CEO chuỗi California Fitness & Yoga: Đối thủ nếu có bắt chước thì cũng chỉ là cái đã cũ, tự tin dẫn dắt cuộc chơi fitness với thị phần 73%
"Đối thủ chỉ đang bắt chước những gì California Fitness & Yoga làm vào 5 năm trước, trong khi chúng tôi đã tính đến việc sẽ mình sẽ làm gì trong 5 năm tới".
Đó là chia sẻ của đại diện chuỗi California Fitness & Yoga trong buổi trò chuyện mới đây.
Có thể nói, cơ cấu dân số trẻ và thu nhập bình quân tăng, Việt Nam đang nở rộ cơ hội kinh doanh tại các ngành làm đẹp, nâng cao sức khoẻ; nổi bật có nền công nghiệp thể dục thể hình (fitness). Đánh giá của Statistics cho biết, ngành công nghiệp thể dục thể hình của Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ bình quân 20% mỗi năm đến 2020 với quy mô thị trường khoảng 113 triệu USD.
Sớm khai thác và dẫn đầu với thị phần đâu đó hơn 70%, California Fitness & Yoga (Cali) tại Việt Nam vừa có đợt kỷ niệm 15 năm thành lập. Dù có giai đoạn chững lại sau đỉnh cao, hay phải đối mặt với loạt “tay chơi” mới như Elite, Citygym… CEO Tổng Giám đốc FLG Việt Nam – đơn vị sở hữu Cali - ông Dane Fort vẫn khẳng định rất tự tin trong cuộc chơi hiện hữu.
Tỷ suất ngành fitness nếu làm tốt có thể lên đến 26-27%
Ông có nhận định như thế nào về ở Việt Nam? Và thử thách lớn nhất của Cali trong 15 năm hoạt động?
Việt Nam đang có 30 triệu người ở tầng lớp trung lưu và trong vòng 5 năm tới, con số này sẽ là 45 triệu. Tức là sẽ có 15 triệu người từ tầng lớp bình dân tiến lên tầng lớp trung lưu. Và 10% trong số 15 triệu người này, tương đương với 1,5 triệu người, sẽ nghĩ đến việc đầu tư vào sức khỏe thông qua việc đăng ký hội viên để bắt đầu tập luyện.
Điều này đồng nghĩa với việc Cali phải mở thêm 150 câu lạc bộ nữa để phục vụ được những hội viên mới này. Do vậy, thách thức lớn nhất của chúng tôi chính là việc làm sao để phát triển đủ nhanh để theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số.
Trước Covid, phần đông mọi người chỉ tìm hiểu về gym chứ chưa thực sự tham gia tập luyện. Sau Covid, số lượng người quan tâm đến sức khỏe tăng lên rất nhiều, mọi người đã thay đổi quan điểm và đặt việc tập luyện trở thành ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, thị trường fitness phát triển hơn rất nhiều sau đại dịch.
Tình hình kinh doanh của Cali hiện nay so với trước dịch?
Đại dịch dù là khó khăn của nền kinh tế và nhiều ngành khác nhau, song với fitness mang lại cơ hội mới. Tương ứng, tình hình kinh doanh của Cali đang rất tốt. Chúng tôi thậm chí có những con số ấn tượng hơn so với hồi trước dịch như số lượng hội viên đến tập luyện nhiều hơn, số lượng hội viên mới tăng cao hơn, doanh thu cũng nhiều hơn.
Quy mô thị trường Việt Nam khi so với các nước trong khu vực?
Theo một thống kê, tỷ lệ thâm nhập thị trường (marketing penetration) của ngành fitness vào tầng lớp trung lưu tại Hồng Kông là 14%, Úc là 23% và Mỹ là 17%. Còn tại Việt Nam, con số này vẫn dưới 1% và đang tăng trưởng.
Thậm chí vào thời điểm Cali mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam, tỉ lệ này chỉ ở mức 0,1%. Theo dự đoán của chúng tôi, trong vòng 5 năm tới con số sẽ là 5%. Riêng năm 2022, tỉ lệ thâm nhập thị trường tại Việt Nam sẽ đạt đâu đó 1,25% đến cuối năm.
Tỷ suất lợi nhuận của ngành fitness?
Nếu kinh doanh thật sự tốt, con số đó khoảng 26-27%.
Kinh doanh ở mức trung bình thì biên lợi nhuận vào khoảng 20%.
Cuối cùng, những người không hiểu biết về ngành thì con số đó sẽ dưới 10% hoặc thậm chí là âm.
Cali không còn chạy đua mở rộng, mà sẽ đầu tư 2 triệu USD nâng cấp phòng tập hiện hữu
Ông có thể chia sẻ thêm về xu hướng của ngành công nghiệp thể hình ở Việt Nam, và chiến lược của Cali để bắt kịp xu hướng này?
Xu hướng thể hình ở Việt Nam hiện nay là toàn diện (inclusive), mở rộng (open), và linh hoạt (as flexible as possible). Trước đại dịch, Việt Nam chỉ tồn tại những phòng tập chuyên dụng như phòng tập yoga, phòng tập boxing… Sau đại dịch, xu hướng cũ lại trở thành xu hướng mới khi mọi người mong muốn được tập luyện ở một nơi có đầy đủ các loại hình tập luyện, tự do lựa chọn đa dạng bộ môn khác nhau chỉ với một thẻ hội viên.
