CEO 9X của IVY moda: Đi lên từ nhân viên gấp quần áo vẫn bị gắn mác ‘rich kid’, kể những cuộc đối thoại gay cấn trên bàn ăn với người bố quyền lực
“Khi câu chuyện đã được đưa ra bàn ăn, bố bắt đầu nói “bố nghĩ rằng” thì sau đó sẽ không có gì thay đổi được nữa. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch trong các cuộc hội thoại của chúng tôi”, CEO Nguyễn Lê Vũ Linh chia sẻ.
Năm 27 tuổi, Nguyễn Lê Vũ Linh (sinh năm 1995) chính thức trở thành CEO của thương hiệu thời trang IVY moda. IVY moda là một thương hiệu thời trang nội địa được sáng lập bởi doanh nhân Nguyễn Vũ Anh vào năm 2005. Nguyễn Lê Vũ Linh là con trai cả của nhà sáng lập IVY moda - ông Nguyễn Vũ Anh.
Trước khi kế nghiệp bố, ngồi vào vị trí Tổng giám đốc, Nguyễn Lê Vũ Linh phải trải qua đủ thử thách với nhiều vị trí khác nhau, từ việc gấp quần áo, thu ngân, bán hàng… Ngày bố anh nói rằng “Đã đến lúc rồi” để cậu con trai tiếp quản cơ nghiệp, điều đầu tiên CEO Vũ Linh nghĩ đến là “Làm sao để phát triển cơ ngơi mà bố đã vất vả gây dựng từ con số 0?”.
CEO Vũ Linh cũng là người thành lập Metagent – thương hiệu thời trang mới dành riêng cho nam giới từ 25-35 tuổi, cùng thuộc hệ sinh thái IVY moda. Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với CEO Nguyễn Lê Vũ Linh, nghe anh chia sẻ về hành trình “kế nghiệp” bố, phát triển IVY moda.
Chào anh Vũ Linh, sau hơn 1 năm đảm nhiệm vị trí CEO của IVY moda, anh đã thay đổi như thế nào? Trở thành CEO của IVY moda ở năm 28 tuổi, anh những áp lực và những “bài toán” khó mà anh phải đối mặt là gì?
Hơn 1 năm trôi qua, bản thân tôi có sự thay đổi rất lớn. Tôi làm được rất nhiều việc trong một ngày, vượt ra ngoài những thứ mà trước đây tôi từng tưởng tượng về bản thân. Ngoài sự phát triển của bản thân về công việc thì trách nhiệm cũng lớn hơn. Ở vị trí này, áp lực, khó khăn chắc chắn là luôn có. Không bao giờ việc điều hành một doanh nghiệp mà không có vấn đề. Những bài toán khó, nhiều vấn đề xảy ra thường xuyên, nhưng đây là điều tốt. Bởi ở một vị trí cần sự nhanh nhạy, liên tục, linh hoạt thì áp lực trực chờ là rất cần thiết.
Có phải ngay từ nhỏ, anh đã được định hướng kế nghiệp cha mình nên mới lựa chọn du học ngành thời trang?
Định hướng thì có lẽ là có. Từ bé đến lớn, những điều mình tiếp xúc hàng ngày, đâu đó cũng sẽ ảnh hưởng đến quan điểm, việc làm của mình về sau. Khi còn rất nhỏ, từ những bữa ăn sáng, trưa, tối đơn thuần khi cả nhà cùng ngồi với nhau, tôi cũng được nghe rất nhiều về thời trang.
Từ những câu chuyện rất đơn giản trong bữa ăn, dần dà, đến một thời điểm lớn hơn, tôi nhận ra rằng mình cũng thích. Và tôi quyết định tìm hiểu, theo học ngành thời trang. Đây chính là lựa chọn của tôi và dành cho tôi.
Anh được truyền cảm hứng như thế nào từ bố của mình – Chủ tịch IVY moda?
