CDC Hà Nội: Sau ngày 6/9, Hà Nội có thể phải tiếp tục giãn cách thêm ít nhất một tuần

01/09/2021 10:24 AM | Xã hội

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, CDC Hà Nội cho biết thành phố có thể phải tiếp tục giãn cách thêm ít nhất 7 ngày.

Trao đổi với chúng tôi sáng 1/9, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC) nhận định, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội vẫn diễn biến căng thẳng, CDC sẽ tham mưu cho thành phố về việc tiếp tục giãn cách ít nhất một tuần nữa.

Theo CDC Hà Nội, tính đến sáng 1/9, Hà Nội ghi nhận tổng 3.298 trong đợt dịch thứ 4 kể từ ngày 27/4, trong đó 1.547 ca ngoài cộng đồng và 1.751 ca đã được cách ly. 

Thành phố hiện có 6 ổ dịch phức tạp. Trong đó, ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân kể từ ngày 23/8 đến sáng nay đã cán mốc 372 ca. Đây là chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây, được phát hiện thông qua 2 người sàng lọc ho, sốt ngoài cộng đồng.

Ổ dịch phường Văn Miếu (quận Đống Đa) tuy khởi phát từ ngày 30/7, nhưng đến nay vẫn rải rác ghi nhận nhiều ca bệnh. Sáng 1/9, phường Văn Miếu tiếp tục phát hiện 3 ca trong khu phong tỏa, hiện đã có tổng 106 trường hợp.

Ổ dịch phường Văn Chương (quận Đống Đa) từ ngày 17/7 có tổng 89 ca.

Ổ dịch tại ngõ 24 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, lây nhiễm từ 4 lái xe luồng xanh về từ TP.HCM khai báo không trung thực, hiện ghi nhận 44 ca. Trong đó, 42 ca tại phường Giáp Bát, 1 ca tại huyện Thanh Trì và 1 ca tại huyện Thường Tín.

Hai ổ dịch xã Tân Lập, huyện Đan Phượng và chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) đều khởi phát từ ngày 28/8, tính đến sáng 1/9 lần lượt có 12 và 16 ca.

 CDC Hà Nội: Sau ngày 6/9, Hà Nội có thể phải tiếp tục giãn cách thêm ít nhất một tuần - Ảnh 1.

Hà Nội có thể tiếp tục giãn cách sau ngày 6/9 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh (Ảnh: Đinh Huy)

Ngoài ra, theo CDC Hà Nội, chùm ca bệnh liên quan cửa hàng tự chọn 218 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng tiềm ẩn nguy cơ cao. Đây là cửa hàng bán thực phẩm thiết yếu, có rất đông người đến mua nhưng không lắp đặt lớp kính chắn giọt bắn giữa người mua hàng và người thanh toán. Khi thanh toán có rất đông người và thủ tục thanh toán lâu, không có sự giãn cách tối thiểu 2m. 

Thậm chí, khi có triệu chứng bệnh, bà chủ cửa hàng - người đầu tiên khởi phát bệnh vẫn tiếp tục bán hàng, dẫn đến khả năng lây lan cho người đến mua hàng rất cao.

CDC Hà Nội một lần nữa nhấn mạnh, người dân cần khai báo y tế ngay khi xuất hiện các triệu chứng bệnh để được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc Covid-19.

Ngoài ra, những người không có các biểu hiện triệu chứng nêu trên nhưng có hoạt động hay đặc thù công việc phải đi lại, hay tiếp xúc với nhiều người cũng phải thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm.

"Ngay cả khi ra đường mua đồ thiết yếu, người dân cũng cần rút ngắn thời gian, mua đúng, đủ đồ dùng rồi về ngay, giảm xuống mức thấp nhất có mặt tại nơi đông người như chợ, siêu thị", ông Tuấn nói.

Trong cuộc họp Sở Chỉ huy phòng, chống Covid-19 TP. Hà Nội sáng 31/8, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh cần tuyên truyền, vận động người dân tự giác thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, đặc biệt tuân thủ giãn cách xã hội. Đồng thời huy động tối đa các lực lượng ở cơ sở, vừa phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vừa giảm tải cho lực lượng tuyến đầu.

Ngoài ra, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 bảo đảm an toàn, hiệu quả; nâng cao năng lực điều trị; tập trung truy vết thần tốc, bóc tách F0 và cách ly triệt để các trường hợp liên quan, dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, không để lây lan rộng ra cộng đồng.

Clip: "Biệt đội" đến từng nhà phát lương thực cho 600 nhà dân tại ổ dịch phường Thanh Xuân Trung

MINH NHÂN

Cùng chuyên mục
XEM