CEO bỗng nhiên bỏ đi, 14 sếp cùng diễn "trò chơi vương quyền" ở Uber
Một núi không thể có hai con hổ, nhưng Uber hiện nay thì có đến 14 nhà lãnh đạo.
Quyết định tạm nghỉ việc không thời hạn của giám đốc điều hành Uber Travis Kalanick đang đặt startup có giá trị cao nhất trên thế giới hiện nay vào tình thế "rắn mất đầu".
Uber cho biết công ty này sẽ chuyển sang mô hình mà theo đó công ty đi chung xe hàng đầu thế giới sẽ được điều hành bởi một nhóm giám đốc cấp cao bao gồm 14 thành viên. Đây không phải là cấu trúc ưa thích của Uber. Từ trước đến nay, startup này vẫn quen với việc được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo có quyền lực mạnh nhất và các giám đốc cấp cao được tạo điều kiện cạnh tranh lẫn nhau.
Trong email gửi nhân viên vào hôm 13/6, CEO Uber - Travis Kalanick viết: "Trong giai đoạn tạm thời này, đội ngũ lãnh đạo sẽ thay tôi điều hành công ty. Tôi vẫn sẽ quyết định những gì mang tính chiến lược nhất, nhưng tôi cũng sẽ để họ quyết đoán hơn và giúp bộ máy của công ty vận hành một cách nhanh chóng".
Ông Kalanick cũng cho biết lý do cho việc tạm nghỉ này liên quan tới vụ tai nạn gần đây khiến ông vừa mất đi một người thân.
Trước đó, một loạt lãnh đạo chủ chốt của Uber cũng đã ra đi, bao gồm cả giám đốc kinh doanh Emil Michael (cánh tay phải của ông Kalanick) và chủ tịch Jeff Jones.
Nói cách khác, một startup trị giá 68 tỷ USD với hơn 14.000 nhân viên và 1 triệu tài xế đang được điều hành bởi những người đứng đầu bộ phận pháp lý, nhân sự, truyền thông, sản phẩm, hỗ trợ, thay vì giám đốc tài chính, giám đốc kinh doanh, giám đốc marketing hay giám đốc điều hành.
Joseph Bower - giáo sư chuyên ngành quản trị kinh doanh của trường ĐH Harvard nhận định để một ban lãnh đạo ngang hàng đưa ra các quyết định là điều rất không khả thi. Ông cho rằng họ sẽ không thể đưa ra quyết định theo cách đó.
Đại diện Uber cho biết công ty có một nhóm lãnh đạo tốt trong đó bao gồm cả những thành viên kỳ cựu đã đi cùng Uber từ những ngày đầu thành lập đến nay và những nhân tài mới giúp Uber thay đổi.
Những vị trí trống cần phải được lấp đầy. Nhưng ai sẽ đến với Uber khi mà ngay bản thân nó đang là một mớ rối ren. Kể từ đầu năm đến nay, Uber liên tiếp dính phải khủng hoảng truyền thông, kể từ cáo buộc tình dục kiện tụng xe tự lái cho đến hành vi không đúng mực của chính nhà lãnh đạo quyền lực nhất công ty này. Để đến mức ông Kalanick phải nhờ đến sự giúp đỡcủa cựu Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Eric Holder tiến hành một cuộc điều tra kéo dài hàng tháng trời. 47 khuyến nghị đã được đưa ra trong đó yêu cầu thành lập một hội đồng giám sát, giảm đồ uống có cồn trong các sự kiện của công ty và cấm mối quan hệ thân mật giữa nhân viên và lãnh đạo.
Rất ít doanh nghiệp từng trải qua giai đoạn chuyển đổi quyền lực như Uber. Giới chuyên gia quản trị nhận định phép so sánh gần nhất với tình trạng của Uber hiện nay là "Game of Thrones" - series phim truyền hình nói về cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các gia tộc.
Số lượng công ty thành công với mô hình phân bổ quyền lực cho hơn một tổng giám đốc cũng không nhiều. Oracle Corp. được điều hành bởi nhiều tổng giám đốc sau khi CEO Larry Ellison từ chức - kể từ đó, cổ phiếu công ty này tăng 13%. Samsung Electronics Co. vẫn giữ vững vị trí hàng đầu về thị phần bán điện thoại di động toàn cầu dưới sự điều hành của 3 tổng giám đốc.
Trái lại, nhà sản xuất điện thoại BlackBerry - ResearchIn Motion Ltd. (RIM) đã từng phải vật lộn với nhà đầu tư trong suốt nhiều năm vì cấu trúc có nhiều tổng giám đốc điều hành. Cuối cùng, công ty này đã phải trở về với mô hình một lãnh đạo tập trung, mặc dù tình trạng vô tổ chức vẫn không được cải thiện.
Tình trạng "rắn nhiều đầu" ở Citigroup, Martha Stewart Living Omnimedia và Workday cũng nhanh chóng được chấm dứt. Năm ngoái, Whole Foods Market Inc. cũng đã từ bỏ cấu trúc đồng giám đốc điều hành sau 6 năm duy trì.
Zappos - một công ty con của Amazon đã từng duy trì mô hình quản trị không có sếp tổng gọi là "Holacracy", nhưng sau khi gây ra nhiều nhầm lẫn thì đã bị loại bỏ từ năm 2013. DPR Construction có một ủy ban lãnh đạo cấp cao bao gồm 8 thành viên. Nhân viên công ty cho biết các quyết định được nhóm này đưa ra đôi khi rất cẩn thận nhưng cũng đi kèm là đấu đá nội bộ.
Quá trình chuyển đổi của Uber sẽ rất phức tạp vì từ trước đến nay Kalanick đã xây dựng Uber theo cấu trúc để mọi quyết định hàng ngày ở Uber đều phải được ông thông qua.
Uber cho biết sẽ phân chia ban quản lý thành 4 đơn vị: kinh doanh, con người và tổ chức, sản phẩm và kỹ thuật, an toàn pháp lý - chính sách - truyền thông.
14 giám đốc điều hành bao gồm Rachel Holt - giám đốc Uber khu vực Mỹ và Canada, Andrew MacDonald - giám đốc Uber khu vực châu Mỹ Latin và Châu Á Thái Bình Dương, Pierre Dimitri Gore-Coty - giám đốc Uber khu vực châu Âu, Trung Đông và Châu Phi.
Ngoài ra còn có cả Ryan Graves - CEO đầu tiên của Uber, CTO Thuan Pham, trưởng phòng an ninh Joe Sulliva, giám đốc truyền thông và chính sách Jill Hazelbaker, giám đốc sản phẩm Daniel Graf, trưởng bộ phận xe tự lái Eric Meyhofer, trưởng nhóm sản phẩm Jeff Holden, giám đốc nhân sự Liane Hornsey và giám đốc pháp lý Salle Yoo.
Hai gương mặt mới là David Richter - người vừa mới được bổ nhiệm trong tuần vừa qua thế chỗ cho ông Michael và Frances Frei đến từ trường kinh doanh Harvard.
Giáo sư Finkelstein đến từ trường ĐH Dartmouth dự đoán sẽ có 2 hoặc 3 người nổi lên dẫn dắt ủy ban lãnh đạo của Uber. Ông dự đoán nhiều khả năng Uber sẽ bị phân thành hai phe: một phe ủng hộ tầm nhìn của Kalanick và một phe muốn được đi theo hướng mới. Những người vận động để đưa Kalanick trở lại hoặc đơn lẻ tìm kiếm lời khuyên của Kalanick có thể sẽ tìm thấy một cơ hội để tiếp quản trong khi vị CEO vẫn đang ở khu "phạt đền".
"Có 2 người cùng ra quyết định lãnh đạo là một sai lầm lớn cho mọi công ty, nhưng 14 người cùng chiến đấu để giành phần thắng thì lại là một chuyện khác", ông Finkelstein nói. "Nếu không có CEO, tất cả bọn họ đều cho rằng mình là ứng cử viên cho chiếc ghế đó".