Bố tôi, người đã xây dựng một doanh nghiệp từ con số 0 đến một trong những doanh nghiệp bán lẻ về thời trang có thể nói là top đầu của Việt Nam. Trước đây, tôi chỉ biết, bố rất giỏi và những điều bố làm thật sự lớn lao.
Nhưng khi tôi được “động tay” vào làm thực sự, tôi mới hiểu đằng sau là những khó khăn như thế nào. Tôi rất khâm phục điều đó. Bố là “cái bóng lớn” cũng là mục tiêu để tôi cố gắng và vượt qua. Khi bố đã có thể xây dựng doanh nghiệp từ con số 0 đến như hiện tại thì tôi phải rất nỗ lực và có trách nhiệm phát triển nó mạnh hơn nữa.
Khi giao cho anh vị trí CEO IVY moda, bố của anh đã nói gì?
“Bố nghĩ đây là thời điểm phù hợp”. Đây là câu mà bố nói khiến tôi nhớ đến bây giờ. Theo kế hoạch, việc tôi sẽ đảm nhiệm vị trí CEO IVY moda sẽ muộn hơn một chút. Bố giao vị trí này cho tôi vào đúng khoảng thời gian dịch Covid-19 bắt đầu kết thúc. Đây là thời điểm nếu tôi “cầm” doanh nghiệp, tôi sẽ học được nhiều thứ nhất. Bởi khó khăn luôn là lúc mình học được nhiều nhất.
Bố đã cho tôi một thử thách rất lớn nhưng tôi cũng thích điều này. Khi đặt vào vị trí ở thời điểm như vậy, tôi sẽ phải “tự bơi”, tự học, tận dụng hết tất cả những thứ mình đang có để có thể xử lý được khối lượng công việc đó.
Được đặt vào tay một bài toán khó như vậy, lúc ấy, anh đã nghĩ gì?
Tôi dành khoảng 2 ngày để suy nghĩ, nhưng không phải để trả lời có hay không. Một khi việc đó đã được nói ra trên bàn ăn có nghĩa là không bao giờ thay đổi được. Mọi việc chắc chắn sẽ như bố tôi nói. Tôi cho mình 2 ngày để nghĩ thêm rằng mình sẽ làm điều gì tiếp theo chứ không phải làm sao để thoát khỏi vấn đề này.
Anh vừa nhắc đến “những câu chuyện trên bàn ăn là câu chuyện không thay đổi được”?
Thông thường, bố tôi sẽ đưa ra những câu hỏi nhưng không phải để hỏi “có” hay “không” mà là khẳng định. Khi câu chuyện đã được đưa ra bàn ăn, bố bắt đầu nói “bố nghĩ rằng” thì sau đó sẽ không có gì thay đổi được nữa. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch trong các cuộc hội thoại của chúng tôi.
Khi câu hỏi bắt đầu bằng “bố nghĩ rằng” hay “bố nghĩ là” thì tôi sẽ phải nghĩ luôn phần sau sẽ phải làm thế nào. Mỗi lần tôi nhận được thông tin như vậy thì tôi biết rằng đây là một thứ không thay đổi được nữa. Quyết định được nói ra thì sẽ không có đường lùi và bây giờ cách mà mình phải suy nghĩ đấy là mình phải tìm phương hướng bằng cách nào. Trong suốt thời gian tôi lớn lên, cách mà bố dạy tôi là luôn tìm ra một hướng để mình đi tiếp chứ không bàn lùi. Sau khi nghe chia sẻ của bố thì điều đầu tiên tôi nghĩ rằng mình đã có một bài toán như vậy rồi thì hướng giải sẽ là thế nào.
Chia sẻ một chút, trong các bữa ăn của bố và tôi đều là những buổi họp. Mỗi lần hai bố con ngồi với nhau thì khoảng 30 phút thì sẽ có khoảng 3 phút đầu tiên là nói chuyện gia đình, 27 phút sau sẽ bàn về công việc. Bây giờ 2 bố con ở 2 nước khác nhau thì chủ yếu sẽ nói chuyện qua tin nhắn. Khi bố về nước thì 2 bố con gặp nhau. Đây là cách họp vừa ăn vừa nghe và tôi thấy rất hiệu quả (cười).
Khi bố của anh ở 3 cương vị, người bố, người thầy và người sếp, có sự khác biệt như thế nào?
Tôi nghĩ rằng sự khác biệt đấy rất rõ ràng. Khi mà làm sếp, bố tôi chỉ cho tôi tất cả mọi thứ liên quan tới công việc. Trước đây, bố tôi chưa bao giờ chia sẻ về công việc, những khía cạnh liên quan đến kinh doanh hay quản trị.
Bây giờ chúng tôi nói chuyện với nhau theo vai trò giữa sếp và nhân viên nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một cái hay. Tôi muốn giữ khoảng trống để làm việc của mình. Bố cũng không can thiệp quá nhiều về việc tôi đang làm và đưa ra cho tôi những hướng dẫn, gợi ý, những điều mà tôi cần có để có thể đảm nhận được công việc này.
Thỉnh thoảng sẽ có một vài dòng tin nhắn như “Bố nghĩ là”... Và tôi lại ngồi nghĩ về vấn đề đó và tìm hướng giải quyết. Bây giờ tôi đã ở vị này gần 2 năm rồi, thỉnh thoảng ở sau dòng “Bố nghĩ là”, sẽ có phần “Con nghĩ là”. Còn nếu là trước kia sẽ không bao giờ có phần đấy.
Tự vận hành, làm nhiều việc khác nhau giúp tôi cũng có nhiều góc nhìn khác nhau. Đôi khi tôi nhận được một thông tin, quan điểm của bố và đáp lại rằng mình sẽ thay đổi một chút. Và bố tôi cũng đồng ý với điều đó. Bây giờ sự trao đổi là 2 chiều. Tôi khá thích việc giao tiếp với bố khi bố ở vai trò là sếp, là thầy và luôn thấy ở vai trò đó, tôi thu nhận được rất nhiều kết quả. Kể từ khi tôi có gia đình riêng, bố cũng ít chia sẻ với tôi về khía cạnh gia đình.
Những bài học lớn nhất mà anh được học từ bố của mình là gì?
Bài học lớn nhất mà tôi học được từ bố là cố gắng và kiên trì. Đây cũng là giá trị cốt lõi của IVY moda. Mọi người thường nói rằng giá trị cốt lõi hơi màu mè và đẹp đẽ quá, liệu rằng doanh nghiệp có làm được không.
Nhưng kiên trì, bền bỉ là điều mà founder, người sáng lập ra doanh nghiệp này là bố tôi làm rất rõ ràng và tất cả mọi người trong công ty này đều nhìn thấy được điều đó. Vậy nên khi tôi làm 5 giá trị cốt lõi của công ty thì tôi đặt điều này lên hàng đầu.
Đây cũng là nền tảng của mọi người trong công ty. Tôi luôn trong tư tưởng là startup mà kể cả khi doanh nghiệp đã có tới gần 20 năm tuổi đời. Chúng tôi vẫn có tinh thần là khởi nghiệp, kiên trì bền bỉ cố gắng làm hơn việc mà mình được giao. Tôi nghĩ đây là một thứ rất là tuyệt vời mà tôi học hỏi được từ bố.
Là một sếp trẻ tuổi, vậy cách để anh quản trị nhân sự là gì? Làm thế nào để anh khiến các nhân viên lớn tuổi hơn tâm phục khẩu phục?
Ở IVY moda, tuổi tác không phải vấn đề lớn vì đa số nhân viên bây giờ là đa thế hệ, thế hệ của tôi và gen Z. Mọi người làm việc với nhau rất dễ dàng, không liên quan đến tuổi tác mà đến đầu công việc. Với tất cả mọi người đặc biệt là nhân sự lớn tuổi hơn mình, tôi luôn dành cho họ sự tôn trọng và trân trọng kinh nghiệm, trải nghiệm của họ.
Trước kia, mọi người sẽ luôn tò mò rằng “Không biết cậu này làm gì ở IVY moda?”. Bởi trước đây mọi người không có thông tin gì về tôi, đây cũng là một khó khăn và vì điều này tôi phải cởi mở hơn với mọi người. Tôi cũng từng giống nhiều bạn trẻ khác không muốn show ra những gì mình đã làm cho người khác thấy, chỉ cần làm tốt việc của mình.
Vậy trước đó, anh từng làm gì ở IVY moda?
Tôi về làm việc fulltime tại IVY từ năm 2018. Trước đó, tôi làm nhiều việc như gấp quần áo, bán hàng, thu ngân. Tôi làm từ năm lớp 9. Đó là mùa hè đầu tiên tôi bắt đầu đi làm thêm ở cửa hàng của IVY ở Thái Hà. Sau đó, mỗi mùa hè 2 tháng, tôi sẽ đi làm thêm đủ việc ở IVY, từ vị trí marketing đến trong nhà máy.
Khi làm fulltime, tôi bắt đầu làm từ cửa hàng trưởng, đến trưởng phòng bán lẻ, rồi đến giám đốc vùng. Tiếp đến là phó giám đốc kinh doanh rồi đến tổng giám đốc. Cho đến thời điểm mà tôi làm tổng giám đốc thì tôi đã trải qua khoảng 6, 7 vị trí trước đây rồi.
Việc tôi đi làm sớm tại IVY như vậy giúp tôi thấy giá trị của lao động và giá trị của đồng tiền cũng như là sự cố gắng của từng người làm ở IVY moda từ thời điểm đó đến bây giờ.
Được biết, anh còn sáng lập và sở hữu thương hiệu Metagent. Điều gì khiến anh khi điều hành IVY moda rồi, vẫn tiếp tục tạo ra một thương hiệu riêng?
Thương hiệu riêng cũng là dự án trong tầm nhìn của IVY moda, không quá xa vời với thương hiệu chính. Tuy nhiên, tệp khách hàng mục tiêu và sản phẩm khác với IVY vì thương hiệu phục vụ cho khách hàng nam. Từ độ tuổi, tính chất của sản phẩm cũng khác thế nên chúng tôi nghĩ rằng là cũng có khả năng có thể mở rộng được thêm tới khách hàng.
Tôi nghĩ Metagent là một cái thương hiệu mà giải quyết được vấn đề mà nam giới tại Việt Nam quan tâm đến thời trang. Đó là lý do tôi quyết định chạy thêm một thương hiệu hoàn toàn mới. Khi có thêm một thương hiệu nữa thì công việc nhân đôi. Với tuổi của mình và sự linh hoạt thì đây không phải là vấn đề lớn.
Nhiều người mỗi lần nhắc đến anh, họ gán vào cụm từ “Rich kid”. Điều này có làm anh không thoải mái?
Ban đầu, tôi thấy khá thắc mắc vì sao mọi người gắn tên mình với cái cụm từ này. Ngày trước, tôi sống khép kín, không cởi mở nhiều với truyền thông. Trên MXH, từ 2021 - 2022 trở lại, tôi gần như để các thông tin ở chế độ riêng tư.
Tuy nhiên, ở giây phút mà tôi bắt đầu chia sẻ nhiều hơn vì tôi biết mình cần phải làm thế vì công việc. Nhưng sau đó, liên tục những bài báo liên quan đến đến cái cụm từ “rich kid”. “Rich kid” theo tôi là trend trên thế giới khoảng 2016 - 2017 để miêu tả những cái bạn trẻ hay chụp ảnh và chia sẻ về cuộc sống giàu có của mình trên mạng xã hội.
Nhưng bản thân tôi không bao giờ chia sẻ bất kỳ một cái gì liên quan đến những điều đấy lên MXH. Vậy vì sao ngay phút đầu tiên mà xuất hiện trên MXH khi làm tổng giám đốc của IVY thì mình lại được gắn với cụm từ “rich kid” này?
Về sau tôi mới nhận ra một việc rằng là họ khá quan tâm đến đến mình nhưng họ không có thông tin gì về mình cả. Vậy nên tôi dần cởi mở hơn, chia sẻ nhiều điều mình đang làm hơn với mọi người. Tôi cũng chấp nhận việc mọi người gắn tên mình như vậy. Việc của mình là tập trung làm tốt việc của mình để khẳng định cụm từ “rich kid” không chính xác với tôi. Tôi cũng sắp 30 và có một con rồi, mọi người vẫn cứ gọi tôi là “rich kid” (cười).
Bây giờ, tôi không cảm thấy là khó chịu mà tôi chỉ nghĩ rằng là cảm ơn mọi người vẫn là quan tâm đến bản thân mình. Tôi vẫn cố gắng làm tốt công việc của mình. Dần dần, mọi người sẽ có cách hiểu khác về tôi và nói rằng “bạn này cũng không rich kid như mình nghĩ”.
Được biết, trong khoảng thời gian gần đây, anh trở thành "Sếp" tại “Cơ hội cho ai” mùa 5. Vì sao anh lại tham gia chương trình này?
“Cơ hội cho ai” là một chương trình truyền thực tế mà tôi đã theo dõi khoảng 3 mùa trở lại đây. Tôi thấy đây là một chương trình thực tế nhân văn và thực tiễn. Doanh nghiệp thì cần người, nhân sự tìm được công việc.
Việc tham gia “Cơ hội cho ai” cũng là đúng thời điểm để lan tỏa IVY moda đến nhiều người hơn nữa cũng như việc tôi sẽ cởi mở hơn với mọi người. Đây cũng là cơ hội tốt để mọi người cảm nhận thêm về Vũ Linh, một người tưởng rằng “rich kid” nhưng hóa ra cậu ấy không như vậy.
Bên cạnh anh trên ghế nóng là 4 “sếp” có tuổi đời, tuổi nghề lớn hơn. Anh có cảm thấy áp lực?
Tôi cũng áp lực vì bên cạnh tôi là 4 sếp rất quyền lực, thông thái. Ban đầu, tôi có hơi rụt rè, chương trình nhắc tôi cần phải nói nhiều hơn, nhưng tôi phải nói với họ rằng tôi được dạy là không được ngắt lời người khác. Khi người khác đang nói, tôi không thể nào chen ngang được. Nhưng khi tôi nghe được feedback đến từ phía chương trình và nhìn thấy các sếp tung hứng thế nào, tôi dần nhận ra một việc rằng có những khoảng trống mình có thể tham gia được.
Tôi cũng luôn phải nhớ trong đầu rằng là đây là những người mà họ lớn tuổi hơn mình, nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm lớn hơn nên mình phải thực sự biết lắng nghe. Và góc nhìn và thứ mình chia sẻ với cả ứng viên có giá trị hay không. Nếu như không mang giá trị gì trong cuộc nói chuyện ấy thì đừng nói, đấy là những thứ mà tôi luôn luôn phải nghĩ trong đầu.
Sứ mệnh hiện tại của anh ở IVY moda là gì?
Bây giờ, tôi đặt IVY moda lên trên hết trong tất cả những điều mà tôi muốn làm. Trong khía cạnh công việc, tôi mong muốn rằng là sẽ IVY moda sẽ trở thành một trong những thương hiệu mà phụ nữ Việt Nam sẽ luôn luôn nghĩ đến khi mà họ nghĩ đến quần áo nội địa. Đây cũng là sứ mệnh của tôi cùng tất cả nhân sự ở thời điểm hiện tại.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!