CEO Emotiv Tần Lê - Cô gái khởi nghiệp từ tương lai: Làm những thứ ai cũng làm được thì chỉ vài tháng, vài năm sau là “chết”
Trong buổi trò chuyện tại Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp chiều 2/8, Lê Thị Thái Tần (Tần Lê), người sáng lập, CEO của Emotiv đã có những chia sẻ thú vị với các bạn trẻ đang và sẽ có ý định khởi nghiệp tại Việt Nam.
Với nhiều người yêu thích công nghệ, Tần Lê không phải là một cái tên quá xa lạ. Cô gái người Úc gốc Việt đã gây chấn động cả thế giới khi sáng tạo ra thiết bị đọc sóng não EPOC vào năm 2010, hiện được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như trò chơi điện tử, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh về não… tại hơn 100 quốc gia.
Ít ai biết để có được thành công như ngày hôm nay, Tần Lê đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Rời Việt Nam từ khi 4 tuổi, Tần Lê theo mẹ cùng một số người thân đến Úc theo diện nhập cư: không tiền, không ngoại ngữ, không chỗ dựa. Có những ngày đến trường cô phải đeo hai đôi tất cùng một lúc, chiếc này bù lỗ thủng của chiếc kia.
“Bối cảnh như vậy tạo cho mình sự cứng rắn mãnh liệt. Mình nhận ra đây là cơ hội mà gia đình và bản thân phải trả giá đắt nên phải làm thế nào, phải sống thế nào cho nó đáng với sự hy sinh của toàn thể gia đình”, Tần Lê chia sẻ tại buổi trò chuyện.
Nhờ sự cố gắng không ngừng, cô gái gốc Việt hoàn thành sớm chương trình phổ thông tại Úc khi mới 16 tuổi. Sau đó, cô được nhận được nhận vào Đại học Monash danh giá và tốt nghiệp loại ưu chỉ trong vòng 3 năm ở cả hai ngành Luật, Thương mại.
Sự nghiệp rộng mở khi Tần Lê trở thành luật sư của hãng luật hàng đầu thế giới FreeHills, nhưng cũng lúc này cô từ bỏ để theo đuổi con đường khởi nghiệp trong một lĩnh vực hoàn toàn không liên quan đến ngành học: nghiên cứu công nghệ phát triển bộ não con người.
“Trên thế giới có 7 tỷ người, nghĩa là có 7 tỷ bộ não, nhưng 2 tỷ trong số đó mắc các bệnh về thần kinh, đột quỵ, trầm cảm, mất trí nhớ khi về già… Đấy là chỉ nói đến bệnh tật, còn chưa nói trong tương lai trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng ưu việt vì học hỏi nhanh, lại tích lũy được lượng kiến thức khổng lồ con người đã xây dựng trong hàng ngàn năm. Muốn xây dựng một thế hệ mới cạnh tranh với AI thì phải làm sao cải thiện được bộ não người”.
“Vì yếu tố này mà mình chọn lĩnh vực rất xa vời là công nghệ não. Mình nghĩ trong tương lai, con người cần có bộ não tốt hơn, hạn chế bênh tật, tương tác được với toàn bộ hệ thống thông tin xung quanh”, Tần Lê cho biết.
Tan Le đeo EPOC và tạo ra nhân vật robot hoạt hình phản ánh trung thực biểu cảm của cô.
Năm 2003, Tần Lê cùng người đồng sáng lập Đỗ Hoài Nam thành lập Emotiv System, với ý tưởng dùng ý nghĩ và cảm xúc để điều khiển thiết bị điện tử. Sau 7 năm nghiên cứu ý tưởng đó thành hiện thực với chiếc mũ đọc sóng não EPOC gây sốt toàn cầu, thu về hơn 10 triệu USD. Đến nay Emotiv đã cho ra mắt sản phẩm thứ hai là Insight, thiết bị có thể thu thập và phân tích hoạt động trong não từng ngày để phát hiện sớm nhất các dấu hiệu bệnh lý hay chấn thương.
Chia sẻ về cách lựa chọn lĩnh vực khởi nghiệp, theo CEO của Emotiv, nếu nhận thấy sản phẩm có rào cản ra nhập thấp, dễ bị bắt chước thì khả năng tăng quy mô và cơ hội phát triển không nhiều. Ví dụ với một ứng dụng gọi đồ ăn, quản lý nhà hàng, người này làm được thì rất nhiều người khác cũng làm được, trong vòng vài tháng hay vài năm là ứng dụng ban đầu sẽ “chết”.
“Muốn tạo ra những thứ đột phá, mang tính cách mạnh thì rào cản cũng lớn, do đó cần có tầm nhìn dài hạn, cần sự cố gắng và cống hiến không ngừng”.
Theo Tần Lê, tầm nhìn dài hạn khác với ý tưởng. Một ý tưởng hay rất dễ nảy sinh nhưng tầm nhìn dài hạn thì cần qua quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ nhiều phía. Từ kinh nghiệm bản thân, cô lựa chọn cách đọc sách đồng thời xem nhiều video của TED Talks, rồi tự dựa vào trí tưởng tượng và hệ giá trị của riêng mình để hình dung xem mình muốn làm gì trong tương lai, tầm nhìn dài hạn là gì.
“Với tầm nhìn ngắn hạn, bạn sẽ giải quyết vấn đề tức thời, còn tầm nhìn dài hạn cho bạn nhiều cơ hội học hỏi và tạo ra những điều đột phá. Quan trọng là chúng ta muốn gì và lựa chọn cái gì”, Tần Lê kết luận.