CEO 8x nói về việc đăng ký DN 500.000 tỷ mà ở nhà cấp 4: Mỗi người có phong cách sống riêng!

05/06/2021 09:11 AM | Kinh doanh

Mặc dù lập doanh nghiệp vốn đăng ký tới 500.000 tỷ đồng, Nguyễn Vũ Quốc Anh vẫn ở cùng bố mẹ trong một ngôi nhà cấp 4 tại phường Phước Bình, TP.Thủ Đức, TPHCM. Đây cũng là trụ sở của Luxury Gift - 1 trong 17 công ty của Quốc Anh, chuyên bán thời trang tiền triệu, kim cương tiền tỷ nhưng nhận ship COD.

Chia sẻ với Tiền phong mới đây về việc góp hơn 500.000 tỷ đồng để thành lập công ty nhưng bản thân lại ở trong căn nhà cấp 4, Nguyễn Vũ Quốc Anh - CEO CTCP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu - nói đó là phong cách sống của mỗi người.

Lý do thuê văn phòng ảo với giá 1,2 triệu đồng/tháng, anh lý giải là do nhân viên thích làm việc ở nhà.

Chia sẻ với phóng viên trước đó, Quốc Anh cho biết mình mở tới 17 công ty, tuy nhiên, hiện mới đăng ký thành lập 5 công ty. Số vốn đăng ký thành lập 5 công ty khá đa dạng, với tiền tỷ, chục tỷ, trăm tỷ, chục ngàn tỷ và đến CTCP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu là 500.000 tỷ đồng.

Trong số 5 công ty mới thành lập, có 3 công ty đặt trụ sở tại ngôi nhà cấp 4 nói trên là CTCP Tập đoàn Công cụ Tự động Toàn cầu, CTCP Tập đoàn Quà tặng Cao cấp Toàn cầu (Global Luxury Gift), và Công ty TNHH E-Commerce Headhunter.

CEO 8x nói về việc đăng ký DN 500.000 tỷ mà ở nhà cấp 4: Mỗi người có phong cách sống riêng! - Ảnh 1.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Chia sẻ với Người Lao động, TS Châu Huy Quang - luật sư điều hành R&T LCT Lawyers, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - cho biết, về mặt pháp lý, việc đăng ký mức vốn điều lệ bao nhiêu là quyền của nhà đầu tư khi thành lập DN, nếu không góp đủ vốn khi hết thời gian quy định sẽ bị áp dụng chế tài xử phạt hành chính.

"Với DN có vốn đầu tư nước ngoài, quy định hiện hành có phần chặt chẽ hơn khi yêu cầu nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính cho việc góp vốn, như chứng minh số dư tài khoản ngân hàng hay phải có cam kết bảo lãnh của công ty hoặc tổ chức tài chính".

"Nhưng với việc thành lập DN trong nước, không có quy định bắt buộc phải chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư vào thời điểm đăng ký thành lập. Quy định với nhà đầu tư trong nước có phần dễ dàng nhằm tạo thuận lợi và khuyến khích lập DN, nhưng đồng thời cũng tạo ra kẽ hở", TS Quang nói.

Do quy định khá thoáng của pháp luật về quyền tự do đăng ký vốn điều lệ nên nhiều nhà đầu tư trong nước có xu hướng đăng ký mức vốn điều lệ lớn nhằm tạo lòng tin cho đối tác, TS Quang phân tích thêm. Cá biệt, một số trường hợp chủ ý đăng ký mức vốn điều lệ lớn bất thường. Đổi lại, trong thời gian 90 ngày thực hiện việc góp vốn điều lệ, công ty có thể đã sử dụng giấy chứng nhận đăng ký DN với số vốn điều lệ đăng ký rất lớn nhằm có được lòng tin để ký hợp đồng, giao dịch với đối tác.

TS Quang đề xuất trong quá trình xử lý hồ sơ, cơ quan cấp phép có thể xem xét kiểm tra, liên hệ với chủ sở hữu hay thành viên đăng ký để xác nhận lại thông tin đăng ký. Nếu chủ sở hữu hoặc thành viên thực hiện không đúng cam kết và đăng ký doanh nghiệp theo quy định hoặc lừa đảo bên thứ 3 thì pháp luật sẽ có chế tài xử lý tương ứng, có thể đến mức xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm.

Về phía Quốc Anh, anh cho biết việc đăng ký doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng là thực, không phải ảo. Và với anh, 500.000 tỷ đồng "chả là gì".

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM