô mỗi cửa hàng lớn với đơn vị lưu kho gấp 7 lần nhà thuốc thông thường, doanh thu trung bình/tháng của Long Châu đang cao vượt trội so với các chuỗi khác trên thị trường. Theo nhìn nhận của giới quan sát, Long Châu có SKU (lượng đầu thuốc trong kho hàng) nhiều gấp 6-7 lần so với các nhà thuốc khác.

Dù vậy, cuộc cạnh tranh vẫn rất khốc liệt, không chỉ bởi những kế hoạch còn ủ ấp của các đơn vị điện máy mà còn với loạt "tay chơi" chuyên môn như Pharmacity, Phano Pharmacy, Guradian… ở kênh OTC. Trong đó, từ năm 2018 kênh OTC đã chiếm 30% thị trường thuốc, tương đương khoảng 1,6 tỷ USD chia cho 57.000 cửa hàng bán thuốc. Đây vẫn là một sân chơi lớn còn nhiều tiềm năng trong khi chưa có bất kỳ đơn vị nào chiếm hẳn ưu thế trên thị trường bán lẻ dược phẩm.

Khẳng định đã tìm ra công thức thành công từ năm 2020 và đang dốc sức mở rộng, trao đổi với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, ông Hoàng Trung Kiên – CEO FRT- tiếp tục khẳng định: "FRT có ước mơ và cam kết tập trung mảng dược phẩm để Long Châu  trở thành chuỗi nhà thuốc hàng đầu". Và, Công ty thực hiện ước mơ đó như thế nào?

Lợi thế bởi ứng dụng công nghệ và kinh nghiệm tìm kiếm mặt bằng

Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Kiên cho biết với mảng ICT, FRT là đơn vị đi sau so với các nhà bán lẻ khác. Do vậy, bằng sức của mình FRT trong quá khứ dành mọi quyết tâm để đi nhanh nhất, từ đó có thể để tạo vị thế. Kết quả, giai đoạn 2012-2018, FRT vươn lên vị trí thứ 2 dù khi Công ty bắt đầu làm vẫn còn nhiều chuỗi khác cùng cạnh tranh như Nguyễn Kim, Trần Anh (chưa bị sáp nhập vào Thế giới Di động)…

"Điều này rõ ràng đến từ lợi thế cạnh tranh thực sự. Tại FRT, lợi thế thứ nhất là am hiểu công nghệ thông tin với Tập đoàn FRT đằng sau – đơn vị chuyên nghiên cứu, phần mềm, giáo dục. Thứ hai, bởi là người đi sau nên FRT lợi thế là nhìn người thứ nhấ làm ra sao để học, chọn lọc và tối ưu được", vị này nói.

Và hôm nay, khi bước chân sang dược phẩm, ngược lại chúng ta có thể coi Long Châu là người đi đầu, dù lúc đó có nhiều đơn vị đã đầu tư như An Khang, Pharmacity… Hiện, Long Châu đang tạo được uy tín dù số lượng cửa hàng đứng thứ 2, thậm chí chưa bằng một nửa số lượng của Pharmacity. "Nhưng, khách hàng nhìn nhận Long châu là cửa hàng bán thuốc, không phải cửa hàng tiện lợi!", ông Kiên nhấn mạnh.

Một trong các lợi thế cạnh tranh của Long châu với các nhà thuốc khác, chuỗi còn có kinh nghiệm về quản trị chuỗi, tìm kiếm mặt bằng với đội ngũ dày dặn kinh nghiệm này trong quá trình 6-7 năm mở chuỗi FPT Shop. Do đó, Công ty dễ luân chuyển các thành viên cao cấp, thiện chiến từ FPT shop sang Long Châu để có bộ khung vững chắc và vận hành.

Do đó, FRT cam kết có đầu tư lâu dài cho mảng dược phẩm, dựa trên nền tảng quy trình, con người, hệ thống và kinh nghiệm. Dù rằng, thời gian tới công cuộc đầu tư có thể tiếp tục ảnh hưởng đến chỉ số kinh doanh chung.

