CEO Be Group: Dữ liệu người dùng là tài nguyên quốc gia, doanh nghiệp Việt phải làm chủ được tài nguyên này
Theo ông Trần Thanh Hải, các tập đoàn công nghệ nước ngoài đang khai thác thị trường Việt Nam, chứ không phải đầu tư, điển hình như các mạng xã hội hay các dịch vụ chia sẻ nội dung số.
Sáng 9/5, ông Trần Thanh Hải, CEO Be Group đã có những chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019.
Theo ông Hải, Be Group ra đời và theo đuổi tư duy nhằm xây dựng một hệ sinh thái kết nối số. Thông qua các chuỗi dịch vụ này, Be Group tham gia vào giải các bài toán cụ thể trong các lĩnh vực giao thông vận tải và giao vận cùng với các chính quyền địa phương.
Trong quá trình phát triển, CEO Be Group nhận thấy môi trường khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam cũng tồn đọng nhiều bất cập từ khung pháp lý cho đến các mảng dịch vụ - vì công nghệ luôn phát triển nhanh hơn khung pháp lý, các chính sách hành chính hay điều kiện kinh doanh áp dụng cho các startup và các doanh nghiệp trong nước cũng đang chính là rào cản phát triển cho doanh nghiệp trong nước khi các doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp dịch vụ qua biên giới ngay trên chính đất nước chúng ta nhưng lại không chấp hành nghiêm túc hay thậm chí lách luật pháp Việt Nam.
Chính lý do đó, ông Hải cho rằng, nếu không thay đổi, Việt Nam khó có thể có được một nền kinh tế công nghệ và các công nghệ cốt lõi do chính con người Việt làm chủ ngay trên chính tổ quốc của mình. Doanh nghiệp công nghệ Việt cần tập trung đầu tư bài bản, nghiêm túc và có chiều sâu hơn trong các lĩnh vực công nghệ 4.0.
"Chúng ta tránh phụ thuộc vào các công nghệ hay dịch vụ của các tập đoàn công nghệ nước ngoài - mà hiện nay họ đang "khai thác" thị trường của ta, chứ không phải đầu tư. Điển hình các dịch vụ như Mạng Xã Hội, hay các dịch vụ chia sẻ nội dung số. Cái mà người ta đang chia sẻ là nội dung Việt, do người Việt làm ra, các thành phần tham gia cũng là người Việt - nhưng lại dùng toàn bộ nền tảng công nghệ và dịch vụ của người nước ngoài", CEO Be Group nói.
Trong thời đại công nghệ số 4.0, ông Hải đánh giá, tài sản quan trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ chính là cơ sở dữ liệu người dùng, hành vi người dùng. Chính người dùng đang hàng ngày làm giàu dữ liệu cho các dịch vụ nước ngoài. Trong khi đó, theo quan điểm của CEO Be Group thì dữ liệu người dùng là tài nguyên quốc gia và các doanh nghiệp Việt cần phải làm chủ được tài nguyên này. Nhà nước cũng cần kiểm soát được tài nguyên này vì đây cũng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia trên nền không gian mạng, an ninh không gian mạng cũng chính là an ninh quốc gia. Chủ động về công nghệ, quản lý được dữ liệu là cơ sở quan trọng nhất để đảm bảo những yêu cầu này.
Ông Hải nhận định, người Việt rất thông minh và thật sự giỏi trong lĩnh vực công nghệ. Rất nhiều nhân tài Việt đang làm việc ở các vị trí chủ chốt về công nghệ ở các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Cũng chính những người Việt đó cũng đang làm ra các sản phẩm tiên tiến nhất. "Vậy, tại sao lại không cung cấp cho họ môi trường tốt nhất, các chính sách tốt nhất để họ có thể cống hiến cho nền kinh tế số quốc gia? Chúng tôi với niềm tự hào này, đang đầu tư nghiêm túc các CN với rất nhiều anh tài Việt từ nước ngoài lẫn trong nước để xây dựng các nền tảng của chúng tôi".
CEO Be Group kêu gọi các doanh nghiệp Việt chung tay xây dựng và làm chủ hệ sinh thái công nghệ Việt, khẳng định vị thế tại trong nước và chủ động vươn ra thị trường quốc tế. Doanh nghiệp Việt phải chủ động đầu tư chất xám và xây dựng giá trị cốt lõi của công nghệ Việt: một hệ sinh thái công nghệ Việt.
Đồng thời, ông Hải cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt cùng cộng đồng người Việt ưu tiên sử dụng các dịch vụ và sản phẩm của nhau. Qua đó, cùng tạo được thị trường chéo cho nhau nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho mỗi doanh nghiệp và qua đó góp sức xây dựng nền kinh tế số quốc gia mà không bị phụ thuộc vào công nghệ hay dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài.
Cũng tại diễn đàn, CEO Be Group đề xuất đến chính phủ 3 điểm:
Thứ nhất, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước tránh tình trạng bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp nước ngoài vì các quy định khắt khe mà các doanh nghiệp trong nước đang phải nghiêm túc thực hiện. Ví dụ cụ thể trong việc kiểm duyệt nội dung số giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Hay về tuân thủ các nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp cung cấp các dịch quảng cáo trực tuyến hoặc các dịch vụ kinh tế chia sẻ.
Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ để có thể vững bước hội nhập khu vực một cách thuận lợi và có chiều sâu.
Thứ ba, nhân rộng niềm tự hào, đoàn kết dân tộc, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài, không để mất thị trường nội địa, không để người Việt là người làm thuê, không để bị thâu tóm dữ liệu, về lâu dài ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.