CEO Go Jek: Chiếc smartphone chỉ có giá 20 USD nhưng có thể giúp xóa đói, giảm nghèo
Người nghèo có thể cải thiện cuộc sống nếu họ có cơ hội được tiếp cận những chiếc điện thoại thông minh, Nadiem Makarim, CEO Go Jek nhận định.
Một góc nhìn về bất bình đẳng khiến Nadiem Makarim, 34 tuổi, CEO Go Jek nhớ mãi là hình ảnh một cậu bé 8 tuổi đang dạy bố sử dụng app gọi xe hơi.
"Đó là khoảng cách kỹ năng số, dù trong một gia đình", Nadiem Makarim nói tại phiên thảo luận về cách thức giảm bất bình đẳng, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018.
Châu Á thời gian qua đã có sự tăng tốc về bất bình đẳng ở nhiều mặt, không chỉ dừng ở vấn đề về giới hay phân hoá giàu nghèo. Sự không công bằng đang hiển hiện nhiều nơi. Điều này, đặt trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều dự báo chỉ ra rằng sẽ có nhiều người hơn nữa, bị tụt lại phía sau.
Bất bình đẳng như vậy đã trở thành câu chuyện không phải gợi ra các thức để các nước phản ứng mà còn phải giải quyết triệt để nhằm đảm bảo cho tương lai.
Ở Indonesia, quê hương Nadiem, yếu tố gây bất bình đẳng là việc những người lao động, đặc biệt là lao động phi chính thức, không tạo được độ tin cậy. Điều này tạo ra một sự tổn thất kinh tế do thiếu đi tiếp cận, dẫn đến bất bình đẳng cơ cấu theo nhiều tầng.
"Lao động phi chính thức thực sự không được coi trọng. Họ cũng có thể tham gia những hoạt động kinh tế tạo giá trị cao nhưng phải làm thế nào để tạo dựng lòng tin cũng như dịch vụ trung gian?", Nadiem nói.
Go Jek phần nào trả lời được những câu hỏi này. Trước khi hãng xe ôm công nghệ này xuất hiện, nhiều người phải trả tiền cho lãnh đạo địa phương để có việc làm do không có điều kiện để mở nhà hàng ở các trung tâm thương mại.
Mặt khác, nhờ vào công nghệ, những trật tự, tôn ti được làm phẳng hơn, nghĩa là những cơ cấu từng gây bất bình đẳng đã được xoá mờ. Người lao động nhìn chung có cơ hội tiếp cận nhanh, với bất kỳ ai mà họ mong muốn.
"Nghèo đói, bất bình đẳng là sự bất tương xứng về khả năng tiếp cận", CEO Go Jek nhấn mạnh.
Bên cạnh việc trở thành đơn vị sử dụng lao động lớn nhất của Indonesia, Nadiem cho rằng nhiều câu chuyện khác đang diễn ra nhờ vào ứng dụng công nghệ.
"Thậm chí người nghèo, người dưới chuẩn nghèo nếu có điện thoại thông minh, họ có thể được cải thiện điều kiện sống", Nadiem nhận định và nói rằng những chiếc smartphone này không nhất thiết phải quá hiện đại, đắt tiền, giá của chúng chỉ vào khoảng 20 – 30 USD/chiếc.
Theo đó, hàng tỷ người ở phía đáy kim tự tháp, nếu được hỗ trợ tiếp cận những thiết bị thông minh, thông qua sự can thiệp của Chính phủ hay đồng hành của doanh nghiệp, họ có thể được tiếp cận dịch vụ tài chính, sản phẩm giá rẻ. Trên cơ sở đó, người ở phân tầng thấp sẽ nâng cao bản thân trên nấc thang giá trị thông
Như vậy, với góc độ nhìn nhận của Nadiem, điện thoại thông minh được xem là một công cụ quyền năng, giải quyết những vấn đề bất tương xứng xã hội.
"Chính phủ chưa thấy được khả năng tiếp cận của điện thoại thông minh", CEO Go Jek nói. Theo đó, nhiều người nghĩ rằng công nghệ là thứ đắt đỏ nhưng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh vừa đủ là được.
"Đừng xem nhẹ giá trị của những chiếc điện thoại cũng như khả năng tiếp cận của người nghèo", Nadien nói thêm và cho biết Go Jek rất chú trọng hoạt động để người ở phía đáy kim tự tháp có cơ hội với công nghệ.