Giai đoạn 2021-2022 dự còn lỗ, năm 2023 theo kế hoạch Long Châu chính thức có lãi

Theo kế hoạch, năm 2021 chuỗi Long Châu lỗ 70-80 tỷ đồng, ban lãnh đạo cho biết so với mức lỗ nhiều chuỗi khác thì nhỏ hơn nhiều. Tình hình vẫn tiếp diễn sang năm 2022, tuy nhiên ước tính mức lỗ sẽ giảm nhiều so với 2021. Lộ trình đến năm 2023, Long Châu chính thức có lãi.

"Nếu nói về hiệu quả của riêng mỗi cửa hàng không bao gồm chi phí kho tổng các loại, thì FRT đặt mục tiêu 6 tháng phải hoàn vốn. Kết quả đến hết quý 1/2021, chuỗi Long Châu ghi nhận đến 90% số cửa hàng đã có lãi trong vòng  6 tháng", bà Nguyễn Bạch Điệp nói thêm.

Năm  nay, tương tự chuỗi FPT Shop, Long Châu cũng sẽ ứng dụng công nghệ vào chuỗi cửa hàng. Xuất thân là công ty công nghệ, tham gia lĩnh vực chuỗi nhà thuốc nên ưu tiên sử dụng các công cụ công nghệ để hỗ trợ cho câu chuyện quản trị. Đây là điều rất quan trọng để không mất cơ hội bán hàng. Khách hỏi mà thiếu sản phẩm sẽ bỏ đi, mất đi cơ hội bán hàng.

Chưa kể, dược phẩm thì số lượng nhóm sản phẩm rất nhiều, khoảng 4.000-5.000 mã sản phẩm, gấp 3 so với điện thoại di động, lại quản lý hạn sử dụng nên độ phức tạp rất nhiều, nhập dư thì áp lực về hạn sử dụng, thiếu thì mất cơ hội. Do đó, Công ty sẽ áp dụng công nghệ để phân tích mã hàng, từng khu vực, địa bàn bác sĩ ra toa như thế nào thì mình cũng phải biết…hệ thống quản lý tương đối phức tạp, nên phải ứng dụng công nghệ.

 CEO Hoàng Trung Kiên: Lợi thế của Long Châu là đi trước và được khách hàng nhìn nhận là chuỗi nhà thuốc chứ không phải cửa hàng tiện lợi, năm 2023 sẽ có lãi  - Ảnh 1.

"Chắc chắn sẽ có cuộc chiến về giá, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận"

Trả lời chất vấn Long Châu tăng doanh thu nhiều, nhưng biên lợi nhuận gộp không tăng nhiều, bà Điệp cho biết đặc thù ngành thuốc không hoàn toàn giống các ngành nghề khác – tức tăng quy mô là có lợi thế đàm phán giá với nhà cung cấp. Trong ngành thuốc ở Việt Nam có sự phụ thuộc vào công ty dược đa quốc gia, lượng thuốc bán cho chuỗi nhà thuốc chỉ 30%, còn lại bán qua kênh nhà thuốc bệnh viện 70%. Do vậy, chuỗi không có lợi thế áp đảo về quy mô với nhà cung cấp.

Yếu tố thứ hai, trong quá trình mở rộng chuỗi nhà thuốc cũng gặp phải phản ứng từ các nhà thuốc truyền thống, điều này vẫn diễn ra trong các năm gần đây. Dự báo giai đoạn 2021-2022, Long Châu sẽ đối mặt với các phản ứng qua lại nên chắc chắn không thể tăng giá bán.

"Chắc chắn sẽ có cuộc chiến về giá, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận", vị này khẳng định.

Chưa kể, hiện Long Châu chỉ dừng lại ở 15 sản phẩm độc quyền, kế hoạch sang năm 2021 sẽ tăng lên bán được 50 sản phẩm độc quyền; kỳ vọng điều này sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận cải thiện.

"Nhìn chung, chuỗi nhà thuốc Long Châu vẫn đang trong quá trình đầu tư nên trước mắt sẽ tập trung là mở rộng độ phủ, xây dựng chuỗi theo hướng bền vững. Bởi, đây có thể là cơ hội Long Châu dẫn đầu thị trường nên cần đi chắc. Và chắc chắn trong quá trình mở rộng sẽ gặp nhiều phản ứng từ nhiều nhà thuốc khác trên thị trường – nôm na nói là ‘đánh nhau’ sẽ xảy ra, Công ty theo đó đã có những kịch bản phản ứng phù hợp để chiếm lĩnh thị trường", đại diện FRT thẳng thắn chia sẻ.

Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM