CEO 8x xinh đẹp biến ứng dụng chia sẻ xe đạp thành "kỳ lân": Từ cô phóng viên đến sự nghiệp trị giá 10 tỷ USD, lọt top 25 phụ nữ mới nổi ở châu Á của Forbes
Từ một phóng viên về công nghệ, Hồ Vĩ Vĩ đã khởi nghiệp thành công và trở thành doanh nhân thành đạt, đưa giá trị của công ty đạt 10 tỷ USD chỉ sau 3 năm khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Hồ Vĩ Vĩ sinh năm 1982 tại Đông Dương, tỉnh Chiết Giang, trong một gia đình bố mẹ cô đều là nhà điêu khắc gỗ. Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã mơ ước trở thành một phóng viên, nhà báo. Lớn lên, cô thi đỗ Khoa Báo chí của Cao đẳng Thành Phố, Đại học Chiết Giang. Sau khi tốt nghiệp, cô tới Bắc Kinh và trở thành nhà báo như mơ ước thuở bé.
Đầu tiên, Hồ Vĩ Vĩ làm cho trang "Tin tức kinh tế hàng ngày", phụ trách mảng Khoa học công nghệ và Ô tô. Giống như tất cả các sinh viên mới tốt nghiệp thời đó, công việc của Vĩ Vĩ bắt đầu với mức lương 4 chữ số. Sau đó, cô chuyển công việc sang một số tờ bào kahsc
Do tính chất công việc, ngày nào Vĩ Vĩ cũng phải làm việc bên ngoài rất nhiều. Mặc dù tình hình giao thông thời ấy không tắc nghẽn như bây giờ, nhưng vào giờ cao điểm thì muốn gọi một chiếc taxi cũng khó. Vì vậy, Vĩ Vĩ đã nảy ra ý tưởng: Vào lúc tắc đường mà có một chiếc xe đạp thì tốt quá!
Hồ Vĩ Vĩ đã có ý tưởng về xe đạp chia sẻ từ rất sớm (Ảnh: Internet)
Trên thực tế, Trung Quốc lúc ấy đã có nhiều thành phố có xe đạp công cộng, nhưng vì thủ tục rườm rà, cách thức quản lý chưa phù hợp nên rất ít người sử dụng. Chính cô cũng đã tự mình trải nghiệm. Một lần trong nước, một lần ở nước ngoài khi đi du lịch, cô đều không thuê được xe bởi các thủ tục về thẻ xe, điểm thuê xe, trả xe… quá phức tạp.
Trải qua tình trạng ấy 2 lần liên tiếp, Hồ Vĩ Vĩ nghĩ: "Tại sao việc thuê xe đạp lại khó đến vậy? Tại sao mọi người không thể nghĩ ra cách nào thuê xe thuận tiện hơn? Tại sao dịch vụ cho thuê xe đạp không thể đơn giản hóa bằng cách thanh toán di động?"
Bằng cách này, ý tưởng ban đầu về việc chia sẻ xe đạp đã nảy sinh trong tâm trí Hồ Vĩ Vĩ. Vốn là một người nhạy bén, cô cũng cảm nhận được những cơ hội kinh doanh đằng sau đó.
Trên thực tế, lúc ấy Vĩ Vĩ đang trên con đường khởi nghiệp. Cô sáng lập trang web "Geek Auto", một phương tiện truyền thông ô tô mới, chuyên đưa tin về ô tô. Cũng nhờ vậy mà Vĩ Vĩ rất dễ dàng liên hệ với những người trong ngành, ví dụ như Lý Bân, nhà sáng lập NIO.
Xe đạp Mobike (Ảnh: Internet)
Trùng hợp thay, thời điểm đó Lý Bân cũng có ý tưởng về xe đạp công cộng. Khi biết ý định của Vĩ Vĩ, ông đã cho cô thêm một "cú huých" mạnh: "Cô làm đi, tôi sẽ đầu tư!" Thực tế đã chứng minh, tầm nhìn của Lý Bân không hề sai.
Ngay sau đó, Hồ Vĩ Vĩ thành lập dự án Mobike, Lý Bân là nhà đầu tư vòng 1 với số tiền 1,46 triệu NDT (hơn 5 tỷ VNĐ). Sau đó, vào tháng 1 năm 2015, Công ty TNHH Công nghệ Mobike chính thức được thành lập tại Bắc Kinh. Khi đó, Hồ Vĩ Vĩ 32 tuổi.
Sau khi thành lập công ty, Vĩ Vĩ chính thức khởi động dự án. Việc đầu tiên cô làm là thiết kế xe đạp có chất lượng tốt, và những khó khăn cũng bắt đầu từ đây. Cô định lượng chi phí cho mỗi chiếc xe là 800 tệ, tuy nhiên thực tế lại là 2000 tệ/chiếc. Cộng thêm các khoản chi phí khác, Vĩ Vĩ thực sự không kham nổi. Nhưng thật may mắn, dưới sự giúp đỡ của Lý Bân, mọi việc đã ổn thỏa.
Tháng 1 năm 2015, Công ty TNHH Công nghệ Mobike chính thức được thành lập (Ảnh: Internet)
Cuối năm 2015, Vương Hiểu Phong, một cựu giám đốc điều hành của Uber tại Trung Quốc cũng đã gia nhập Mobike với tư cách là người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành.