Khi tập luyện trở thành việc phải làm, vấn đề còn lại nằm ở mức giá. Do đó, chúng tôi đã rất nỗ lực để tạo các chính sách giá phù hợp với tất cả mọi người và họ có thể tập tất cả mọi thứ mình muốn tại một câu lạc bộ duy nhất.
Một trong những xu hướng khác của thể hình hiện nay là loại bỏ rào cản trong việc tập luyện. Thực tế, nhiều người không thể tập luyện trong giờ hành chính do tính chất công việc. Cali do đó có Jetts Fitness, nơi mà mọi người có thể đến luyện tập cả vào ban đêm.
Khi xây dựng và phát triển Cali, ông có lo ngại những đối thủ đi sau sẽ bắt chước, từ đó vươn lên trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp?
Đầu tiên cần nhấn mạnh, khi các phòng tập khác bắt chước Cali đồng nghĩa Cali đang làm rất tốt. Nhưng vấn đề nằm ở việc họ chỉ đang bắt chước những gì chúng tôi làm vào 5 năm trước, trong khi chúng tôi đã tính đến việc sẽ mình sẽ làm gì trong vòng 5 năm tới.
Một số thương hiệu về fitness đã ngưng hoạt động nhưng đa số mọi người đều không hay biết bởi chúng tôi đã mua tất cả hội viên và địa điểm phòng tập của các thương hiệu này về Cali. Chúng tôi không muốn mọi người có cái nhìn tiêu cực về ngành fitness. Vì những câu lạc bộ này chỉ muốn bán gói hội viên và rồi đóng cửa, lúc này mọi người sẽ cho rằng ngành fitness chỉ toàn những công ty như vậy.
Cách đây khá lâu, Vingroup từng có chuỗi phòng tập VinCharm, nhưng do việc vận hành kinh doanh ở mảng fitness không đơn giản và gặp nhiều khó khăn nên họ muốn tiếp tục thương hiệu này nữa. Đó là lúc chúng tôi tiến hành mua lại VinCharm và tiếp quản hoạt động kinh doanh tại những địa điểm mà VinGroup đã mở.
Ngoài ra, thị trường hiện còn có BIM Group với thương hiệu Elite Fitness, hay Nova Group với chuỗi Citygym. Nếu so sánh với Cali thì khá khập khiễng, vì các Tập đoàn này fitness chỉ là một nhánh trong hệ sinh thái của họ. Còn Cali thì chỉ tập trung vào fitness.
Về vấn đề các nhân viên kinh doanh của Cali đưa ra nhiều mức giá khác nhau để bán cho khách hàng, qua đó tạo tiền đề để những đối thủ khác như Citygym vươn lên. Cali liệu có nắm bắt được thông tin này và đưa ra hướng giải quyết như thế nào?
Đồng ý là Cali có nhiều mức giá. Nhưng nguyên nhân là do Cali có nhiều hạng thẻ hội viên khác nhau, do đó dẫn đến việc có nhiều mức giá khác nhau.
Mặt khác, số lượng nhân viên đông cũng là một vấn đề (hiện Cali có khoảng 3.000 nhân viên). Cali cũng đã đầu tư vào một hệ thống CRM (Customer Relation Management), nếu bất kỳ nhân viên nào thực hiện các hành vi không đúng quy định thì họ sẽ bị xử phạt.
Trong vòng 2 năm tới, chúng tôi cũng sẽ đưa chương trình Partner in Performance để đào tạo chuyên sâu về chiến lược bán hàng cho các nhân viên mới, hướng họ đến việc phát triển thành những nhân sự giữ các vị trí quan trọng trong Công ty.
Nói về chiến lược, thực tế cần nhìn nhận rằng Cali đã phát triển và mở rộng quá nhanh nên chúng tôi đã gặp những khó khăn nhất định. Đó là lý do vì sao trong những năm gần đây, chúng tôi không mở thêm câu lạc bộ, mà đầu tư vào nền tảng để nâng cao trải nghiệm của các hội viên. Theo kế hoạch Cali dự định sẽ đầu tư 2 triệu USD vào những câu lạc bộ hiện có để mang đến những trang thiết bị mới, dịch vụ mới, đồng phục mới, nâng cấp hệ thống chiếu sáng…
Với nguồn lực sẵn có từ người đỡ đầu là tập đoàn FLG, Cali không áp lực về việc gia tăng lợi nhuận. Trong khi, việc tìm kiếm hội viên mới tốn chi phí gấp 10 lần so với việc giữ chân hội viên hiện hữu. Do vậy, chúng tôi chọn tập trung vào việc giữ chân các hội viên của Cali.
Thị phần của Cali hiện nay tại Việt Nam?
Ngay trước Covid, chúng tôi có thực hiện khảo sát và thị phần của Cali về số lượng hội viên khoảng 72-73%. Citigym và Elite không có nhiều hội viên bởi fitness không phải mảng kinh doanh chính của họ, nên họ và các phòng gym nhỏ khác chia nhau 28-27% thị phần còn lại.
Hiện tại, Cali đã có khoảng 250.000 hội viên và mỗi ngày ở các câu lạc bộ có khoảng 30.000 lượt check-in tập luyện. Ước chừng trong một năm, Cali có khoảng 11 triệu lượt check-in tập luyện.
Cảm ơn ông!