Sau khi ra mắt, Mobike đã nhận được nhiều vòng tài trợ do mọi người nhìn thấy sự khả quan của "kinh tế chia sẻ".
Đầu năm 2016, xe đạp chia sẻ Mobike chính thức vận hành thử nghiệm tại Thượng Hải. 10 tiếng sau khi được đưa ra thị trường, tất cả xe đều được thuê sạch. Sau khi đi vào hoạt động thực tế, một vài vấn đề đã nảy sinh nhưng nữ doanh nhân thông minh đều giải quyết rất êm đẹp và khéo léo.
Vào tháng 9 cùng năm, tài trợ vòng C của Mobike vượt 100 triệu USD. Tháng 1 năm 2017, tài trợ vòng D là 215 triệu USD. Tháng 6 năm 2017, vòng tài trợ E là hơn 600 triệu USD. Tuy nhiên, thành công của Mobike tại Trung Quốc không đủ để khiến Vĩ Vĩ hài lòng, cô và đồng đội đã mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
Mobike đã được mở rộng ra thị trường nước ngoài (Ảnh: Internet)
Tháng 8 năm 2017, Mobike đã vào Thái Lan, một quốc gia có nền du lịch phát triển ở Đông Nam Á. Sau đó, Mobike đã liên tiếp thâm nhập vào thị trường các nước như Singapore, Anh, Nhật Bản, Malaysia... Số lượng người dùng toàn cầu của Mobike vượt 100 triệu người và cung cấp hơn 20 triệu dịch vụ du lịch mỗi ngày.
Chỉ trong vòng 3 năm kể từ khi thành lập, Mobike đã liên tiếp thu được khoản đầu tư trị giá hơn 1 tỷ USD, và mức định giá của công ty đã có lúc hơn 10 tỷ USD, trở thành "công ty kỳ lân" lớn nhất trong ngành chia sẻ.
Năm 2017, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đã trao tặng Mobike Giải thưởng Doanh nghiệp Xuất sắc "Người bảo vệ Trái đất 2017", Mobike cũng là công ty đầu tiên của Trung Quốc nhận được giải thưởng này. Tạp chí truyền thông Fortune của Mỹ cũng đã vinh danh Mobike là một trong "50 công ty đã thay đổi thế giới năm 2017".
Cuối năm 2017, việc phát triển của Mobike bắt đầu có hàng loạt vấn đề.
Sau thành công của Mobike, hàng loạt các công ty xe đạp chia sẻ được mở ra. Vì vậy, luật đã ban hành một loạt quy định để kiểm soát tình trạng hỗn loạn của xe đạp chia sẻ, yêu cầu chủ xe phải bảo trì, bảo dưỡng xe đạp theo quy định, tuân thủ các quy định về bãi đậu xe…
Việc thắt chặt các quy định đã đẩy Mobike vào tình thế khó khăn, buộc Hồ Vĩ Vĩ phải đưa ra quyết định dứt khoát. Ngày 4/4/2018, Mobike đã được Hồ Vĩ Vĩ bán cho Meituan với giá 18,5 tỷ NDT (gần 3 tỷ USD). Meituan đã tiếp nhận khoản nợ phát sinh của Mobike, và Mobike được sáp nhập vào Meituan để trở thành "Xe đạp Meituan". Dựa trên 9% cổ phần, Hồ Vĩ Vĩ đã nhận về 1,5 tỷ NDT (khoảng 236 triệu USD).
Sau khi rời Mobike, Hồ Vĩ Vĩ vẫn tiếp tục sự nghiệp của mình (Ảnh: Internet)
Trên thực tế, sau khi Meituan mua lại Mobike, Hồ Vĩ Vĩ vẫn tiếp tục giữ chức vụ CEO và điều hành công ty. Thậm chí, vào tháng 5, cô còn có tên trong danh sách "Top 25 Phụ nữ mới nổi Châu Á" của tạp chí Forbes.
Nửa năm sau khi Meituan mua lại Mobike, Hồ Vĩ Vĩ đã từ chức. Vốn là một cô gái dám nghĩ dám làm, dám xông pha, Hồ Vĩ Vĩ vẫn tiếp tục hành trình khởi nghiệp của mình. Cuối năm 2018, cô trở thành giám đốc của WKUP Bicycle - một thương hiệu chuyên thiết kế và sản xuất xe đạp chất lượng cao cho người dân thành thị.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực xe đạp, Hồ Vĩ Vĩ còn bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực phát triển phần mềm máy tính. Vào ngày 9 tháng 5 năm 2019, Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Khảo Thụy Thượng Hải được thành lập.
Hiện tại, Hồ Vĩ Vĩ mới 40 tuổi, tương lai vẫn còn vô vàn cơ hội phía trước. Về câu chuyện của Mobike, có lẽ Vĩ Vĩ chọn ra đi vì cô ấy đã nhìn trước được những rắc rối, nhưng không thể phủ nhận rằng cái nhìn sâu sắc và nhạy cảm của cô ấy với cuộc sống cũng là điều chúng ta cần học hỏi.
Nguồn: Toutiao